Kiểm tra tài sản 1,000 quan chức, một chiến dịch rúng động?

Phạm Chí Dũng

Không còn nghi ngờ gì nữa, với quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của khoảng 1,000 quan chức cao cấp được ban hành vào ngày 23 Tháng Năm, Bộ Chính Trị của ông Nguyễn Phú Trọng đã tiến thêm một bước dài và mạo hiểm trong chiến dịch mang hai mục tiêu vừa “chống tham nhũng” vừa kiểm soát quyền lực – hành động tương tự như “cuộc cách mạng long trời lở đất” mà ông Tập Cận Bình và Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương (CCDI) đã tung ra từ năm 2012 đến nay.

“Học tập” Trung Quốc?

Có những điểm tương đồng rất đáng lưu ý giữa Trung Quốc và Việt Nam trong kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản quan chức:

-Chủ thể của chiến dịch kiểm tra tài sản quan chức ở Trung Quốc là CCDI, còn ở Việt Nam là Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương.

-Đối tượng quan chức bị kiểm tra tài sản ở Trung Quốc là các cán bộ do Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư quản lý. Ở Việt Nam cũng tương tự. Theo đó, các quan chức Việt Nam nằm trong diện bị kiểm tra tài sản sẽ bao gồm các ủy viên bộ chính trị, ủy viên ban bí thư, ủy viên trung ương, ủy viên thường vụ của các tỉnh/thành ủy. Con số này vào khoảng 1,000 người.

-Hoạt động kiểm tra tài sản được tiến hành khi cơ quan tổ chức có thẩm quyền yêu cầu cần phải kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ; khi có kiến nghị, phản ánh, đơn thư tố cáo có việc kê khai tài sản không trung thực; và khi có dấu hiệu vi phạm quy định của nhà nước về kê khai tài sản.

-Một điểm tương đồng nữa giữa Trung Quốc và Việt Nam là sau khi “làm” xong, cơ quan kiểm tra trung ương “sẽ có thông cáo và công khai đầy đủ đến các cơ quan báo chí và nhân dân.”

Sau khi có quy định của Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Việt Nam hứa hẹn sẽ có văn bản hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch, việc thực hiện yêu cầu của cơ quan tổ chức có thẩm quyền, việc xử lý đơn thư kiến nghị phản ánh như thế nào; cũng sẽ có một hướng dẫn cụ thể, trên cơ sở đó hàng năm xây dựng kế hoạch để tiến hành kiểm tra, giám sát bao nhiêu cuộc và như nào.

Tháng Năm rúng động ở Việt Nam. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà quy định về kiểm tra tài sản 1,000 quan chức được Tổng Bí Thư Trọng tung ra ngay sau khi xử lý kỷ luật một ủy viên bộ chính trị là Đinh La Thăng, bí thư thành ủy ở Sài Gòn. Năm năm trước, 2012, Trung Quốc đã “đả hổ” ông Bạc Hy Lai, bí thư Trùng Khánh, sau đó tiến hành chiến dịch kiểm tra tài sản cán bộ và chống tham nhũng mà đã khiến có đến 80 quan chức phải tự sát.

Cứ ứng với thành ngữ “ăn của dân không chừa thứ gì,” ít nhất hàng ngàn tâm trạng đang mất ăn mất ngủ vì lo sợ bị “bóc” sạch của nổi của chìm.

Vậy chiến dịch kiểm tra tài sản cán bộ có thể được triển khai ra sao ở Việt Nam?

“Kinh nghiệm” Trung Quốc

Năm 2013, tờ New York Times trích dẫn truyền thông nhà nước Trung Quốc, đưa tin rằng một khẩu hiệu mới đã trở nên phổ biến trong giới quan chức chính phủ: “Ăn lặng lẽ, đi nhẹ nhàng, chơi bí mật.”

Kinh nghiệm Trung Quốc mà các đoàn Việt Nam có thể đã “học tập” từ các chuyến đi Bắc Kinh của ông Trọng vào năm 2015 và 2017 là sau khi các báo cáo kê khai của cá nhân được nộp đầy đủ, các cơ quan giám sát kỷ luật sẽ lựa chọn các báo cáo một cách ngẫu nhiên và kiểm tra thật kỹ lưỡng các báo cáo này. Bất cứ ai bị phát hiện khai báo không trung thực sẽ bị khóa tài khoản.

Trong năm 2015, hơn 3,900 quan chức Trung Quốc bị loại khỏi danh sách đề nghị thăng chức và 124 người bị giáng cấp. Năm 2016, 10% tổng số báo cáo kê khai được kiểm tra, giảm 5% so với năm trước đó.

Sau vụ Bạc Hy Lai, ông Tập Cận Bình và nhân vật được xem là “số 2,” ông Vương Kỳ Sơn của CCDI – đã “làm” tiếp Bộ Công An của ông Chu Vĩnh Khang. Tiếp đến là quân đội Trung Quốc. Để thăng tiến, các sĩ quan quân đội cấp thấp thường hối lộ các sĩ quan cấp cao hơn với quà tặng và tiền hoặc hàng hóa xa xỉ. Năm 2014, các nhà chức trách bắt giữ ông Từ Tài Hậu, một tướng đã nghỉ hưu từng là ủy viên bộ chính trị và là phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc. Trong ngôi nhà của ông này, họ phát hiện ra vô số vàng, tiền mặt, trang sức và những bức họa có giá trị – những món quà tặng mà đảng buộc tội là từ các sĩ quan cấp thấp, những người tìm cách tiến thân trên dây chuyền chỉ huy.

Các cuộc điều tra được CCDI dẫn dắt. Ủy ban cử các tổ điều tra tới kiểm tra tất cả các bộ và cơ quan và mọi doanh nghiệp lớn thuộc sở hữu nhà nước. Các tổ điều tra này có quyền lực không hạn chế để điều tra, bắt giữ và thẩm vấn hầu hết tất cả mọi người, nhưng chủ yếu là các quan chức chính phủ, phần lớn trong số họ là đảng viên. Một khi tổ điều tra tin rằng họ đã thu thập đủ bằng chứng về hành vi sai trái, thì CCDI sẽ khai trừ những người thuộc diện tình nghi ra khỏi đảng rồi sau đó giao họ cho hệ thống pháp lý để truy tố.

Trong tuyên bố vào nửa đầu năm 2017, CCDI khẳng định biết rõ chỗ ẩn náu của khoảng 1/3 đối tượng trong tổng số gần 1,000 đối tượng (bị truy nã vì cáo buộc các tội danh tham nhũng) đang lẩn trốn, sống lưu vong ở nước ngoài.

Thậm chí, CCDI còn có quyền lực vượt cả ngành công an. Nếu luật pháp Trung Quốc chỉ cho phép cảnh sát bắt giữ nghi can trong bảy ngày mà không chính thức buộc tội người đó, trừ phi cảnh sát có được sự cho phép rõ ràng từ các nhà chức trách pháp lý để gia hạn thời gian giam giữ, thì CCDI bắt giữ nghi can trong thời gian dài hơn mà không tìm kiếm bất kỳ sự phê chuẩn nào và không đưa ra bất kỳ lời buộc tội chính thức nào, cho thấy một “tiêu chuẩn riêng biệt” dành cho cơ quan đặc biệt này.

Làm thế nào có được “Vương Kỳ Sơn Việt Nam?”

Ở Việt Nam, ngay sau khi công bố quy định của Bộ Chính Trị về kiểm tra tài sản 1,000 quan chức, báo Quân Đội Nhân Dân đã có bài viết với tựa đề đáng chú ý “Đổi mới công tác kiểm tra, giám sát của đảng để kiểm soát quyền lực,” trong đó nhấn mạnh việc Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã ngợi khen: “Một điểm sáng nổi bật của năm 2016 là Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương… việc nào ra việc nấy…”

Hiển nhiên, mục tiêu của đảng không còn đơn thuần là “chống tham nhũng,” mà kể cả kiểm soát quyền lực, đặc biệt sau “bài học Nguyễn Tấn Dũng.”

Kiểm soát quyền lực lại là một đề tài được phe đảng khơi mào từ trước đại hội 12 và ngày càng dồn dập cho đến nay.

Gần một năm rưỡi sau đại hội, ông Trọng đã không chần chờ thêm nữa. Những gì thuộc về cái “dây cũ” cần phải bị thanh loại. Một cuộc “thay máu nhân sự” để phục vụ cho sự nghiệp chỉnh đảng đã bắt đầu.

Thế và lực của ông Trọng cũng bởi thế được dự đoán bắt đầu mang tính tập quyền hơn sau Hội Nghị Trung Ương 5, hướng theo cái cách mà ông Tập Cận Bình đã khởi sắc hẳn từ năm 2013.

Nếu giấc mơ “nhốt quyền lực vào lồng” biến thành hiện thực, đoạn cuối sự nghiệp chính trị của ông Trọng sẽ có một nét gì đó có thể bằng vai với chiến dịch “những việc cần làm ngay” của Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh giai đoạn 1986-1989.

Vấn đề còn lại là ông Trọng sẽ làm thế nào để có thể so sánh với vai trò độc tôn tập quyền của ông Tập Cận Bình ở Trung Quốc thời đương đại.

Chỉ có điều, người trợ lý trước đây của ông Trọng là ông Trần Quốc Vượng, dù đang đảm trách chức vụ chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương, nhưng với tính cách nhu mì dễ bảo, ông Vượng khó lòng có thể trở thành một Vương Kỳ Sơn Việt Nam – kiệm lời, lạnh lẽo, thâm hiểm và sắt đá.

Cái giá trị của ông Vương Kỳ Sơn đã trở nên một thành tố không thể thiếu làm nên công thức Tập Cận Bình ngày nay. Kết quả sơ bộ của chiến dịch “chống tham nhũng” ở Trung Quốc là “phái Giang Trạch Dân” (tổng bí thư cũ) bị loại ra gần hết.

Có thể ông Trọng đang mơ màng đến “mô hình Tập Cận Bình.” Nhưng chính một cựu phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội Việt Nam lại đang nhắc nhở ông Trọng về những thách thức rất lớn dành cho ý tưởng kiểm tra tài sản quan chức: tính khả thi của quy định này phụ thuộc nhiều vào việc “ai kiểm tra ai, ai có quyền kiểm tra ai, ai dám kiểm tra ai, và ai để cho người ta kiểm tra.”

Nếu “Vượng” không thể trở thành “Vương” và cũng chẳng có người nào khác trong Bộ Chính Trị đảng CSVN có thể có được năng lực ấy, tương lai của chiến dịch kiểm tra tài sản quan chức sẽ có thể rơi vào lối mòn tuyệt vọng: chỉ phát hiện năm trường hợp kê khai không trung thực trong 1 triệu quan chức Việt kê khai tài sản!