Tuesday, April 23, 2024

Chờ đợi gì ở cuộc tranh luận tổng thống cuối cùng?

Hà Tường Cát/Người Việt

LAS VEGAS, Nevada (NV) – Cuộc tranh luận tổng thống giữa hai ứng cử viên Donald Trump (Cộng Hòa) và Hillary Clinton (Dân Chủ) vào tối Thứ Tư, 19 Tháng Mười, sẽ rất quan trọng đối với cả hai, cho dù ai đang có lợi thế hoặc thất thế. Rất có thể sẽ có nhiều điều ngạc nhiên và người thất thế lật ngược được thế cờ, ít nhất là trên lý thuyết.

Tuy nhiên, một ngày trước tranh luận, phát biểu của Tổng Thống Barack Obama về chuyện ông Trump tố cáo bầu cử gian lận, mặc dù không đưa ra bằng chứng, có thể đẩy ông tỷ phú vào thế bị động, nhưng cũng có thể không có hiệu quả gì.

Hôm Thứ Ba, ông Obama đề nghị ứng cử viên Donald Trump nên chấm dứt “rên rỉ” và đừng làm mất uy tín hệ thống bầu cử dân chủ tự do của nước Mỹ nữa. Theo lời ông, trong lịch sử Mỹ, đây là lần đầu tiên một ứng cử viên tổng thống nhiều lần phàn nàn và tỏ bày sự không tin tưởng vào cuộc bầu cử trước khi cử tri bỏ phiếu.

Tổng Thống Obama cho rằng sự chuyển giao quyền lực êm thấm là căn bản để nền dân chủ Mỹ tồn tại.

Ông nói: “Ðất nước chúng ta có truyền thống về những cuộc tranh cử mãnh liệt, nhiều khi tới tranh chấp ác độc vượt mức kiềm chế, nhưng khi đã xong, kẻ thua cuộc bao giờ cũng chúc mừng người thắng, xác nhận nguyên tắc dân chủ của chúng ta và chúng ta tiến tới.”

Tổng Thống Obama phát biểu những ý kiến này trong cuộc họp báo chung tại Vườn Hồng trong khuôn viên Tòa Bạch Ốc, có sự hiện diện của Thủ Tướng Ý Matteo Renzi, đang thăm Hoa Kỳ, một ngày trước cuộc tranh luận lần thứ ba và cuối cùng, giữa ông Donald Trump và bà Hillary Clinton

Thời gian và địa điểm tranh luận

Cuộc tranh luận sẽ bắt đầu lúc 6 giờ chiều (giờ California), Thứ Tư, 19 Tháng Mười, tại đại học University of Nevada, Las Vegas, và kéo dài trong 90 phút.

Khoảng 12 hệ thống truyền hình lớn sẽ trực tiếp phát hình đi toàn quốc, từ ABC cho đến Univision.

Cuộc tranh luận thứ nhất có 84 triệu khán giả truyền hình xem trực tiếp, lần thứ nhì có 62 triệu, và lần thứ ba dự đoán sẽ chỉ bằng hay kém lần trước.

Các mạng xã hội và Internet cũng như Người Việt Online sẽ trực tiếp trích đoạn và phân tích cuộc tranh luận.

Hình thức

Hình thức cuộc tranh luận lần này cũng giống như lần đầu tiên ở New York.

Ðây là điều tốt cho ông Trump vì rõ ràng ông quen đứng sau bục thuyết trình với microphone trong tay hơn là lối nói chuyện ở hội trường, như trong lần tranh luận thứ nhì ở St. Louis. Trong cuộc tranh luận thứ nhì, có những lúc ông cho thấy sự vụng về di chuyển không đúng chỗ trên bục kể cả tới phía sau bà Clinton.

Bà Clinton thể hiện thái độ bình tĩnh khoan thai hơn, thỉnh thoảng ngồi xuống ghế nghe ông nói.

Nhưng với lối quen thuộc tìm cách trút những lời chỉ trích mình sang phía đối phương, cuối tuần trước, ông Trump đưa ra đề nghị “thử máu các ứng cử viên xem có dùng thuốc gì không.” Theo lập luận của ông, bà Clinton tỏ ra rất hăng hái trong giai đoạn đầu tranh luận, sau đó “gần như không còn đủ sức bước ra xe nữa.”

Ðiều hợp viên

Nhà báo Chris Wallace, 69 tuổi, của đài truyền hình Fox News, với kinh nghiệm nghề nghiệp hơn 50 năm, sẽ là người điều hợp cuộc tranh luận. Trong giai đoạn bầu cử sơ bộ, ông đã cùng với hai nhà báo Brait Braier và Mergyn Kelly, cũng của Fox News, điều hợp cuộc tranh luận đầu tiên ngày 6 Tháng Tám, giữa của 16 ứng cử viên Cộng Hòa.

Ông Wallace loan báo sẽ có sáu đề mục tranh luận chính chia đều cho mỗi khoảng thời gian 15 phút, bao gồm: nợ quốc gia, di dân, kinh tế, tối cao pháp viện, đối ngoại và những điểm nóng trên thế giới, sự thích hợp với vai trò tổng thống.

Ông cũng có nhiều thông tin mới về hai ứng cử viên để có thể đào sâu moi móc trong cuộc tranh luận. Với ông Trump là chuyện các phụ nữ hết người này đến người khác lên tiếng tố giác ông về những ngôn ngữ và hành vi xâm phạm tình dục. Với bà Clinton là nội dung những email mà WikiLeaks liên tiếp đưa ra nói là lấy được từ ban tranh cử của bà.

Ảnh hưởng của những lần tranh luận

Các quan sát viên không tin là cuộc tranh luận cuối cùng sẽ ảnh hưởng gì đáng kể đối với tình thế tranh cử, tác động bất ngờ nếu có cũng sẽ chỉ rất nhỏ.

Những khác biệt giữa về đường lối, chính sách quốc gia, kế hoạch hành động giữa hai ứng cử viên sẽ không được chú ý nhiều vì khó có gì đặc biệt mới lạ. Như thế, sẽ thấy đầy rẫy những lời lẽ phê phán đả kích lẫn nhau giữa hai đối thủ với nội dung không mới và kể cả không tránh né những đề tài rất thấp kém.

Ông Trump có lẽ vẫn dùng kỹ thuật luôn luôn cắt lời đối phương hoặc tìm cách xen ngang bằng một vài tiếng khiêu khích châm chọc. Kỹ thuật này rất có hiệu quả tạo được sự chú ý và gây hào hứng với cử tọa hiện diện. Tuy nhiên, sự phản tác dụng của phương cách ấy là không chứng tỏ được giá trị và tư cách xứng đáng giữ vai trò tổng thống nước Mỹ. Ông đã không tiến thêm điểm nào qua hai kỳ tranh luận trước.

Theo các chuyên gia về tranh luận, bà Clinton có kinh nghiệm không chỉ về ngôn ngữ bình tĩnh mà còn là dáng điệu chủ động hơn trong khi tranh luận. Cái gọi là “body language” này chiếm phần rất quan trọng khi cuộc tranh luận bị hạ thấp tới chỗ đấu khẩu tầm thường.

Cuối cùng có một nguyên tắc căn bản nhất để nhận định về thắng bại trong tranh luận, đó là người thắng cuộc sẽ không bao giờ phàn nàn gì hết!

MỚI CẬP NHẬT