Thursday, March 28, 2024

Vụ Đinh La Thăng, một ‘đại án tí hon’

Bùi Tín (VOA)

Ông Nguyễn Phú Trọng có thể hài lòng hể hả về xử xong vụ án Đinh La Thăng. Phong trào chống tham nhũng của ông ghi thêm một “chiến công” nổi bật. Một ủy viên Bộ Chính Trị mất chức. Một Bí Thư Thành Ủy của thành phố lớn nhất nước bị cảnh cảo, thay thế, chứng tỏ chế độ này có nền tư pháp công minh chính trực “đến thế là cùng!”

Nhưng còn có nhiều vấn đề cần bàn cãi và nhiều câu hỏi còn tồn tại.

Ông Thăng vẫn còn là ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng ư? Được điều về làm “Phó Ban Kinh Tế TW Đảng” nữa. Quyền lực vẫn còn lớn. Vậy thế là kỷ luật nghiêm ư?

Tại sao một cán bộ của đảng phạm pháp nặng nề như thế lại không bị đem ra truy tố và xét xử công khai bởi Viện Kiểm Sát và tại Tòa Án theo đúng luật. Lẽ ra ông Thăng phải bị khai trừ ra khỏi đảng và phải ra trước Tòa Án như một công dân, có bản luận tội, có luật sư bào chữa, được trình bày rõ trường hợp của mình, có buổi tranh luận công khai đầy đủ, để đi đến kết luận và tuyên án đàng hoàng của tập thể Hội Đồng Xét Xử. Một vụ trọng án như thế liên quan đến nhiều nhân chứng, phải xử vài tuần lễ, có khi vài tháng mới có thể xét đúng người đúng tội, đúng luật.

Kết luận Tòa Án phải quyết định thu hồi tài sản phạm pháp, như tiền bạc, nhà cửa, đất đai, chứng khoán, tiền gửi ngân hàng… sung vào công quỹ, để phần nào bù lại số tiền của đất nước, của nhân dân đã bị thất thoát.

Vậy là xét về mặt Hiến Pháp và Luật Pháp, vụ án Đinh La Thăng vi phạm luật pháp nặng nề chỉ bị xét theo kỷ luật Đảng, coi đảng viên là công dân đặc biệt, đứng ngoài pháp luật. Ngay trong việc xử kỷ luật này cũng tiến hành luộm thuộm, chớp nhoáng, độc đoán, theo ý kiến của Tổng Bí Thư, các ủy viên Bộ Chính Trị gật theo, rồi cuộc họp trung ương gật theo, với tỉ lệ gần 100%. Một vụ án không có ai luận tội, kết luận vì không có buổi xét kỷ luật nào. Nó diễn ra trong nháy mắt, chỉ bằng giơ tay biểu quyết.

Một vụ đại án dính đến tài sản hàng trăm tỷ thất thoát mà bộ trưởng Tư Pháp, Viện Kiểm Sát, Tòa Án Tối Cao phải đứng ngoài lề, buộc phải câm lặng, thật là một nét son đỏ chót rất khó coi trên mặt ngài Tổng Bí Thư.

Một trò hề 100% chống tham nhũng.

Một trò hề vụng về điển hình về lời khoe thi hành kỷ luật Đảng nghiêm minh và đổi mới ngành Tư Pháp tiến bộ.

Ông Trọng cố làm ra vẻ kiên quyết chống tham nhũng, nhưng để lộ ra nhiều sơ hở vụng về.

Đây chỉ là trò dơ cao đánh khẽ, dơ roi rất cao nhưng đánh rất nhẹ, chỉ như phủi bụi, vì tội phạm nghiêm trọng là thế vẫn đàng hoàng là ủy viên Trung Ương Đảng, nay còn là “Phó Ban Kinh Tế Trung Ương,” một cán bộ cấp cao trong một Ban hệ trọng đối với nền kinh tế.

Chiếu theo Luật Phòng Chống Tham Nhũng, tham nhũng trên 1 tỷ đồng là có thể nhận án tử hình vì đó là tiền thu nhập vài chục năm một lao động.

Đất nước có 2 nền tư pháp với tốc độ khác hẳn nhau là như thế.

Một cho dân đen, trong đó có các nhà dân chủ yêu nước, thương dân, các chiến sĩ dân chủ kiên cường, như Nguyễn Hữu Vinh, Trần Huỳnh Duy Thức, Bùi Minh Hằng… rên xiết trong tù dài dài, và một tư pháp riêng cho những tên tội phạm đáng tội tử hình vẫn ung dung hưởng thụ không chút lo ngại vì là đảng viên cấp cao có thế lực phe cánh.

Vậy mà trên báo Nhân Dân hôm nay vẫn còn trưng khẩu hiệu “Đổi mới tư pháp, áp dụng tư pháp,” thật mỉa mai và khôi hài, nói một đằng làm một nẻo.

Những Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc từng bị tuyên án tử hình trong đại án Vinalines có thể kêu “oan” vì họ cũng là cán bộ cao cấp của đảng sao lại không được đảng ưu đãi như Đinh La Thăng, hạ cánh êm, an toàn.

Để xem sau vụ án Đinh La Thăng mang tính “giơ rất cao đánh rất nhẹ,” ông Cả Trọng sẽ lãnh đạo việc xét xử 12 vụ đại án, phần lớn dính đến các ngân hàng quốc doanh hiện đang chờ giải quyết trong thời gian tới ra sao.

MỚI CẬP NHẬT