Friday, April 19, 2024

Đồn vắng chiều Xuân

Vann Phan

* Truyện ngắn của Saroyan Vann Phan
(Riêng tặng tất cả các anh chiến sĩ QLVNCH để cùng nhau sống lại một thời hoa mộng đã qua…)

Đoan Trang cùng các bạn vừa mới ló dạng nơi lối vào ở mạn nam cuả tiền đồn đã nghe có tiếng reo vui:

“Các cô tới rồi! Các cô tới rồi, trung úy ơi!”

Trung Sĩ nhứt Thanh, người phụ trách Ban Tâm Lý Chiến dưới quyền Trung Úy Minh, đại đội phó Chiến Tranh Chính Trị, cũng vừa từ hầm truyền tin bước tới:

“Mình cùng ra đón các cô đi, để tôi báo cho Trung Úy Minh ngay!”

Các nữ sinh Trường Trung Học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho, trong những chiếc áo dài trắng và xanh lơ, lần lượt tiến vào tiền đồn qua chiếc cổng làm bằng mấy tấm vĩ sắt chuyên dùng lót bánh xe GMC có chất chất bao cát bên trên. Đây là chuyến viếng thăm tiền đồn lần thứ ba của nhà trường trong những ngày chuẩn bị đón mừng Xuân mới trên quê hương chiến tranh.

Nữ Giáo Sư Bạch Nga, trưởng đoàn giáo chức và học sinh đi “ủy lạo chiến sĩ tiền đồn,” đưa tay ra hiệu cho đám nữ sinh gom lại gần một căn hầm rộng dùng làm nhà tiếp tân của đơn vị, rồi quay sang hỏi Trung Úy Minh, lúc đó cũng vừa từ bên trong công sự phòng thủ bước tới:

“Bây giờ tụi em đã tới đây rồi, đầy đủ tất cả ban nhạc và có cả quà cáp cho mấy anh nữa, Trung Úy định chương trình hôm nay như thế nào đây, trung úy?”

Minh vừa định đáp lời cô giáo Nga thì Trung Úy Bằng, vị chỉ huy cao cấp nhứt của tiền đồn, đã từ hầm chỉ huy bước ra:

“Xin chào tất cả phái đoàn uỷ lạo chiến sĩ tiền đồn từ Mỹ Tho tới. Đại đội 2, Tiểu Đoàn 32 Biệt Động Quân rất hân hạnh đón tiếp phái đoàn, nhứt là các nữ sinh Trường Nguyễn Đình Chiểu, những giọng ca oanh vàng mà những nguời lính như chúng tôi từng được nghe qua làn sóng điện hoặc qua các buổi trình diễn văn nghệ cuả trường.”

Ở vào tuổi ngoài ba mươi, vị chỉ huy tiền đồn trông trẻ trung, tươi mát và nhanh nhẹn dưới làn da sạm nắng và trong bộ quần áo rằn ri với phù hiệu con cọp thêu bên cánh tay.

Trung Úy Minh, tay nịnh đầm nhứt đơn vị, lên tiếng:

“Xin mời cô giáo và các em cùng vào bên trong giải khát với chúng tôi. Chẳng giấu gì quý vị, từ tuần truóc, khi nghe tin phái đoàn sẽ đến thăm, anh em Biệt Động Quân đã lo tích trữ một mớ dừa tươi để làm nước uống đãi khách quý. Hạ Sĩ Tân đâu? Mình có nước đá sẵn đây không, Tân?”

“Nước đá để ngay sau mấy thùng đạn đựng bánh, mứt đó, trung úy! Luôn tiện, xin trung úy mời mọi người dùng chút bánh, mứt gọi là ăn Tết sớm với nhau cho vui… Đời lính là vậy, được ngày nào, hay ngày nấy!” Tân nói, mắt không rời một cô nữ sinh áo xanh có mái tóc thề óng ả và đôi mắt to, đen, đang đứng cạnh Trung Úy Đại đội trưởng của mình.

Cô nữ sinh, chợt thấy thèn thẹn khi bắt gặp đôi mắt đắm đuối của Tân nhìn về phía mình, cất tiếng hỏi vu vơ:

“Ở đơn vị này, ai là ‘cây’ văn nghệ đó, trung úy?”

Mọi con mằt đều đổ dồn về phía người hạ sĩ tài hoa tên Tân, một giọng ca đang lên của đơn vị và cũng là một tay si tình ác liệt, từng trồng cây si dài dài từ Chợ Lồng cho tới bến xe thành phố.

“Ở đây, tuy là một đơn vị tác chiến, nhưng thiếu gì người ca hay, đờn giỏi! Sao ai cũng cứ nhìn về phía tôi vậy? Dẫu sao, lát nữa đây, khi phái đoàn trổ tài cho anh em thưởng thức, chúng tôi cũng xin hân hạnh góp tiếng…” Tân cố nói một câu thiệt khiêm nhượng, mặc dù, trong thâm tâm, anh vẫn không khỏi tự hào vì giọng ca từng làm chết mê, chết mệt bao trái tim thơ ngây ngoài Chợ Mỹ Tho, trên Trường Nguyễn Đình Chiểu, và dài dài tới Tân Hiệp nữa!

Căn hầm tạm dùng làm chỗ tiếp khách và làm hội trường vang lên tiếng cười thoải mái. Theo lệnh “đại bàng,” gần hết đơn vị đang tập trung về đây để vừa thưởng thức văn nghệ dã chiến do “phái đoàn văn nghệ ủy lạo chiến sĩ” từ Mỹ Tho xuống trình diễn, vừa sinh hoạt liên hoan với nhau. Dĩ nhiên là vì lý do an ninh, một số anh em chiến sĩ vẫn phải nằm lại các tuyến phòng thủ bên ngoài để ngăn ngừa Cộng quân tấn công bất tử. Vì tiền đồn này nằm gần một căn cứ hỏa lực của Pháo Binh Sư Đoàn 7, buổi văn nghệ hôm nay còn có sự tham dự của các anh em chiến sĩ pháo binh do Thiếu Úy Mai hường dẫn nữa.

Không khí buổi văn nghệ dã chiến sôi động hẳn lên khi cặp song ca “Hùng Cường-Mai Lệ Huyền” do Trinh, cô nữ sinh với mái tóc úp kiểu búp bê của Trường Nguyễn Đình Chiểu, và Hạ Sĩ Tân của Đại Đội 2, cùng trình diễn qua nhạc phẩm “Người Yêu Lý Tưởng.” Tuy chỉ mới dượt sơ với nhau chừng mười phút trước khi được giới thiệu lên trình diễn, cặp “Hùng Cường-Mai Lệ Huyền” đã rất ăn ý với nhau:

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Ba, ngày 31 tháng 1 năm 2017

“Em thường hay ước mơ,
Mơ người yêu lý tưởng
Với vẻ hào hoa,
Điểm chút kiêu hùng
Lẫn nét phong sương.
Dẫu là chàng chiến binh
Hay là chàng phi công
Hay là chàng thuỷ thủ…”

Cặp song ca vừa dứt phần trình diễn, tiếng vỗ tay rào rào liên tiếp từ khán giả – là các chiến sĩ mũ nâu và đoàn nữ sinh áo dài – vang lên. Trong nỗi bất ngờ của mọi người, Trung Úy Bằng, từ hàng ghế đầu, nhanh nhẹn bước lên bục sân khấu. Cầm lấy chiếc mi-cơ-rô do Trinh đưa cho, vị sĩ quan chỉ huy tiền đồn vẫy tay ra dấu cho ban nhạc đệm ngưng chơi, rồi lên tiếng:

“Thưa toàn thể qÚy vị, thưa tất cả những người đẹp đang là khách quý của chúng tôi, cùng các anh em trong đơn vị thân mến, để đóng góp vào không khí sôi động của buổi văn nghệ tiền đồn hôm nay, tôi, ca sĩ ‘Bằng Bằng’ xin trình bày nhạc phẩm ’60 Năm’ của Y Vân…”

Ban nhạc vừa trổi lên khúc nhạc dạo, vị trung úy vốn là dân tác chiến thứ dữ, con chim đầu đàn cuả đơn vị, đã mạnh dạn vào nhịp:

“Em ơi có bao nhiêu:
Sáu mươi năm cuộc đời!
Hai mươi năm đầu
Sung sướng không bao lâu…”

Người sĩ quan trẻ tuổi, chịu chơi của Đại Đội 2 đang hăng say nhún nhẫy theo nhịp điệu giựt gân của nhạc phẩm kích động nổi tiếng thì bỗng nghe có tiếng “ầm!” “ầm!” “ầm!” của đạn súng cối 82 ly do Việt Cộng pháo kích vang lên từ phía bên cánh trái của tiền đồn.

“Pháo kích! Pháo kích!” có tiếng la lớn của anh em binh sĩ từ vọng gác chính của căn cứ để báo động cho mọi người mau mau xuống các hầm núp.

Tiếng Trung Úy Bằng lại vang lên qua máy khuếch âm, nhưng lần này không phải là tiếng hát vui nhộn cách đó mấy giây nữa:

“Việt Cộng pháo kích! Mọi người hãy bình tĩnh chạy tản mác về các hầm bên trái và bên phải phòng hội! Các cô và các em cứ theo anh em chúng tôi… Đừng sợ sệt gì cả, vì bề nào thì phòng hội này cũng là một cái hầm chống pháo kích có cả chục lớp bao cát bên trên!” vị sĩ quan vừa nói vừa vẫy tay cho cô giáo Nga và hai nữ sinh đứng gần đó cùng theo mình chạy lẹ về phía căn hầm của Trung Úy Minh, đại đội phó, lúc đó là chỗ tránh đạn gần nhứt.

Cảnh nhốn nháo diễn ra trong phòng hội, nhứt là giữa đám khách từ Mỹ Tho xuống, vì hầu hết mọi người trong phái đoàn uỷ lạo chiến sĩ không ai có kinh nghiệm bị Việt Cộng pháo kích thình lình vào ban ngày như thế này cả.

Thấy các vị đại đội trưởng, đại đội phó, Thiếu Úy Mai, và Trung sĩ nhứt Thanh vẫn bình tĩnh như thường, xua hết người này tới người kia chạy về hầm núp, cô giáo Thủy, cùng đi trong đoàn, từ một hầm núp gần đó, đánh bạo chạy ra:

“Hết pháo kích rồi hả, trung úy? Tụi này trở ra nhé?”

Trung Úy Bằng chưa kịp trả lời thì đã nghe ba tiếng “ầm!” “ầm!” “ầm” nữa sát ngay phía sau phòng hội. Có lẽ các xạ thủ Việt Cộng đang điều chỉnh hướng tác xạ để đánh cho đúng mục tiêu là căn hầm chỉ huy của Trung Úy Bằng, mà cũng có thể là vì họ sợ lộ mục tiêu nên vừa bắn vừa di chuyển. Rồi trong khi đám khách từ thành phố tới còn chưa hết ngơ ngác, sợ sệt vì đợt pháo kích lần thứ hai này thì bỗng nghe có tiếng đạn “đề-pa” phản pháo từ căn cứ pháo binh gần đó. Sau mấy tiếng rít dài trong không khí là tiếng trọng pháo nổ ầm ầm bên kia ngọn đồi hướng mặt trời chiều. Các chiến sĩ pháo binh ở căn cứ bên cạnh, chỉ vài phút sau khi phát hiện và xác định được vị trí súng cối địch, đã mau lẹ phản pháo để dập tắt mấy họng súng cối của Việt Cộng mà cùng lắm là chỉ mưu toan bắn quấy rối các đơn vị bạn, mặc dù họ cũng thừa biết rằng, trên địa bàn này, họ sẽ phải đương đầu với các xạ thủ pháo binh thiện nghệ của Sư Đoàn 7.

Sau các loạt đạn pháo liên tiếp bắn vào những điểm tình nghi có pháo địch, tình hình yên tĩnh mau chóng trở lại trên khắp vùng đồi và trên toàn đơn vị.

“Cuộc pháo kích không gây ra thiệt hại nào cho đại đội và coi như chấm dứt, xin mời Trung Úy Đại đội trưởng và mọi người trở lại hội trường để tiếp tục chương trình văn nghệ,” có giọng nói khá rõ của một sĩ quan trong đơn vị qua máy liên lạc nội bộ.

“Hết pháo kích rồi, anh, chị em hãy trở lại phòng hội!” Trung Úy Thanh loan báo cho tất cả cùng nghe.

Mọi người lại từ các hầm núp chui ra, tụ họp về phòng hội như trước. Qua giây phút hãi hùng mà hầu hết dân thành phố mới trải qua lần đầu, các nữ sinh đi ủy lạo lại bắt đầu líu lo trò chuyện với nhau, hoặc cười rúc rích như vừa kinh qua một sự kiện gì vui nhộn lắm. Chẳng bù với lúc nãy, cách đây mới mấy phút, gương mặt ai nấy cũng tái xanh và tay chân run rẩy trong nỗi kinh hoàng, sợ hãi trước tình huống bất ngờ bị lọt vào giữa vòng lửa đạn chiến chinh!

Cuộc vui chẳng mấy chốc lại tiếp diễn rộn ràng. Mọi người bắt đầu hiểu rằng hoạ hoằn lắm mới có một cuộc pháo kích lẻ tẻ của Việt Cộng vào vị trí, bởi lẽ chung quanh ngọn đồi vẫn thường xuyên có các đơn vị Địa phương quân trú đóng và tuần tiễu để bảo vệ cho vùng tiền đồn bao gồm cả một căn cứ hoả lực với các ổ trọng pháo 105 ly có tầm bắn xa 11 cây số. Hơn nữa, với nghệ thuật phản pháo điêu luyện và chính xác, các pháo thủ trên đồi ít khi cho kẻ địch có cơ hội bắn tới loạt đạn thứ ba!

Lần lượt, các ca sĩ không chuyên nghiệp, áo trắng có, áo xanh lơ có, đã tuần tự cống hiến các anh chiến sĩ tiền đồn Biệt Động Quân và Pháo Binh thân thương của họ những nhạc phẫm trữ tình về người lính chiến Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, về mùa Xuân đang nở hoa trên quê hương ngập tràn khòi lửa, về tình quân dân thắm thiết của dân chúng Miền Nam Việt Nam, và nhứt là về tình người em gái hậu phương lúc nào cũng mong được đem lời ca, tiếng nhạc gởi trao về các anh chiến sĩ mến yêu đang ngày đêm cầm súng bảo vệ quê hương để cho người người ở hậu phương yên tâm học hành, sinh hoạt, làm ăn…

Bích Vân diễn đạt tình cảm yêu thương anh lính chiến của mình bằng lời nhạc sau đây trong bài “Tiếng Hát Hậu Phương”:

“Em gái hậu phương chân thành gởi đến biên cương
Câu ca ân tình, muôn lời thơ thiết tha,
Tiếng hát vui lòng chiến sĩ miền xa…”

Thùy Linh, duyên dáng, điệu nghệ qua ca khúc “Người Yêu của Lính”:

“Hỡi người trai lính em yêu ơi!
Hỡi người anh chốn xa xôi, áo xanh pha màu lá…
Có khi em ngỡ rằng mình yêu nhau từ kiếp trước
Đến bây giờ mơ ước thành duyên tơ
Để má em thêm hồng…”

Nhưng cảm động nhứt vẫn là lời ca, tiếng nhạc trong nhạc phẩm “Đồn Vắng Chiều Xuân” của Trần Thiện Thanh. Nhạc phẩm này do Đoan Trang và Trung sĩ Cường song ca:

“Đồn anh đóng ven rừng mai
“Đồn anh đóng ven rừng mai
“Đồn anh đóng ven rừng mai
Chờ em một cánh thư Xuân
Nhớ thương gom đầy
Cho chiến sĩ vui miền xa xôi…”

Trung Úy Minh, người phụ trách Tâm Lý Chiến trong đơn vị, từ đầu buổi sinh hoạt văn nghệ tới nay lặng thinh, bắt đầu lên tiếng sau khi tràng pháo tay tán thưởng cặp song ca tài sắc chấm dứt:

“Như quý vị vừa nghe đó, anh em chiến sĩ chúng tôi, nhứt là các chiến sĩ Biệt Động Quân đang hành quân nơi những vùng rừng núi xa xăm, có khi vì mãi mê chiến đấu nên không có một ý niệm gì rõ rệt về thời gian cả. Rồi một chiều dừng quân nơi thôn xa, ngẩng nhìn lên bià rừng, người chiến sĩ chợt trông thấy những bông mai vàng nở rộ trên cành, lúc đó anh mới nhớ ra rằng muà Xuân đã về trên quê hương mến yêu tự bao giờ mà mình vẫn chưa thể dừng bước quân hành, vì quân thù vẫn còn đang gieo tang tóc trên quê hương… Đó chính là tâm tư, là tình cảm thơ mộng của nguời lính chiến nơi rừng sâu heo hút trong những ngày thiên hạ chốn hậu phương đang nô nức chào đón Xuân sang, một tâm sự mà nhạc sĩ tài hoa Trần Thiện Thanh đã gởi trao vào nhạc phẩm ‘Đồn Vắng Chiều Xuân’ vừa do Đoan Trang và Văn Cường trình bày cống hiến quý vị!”

Một tràng pháo tay tán thưởng vang dội khắp căn hầm dùng làm hội trường cho buổi thăm viếng ủy lạo các chiến sĩ Biệt Động Quân nhân dịp Xuân về.

“Trung Úy Minh nói hay hết xẩy nghe! Tới luôn đi, bác tài!” một anh chiến sĩ vừa đơn phương vỗ tay tán thưởng vừa la lớn.

Dường như không dám nhận lời khen tặng mà anh nghĩ là mình không xứng đáng, vị sĩ quan ăn nói khá bay bướm đó chuyển sang một đề mục khác:

“Bây giờ, chúng ta hãy tạm ngưng phần văn nghệ giúp vui để nghe cô ‘trưởng đoàn ủy lạo chiến sĩ tiền đồn’ của Thành phố Mỹ Tho có đôi lời…”

Vị trưởng đoàn, nữ giáo sư Thái Thị Bạch Nga, uyển chuyển bước ra trước mi-cơ-rô trong tràng pháo tay chào đón do Trung Úy Bằng dẫn khởi. Cúi đầu lịch sự chào hết mọi người, vị giáo sư Quốc văn xinh đẹp, trẻ măng, với làn da trắng mịn màng, của Trường Nguyễn Đình Chiểu cất tiếng:

“Thay mặt cho ‘phái đoàn ủy lạo chiến sĩ tiền đồn,’ chúng tôi xin gởi lời chào kính mến và thân thương tới tất cả các anh chiến sĩ Biệt Động Quân và Pháo Binh hiện diện. Nơi căn cứ này trong buổi chiều hôm nay, lòng biết ơn của những người ở hậu phương, kể cả những người em gái Mỹ Tho, gởi tới các anh chiến sĩ đang ngày đêm cầm súng bảo vệ quê hương đã được thể hiện qua lời ca, tiếng nhạc mà phái đoàn đã cùng với ban Văn Nghệ Đại Đội 2 cống hiến cho qÚy vị trong hơn một tiếng đồng hồ vừa qua… Một điều hết sức lý thú và cũng là một kỷ niệm đầy sợ hãi nhưng khó quên trong đời là, cũng chính nơi tiền đồn này, cách nay hơn một tiếng đồng hồ, chúng tôi, những người vẫn quen sống yên ổn nơi hậu phương, lần đầu tiên đã được dịp nếm mùi đạn pháo của Việt Cộng, rồi lại được chứng kiến tận mắt, nghe tận tai những đòn phản pháo chính xác và kịp thời của các anh chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, bình tĩnh đập tan mọi mưu mô quấy phá đời sống yên vui của đồng bào trong những ngày quê hương đang chuẩn bị đón mừng Xuân mới…

“Giờ đây, để kết thúc buổi thăm viếng đầy cảm động và lưu luyến này, phái đoàn chúng tôi xin thân ái trao tới tay Trung Úy Đại đội trưởng cùng tất cả các sĩ quan và anh em chiến sĩ Đại Đội 2 cùng các anh chiến sĩ pháo binh hiện diện những gói quà Xuân ý nhị, mà khi quý vị mở ra sẽ thấy trên mỗi gói quà là một chiếc khăn thêu rực rỡ, thơm tho do chính bàn tay dịu dàng của những người em gái hậu phương ở Mỹ Tho, trong đó dĩ nhiên là có bàn tay các em nữ sinh Trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu, thêu tặng các anh với bao niềm thương, nỗi nhớ gói ghém trong đó. Hễ các anh vui thì tất cả chúng em đều vui… Trước khi dứt lời, Bạch Nga xin cầu chúc tất cả các anh chiến sĩ tiền đồn một mùa Xuân đầy những chiến công oanh liệt để thanh bình và yên vui sớm trở về trên khắp quê hương Miền Nam mến yêu…”

Trung Úy Minh là người đầu tiên bước tới bày tỏ lời cám ơn và lòng cảm phục cô giáo Nga khi vị nữ giáo sư khả ái này rời chiếc bục sân khấu:

“Cô giáo ăn nói hay quá! Phải chi ngành Tâm Lý Chiến của chúng tôi có được những người như cô cùng chung vai, sát cánh bên nhau trong mặt trận đấu tranh chính trị với kẻ thù thì thắng lợi có lẽ sẽ mau chóng về với chúng ta hơn!” người sĩ quan trẻ tuổi, điễn trai của đơn vị tác chiến này đã đánh một đòn dân vận khá đẹp vào đối tượng đáng nể phục của mình là vị nữ giáo sư “trưởng đoàn ủy lạo chiến sĩ tiền đồn” của Thành Phố Mỹ Tho.

Tiếng reo vui của những chiến sĩ đã nhận quà từ hậu phương, kể cả Trung Úy Bằng, Trung Úy Minh và Thiếu Úy Mai, vang lên trong căn phòng hội nhỏ hẹp của đơn vị cũng là dấu hiệu cho thấy ngày vui đã đến lúc phải lụi tàn, bởi vì cuộc hạnh ngộ nào rồi cũng có lúc phải chia xa…

Khi mọi người rời khỏi căn phòng hội dã chiến vừa ấm cúng vừa vui nhộn này để trở về các vị trí phòng thủ thường lệ thì bầu không khí im ắng và gần như vắng lặng mọi ngày lại bao trùm lên chốn tiền đồn như cũ. Từ cửa sổ căn hầm, mọi người có thể cảm thấy buổi chiều cuối năm đang nhẹ nhàng lướt qua, trước hết là ánh tà dương nơi vòng ngoài cuả căn cứ, sau đó mới đến những tia nắng nửa đỏ, nửa vàng còn lảng vảng trên các tuyến phòng thủ mé trong, và sau cùng là những giọt nắng tàn mong manh, le lói trên những bao cát màu xám xịt được xếp thành từng chồng thứ tự bên trên các công sự mấp mô quanh bộ chỉ huy.

“Thôi nhé, đã đến lúc phải giã từ rồi! Xin chào tạm biệt cái ‘đồn vắng chiều Xuân’ này!” Đoan Trang, cô nữ sinh ca sĩ cùng trình bày nhạc phẩm trữ tình đó với Trung sĩ Cường, mắt rưng rưng ngấn lệ biệt ly, nói nhỏ khi cùng các bạn và cô giáo của mình bước xuống mấy bực tam cấp làm bằng bao cát dẫn tới cổng ra của doanh trại Đại Đội 2, Tiểu Đoàn 32 Biệt Động Quân, trên đường trở về Mỹ Tho, một thành phố xinh xắn, ấm cúng và hiền hoà mà qua bao tháng năm chiến chinh vẫn sống yên lành trong vòng tay thương yêu, che chở của những người chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà…

MỚI CẬP NHẬT