Mỹ không kích Syria: Quan hệ quân sự Việt – Mỹ sẽ biến đổi?

Phạm Chí Dũng

“Đồng chí Assad“

Hầu như rõ ràng, nước Mỹ đang trở lại thời kỳ cứng rắn chống nạn khủng bố quốc tế và các chế độ độc tài – khi đối chiếu cuộc không kích Syria mới đây của Tổng Thống Donald Trump với chiến dịch “Bão táp sa mạc” tiêu diệt chế độ Saddam Hussein ở Iraq của Tổng Thống George W. Bush cách đây hơn một thập niên.

“Người không thể đoán” Donald Trump một lần nữa khiến cả thế giới bất ngờ bởi hành động quyết liệt bắt chế độ gia đình trị Assad phải trả giá phần nào cho việc chính quyền nước này chụp hơi ngạt vũ khí hóa học lên đầu mặt người dân thường Syria.

Bây giờ thì nhiều người bắt đầu hiểu ra: Assad có thể là Hussein, Syria có thể sẽ là một chiến trường tương tự Iraq khi xưa. Ông Trump đã tự xóa tan mối nghi ngờ của công luận về mối quan hệ đi đêm giữa ông và ông Vladimir Putin bằng trận đánh vào Syria – được xem là “hậu cứ” của nước Nga ở khu vực Trung Đông.

Ông Trump cũng vừa làm giảm đi nghi ngại của công luận về khả năng thỏa hiệp của ông với Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: cuộc không kích Syria của Mỹ xảy ra ngay trước bữa ăn mà ông Trump chiêu đãi ông Tập tại Florida.

Những động thái bất ngờ đến mức không thể đoán trước trên chắc hẳn buộc giới lãnh đạo Việt Nam, trong đó chủ yếu là hai nhân vật quan trọng của Quân Ủy Trung Ương, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ Trưởng Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch, phải họp khẩn cấp và căng đầu để cố gắng phán đoán về những bước đi quân sự tiếp theo của Mỹ, dưới thời ông Trump.

Khác nhiều với thời Tổng Thống Barack Obama – chỉ răn đe chính trị, vận động ngoại giao và chế tài kinh tế với Assad mà hầu như không có hành động quân sự phủ đầu đáng kể nào – nước Mỹ thời Trump đang bộc lộ một xung động can thiệp quốc tế khó ngờ. Thậm chí không ngại chiến tranh khu vực.

Tàn sát hơn 400,000 dân thường Syria, “đồng chí Assad” của Việt Nam cũng bởi thế có thể sẽ phải kết thúc triều đại trên giá treo cổ – hệt như Saddam của Iraq trước đây. Sau 59 quả tên lửa Tomahawk của Mỹ bắn vào căn cứ quân sự của chính quyền Syria, báo giới đảng trị ở Việt Nam chỉ phản ứng một cách yếu ớt. Cũng chưa thấy chính thể Việt Nam ra mặt phản đối Mỹ như “người anh em” Trung Quốc, Iran và Bắc Hàn bày tỏ.

Tất cả lại phải chờ đợi những bước đi tiếp theo của ông Trump, trong khi độ mẫn cảm giới tình báo Việt Nam luôn bị xem là thua xa giới phân tích chính trị và quân sự quốc tế về khả năng tiên đoán những gì chưa diễn ra.

Nhục quá hóa hèn

Trong lúc chưa biết ông Trump và nước Mỹ có quyết định xóa sổ chế độ Assad hay không, và nếu có thì sẽ bằng cách nào, chỉ biết rằng Hà Nội đang phải đối diện với một nước Mỹ không còn “mềm yếu” như thời Obama. Tình thế và tương quan đã thay đổi, và có thể sẽ biến đổi rất nhanh và trên diện rộng.

Nước Mỹ cũng bởi thế đang trở nên đáng sợ hơn. Không chỉ là áp lực phải cải thiện nhân quyền đối với Việt Nam đã, đang và chắc chắn sẽ tăng lên, mà cả trên phương diện áp lực quân sự của một nước Mỹ có lợi ích và phải làm nhiều cách để bảo đảm an ninh – an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Còn nhớ vào đầu năm 2016, một tàu khu trục Mỹ lần đầu tiên tiến vào Biển Đông như một tuyên bố không quá ẩn dụ răn đe lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc. Cũng khi đó, Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã tỏ ra “tiến bộ” hơn khi lần đầu tiên phát ra tuyên bố: “Tàu Mỹ đi qua vô hại…”

Nguy cơ Trung Quốc thôn tính Biển Đông, với chiến dịch quân sự đầu tiên nhắm vào quần đảo Tường Sa của Việt Nam, gần đây không còn là nguy cơ mà đang hiện hữu hơn rất nhiều. Nếu vào năm 2016 Trung Quốc thẳng tay bố trí tên lửa ở đảo Phú Lâm thì có thể hiểu là cả một dải miền Trung của Việt Nam bị nằm trong tầm ngắm hủy diệt.

Sau vụ giàn khoan Hải Dương 981… Sau cái năm 2014 bắt đầu sóng to gió lớn ấy, giới lãnh đạo Hà Nội vẫn nuốt nhục và cố đu dây. Chỉ có điều chẳng có gì là mãi mãi theo lối nhục quá hóa hèn.

Chỉ vài năm gần đây mới xuất hiện một luồng quan điểm trong giới chóp bu Việt Nam về chuyện “Việt Nam có thể trở thành đồng minh quân sự của Mỹ” như Nhật và Nam Hàn.

Nhưng “nhục quá hóa hèn” khiến não bộ giới lãnh đạo Việt Nam như thể đông cứng vì sợ hãi. Sợ hãi cả thù lẫn bạn. Cho dù từ lâu họ không còn mấy hy vọng vào người Nga sẽ có thể làm đôi chút nào đó cho họ nếu Việt Nam bị Trung Quốc tấn công.

Cần nhiều hơn sợ

Chỉ còn có Mỹ. Duy nhất là Mỹ.

Cũng đã từ lâu, Việt Nam cần đến Mỹ một cách không thể thực tế hơn, trái ngược với lối tuyên giáo của giới đảng là “Mỹ cần Việt Nam hơn.”

“Thị phần Mỹ” không chỉ quá hấp dẫn bởi Việt Nam nhờ đó mà xuất siêu đến hơn $30 tỷ hàng năm, trong khi phải nhập siêu đến $55 tỷ mỗi năm từ Trung Quốc, mà về sau này cùng với đà gây hấn của Trung Quốc tăng lên ở Biển Đông, hình ảnh nước Mỹ còn gia tăng trên phương diện một sự bảo bọc về quân sự quốc phòng.

Năm 2014, ngay sau khi xảy ra vụ giàn khoan Hải Dương 981, Đô Đốc Samuel Locklear, tư lệnh Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương, lần đầu tiên gợi mở về khả năng “đồng minh quân sự” với Việt Nam.” Nhưng khi đó, giới lãnh đạo Việt Nam vẫn còn ôm ấp một hy vọng đủ lớn vào Trung Quốc, và vẫn ngả ngớn đu dây. Lời mời chào “đối tác chiến lược” đến từ phía Mỹ đã bị bỏ qua.

Còn giờ đây, thời gian đã hết, hoặc gần hết, cho một quyết định quá chậm trễ của một chế độ nhược tiểu cái gì cũng sợ. Đã khá muộn, nhưng vẫn còn hơn không, cho một kết luận chấm dứt đu dây để chính thức tiến vào khối quân sự Đông Bắc Á, cùng với Nhật, Nam Hàn, và Úc.

Việt Nam vừa sợ Mỹ, vừa cần Mỹ, nửa này nửa kia – đó là trước đây. Còn bây giờ, có lẽ cần nhiều hơn sợ khi thấy Mỹ không chỉ nói mà còn dám hành động “dằn mặt” Nga. Bởi trên hết, ít ra trong vòng vài chục năm tới sẽ không một ai trên thế giới, ngoài Mỹ, có khả năng ngăn chặn bàn tay xâm nhập của Trung Quốc vào Việt Nam.

Quan hệ quân sự và quốc phòng Việt – Mỹ cũng bởi thế có thể được “làm sâu sắc hơn” trong thời gian tới.