Thursday, April 25, 2024

Trưng cầu dân ý không phải là dân chủ như người ta tưởng

Lê Mạnh Hùng

Năm 2016 là một năm Trưng Cầu Dân ý. Người dân bác bỏ một thỏa hiệp hòa bình tại Colombia, rút nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, ủng hộ một hiến pháp mới của Thái Lan giới hạn các quyền công dân và tại Hungary ủng hộ một kế hoạch của chính phủ chống di dân tuy rằng không đủ người đi bỏ phiếu để có giá trị.

Tất cả những cuộc trưng cầu dân ý này đã cho thấy vì sao một số nhà chính trị học cho trưng cầu dân ý là một giải pháp nguy hiểm và hại cho dân chủ. Khi được hỏi ông có coi trưng cầu dân ý là một lựa chọn tốt hay không thì Michael Marsh một nhà chính trị học tại Trinity College, Dublin trả lời:”Đơn giản mà nói, hầu như không bao giờ.”

Và ông nói thêm, “Tôi đã theo dõi nhiều vụ này tại Ireland và chúng đi từ vô nghĩa đến nguy hiểm.”

Mặc dầu những cuộc bỏ phiếu này được mô tả như là dân chủ dưới hình thức thuần túy nhất, nhưng các công trình nghiên cứu cho thấy nhiều khi chúng phá hoại cho dân chủ hơn là giúp cho dân chủ. Chúng có khuynh hướng không theo thường lý, với kết quả không tùy thuộc vào giá trị của lựa chọn mà theo cảm tính, chiều hướng chính trị và như trong trường hợp Colombia còn theo cả thời tiết, nắng hay mưa.

Cử tri phải làm quyết định mà không có bao nhiêu thông tin thành ra họ phải tùy thuộc vào những “thông điệp chính trị”của các phe phái khiến cho quyền lực tối hậu nằm trong tay những kẻ thao túng các thông tin này hơn là cử tri. Thành ra đó là một công cụ nhiều rủi ro.

Thế nhưng vì sao mà các nhà chính trị vẫn cứ thích dùng nó? Theo Alexandra Crone, một giáo sư tại trường London School of Economics thì đó là vì họ tin rằng họ sẽ thắng. Vấn đề là nhiều khi họ không thắng và thay vì giải quyết vấn đề chúng tại tạo ra những vấn đề mới nan giải hơn.

Trong bất kỳ một cuộc trưng cầu dân ý nào, cử tri đều đứng trước một vấn đề nan giải. Họ phải làm sao phân tích và rút gọn những lựa chọn chính trị phức tạp và khó khăn thành một quyết định “có” hoặc “không” và tiên đoán những hàm nghĩa của các quyết định này nhiều khi khó khăn và phức tạp đến mức có khi chính các chuyên gia cũng phải bỏ ra cả năm để vật lộn với chúng.

Thành ra theo hai nhà chính trị học Arthur Lupin và Matthew McCubbins thì các cử tri thông thường giải quyết nan đề này bằng cách dùng một “short cuts”: Họ theo sự hướng dẫn của những nhân vật lãnh đạo mà họ tin tưởng hay là lựa chọn theo một cách suy nghĩ quen thuộc nào đó. Vì vậy, như Lawrence LeDuc, giáo sư chính trị học của trường đại học Toronto, khi một chính phủ đưa ra một cuộc trưng cầu dân ý, người ta thường bỏ phiếu ủng hộ hay chống tùy thuộc vào việc người ta ủng hộ hay chống chính phủ. Giáo Sư LeDuc viết: “Một cuộc bỏ phiếu dự trù là về một vấn đề chính sách quan trọng cuối cùng trở thành một cuộc bỏ phiếu về thành tích của một đảng hay một vị lãnh đạo nào đó nhiều khi không có liên quan gì đến mục tiêu của cuộc trưng cầu dân ý.”

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Tư, ngày 26 tháng 10 năm 2016

Tại Colombia chẳng hạn hầu hết những vùng bỏ phiếu cho Tổng Thống Juan Manuel Santos năm 2014 cũng là những vùng bỏ phiếu ủng hộ thỏa hiệp hòa bình.

Các nhà chính trị, hay những phe tranh chấp thông thường vẫn đơn giản hóa các vấn đề đưa ra trưng cầu dân ý thành ra những chủ đề đơn giản. Hậu quả là các cử tri bỏ phiếu ít về các chính sách thực sự mà là những vấn đề khác.

Tại Anh, trong cuộc tranh cãi chung quanh ở hay rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu “Brexit“cả hai phe “Ở” và “Rút” đều không nói đến những cụ thể về việc làm thành viên của Liên Hiệp mà thay vào đó đưa vấn đề trở thành một lựa chọn giữa “ổn định kinh tế” và “ngăn chặn di dân.”

Và khi vần đề được đặt ra dưới dạng này, phe nào tạo ra được sự ủng hộ nồng nhiệt hơn thì phe đó sẽ thắng.

Mặc dầu được tuyên truyền là trao trả quyền quyết định trực tiếp cho người dân, nhưng trên thực tế các cuộc trưng cầu dân ý hầu như bao giờ cũng có mục tiêu là muốn một dấu ấn chính đáng của sự ủng hộ dân chúng cho một cái gì mà các nhà chính trị đã quyết định trước. Như bà Cirone của trường LSE nhận xét: “Nó chẳng có bao nhiêu quan hệ với việc phải do dân chúng quyết định, mà có quan hệ rất nhiều đến việc một nhà chính trị có lấy được ưu thế nào trong việc đưa vấn đề đó ra cho dân chúng quyết định.”

Một thí dụ là việc ông David Cameron mà cho đến Tháng Bảy vừa rồi còn làm thủ tướng Anh đưa quyết định cho dân chúng bỏ phiếu về việc ở hay rời Liên Hiệp Châu Âu hy vọng rằng nó sẽ củng cố quyền lực của ông đối với những chính trị gia trong đảng muốn dùng việc ở hay rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu làm áp lực đối với ông.

Đám quân phiệt Thái giới hạn việc báo chí trình bày dự thảo hiến pháp bảo đảm rằng không có một phản bác nào có thể nói rằng hiến pháp này là một vi phạm dân chủ. Bằng cách tạo ra một biểu hiện dân chủ, những nhà quân phiệt Thái thực sự đã giết nó.

Không phải rằng mọi quyết định trưng cầu dân ý đều có hại. Nhiều khi nó là một điều cần thiết. Thỏa hiệp hòa bình Good Friday tại Bắc Ireland năm 1998 được làm chính đáng hóa qua hai cuộc trưng cầu dân ý, một tại bắc Ireland và một tại nước Cộng Hòa Ireland. Chúng cho các cộng đồng này một cảm giác được đóng góp và loại ra ngoài biên những ai còn muốn tiếp tục đánh nhau khiến một cuộc nội chiến trở lại trở thành không tưởng.

Điều này cho thấy một cách làm cho trưng cầu dân ý thể hiện đúng ý dân: nó chỉ có ý nghĩa khi số người đi bầu cao và một phe thắng một cách áp đảo như đã xảy ra tại Ireland trong các cuộc trưng cầu dân ý năm 1998.

Nhưng tại cả Anh và Colombia số phiếu bỏ cho hai bên hầu như không khác biệt bao nhiêu. Và cả Anh lẫn Colombia đều không đòi hỏi một số phiếu thắng tối thiểu là bao nhiêu để thắng.

Thành ra như giáo sư Kenneth Rogoff của trường đại học Harvard nhận xét sau khi dân Anh bỏ phiếu cho Brexit “Ý tưởng rằng một quyết định đạt được bởi một đa số vào một lúc nào đó là ‘dân chủ’ chỉ là một sự xuyên tạc danh từ này. Nó không phải là dân chủ mà là trò chơi roulette kiểu Nga.”

MỚI CẬP NHẬT