Thursday, March 28, 2024

Tiên đoán năm 2017

Lê Phan

Cứ vào mỗi dịp đầu năm, báo chí lại tìm cách làm thầy bói.

Không phải lúc nào họ cũng đúng. Tờ Financial Times nhắc lại là năm 2016 họ dự đoán khá nhiều điều đúng, không mấy điều sai nhưng trong số những điều sai đó có hai điều quan trọng nhất. Anh Quốc không bỏ phiếu ở lại Liên Hiệp Âu Châu và bà Hillary Clinton không đắc cử tổng thống Hoa Kỳ. FT than thở “Ai tin là điều quan trọng của lịch sử không phải là một chiều hướng ổn định nhưng là những cú shock gây chấn động đã thấy lập trường của họ được xác nhận trong năm 2016.” Thành ra có thể độc giả không còn tin vào những gì báo chí đưa ra cho năm 2017 nữa.

Vả lại, cũng phải nói là ngày càng có khuynh hướng tin là tiên đoán chính trị và kinh tế thường là phí thời giờ. Điều cũng rõ là các nhà bình luận chính trị và các kinh tế gia, tuy có thể giải thích sự việc sau khi hay đang khi nó xảy ra, gặp khó khăn khi phải tiên đoán.

FT nói là những kẻ nghi ngờ hẳn sẽ kết luận là cái thói quen hàng năm tiên đoán thời sự của nhà báo là một trò điên cuồng. FT thêm “Nhưng sự việc này có giá trị vượt quá việc tiên đoán. Mỗi một tiên đoán vốn theo sau một lời tóm tắt của điều mà một nhà báo dày kinh nghiệm nghĩ về những vấn đề tối quan trọng của năm tới, và những yếu tố sẽ làm cho nó xảy ra theo chiều hướng này hay chiều hướng khác. Hành động đó thật là một sự kích thích trí tuệ tuyệt vời, dầu cho nó có đúng như các thầy bói hay không.”

Trong khi đó, The Economist, vốn hàng năm đã xuất bản một ấn bản đặc biệt tiên đoán toàn năm mang cái tên The World in… cũng công nhận không phải lúc nào họ cũng đúng. Năm ngoái họ cũng không tin là dân Ăng-lê sẽ bỏ phiếu cho Brexit và họ lại càng không tiên đoán là ông Donald Trump sẽ thắng cử. Thực sự khi The Economist cho xuất bản The World in 2016, thế giới còn chưa biết đến ông Trump.

Và cả hai tờ báo nổi tiếng về kinh tế và chính trị của Anh Quốc tuy vậy vẫn tiếp tục tiên đoán.

The Economist nói “Cách mạng sẽ xuất hiện ở năm 2017. Không những đây là năm đúng 100 năm của cuộc chiếm quyền của những người Bolshevik ở nước Nga, nó cũng là đúng 150 năm kể từ khi ấn bản đầu tiên của Das Kapital, kinh điển của chủ nghĩa cộng sản, và 50 năm kể từ khi Che Guevara qua đời. Năm nay hơn thế đánh dấu 500 năm việc Martin Luther phổ biến 95 tiểu luận, mà ông đã đóng đinh trước cổng của nhà thờ ở Lâu Đài Wittenberg (theo huyền thoại) và dẫn đến cuộc cải tổ Tin Lành. Sẽ không khó gì tìm những điều song hành giữa các điều kiện vốn tạo nên những đảo lộn trong quá khứ và bầu không khí phản loạn của năm 2017.”

Ở Hoa Kỳ, The Economist nói người dân Mỹ đã bỏ phiếu cho một sự gián đoạn và thay đổi cuộc chơi. Sự thắng cử đầy kịch tính của ông Donald Trump có nghĩa là cuộc nổi dậy sẽ được lãnh đạo từ Tòa Bạch Ốc, với cả hai viện quốc hội nằm trong tay đảng Cộng Hòa. Ở Hoa Kỳ, ông Trump hứa hẹn sẽ là một nhà xây dựng khổng lồ, không những tường để bảo vệ đất nước chống lại những kẻ từ bên ngoài tới, nhưng còn đường sá, cầu cống cùng những cơ sở hạ tầng khác. Ông cũng sẽ bắt đầu việc phá hủy công việc của người tiền nhiệm, kể cả hủy Obamacare. Ở ngoại quốc, một Hoa Kỳ hướng nội sẽ làm các đồng minh ở Âu châu và Á châu vốn dã dựa vào sự ổn định của sự ủng hộ của siêu cường duy nhất còn lại. Chiến thắng bất ngờ của ông Trump đã tạo chấn động toàn cầu.

Âu Châu sẽ cảm thấy những cơn chấn động suốt năm. Mức độ của lá phiếu phản đối đang được quan sát kỹ lưỡng về cuộc bầu cử tổng thống ở Pháp, bầu cử quốc hội lập hiến ở Đức và Hòa Lan. Sự bất mãn với nền kinh tế tăng trưởng chậm, trong một thời đại đảo ngược với lãi suất âm từ Liên Hiệp Âu Châu đến Nhật Bản, đã làm cho cử tri tức giận. Anh Quốc, trong khi đó, sẽ chính thức tung ra tiến trình để ly dị Liên Hiệp Âu Châu, và cuộc ly dị này sẽ gây tranh chấp gay go cả ở trong nước lẫn ở ngoại quốc.

Bất cứ một cuộc nổi dậy nào ở Nga hiện nay sẽ bị dẹp tan, nơi ông Vladimir Putin ngày càng giống một sa hoàng mới, và ở Trung Cộng, nơi ông Tập Cận Bình sẽ sử dụng đại hội đảng để theo đuổi tham vọng làm hoàng đế của ông ta. Cả hai quốc gia này đang thách thức hiện trạng do Hoa Kỳ lãnh đạo trong một chiều hướng đáng ngại, từ vùng biên địa của đế quốc Liên Xô cũ đến Trung Đông và Biển Đông. Cộng thêm vào đó đe dọa của khủng bố và những trò gây rối của chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong un, và an ninh của thế giới trông thật mong manh.

Trong thị trường nhân dụng, The Economist chỉ ra là một cuộc cách mạng đang âm ỉ, thúc đẩy không những chỉ việc thăng cấp cho thêm phụ nữ vào các chức vụ đứng đầu nhưng trên hết là sự tiến bộ của kỹ thuật. Những công việc làm mới – từ điều khiển drone đến “bot wranglers” và nhà vẽ kiểu thời trang ảo – sẽ mang lại cơ hội. Thông minh nhân tạo sẽ ngày càng ảnh hưởng đến cuộc sống của con người. Ngày càng có nhiều computer đưa ra thêm dịch vụ hữu hiệu cho một phụ tá điện tử. Thanh niên có vẻ không lo ngại về những thế lực của thay đổi này mà chỉ muốn sử dụng nó để định hình tương lai. Họ có rất nhiều ý kiến và muốn gây xáo trộn: họ cũng là những Luthers và Lenins của thế kỷ này.

Thành ra đừng chờ đợi 2017 sẽ là một năm ổn định và an lành, The Economist khuyến cáo. Nhưng cũng có những ổn định. Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á, một hiệp hội không mấy hữu hiệu, nhưng đã tồn tại 50 năm nay và có vẻ bền vững hơn là Liên Hiệp Âu Châu. Phần Lan sẽ chào đón sinh nhật thứ 100 năm và Canada thứ 150 năm. Thủ Tướng Justin Trudeau viết là quốc gia của ông cương quyết “ôm lấy thế giới,” tiếp tục mở cửa cho mậu dịch, ý kiến mới, và các văn hóa và dân tộc khác. Trong thời của những kẻ chống toàn cầu hóa, nghe ra ông thủ tướng có vẻ muốn làm một thứ cách mạng kiểu khác.

FT thì giao cho mỗi nhà báo chuyên môn trả lời về một vấn đề và họ bảo họ chỉ dự đoán thế giới năm 2017 thôi.

Ở Pháp, phóng viên Anne-Sylvaine Chassany trả lời câu hỏi: Liệu bà Marine Le Pen có thắng cử hay không? “Không. Dĩ nhiên triển vọng không phải là số không. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu giới công nhân thất vọng, thanh niên ít có tay nghề và 10% dân chúng hiện đang thất nghiệp đi bầu thật đông. Và nếu các công nhân thiên tả chán không đi bỏ phiếu vòng nhì vì họ chống lại cải tổ thị trường của ông Francoix Fillon? Tuy nhiên, một chiến thắng của Le Pen vẫn còn khó có triển vọng xảy ra: Bà ta đang đòi trở về với đồng Franc, và trong một quốc gia mà dân chúng thích để dành tiền, chính sách đó có lẽ đi quá xa.

Ở Đức, ký giả Stefan Wagstyl khẳng định là bà Angela Merkel sẽ thắng cử. Nhưng bà sẽ thắng với ít phiếu hơn cho khối Dân chủ Thiên Chúa giáo và Xã Hội Thiên Chúa giáo. Mặc dầu cuộc tấn công kinh khủng hôm chợ Giáng sinh, các cử tri sẽ bỏ đi sự lo ngại – trừ phi có nhiều cuộc tấn công lớn khác nữa. Với đảng cánh cực hữu Alternative for Democracy có triển vọng vào Hạ Viện và đảng Dân Chủ Tự Do cấp tiến được chờ đợi trở lại, việc xây dựng liên minh sẽ khó hơn. Nhưng bà Merkel có thể giải quyết được vấn đề.

Liên quan đến Iran, nhà báo Roula Khalaf không nghĩ là thỏa thuận hạt nhân với Iran sẽ sụp đổ. Ông Donald Trump đã đe dọa rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận này, nhưng điều đó nói dễ hơn làm. Và ngay cả nếu Hoa Kỳ rút lui, thỏa thuận hạt nhân này, ký kết bởi Iran và sáu cường quốc và được xác định bởi một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An, sẽ được duy trì. Một chính phủ Trump vẫn có thể phá hoại bằng cách gây thêm áp lực lên Tehran khiến họ không chịu nổi và không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân này nữa. Có thể là thỏa thuận này sẽ rã đám vào năm 2017, nhưng chờ đợi các quốc gia khác đã ký vào thỏa hiệp này – Nga, Trung Cộng, Pháp, Anh Quốc và Đức – sẽ cố gắng hơn nữa để giới hạn thiệt hại.

Ông Edward Luce, nhà bình luận về Hoa Kỳ, trả lời câu hỏi: Liệu hai ông Donald Trump và ông Vladimir Putin đạt được một thỏa thuận về Syria hay không? Ông Luce bảo “yes.” Nhưng nó không có giá trị bằng tờ giấy nó được in. Việc chính phủ Syria lấy lại được Aleppo đã khiến ông Trump không còn một đòn bẩy nào với Moscow, ngay cả nếu ông muốn dùng. Mục tiêu của ông Trump là tấn công ISIS hay ít nhất là cho cảm tưởng là ông đang làm điều đó. Ông và ông Putin sẽ có một thỏa thuận nội trong 100 ngày đầu của ông Trump để tung ra một cuộc tấn công chống lại nhóm khủng bố này. Ông Trump sẽ có một hàng tít cho trang Twitter của ông. Nhưng Syria sẽ tiếp tục bị phóng hỏa.

Phóng viên Jude Webber, trả lời câu hỏi “Liệu tổng thống đắc cử có xây tường ở biên giới Mexico hay không đã nói Yes. Ông Trump đã làm ầm lên về 2,000 mile biên giới thành ra ông phải chứng tỏ ông đã làm một cái gì. Gần đây tuy vậy ông đã tảng lờ hứa hẹn “một bức tường không vượt qua được, có bề thế, cao, hùng mạnh và xinh đẹp ở biên giới phía Nam,” sang nói chuyện một cái hàng rào. Thành ra chờ đợi một thứ tường biểu tượng dọc theo biên giới – vả lại một phần ba biên giới đã có một thứ hàng rào rồi.

David Garner, chuyên về an ninh, bảo là ISIS, như là một thế lực toàn cầu, sẽ không bị phá hủy. Cái gọi là Caliphate của một nhà nước Hồi Giáo ở Iraq và Syria sẽ sụp đổ vào năm 2017. Nhưng một khi bị đuổi ra khỏi sào huyệt ở Mosul và rồi ngay cả Raqqa, nó sẽ họp với phiến quân địa phương và tổ chức tấn công khủng bố quốc tế. Al-Qaeda, hồi sinh ở sa mạc Syria sau khi ngắc ngoải ở Iraq vào năm 2007-2009 đã bùng lên thành ISIS năm năm sau. ISIS còn có thể trông cậy vào các thế lực ngoại lai đóng vai tuyển quân: Các chế độ ủng hộ Shia ở Damascus, Baghdad và Beirut sẽ làm cho phe Sunni tức giận. Chúng ta sẽ còn thấy ISIS vào năm 2018.

Tờ Financial Times không nhắc đến Trung Cộng, Biển Đông hay cuộc chiến mậu dịch có thể xảy ra giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng, nhưng có lẽ không nhắc đến cũng phải vì những yếu tố bất định quá lớn để có thể dự đoán mà chỉ có thể coi bói. Điều mà cả hai tờ báo đồng ý là năm 2017 sẽ là năm của xáo trộn và bất ổn.

MỚI CẬP NHẬT