Friday, March 29, 2024

Giả đạo đức và cuộc tranh chấp về trường học tại Anh

Lê Mạnh Hùng

Hệ thống giáo dục công tại Anh từ trước ở bậc trung học vẫn chia làm hai loại trường: Các trường gọi là “grammar school” lựa chọn học sinh vào học qua một kỳ thi tuyển vào năm 11 tuổi gọi là “eleven plus” và trung học thường cho tất cả học sinh còn lại. Trong nhiều năm, các trường “grammar school” này là nơi mà các học sinh nghèo mà thông minh có cơ hội tiến thân vì hầu hết các nhà khá giả tại Anh cho con đi học trường tư không dính dáng gì tới hệ thống giáo dục của nhà nước cả. Thế nhưng cách đây khoảng trên hai chục năm, nhân danh cái gọi là bình đẳng cơ hội cho tất cả trẻ em, chính phủ Anh đã hủy bỏ hầu hết các trường “grammar school” này và thay thế bằng những trường gọi là trung học tổng hợp (comprehensive high school) cho chung tất cả mọi học sinh. Chỉ có một số quận còn giữ lại các trường grammar school và hệ thống cũ. Toàn thể nước Anh nay chỉ có khoảng 160 trường “grammar school” này.

Với học phí tại các trường tư thục ngày một gia tăng, các trường “grammar school” đã trở thành mục tiêu của các gia đình khá giả mà trước kia vẫn cho con đi học trường tư và họ đã dần dần loại các học trò nghèo ra khỏi các trường grammar qua việc gởi con đi học thêm các lớp luyện thi để bảo đảm rằng con họ có chỗ. Thành ra khi mà bà thủ tướng Theresa May trong một bài diễn văn vào tuần nói đến việc cho phép mở lại và mở rộng các trường grammar tại Anh thì một làn sóng phản đối đã nổi lên, đặc biệt là từ phía những người mà con cái họ không hề bước chân đến một trường trung học tổng hợp nào cả.

Điều mỉa mai là mặc dầu những ồn ào chống dối, quyết định của bà Theresa May cũng không tạo ra một thay đổi bao nhiêu dẫn đến điều mà bà nói muốn làm tức là cho tất cả mọi trẻ em tại Anh không phân biệt giầu nghèo một cơ hội thăng tiến bình đẳng.

Trừ phi tổng số các công việc có địa vị xã hội và trả lương cao tăng lên một cách nhanh chóng như trong các thập niên ngay sau thế chiến – một điều khó có thể xảy ra – thì những trẻ em nghèo mà có tài cũng phải vật lộn và khó có thể ngoi lên ngoại trừ khi đẩy được những trẻ em nhà giầu nhưng dốt ra khỏi những vị trí ưu đãi của chúng. Nói một cách nôm na cần phải có “room at the top.”

Nhưng cái “room at the top” này ít khi được mở ra vì những đứa dốt này đã được bảo vệ quá tốt bởi những bậc cha mẹ bỏ tiền ra thuê thầy dậy kèm, dậy lễ tiết cũng như giúp đỡ việc lèo lái qua các cuộc phỏng vấn cũng như các thủ tục phức tạp trong tiến trình kiếm việc. Các bậc cha mẹ này còn có thể chọn lựa dọn nhà đến những nơi có trường tốt, quan hệ để kiếm những công việc intership tốt và nếu cần còn đóng góp bằng vật chất để con mình có thể có một chỗ tập sự tốt. Thất bại trong trường hợp có những trợ giúp như thế này chính nó phải là một thành tích.

Mời độc giả xem thêm video: Nga-Tàu tập trận né khu vực tranh chấp trên Biển Đông

Không một bậc đại sư nào mà có thể tính toán chu đáo bằng một bậc cha mẹ tính toán nhằm tạo cơ hội cho con mình. Và đó là điều mà bà Thủ Tướng Anh Theresa May gặp phải nếu bà muốn có một nước Anh hoàn toàn bình đẳng về cơ hội thay vì chỉ bớt bất bình đẳng đi đôi chút. Nếu bà May thực sự muốn một nước Anh như vậy việc thay đổi trong hệ thống giáo dục trung học không không đủ. Trong một xã hội như xã hội Anh hay Mỹ, muốn làm cho thăng tiến xã hội trở nên dễ dàng hơn thì cũng phải làm cho việc đi xuống trở thành dễ dàng hơn. Và để làm vậy nhà nước sẽ phải dụng mạnh tới quyền lợi của những người có tiền, tức là tầng lớp có ảnh hưởng mạnh nhất trong chính trị. Liệu các cử tri có ủng hộ loại thuế thừa tự có tính cách tịch thu như dưới chế độ Cộng Sản hay không? Làm sao có thể bài trừ việc lợi dụng các quan hệ cũng như những hình thức gọi là “soft cheating” tỷ như học tư, hoặc tài trợ để được nhận làm intern? Những nhà giàu củng cố địa vị của họ qua việc hôn nhân bên trong cùng một tầng lớp xã hội. Nhà nước làm sao có thể quản lý tình cảm của người ta?

Đưa ra những điều này chỉ là để cho thấy sự không tưởng của chúng. Vào lúc này hầu như ai cũng nói tới thăng tiến xã hội. Nhưng hầu như không ai thực lòng muốn vì ai cũng muốn một xã hội mà con cái mình không thể nào đi xuống hay là cảm thấy khả năng có thể bị đi xuống. Đó là một tình cảm tự nhiên. Thế nhưng ta không nên che dấu nó bằng cái mặt nạ quan tâm đến công bằng cho tất cả mọi người.

Tất cả chúng ta đều đã từng biết khi còn đi học những người bạn nghèo mà vì gia cảnh không thể nào tiến lên đạt được những thành quả mà khả năng của họ có thể đạt dược. Và khi đi làm hầu như tại cơ sở nào cũng thấy có những người mà sự hiện diện của họ là nhờ những giúp đỡ bên ngoài khả năng của họ. Đó là hai khía cạnh của cuộc đời mà chúng ta khó có thể tránh được. Bà May có thể muốn một xã hội mà mọi người đều đạt được những tưởng thưởng tương xứng với khả năng của mình bất chấp những hoàn cảnh xã hội. Nhưng đó là một việc quá không tưởng có lẽ vì vậy sự tranh chấp ồn ào chung quanh việc tái lập các trường grammar đóng một vai trò thay thế để tránh nói đến những đặc lợi khác mà việc nhắc đến gây nhiều phiền toái hơn.

MỚI CẬP NHẬT