Thursday, April 25, 2024

Phương pháp dạy con ngày nay không giống ngày xưa

Tạp chí CuriosMindMagazine vừa công bố kết quả cuộc nghiên cứu của các nhà tâm lý học của trường đại học Harvard nói về 5 phương pháp hướng dẫn cha mẹ dạy con em của mình. Thời gian trôi qua mang lại nhiều sự thay đổi diệu kỳ, giúp trẻ hình thành những thói quen mới, trạng thái, nhân cách, cách ứng xử hoàn toàn khác so với lúc chúng còn bé bỏng.

Thế hệ trẻ ngày nay lưu tâm đến những nơi chốn mới mẻ, tân kỳ, đầy lôi cuốn khiến chúng muốn đi ra ngoài thường xuyên hơn để vui chơi, và tạo lập mối liên hệ xã hội, không giống với cách giải trí của chúng ta ngày trước. Sự thay đổi đó là thách thức lớn lao đối với các bậc cha mẹ. Sự thách thức này diễn ra rất khác nhau, nhưng chỉ có một vấn đề chính là các bậc cha mẹ thời hiện đại cần dạy dỗ con em của mình bằng phương cách hoàn toàn khác, so với thời mà trước đây họ đã được dạy dỗ. Con em của chúng ta ngày nay cần được học hỏi, hướng dẫn, giáo dục để trở thành một con người hoàn chỉnh, một người biết tiến lên, một người có thể giao tiếp với người khác một cách tự do, thoải mái với thái độ sẵn sàng.

Các bậc cha mẹ thường có cùng một câu hỏi là liệu bố mẹ có quên đi cái gì đó trong đời sống hàng ngày với con em của mình hay không, hoặc liệu mọi thứ mà họ làm đều đúng hết hay không, và các con của họ rồi sẽ thành công trong cuộc sống hay không.

Các nhà tâm lý học của trường đại học Harvard đã nghĩ đến những câu thắc mắc giống nhau như thế và khám phá ra một số yếu tố rất quan trọng và là vấn đề của muôn thuở. Vấn đề chính yếu trong phương cách giáo dục trong mái nhà riêng của mỗi gia đình là việc đứa trẻ có thể tự điều chỉnh một cách hợp lý trong khi hoàn cảnh thay đổi theo thời gian hay không.

Sau đây là 5 bí quyết mà các bậc cha mẹ cần quan tâm để dạy dỗ con em của chúng ta thành một đứa trẻ tốt.

1. Dành thời gian quý báu cho con em của mình 

Nếu bạn không đủ thời gian cho con em mình thì bạn cũng nên dành cho chúng những giây phút bên nhau một cách trọn vẹn. Có một sự thật là iPhone hay các thiết bị điện tử không thể nào thay thế được những gì mà con em của chúng ta thật sự cần đến. Bằng cách trò chuyện một cách cởi mở với chúng, lắng nghe chúng một cách chăm chú, và làm những điều mà chúng mong muốn khi ở cạnh nhau, đứa trẻ sẽ không chỉ cảm thấy yêu thương cha mẹ nhiều hơn, mà còn học hỏi được ở bạn sự tôn trọng và biết quan tâm đến người khác.

Đây là vấn đề nền tảng, không có gì có thể sánh được. Con em của bạn thường thích một con người thật để nói chuyện và chia sẻ những ý tưởng, kinh nghiệm kể cả khi chúng không có nhận thức về điều đó.

Hãy hỏi chúng suy nghĩ gì về những ngày đã qua, hãy chăm chú lắng nghe, và thảo luận về những tình huống khó xử có thể xuất hiện trong tâm trí của con em mình.

Những câu chuyện chia sẻ ở đây không phải là những bài học giáo điều, độc đoán từ suy nghĩ mà bạn cho là chính chắn và từng trải của chính mình. Con em của chúng ta chỉ muốn và chỉ cần rút tỉa kinh nghiệm về những vấn đề thông qua lăng kính của chúng mà thôi. Để tỏ ra quan tâm đến những điều mà chúng thích, bạn hãy cố gắng học hỏi về các trò chơi vận động của con em mình, để chúng sẵn sàng chia sẻ những điều thú vị với bạn. Đọc cho chúng nghe một cuốn sách trước khi ngủ, hoặc khi ở cạnh bên nhau vào ban ngày nếu chúng đang trong trạng thái sẵn sàng. Hãy ở bên cạnh con em một cách trọn vẹn và thấu hiểu mọi cảm xúc của chúng.

2. Giúp con em của mình nhận ra những ra tinh thần ở bạn 

Trẻ con học hỏi, bắt chước phần lớn từ những điều xảy ra chung quanh, đặc biệt trong giai đoạn thơ ấu. Bạn lúc đó ra sao thì chúng sẽ trở thành như thế.  Đó là lý do khiến bạn cần phải luôn luôn chú ý đến hành động của mình, sẵn sàng nhận lỗi và sửa chữa lỗi lầm. Hãy để cho con em của mình biết rằng bạn luôn luôn quan tâm và sẵn sàng nhận lỗi mỗi khi bạn sai khi làm việc với chúng.

Hãy tỏ ra tự tin, trung thực và săn sóc mình cẩn thận. Hình ảnh của bạn sẽ là tấm gương để chúng làm theo. Hãy chứng tỏ sự khiêm nhường và trung thực của bạn để  giúp chúng cảm thấy dễ chịu và được thúc đẩy sự tích cực trong những vấn đề riêng tư của chúng.

3. Dạy con em của chúng ta biết quan tâm đến người khác và biết tuân theo chuẩn mực đạo đức 

Nên giúp con em của mình hoà mình vào mọi hoạt động xã hội và biết quan tâm đến người khác một cách đúng đắn. Thái độ quan tâm đến hạnh phúc của người khác và biết tránh cuộc sống ích kỷ sẽ giúp con em của bạn được nhiều lợi ích trong tương lai.

Phúc trình của trường đại học Harvard cũng cho rằng những điều mà trẻ em nghe thấy và biết được từ cha mẹ chúng là hết sức quan trọng. Sự quan tâm đến người khác nên được đưa lên hàng đầu, và điều đó quan trọng đối với việc chúng tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình sau này. Dạy chúng làm việc phải, kể cả khi hết sức khó khăn, và là một mẩu mực đạo đức khô cứng. Vấn đề giản dị là bạn cần phải biện minh cho lời nói của mình bằng hành động, việc làm của mình. Bạn cần nhắc nhở con em mình về trách nhiệm và bổn phận  của chúng, đặc biệt rõ nét trong độ tuổi mới lớn, chẳng hạn như trách nhiệm của người học sinh ở trường, với bạn bè và việc giữ lời hứa.

4. Nhắc con biết bày tỏ sự biết ơn 
Một đứa trẻ được nuông chiều quá mức dễ trở nên hư hỏng trong khi một đứa trẻ có ý thức về thân phận của người khác một cách lành mạnh dễ trở thành người tốt. Nhận thức này thường đến bằng sự biết ơn người đã góp phần tạo nên tiện nghi cần thiết để mình được sống khoẻ mạnh và hạnh phúc.

Làm sao để chúng bắt đầu thói quen này bằng cách học hỏi từ hành động của chính cha mẹ mình. Cho nên bạn cần phải sẵn sàng nói lời cám ơn về một việc nào đó mà bạn nhận được từ người khác. Điều mưu cầu ở người khác, ở xã hội không nhằm mục đích làm cho chúng được nuông chiều quá mức để trở nên hư hỏng, mà xuất phát từ những trách nhiệm thực tế. Khuyến khích con em bày tỏ lòng biết ơn đối với các thành viên khác trong gia đình, với thầy cô giáo và với những người giúp cho đời sống của chúng được hạnh phúc và dễ dàng, tốt đẹp hơn.

5. Dạy con quan tâm đến đám đông 

Một yếu tố thường thấy là trẻ con thường xúc động và chỉ chú tâm đến một cái vòng tròn nhỏ của gia đình và bạn bè. Đó là hiện tượng rất bình thường. Nhưng thách thức thật sự đối với chúng ta là phải dạy cho con trẻ nghĩ đến những người ở bên ngoài cái vòng tròn chật hẹp đó.

Trẻ con cần được biết rằng nhận thức, suy nghĩ và hành động của chúng tác động ra sao đến cả một cộng đồng rộng lớn. Hãy gợi mở để giúp con em của bạn biết nghĩ đến triển vọng cuộc sống và cảm giác của người khác, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương. Hãy đưa ra những ý tưởng giản dị để chúng hành động, chẳng hạn như làm điều gì đó giúp một người bạn mới trong lớp học, mang lại sự bình yên hơn cho một đứa trẻ bị người khác trêu chọc. (P.L) 

Chính phủ Trump bị kiện vì không công bố danh sách khách của Tòa Bạch Ốc

MỚI CẬP NHẬT