Friday, March 29, 2024

Có phải con tôi muốn “đầu tư” vào cái chết của tôi?

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St. Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

***

Thưa cô Nguyệt Nga, ngày xưa mỗi khi đánh tôi, Mẹ tôi hay nói: “Tụi bây chết đi cho khỏe tao”. Thường thì tôi chạy ra ôm ngoại vừa khóc vừa nói: “Đẻ đánh con, rồi đẻ đánh em Huy, rồi đẻ nói: Chết đi cho khỏe Đẻ”. Lúc đó tôi còn nhỏ lắm, chỉ mới 4, 5 tuổi, vậy mà không biết sao nhớ như in trong đầu. Đến khi lớn có chồng có con, câu đó vẫn thế, vẫn bám trong đầu tôi. Tôi không biết những lằn roi mẹ đánh khiến tôi đau hay chính lời mẹ nói khiến tôi đau. Tôi hứa với lòng, không bao giờ nói với con câu này, không bao giờ!

Tôi yêu con, hy sinh cho con như bao bà mẹ khác. Để đền bù tôi có cái may mắn là được sống chung với con một nhà, dù là cháu đã ra trường, đã đi làm mấy năm nay. Thật sự lòng tôi có hồi hộp, lo rằng không biết khi lập gia đình, con tôi có ra riêng mà bỏ tôi đơn chiếc, như ba nó đã bỏ tôi mà ra đi vĩnh viễn không.

Hai mẹ con tôi sống hạnh phúc bên nhau. Cháu đi làm cả ngày, chiều về đã có cơm nóng canh sốt chờ con. Ai nhìn vào cũng thấy tôi quá may mắn, và chính tôi cũng hằng ngày cám ơn trời Phật đã ban sự bình yên đến cho tôi.

Dĩ nhiên chưa bao giờ và sẽ không bao giờ tôi “rủa” con tôi như đã từng bị mẹ tôi “rủa” tôi ngày xưa.

Nhưng có bình yên nào không xót xa! Hôm rồi tự nhiên con gái tôi nói về chuyện mua bảo hiểm nhân thọ. Không biết điều gì khiến ý nghĩ này xuất hiện. Mà trước đó chính bạn nó kể cho tôi nghe, cứ mỗi lần ra lấy thư mà nó thấy những thư quảng cáo bảo hiểm nhân thọ, quảng cáo của những nhà quàn, hay quảng cáo những gì liên quan đến chết chóc là con tôi thủ tiêu trước, nó không muốn tôi đọc, sợ tôi buồn và lo khi tuổi già kéo đến. Nghe bạn nó kể mà tôi ứa nước mắt, lòng ấm áp khi nghĩ đến tình thương của con dành cho mình. Vậy mà nay nó đề nghị tôi ký giấy để nó lãnh tiền bảo hiểm nhân thọ khi tôi mất đi. Nó còn nói: Mẹ không phải lo gì hết, con sẽ đóng tiền hàng tháng cho mẹ.

Tôi nghe mà đắng cả lòng. Vậy hóa ra con tôi muốn bỏ vốn “đầu tư” vào cái chết của tôi. Nó đang chụp nắm thời cơ cho kịp! Nó đang lo sợ nếu tôi chết thình lình mà không có bảo hiểm nhân thọ, thì nó không lãnh được một số tiền lớn!? Ôi chao, vậy thì những lời bạn nó kể cho tôi nghe về việc nó dấu những thư quảng cáo bán hòm, bán đất… là đúng hay sai vậy?

Đời người ai cũng một lần chết, nhưng nếu con mình “trù” mình chết để có tiền thì đau đớn quá!.

Thưa cô Nguyệt Nga, điều gì tôi nên nghĩ đến, để biện mình cho việc suy nghĩ của tôi về con gái là sai? Tôi muốn nghe để mình đở khổ. Xin cám ơn cô Nguyệt Nga và quí độc giả.

Mỹ Nguyễn

– Góp ý của độc giả:

– TT:

Thưa chị Mỹ, đọc thư chị tôi rất ngạc nhiên tưởng rằng việc mua bảo hiểm nhân thọ đã phải xảy ra khi anh nhà còn sinh thời. Bảo hiểm nhân thọ là một sự an toàn cho gia đình khi người chủ gia đình (là người kiếm ra tiền để nuôi sống gia đình) vì một lý do nào đó qua đời để lại vợ hay chồng con bơ vơ. Mua bảo hiểm nhân thọ hoàn toàn không hề có ý nghĩa là trù cho người chủ gia đình mau mau mất để người sống được hưởng lợi, đây là một ý nghĩ thật sai lầm.

Trong trường hợp của chị, con gái chị đề nghị là chị nên mua bảo hiểm nhân thọ và cháu sẵn sàng đóng tiền hàng tháng, chị chỉ phải ký tên mua là điều rất nên làm vì còn gì hay hơn điễu này, cháu sẽ cảm thấy an tâm vì mẹ mình có nghĩ đến sự an toàn cho mình. Chị ơi, ai cũng phải chết vậy tại sao khi mình chết mình không để lại cho con cháu một món quà để tặng chúng.

Vài lời góp ý với chị mong chị nghĩ lại và vui vẻ làm theo lời khuyên của con gái chị, tôi tin rằng cháu luôn thương yêu và kính trọng mẹ cháu là người đã hy sinh cả đời cho cháu, cháu là một người biết nhìn xa mong chị hiểu con gái mình. Cám ơn chị đã lắng nghe.

– Thuận Nguyễn:
Thưa chị Mỹ, tôi thông cảm với tâm trạng hụt hẫng của chị. Nhưng mình sống đến ngần này rồi, mọi sự mình cũng đã trải qua. Phần đời còn lại nên cố mà xóa đi những chuyện buồn phiền để cuộc sống trước mặt nhẹ nhàng. Chuyện gì biết là không thay đổi được thì bỏ ra ngoài trí, cho nhẹ tâm.

Có cái quảng cáo về dịch vụ chôn cất mà thôi vẫn nghe hàng ngày, và chú ý đến là câu: Làm thế nào khi chết đi đừng để gánh nặng cho người thân.

Chị ơi! Thật ra không có lời đề nghị của cháu thì chị cũng phải mua. Cho nên giờ cháu nó đề nghị thì chị đừng nghĩ theo hướng tiêu cực, mà nghĩ theo hướng tích cực đi, nghĩ qua một hướng khác đi cho đỡ buồn. Cứ nghĩ là thay vì mình bỏ tiền ra mua thì nay con nó bỏ tiền ra mua. Mình chết đi không có gì để cho con cái thì nay đã bắt đầu có. Ai cũng chết một lần, vì cái chết của mình mà con nó có tiền thì cũng vui.

Chị biết không, có những người mẹ còn dặn con cháu là khi mẹ già yếu cứ để mẹ vào nursing home, vì ở đó có nhiều người chăm sóc mẹ, tụi con bận rộn con cái, rồi đi làm, thì giờ đâu chăm mẹ. Mình sống gần hết đời mình rồi chị, giờ là đời con.

Mình nghĩ tiêu cực thì cực mình, con nó đâu có biết.

Mong chị bình tâm mà an vui.

– Hòa Bình:
Bây giờ nếu ở California thì một cái đám tang đơn giản nhứt cũng phải tốn 30 ngàn mỹ kim rồi. Con gái bà mua bảo hiểm nhân thọ cho mẹ, để tương lai mới có tiền lo an táng cho mẹ là cô hiếu đó. Bà nên kêu con gái bà phải cẩn thận coi chừng mua nhầm bảo hiểm nhân thọ giả bị lường gạt mất tiền thì khổ lắm nhé. Ở Mỹ thật nhiều người mua bảo hiểm nhân thọ, mua đất, mua hòm trước, là chuyện bình thường.

Bà đừng nên buồn khổ rồi bức xúc làm mất cảm tình mẹ con thì uổng lắm, cảm tình mẹ con là vô giá đó. Bà đừng nghĩ cái gì hết, bà cứ tiếp tục thương yêu con gái của bà như thường ngày, ví như không có chuyện gì xảy ra, tình thương là phép nhiệm mầu sẽ hóa giải tất cả phiền muộn và sự hiểu lầm.

Tôi nghĩ con gái của bà cũng đang ưu tư nghĩ tới có ngày sẽ bị mất mẹ, bơ vơ buồn tủi lắm đó, chứ không phải như bà hiểu lầm vậy đâu. Bộ não con người ai ai cũng vậy, ưa đa nghi, ưa nghĩ lung tung, sáng nghĩ khác, tối nghĩ khác. Học như người Nhật Bản thiền định hoài sẽ hết khổ.

– N.B
Phương cách sống và quan niệm sống thường thay đổi theo thời gian. Bây giờ, mọi người, nhất là giới trẻ, có khuynh hướng suy nghĩ, tìm tòi, sắp xếp mọi thứ từ học hành, nghề nghiệp, gia đình, sức khỏe,… Nói chung là tất cả mọi vấn đề trong đời sống, sao cho cuộc sống của mình và gia đình mình được ổn định, thuận buồm xuôi gió sau này.

Con gái chị đã suy nghĩ và hành động theo chiều hướng tích cực đó. Khi mẹ còn trẻ còn khỏe, muốn mẹ luôn cảm thấy mình được sống hạnh phúc bên cạnh con, mẹ không quan tâm đến việc tuổi già cứ xồng xộc tới mỗi ngày, cháu đã thủ tiêu, che dấu mọi tin tức, quảng cáo liên quan, gợi nhớ sợ mẹ lo buồn. Nhưng bây giờ cháu nhận ra rằng dù muốn hay không, ai ai cũng phải tiến tới cái ngày trăm tuổi đó. Cháu lo lắng không biết đến lúc đó mình phải làm gì, có khả năng lo cho mẹ được chu đáo không? Thế là, phải tính toán, thu xếp thôi, bắt đầu bằng việc mua bảo hiểm nhân thọ cho mẹ. Bằng việc tích cóp đóng tiền hàng tháng trong khả năng của mình, cháu có thể tạm yên tâm về tài chính đủ để trang trải mọi phí tổn.

Chị ơi, nhiều người còn mua trước đất nghĩa trang, tiền tổ chức tang lễ, thậm chí mua cả quan tài. Tất cả chỉ vì ai cũng mong cái ngày đau buồn ấy (dù không ai trông đợi) khi nó tới sẽ có thể được giải quyết êm đẹp.

Điều làm chị buồn bực, lo lắng khi đột nhiên thấy con mình xúc tiến việc mua bảo hiểm nhân thọ cho mình, có phải con muốn “đầu tư” vào cái chết của mẹ không? Chị suy diễn cũng không sai, bởi vì việc mua bảo hiểm nhân thọ thật ra cũng có hai mặt: tích cực và tiêu cực.

Mặt tích cực là gia đình được yên tâm về tài chính cần có lúc hữu sự. Còn về mặt tiêu cực, đúng là đã từng xảy ra những việc đau lòng: vợ chồng, con cái giết hại nhau để lãnh được tiền bảo hiểm. Cuộc đời thì muôn mặt.

Nhưng thật hạnh phúc và may mắn lắm thay, chị không nằm trong trường hợp tiêu cực này. Hai mẹ con đã từng sống yêu thương, quan tâm đùm bọc, săn sóc lẫn nhau.
Chị hỏi: “Điều gì tôi nên nghĩ đến?”

Trước tiên chị nên nghĩ về chính bản thân mình, hãy giữ cho tinh thần và thể chất của mình được tốt. Hãy tập cho mình có được tinh thần lạc quan buông xả, bằng thiền định mỗi ngày, bằng tôn giáo, bằng sự giao thiệp với mọi người xung quanh. Hãy giữ gìn sức khỏe bằng cách tập thể dục, ăn uống khoa học. Chị phải tỏ cho con thấy mẹ vẫn ổn, vẫn còn sức khỏe để con đỡ phải lo lắng về ngày mẹ trăm tuổi con không còn hạnh phúc được kề bên chăm sóc mẹ.

Sau đó chị hãy nghĩ đến con gái. Hãy tin cậy và yêu thương con như chị đã từng làm. Hãy cho con thấy mẹ thật hạnh phúc, may mắn khi được sống cùng con.

Ngoài ra khi mua bảo hiểm nhân thọ phải cẩn thận, chọn nơi bán bảo hiểm có uy tín, đọc kỹ hợp đồng bảo hiểm xem nghĩa vụ và quyền lợi có được như mình mong muốn không.

Chúc hai mẹ con luôn mạnh khỏe, quan tâm săn sóc, hạnh phúc sống bên nhau.

* Vấn đề mới:
Thưa cô Nguyệt Nga, cháu lập gia đình đã 27 năm. 27 năm, những ngày hạnh phúc có thể đếm trên đầu ngón tay, còn lại là phiền muộn, nhục nhã, đau đớn, ê chề.

Tụi cháu lấy nhau được 3 năm thì vợ cháu bắt đầu có những cuộc đi chơi riêng không báo trước, có khi còn vắng nhà qua đêm. Sau thời gian tìm hiểu, cháu khám phá ra, cô ấy có quan hệ với một người ngoại quốc làm chung hãng. Cháu thật ngao ngán và xấu hổ. Nhưng vì sỉ diện, cháu không dám làm lớn chuyện, chỉ biết âm thầm ngậm đắng nuốt cay, và lấy lời khôn dại để mong vợ trở về nẻo chánh.

Không biết vợ cháu hồi tâm hay vì một lí do gì khác. Tuy nhiên, việc quay trở lại cũng khiến cháu rất vui. Thời gian này vợ cháu sinh được một cháu gái, tiếp theo là một cháu trai. Tụi cháu sống êm đềm hạnh phúc. Hai vợ chồng ra sức làm ăn để dành tiền. Tụi cháu mua được nhà cho hai vợ chồng, mua được nhà cho cha mẹ vợ, và cũng làm chủ được hai cái tiệm.

Cháu giao một cái tiệm ăn cho vợ quản lý. Đây là cơ hội cho ngựa quen đường cũ mà cháu không lường trước được. Vì là tiệm bán đồ ăn, nên tụi cháu đã thuê thêm mấy người Mễ phụ giúp. Một trong những người Mễ đó đã gây sự đàm tiếu trong nhân viên của tiệm. Chuyện lâu dần đã đến tai cháu. Cháu có khuyên vợ nên chấm dứt mối quan hệ bất chính đó, nhưng vợ cháu không nghe. Cuối cùng, cháu đã đem câu chuyện này về nói với anh chị em bên vợ. Nhưng họ không tin cháu.

Suốt 4 năm trời, cháu sống trong sự lạnh nhạt, hắt hủi của vợ cháu, nhưng cháu vẫn cố gắng nhịn nhục và vẫn tiếp tục phụ vợ những công việc trong quán. Tất cả những cố gắng đó chỉ vì cháu muốn giữ sự bình an cho con cái. Trong khi đó, càng ngày vợ cháu càng biểu lộ sự quan tâm đặc biệt đối với cậu Mễ.

Vì gia đình bên vợ không tin chuyện này, nên cháu muốn chứng minh cho gia đình vợ thấy. Cháu đã cùng với người em trai, một người con nuôi, và một người bạn bắt quả tang vợ cháu cùng với cậu Mễ. Cháu có quay phim lại để làm bằng chứng. Cái đau đớn nhất là, người đàn ông Mễ kia, chỉ đáng tuổi con của vợ cháu. Anh ta mới trên 20 tuổi, trong khi con gái cháu đã lên đại học.

Khi gia đình bên vợ cháu biết cháu đã bắt được quả tang, thì họ nói cháu nên giữ bí mật đừng cho người ngoài và hai con biết. Trong khi đó vợ cháu vẫn không hồi tâm khi mọi chuyện xảy ra. Một lần nữa cháu cũng cố gắng nói với cô ấy là còn thương và muốn làm lại cuộc đời không, thì cô ấy trả lời: Muốn li dị.

Thưa cô Nguyệt Nga, trời đất như sụp đổ trước mặt cháu. Cháu đến thưa chuyện với ba mẹ cô ấy và nhận được sự đồng tình của ông bà, nên đã tiến hành việc ly hôn.

Hiện nay việc ly hôn đã ngã ngũ. Cháu giữ 1 căn nhà để ở, còn vợ cháu giữ hai cái tiệm và 1 căn nhà.

Mọi sự tòa đã phán quyết, đã yên phần mỗi bên. Nhưng thực tế đâu có được vậy. Vì làm chủ hai cái tiệm, là nơi khách khứa, người thân quen ra vào. Cô ấy không chừa một cơ hội nào rêu rao, nói xấu cháu. Ban đầu cháu còn lơ đi để sống, nhưng dần dà, vì điều này xảy ra càng ngày càng nhiều và lan rộng, khiến cháu quá bực mình. Cháu không thể nhắm mắt bịt tai được. Nhất là khi cô ấy lại mon men tấn công vào tình cảm của hai đứa con dành cho cha, cô ấy muốn làm hỏng, làm xấu hình ảnh của cháu trong mắt hai đứa con. Một phần vì cô ấy lợi dụng chuyện cháu đã không nói gì với các con về những chuyện xấu của mẹ chúng.

Cháu xin quí độc giả lời khuyên, để bằng cách nào cháu có được đời sống bình an, thoát khỏi những rì rầm của nhân thế về những điều vu cáo từ người vợ cũ. Cháu xin cám ơn cô Nguyệt Nga và quý độc giả.

C.
*Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác.

Thư từ gửi: [email protected]

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Ba, ngày 18 tháng 4 năm 2017

MỚI CẬP NHẬT