Có ai biết Nguyễn Tuấn không?

Ngô Nhân Dụng

Tên Nguyễn Tuấn đã xuất hiện trong mục này, vào cuối năm 2014, sau khi anh qua đời như một người vô gia cư, vô thừa nhận. Báo Người Việt đăng câu chuyện Nguyễn Tuấn ngày 22 Tháng Mười Một năm 2014, thắp một nén hương nhân 49 ngày của anh, với hy vọng có thân nhân nào nhận ra và đón thi hài anh về chôn cất hay không. Sau hơn hai năm, Nguyễn Tuấn đã biến thành tro, mới tìm được nơi an nghỉ tại chùa Liên Hoa ở khu Tiểu Sài Gòn, chùa làm lễ cầu siêu cho anh vào cuối tuần này.

Trong các bản tin cuối tuần qua trên báo Người Việt, ký giả Hà Giang đã trình bày những gì có thể biết được về Nguyễn Tuấn, cuộc sống không nhà của anh, tình yêu mến và lòng kính trọng của những người quen biết anh, cuộc hành trình đưa anh từ nhà xác Los Angeles về chùa Liên Hoa.

Nguyễn Tuấn qua đời khi đang ngồi trong quán bánh ngọt Jolly Donuts trong thành phố Los Angeles, nước Mỹ. Một chiếc xe hơi SUV đâm thẳng vào tiệm bánh lúc anh đang uống cà phê, khoảng 10 giờ đêm ngày 4 Tháng Mười năm 2014. Khi chết đi, trong túi Nguyễn Tuấn chỉ có mấy tấm vé xổ số cũ, 350 đô la tiền mặt, và một điện thoại di động. Trong máy không ghi lại một số điện thoại của người nào. Cũng không thấy số điện thoại nào gọi tới. Thi hài anh được đưa vào nhà xác thành phố, tạm ghi tên là John Doe No. 278. nằm giữa mấy trăm di hài vô thừa nhận trong một thành phố gần 10 triệu dân.

Cảnh sát và Sở Xe Tự Ðộng không tìm ra tung tích khi dùng dấu tay anh. Nếu tìm trong hồ sơ của Sở Di Trú chính phủ Mỹ, chắc có thể thấy; vì khi một di dân vào nước Mỹ thế nào cũng được lấy dấu tay. Nhưng trước đây gần 40 năm chưa có máy vi tính để chứa được nhiều dấu tay trong hồ sơ di dân như bây giờ. Cất công tìm bằng tay, bằng mắt thì có thể nhưng sẽ tốn quá nhiều thời giờ của nhiều công chức. Chính phủ nào muốn chi tiêu một số tiền lớn như vậy chỉ để tìm danh tính một người vô gia cư không quan trọng?

Một người quen thân Nguyễn Tuấn trong 20 năm là bà Lori Huynh, 79 tuổi. Bà Huỳnh vượt biển tìm tự do năm 1980 khi chồng bà còn nằm tù trong trại “cải tạo.” Bà Huỳnh kể lại nhiều cảnh hãi hùng trong chuyến đi của chiếc tàu chở 300 người. Quen biết hai năm bà mới nghe Tuấn thổ lộ, kể rằng gia đình anh đã chết hết trên mặt biển; anh là người duy nhất còn sống.

Không biết gia đình Nguyễn Tuấn vượt biển năm nào. Khi qua đời anh khoảng 53 tuổi thì chắc lúc đến Mỹ anh đã hơn 13 rồi. Nguyễn Tuấn cũng chỉ tâm sự với bà Huỳnh một phần nhỏ chuyện đời mình và còn nhiều chi tiết mà bà Huỳnh không được nghe hoặc quên thuật lại. Cái chết của cha mẹ anh, và bao nhiêu người khác trong cùng chuyến vượt biển đã ảnh hưởng tới tâm não anh thế nào? Nguyễn Tuấn vẫn một mình vác cây thập tự bao nhiêu năm, cho đến ngày 4 Tháng Mười năm 2014. Chắc hương hồn anh đã bay ngay về Biển Ðông đi tìm cha mẹ.

Nhưng có một điều rõ ràng, minh bạch, không có gì bí ẩn trong cuộc đời Nguyễn Tuấn: Tất cả những người quen biết đều thương tiếc anh. Anh là người “không bao giờ làm phiền ai cả” như người bạn vô gia cư Carrillo nói khi nhớ tới anh. Một người như thế đã khó kiếm trên cõi đời này. Người như Nguyễn Tuấn còn khó kiếm hơn nữa. Anh nhân từ, hào hiệp, luôn “sẵn sàng giúp ích” người chung quanh; như châm ngôn của các Hướng Ðạo Sinh. Anh theo một quy tắc cư xử mà loài người vẫn dạy nhau mấy ngàn năm nay: Cứ sống đàng hoàng tử tế; người khác sẽ thương yêu và tử tế với mình. Nhiều người sống như vậy, chúng ta sẽ tạo nên một thế giới tử tế.

Sau khi bài đầu tiên về Nguyễn Tuấn lên báo Người Việt cuối năm 2014, một số độc giả, như cô Christina ở Long Beach, và cô Phương Quỳnh, đã tình nguyện liên lạc với chính quyền thành phố Los Angeles để xin mai táng cho Nguyễn Tuấn; nhưng thủ tục không cho phép.

Năm đó, hàng trăm độc giả nhật báo Los Angeles Daily News viết thư khen ký giả David Montero, người viết bài “Who was Tuan Nguyen?” kể chuyện cái chết của anh và tình cảm của những người quen biết anh khi còn sống. Họ đều khen ngợi và chúc Tuân Nguyên an giấc ngàn thu. Một độc giả, ký tên Larry Morgan, đặt câu hỏi: “Tại sao một người nhân từ và có tinh thần trách nhiệm như thế lại sống 30 năm ngoài đường?” Tại sao anh ta không xin phiếu trợ cấp thực phẩm (food stamps) và chương trình trợ cấp tổng quát (General Relief) của chính phủ?” Larry còn nhận xét: “Tấn thảm kịch trong câu chuyện này là một người có giá trị như anh ta (Nguyen Tuan) lại phải sống một cuộc đời đáng lẽ anh không phải sống như thế suốt 30 năm. Trong đất nước chúng ta (nước Mỹ), dù chỉ còn một người sống vô gia cư thôi cũng là điều không thể tha thứ được.”

Ký giả Montero trả lời, viết rằng theo ông được nghe thì Nguyễn Tuấn không muốn sống với trợ cấp xã hội. Nhiều người kể họ từng muốn giúp đỡ nhưng anh không nhận, Tuấn nói rằng anh thích sống không nhà như vậy, nhiều người đã chọn sống cách sống đó.

Một độc giả bạn của Larry Morgan, đồng ý: “Tôi đoán trong chuyến vượt biển cái chết của cha mẹ anh kinh khủng lắm nên anh mới thành một con người khác hẳn chúng ta.” Ký giả David Montero kết luận: “Chắc chúng ta đều có thể bị rớt xuống như vậy, nếu không nhờ ơn sủng thiêng liêng và những người chung quanh săn sóc giúp chúng ta không rơi xuống vực thẳm.” Một độc giả, ký tên LSK, cảm ơn David đã kể chuyện Tuấn Nguyễn, và cũng cầu nguyện: “Mong mọi người chúng ta hãy tiếp tục mở đôi mắt và trái tim mình với những người sống chung quanh, và cầu nguyện Mr. Nguyen an nghỉ ngàn thu.”

Sau khi đọc câu chuyện Nguyễn Tuấn do Montero kể trên báo Los Angeles Daily News, tôi thấy phải cảm ơn người đàn ông không nhà mới qua đời này. Bao nhiêu người ca ngợi anh, họ đã khen ngợi một người Việt, một đồng bào tôi, tôi cảm thấy hãnh diện về dân tộc mình. Cảm ơn Tuấn!

Rồi tôi tự hỏi: Cha mẹ Tuấn đã dạy dỗ anh cách nào để người con trai sống với tư cách đàng hoàng như thế suốt một đời, cả song thân đã mất từ năm anh mới 12, 13 tuổi? Cha và mẹ anh chỉ dạy anh theo những điều chính họ học từ ông bà, chú, bác, các thầy giáo, cô giáo ở Việt Nam. Nền luân lý mấy ngàn năm để lại, vẫn được giữ gìn trong nền nếp xã hội Việt Nam trước khi gia đình Nguyễn Tuấn vượt biển. Tất cả tạo nên môi trường đào luyện những con người như Nguyễn Tuấn.

Có ai biết Nguyễn Tuấn không?

Chúng ta có hàng triệu, hàng chục triệu những em Nguyễn Tuấn (hay các em gái Nguyễn Thị Tuấn) đã và đang được cha mẹ người Việt sống làm gương và dạy các em biết phải sống với tư cách thế nào cho người khác trọng. Họ mong các em sẽ trở thành những con người nhân từ, hào hiệp, sống đường hoàng, như chính họ đã được dạy bảo. Những em Nguyễn Tuấn đó lớn lên sẽ mang theo những quy tắc luân lý làm hành trang cho cả cuộc đời, dù giàu hay nghèo, thành công hay thất bại, dù sống trong nước hay đang ở khắp bốn phương trời. Nghĩ như vậy chẳng cảm thấy ấm lòng hay sao?


Lễ cầu siêu của Nguyễn Tuấn sẽ được Hòa Thượng Thích Chơn Thành, viện chủ chùa Liên Hoa chủ trì, từ 2 giờ chiều đến 4 giờ chiều, ngày Thứ Bảy, 15 Tháng Tư, tại địa chỉ 9561 Bixby Avenue, Garden Grove, CA 92841.