Saturday, April 20, 2024

Tiến bộ hay rút lui?

Lê Mạnh Hùng 

Tiệm sách tại Luân Ðôn không cho wi-fi và không bán cà phê.

Wi-fi lúc này đã trở nên phổ biến đến mức nơi nào mà không cho sử dụng wi-fi là bị cho là chậm tiến và không thu hút được khách hàng đến. Thành ra cho đến lúc gần đây, chiều hướng ngay tại các tiệm sách cũng là phải có một chỗ bán cà phê do những “barista” chuyên nghiệp như Starbucks pha và phải có wi-fi cao tốc để hấp dẫn khách hàng.

Thế nhưng một số tiệm sách truyền thống của Luân Ðôn, một thành phố có nhiều thế kỷ lịch sử bán và phổ biến sách nay đã nổi lên chống lại trào lưu lúc nào cũng phải nối mạng và kiến trúc một môi trường mới trong đó việc từ tốn thưởng thức các tác phẩm văn học không bị nhiễm tạp bởi mạng Internet cho những người mệt mỏi vì những căng thẳng của thế giới ảo.

Cầm đầu nhóm nổi loạn chống lại trào lưu là tiệm Libreria Books tại khu East End của Luân Ðôn vốn là một khu vực tự hào là “Wi-Fi và Coffee Free.” Chủ nhân của tiệm này là Rohan Silva, một cựu cố vấn cho cựu Thủ Tướng David Cameron và là đồng sáng lập viên của Second Home một tổ chức cung cấp cơ sở làm việc rẻ tiền cho những doanh nhân mới vào nghề.

“Chúng tôi ưu tiên con người hơn là máy móc.” Ðó là lời của ông Silva mà theo ông bị thúc đẩy mở tiệm sách của riêng mình sau khi phải chịu đựng nhiều lần một tình trạng mà chắc hẳn đa số chúng ta đều đã từng bị – tiếng chuông lanh lảnh của các “smart phone” phá vỡ sự yên tĩnh trong khi đang chú ý theo dõi một đoạn văn hay. Ông Silva nói: “Chúng tôi muốn người ta dùng trực giác con người khi họ tìm mua sách. Bây giờ đâu cũng có thể có wi-fi, không có gì bắt buộc phải có ở trong tiệm sách.”

Libreria có một số tiệm sách đồng bạn như Tenderbooks, Buchhandling Walther, Lutyens & Rubinstein và Word on the Water (một tiệm sách đặt trên một chiếc tầu trên sông Thames). Tất cả đều là những tiệm sách độc lập né tránh cả Internet lẫn “latte.” Và đường lối làm ăn này của họ đã quyến dụ được một số khách hàng đặc biệt phần lớn là trí thức. Những người này phần lớn theo một tôn chỉ đơn giản: trong thời đại của kỹ thuật số, một tiệm sách phải là một nơi trú ẩn, một nơi mà người ta có thể né tránh tình trạng “information overload” để thưởng thức một cách từ tốn những gì người ta ưa thích. Nó cũng tương tự phong trào “slow food” hiện cũng đang được phổ biến tại Châu Âu trong đó những món ăn nay được nấu theo lối cổ truyền có thể tốn thì giờ hơn, nhưng có phong vị hơn.

“Nếu có ai trong lúc đang ở trong tiệm nhận được một cú điện thoại, người đó phải rời ra ngoài. Nó cũng giống như với Internet. Người ta phải biết đây không phải là nơi để lên online. Vấn đề đối với sách là chúng hấp dẫn hơn Internet. Và chúng tôi giả dụ là tất cả những ai đến đây đều tin vào điều đó.” Ðó là lời của Tamsin Clark, chủ tiệm Tenderbooks vốn được khai trương vào năm 2014 tại Covent Garden một khu chợ rau cũ của Luân Ðôn nay được biến thành một trung tâm du lịch giải trí với nhiều rạp hát và tiệm sách cũ chung quanh.

Mục tiêu của phong trào mới là chọn cái “chậm” thay vì cái “nhanh” và tìm thấy thú vui trong việc bỏ hàng giờ thưởng thức những hàng chữ in trên giấy. Có lẽ tiệm sách nghiêm trang nhất trong số này là Lutvens & Rubinstein. Kể từ 2009, tiệm sách này chia sẻ cùng một căn nhà tại Notting Hill, một khu vực thời thượng của Luân Ðôn với một cơ sở đại diện văn học và sự hiện diện của cơ sở này đã là cái giúp bảo đảm sự yên lặng của phòng đọc sách này. Một khách hàng của tiệm sách nói, “Tại đây bạn không dám hỏi đến cả có wi-fi hay không.”

Bầu không khí tại Tenderbooks thì cởi mở hơn. Ông chủ tiệm Clark cho biết, “Mạng Internet có thể tạo ra người ta rất nhiều căng thẳng. Chúng tôi muốn người ta vào đây và thoải mái hơn là khi ‘online.’ Chúng tôi có một máy chơi nhạc, chúng tôi nhỏ và thân mật. Người ta đã phản ứng rất tốt với chúng tôi. Tôi nghĩ rằng đó là điều cần thiết trong bầu không khí văn hóa hiện tại. Và vì chúng tôi ở ngay trung tâm Luân Ðôn, chúng tôi cho một nơi thư giãn ở ngay lòng thành phố bận rộn này.”

Lấy tên từ một tác phẩm của Jorge Luis Borges viết vào năm 1941, “The Library of Babel” trong đó kể chuyện về một nơi chứa tất cả những quyền sách đã được viết ra hoặc có thể được viết ra. Libretia có một hệ thống phân loại sách độc đáo trộn lẫn các tác phẩm văn học chính trị vào thành những chủ để tỷ như “Mothers, Madonnas and Whores” hoặc là “The Sea and the Sky.”

Các tiệm sách mới này thật sự là một việc trở lại truyền thống có từ xưa của thành phố từ những thư viện tư của những nhà quý tộc Anh cho đến phòng đọc sách của Thư Viện Anh Quốc tại King’s Cross mà quy định hoàn toàn không cho phép sử dụng điện thoại cầm tay bên trong. Theo ông Silva, một tiệm sách cổ điển rõ ràng là hấp dẫn những người yêu sách. Và tiệm của ông đã thu hút được một số khách hàng nhiều gấp đôi số dự trù, với số khách hàng không phải chỉ là dân Luân Ðôn mà có cả từ xa đến như từ Úc và Canada và Trung Quốc. Ông không nói là có khách người Mỹ hay không.

MỚI CẬP NHẬT