Wednesday, April 24, 2024

Những người xin tiền ở các ngã tư

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St. Westminster, CA 92683, hay email: [email protected]

Gần đây, em thấy những người ngoại quốc, đứng giữa đường xin tiền hơi nhiều. Họ nhiều dạng khác nhau, nhưng họ có chung một mẫu số, là còn trẻ và rất mạnh khỏe. Có khi là những cô gái khỏe mạnh chừng trên dưới 20. Cũng có khi là những thanh niên vừa đứng cầm bản: “no food, no money…” tai thì vừa nghe nhạc và lắc lư liên tục…

Sáng nay đi làm, em thấy một ông, cầm bảng, đi dọc theo vạch trắng giữa hai lane để đến từng xe xin tiền. Những người cho tiền phần lớn là người Việt Nam, phần nhiều là người cho tiền ốm yếu, già cả hơn người đi xin.

Phần em, nói rất thật là em chẳng bao giờ cho tiền những người đó, chưa kể mỗi lần ông xã em cho, em còn cự ảnh nữa. Nhiều khi ảnh không ở lane trong, cũng ráng vẫy tay ra dấu cho họ băng qua lằn xe để đến lấy tiền. Em bực lắm, nói thì anh ấy cho rằng em bủn xỉn tiếc chi 1 đồng cho người đói khổ.

Em không tiếc 1 đồng nhưng em ghét những người lười biếng thích có tiền mà không chịu đi làm. Em cằn nhằn ông xã em: Em tin là trong việc cho tiền người Mỹ, có ít nhất là 80% tự ái dân tộc của anh được vuốt ve. Nếu đó là người Việt Nam, chắc anh sẽ ít thích cho họ hơn. Em bực mình nên nói năng ngang tàng với chồng mình. Tự dưng mỗi khi hai đứa đi với nhau, mà có một người ăn xin đứng đường thì lại hằm hằm để ý nhau. Những lúc ấy, em cứ mong đèn xanh mãi cho xe không ngừng lại, để cái ông đi xin kia không thể trờ tới xe em nhận tiền. Khi nào thế em cười thầm trong bụng, rất đắc ý. Nghĩ rất trẻ con và buồn cười. Em muốn hỏi cô Nguyệt Nga, em có đúng không hay em làm thế là vô nhân đạo, và không biết ơn đất nước đã cưu mang mình?

Con Cún

Góp ý của độc giả:

* DoThyNguyen:

Chào cô Nguyệt Nga và quý độc giả.

Ngày mới qua Mỹ tôi cũng nghĩ họ lười vì nước Mỹ đầy cơ hội…Tôi không cho, con gái tôi học về XHH nên cháu nói họ là những người có án nên không xin được việc làm, họ không được gia đình giúp đỡ đùm bọc như người VN nên không có địa chỉ khai báo khi ra tù, xe không có, họ lại không biết phòng thân nên thất nghiệp là ra đường đứng, cả vợ chồng con cái! Cũng có người lười biếng…

Tôi chứng kiến một người để bảng “work for food”, người Việt Nam tưởng họ đói đưa cho ổ bánh mì thịt thì họ quăng ngay vào bụi cây! Họ chỉ thích tiền, họ vào sân nhà thờ xin linh mục cho thức ăn họ hỏi sao không cho tiền, xứ Đạo nào cũng trích ngân quỹ ra giúp người nghèo hàng năm rồi, nên không cho trong sân nhà thờ họ quen tật, có khi 2, 3 người làm xáo trộn nơi tôn nghiêm!

Lâu rồi tôi có đọc bài phóng sự viết về người “homeless,” nhà báo họ sống với homeless tìm hiểu để viết bài…

Người homeless nói, đứng đường xin tự do và có tiền nhiều, vào trung tâm họ bị đánh thức sớm 5:00 sáng để tập thể dục, ăn sáng rồi đi làm tạp dịch… Ngu gì vào đó, muốn họ đi làm họ cũng không muốn đi, ăn xin dễ hơn, tôi gặp người xin ở chợ, họ nói trước là center full rồi!

Họ xin ở cây xăng, tối tôi sợ vào xe đóng cửa rồi khóa xong mở cửa sổ cho vì thấy tội nghiệp vì già, tôi cũng cho. Còn người xin tiền đổ xăng nữa.

Thật ra với tôi vì lòng trắc ẩn nghĩ mình tị nạn mà họ khổ hơn mình thì cho nếu tiện, chứ mà để họ băng qua nguy hiểm và làm cản trở các xe sau.

Tôi nghe nói nếu Police thấy có thể cho mình ticket?!

Có lẽ họ cũng bị hốt hay sao mà có khi vắng hẳn có khi rộ lên!

Nhất là bảng xin để “mom and 3 kids homeless” ai tin được! Có khi 4 mẹ con ngồi ở chợ Đà Lạt. Tôi cũng cho nhưng tùy người, đi với con trai tôi là nó cản vì con tôi bảo, coi chừng họ dùng drugs và uống rượu.

Bên VN bây giờ ăn xin giả nhiều lắm, bó chân giả cụt rồi nằm lăn lóc bị phát giác, bên Trung Quốc cũng vậy!

Ôi cuộc đời sao lắm mưu chước quá.

Thân ái chào.

* Bích Châu:
Tôi có đứa con, mẹ con rất thân nhau, hay chia xẻ với nhau điều này điều kia. Khi tôi đem câu chuyện trên về người xin tiền trên mục của cô Nguyệt Nga kể cho con nghe. Nó nói ngay: Mẹ không biết đó, chứ mỗi lần con thấy mấy người đó đứng đường con chỉ muốn xuống xe đạp cho nó một đạp.
Mà thật, dạo này tôi cũng thấy càng ngày càng nhiều, nhất là những khu đông người Việt Nam qua lại. Làm như họ biết chỗ đó dễ kiếm tiền hay sao. Những người này trẻ, mạnh khỏe, có hôm có những cô gái mặc quần sọt, áo 3 lỗ, tóc tai nhiều màu. Tôi không biết sao vẫn có người dừng lại cho tiền họ. Thì có cho mới có xin, nếu mọi người đồng lòng không cho thì làm sao họ tiếp tục đứng đường được. Có hôm tôi thấy xe police chạy qua, bắt họ đi chỗ khác, thì chỉ chốc sau họ lại trở lại như cũ. Nhà nước Hoa Kỳ nhiều khi dân chủ quá cũng khiến người xấu lợi dụng.
Theo tôi, không cho thì sẽ không có họ. Đơn giản vậy thôi.

* Thành:
Vợ tôi cũng hay cho tiền, nàng nói: Họ nói thất nghiệp, đói, nghèo thì mình giúp, còn họ nói láo là chuyện của họ. Mình cứ làm phước, ông trời sẽ phán xét mọi việc.

Vấn đề mới: 

Thưa cô Nguyệt Nga, tôi thật xấu hổ khi phải nói chuyện trong gia đình. Tôi già rồi, nhà tôi càng già hơn, cả hai đang bước rất gần đến cõi… Vĩnh Hằng. Tôi tâm nguyện, sống bình an với quãng đời ngắn ngủi còn lại, và cũng luôn nhắc nhở nhà tôi gắng sống sao cho khi nhắm mắt lòng nhẹ nhàng, thanh thản.

Vậy mà mới đây rất vô tình tôi khám phá ra trong đám thuốc uống hằng ngày của nhà tôi có một lọ, ngoài thì nhãn hiệu Advil mà trong toàn là những viên thuốc trái trám màu xanh, trên có chữ “pfizer”. Mà tôi cũng rất ngu dại. Tôi thấy đây không phải là viên Advil quen thuộc mà tôi vẫn thường uống. Tôi sợ nhà tôi bỏ nhầm thuốc, nên mới lên máy computer, đánh cái chữ ghi trên viên thuốc để coi, thì hóa ra đó là những viên thuốc Viagra. Mà buồn cười là tôi vẫn thắc mắc, có khi nào tôi lộn không? Tại sao thuốc không ghi tên Viagra mà ghi tên Pfizer. Để make sure, tôi gọi điện cho con và hỏi, thì con tôi nó cười ngất. Nó bảo mẹ thật ngây thơ. Nó hỏi tới thì tôi phải khai thật là của bố. Nó càng cười. Nó bảo: kệ ông, mẹ để ý làm gì cho mệt mẹ.

Con tôi nói lạ quá!, kệ sao được, đâu thể để chồng đi ta bà như vậy, dù là chồng già. Nó chưa có chồng nên nói vậy thôi, chứ có thử coi nó có lộn gan lên đầu không?

Dù là suy nghĩ vậy, nhưng tôi vẫn không biết có nên “vạch mặt” ông già ra không. Mà có muốn “vạch mặt” cũng không biết nói thế nào cho khỏi ngượng mồm. Nhưng dù suy nghĩ thế nào thì tôi cũng không thể chấp nhận điều này.

Chao ơi! Lâu nay tôi cứ nghĩ ông chồng mình già rồi, chắc an phận mà chờ ngày đi về miền Tịnh Độ, ai ngờ quỷ quái như vậy. Nhìn tướng ổng lụ khụ ai mà tin được ông hiện tinh ra vậy trời!

Nguyễn thị L.

*Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác. Thư từ gửi: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT