Thursday, March 28, 2024

Một vài cảm nghĩ của hậu duệ về những sĩ quan Chiến Tranh Chính Trị/VNCH

Ðinh Yên Thảo

Người lính & nghệ sĩ

(Bài trích trên mạng Soc.Culture.vietnamese)

Là con rể của một cựu sĩ quan Chiến Tranh Chính Trị (CTCT), tôi cũng chẳng có mấy dịp tìm hiểu về ngành CTCT của Quân Lực VNCH.

Hay đúng ra, là của cả hầu hết các binh chủng hay đơn vị, ngành hào hùng khác trong Quân Lực VNCH. Ngoại trừ dăm lần truy tầm lại lịch sử trong một dịp nào đó. Ðể rồi luôn khám phá những điều, lẽ ra chẳng được quên. Và thầm ước rằng, giá như mình có đủ thời gian để truy tầm và ghép lại những ô chữ của quá khứ. Có bao nỗi bi hùng. Lắm khi làm nhói lòng.

Tôi trở thành con rể của ông đã 10 năm. Thêm vài năm quen biết và tới lui nhà ông trước khi thành rể, thời gian cũng đủ dài cho lắm chuyện dâu bể. Thế mà chưa bao giờ tôi có dịp nghe ông kể về những ngày quân ngũ. Hay những câu chuyện về những người sĩ quan CTCT hùng khí, mưu lược của ngành Tâm Lý Chiến/QLVNCH.

Ngoại trừ dăm lần, ít thôi, mang vợ con đến dự những cuộc hội ngộ các bạn bè đồng môn của ông ngày xưa. Vui cùng những câu chuyện nói cười, hát hò, đậm tình huynh đệ của những người “từ thuở mang gươm đi mở cõi” (Quang Dũng), bằng một thái độ giữ lễ “kính nhi viễn chi.” Ðơn giản là tôi chỉ là một hậu duệ, là người của một thế hệ không đồng thời với các ông. Cho dù tôi cảm nhận được, họ là những người lính rất nghệ sĩ, vui vẻ và thân tình. Nghe các ông đọc thơ, thơ vui, kể chuyện tiếu lâm mà cười ngất. Ðôi lần đọc văn chương, thi ca trong đặc san Ức Trai có nhiều điều tha thiết, ý nhị và thâm trầm. Trong số họ, nhiều tài hoa viết văn, làm thơ, chơi nhạc, đánh đàn,… mà trước đó, tôi đã quen hay biết dăm người trong giới văn nghệ từng là sĩ quan CTCT, khóa đàn em của nhạc phụ, cũng có người tôi gọi bằng “anh” trong cái tình văn nghệ, như các nhà văn T. Vấn, Thảo Nguyên, Ðặng Hiếu Sinh, Trần Yên Hòa… cùng vài anh khác ở xa nữa.

Nhạc phụ tôi qua đời một ngày đầu Thu buồn. Nhà văn Nguyên Nhi gởi lên nhóm bạn văn nghệ khắp mọi nơi mà chúng tôi sinh hoạt và quen biết đã lâu, lời báo tin và chia buồn. Bạn bè gởi lại lời chia buồn. Tôi cảm ơn và gởi lại mẫu Cáo Phó từ gia đình. Anh Phạm Thiên Mạc thân thiết từ Canada gởi chia buồn một bài thơ anh dịch và hàng chữ “Wow! Nhạc Phụ của ÐYT là một dân tốt nghiệp Ðại Học CTCT khóa 1, như vậy là ‘hàng xóm’ của tôi vì tôi ngụ ở xóm Võ Tánh, Ðà Lạt…” ra vẻ ngưỡng mộ. Rồi anh khơi mào và kể lại dăm kỷ niệm với trường Ðại Học CTCT Ðà Lạt, nơi anh từng sống và học tại Viện ÐH Ðà Lạt. Câu chuyện cứ thế mà dẫn dắt về đôi điều liên quan đến ÐH CTCT, như một cách chia sẻ cùng gia đình chúng tôi.

Nguyễn Kỳ Phong cùng trong nhóm, người mà ắt cũng nhiều người quen tên vì anh là một trong những nhà nghiên cứu quân sử gốc Việt hiếm hoi tại hải ngoại có vài cuốn sách đã xuất bản về chiến tranh VN, gởi ra email “…Khóa 1 Trường CTCT nhập học tháng 12, 1966. Trường chỉ có 6 khóa cho đến tháng 4, 1975. Khóa cuối cùng nhập học tháng 12, 1974. Theo dự định, khóa Khóa 6 (12-1974) sẽ theo học chương trình bốn năm. Trường CTCT tuyển theo nhu cầu: Khi cần thì tuyển; một, hai năm mới tuyển một khóa (hence, six classes in nine existing years). Vị chỉ huy trưởng đầu tiên là Hải Quân Ðại Tá Lâm Nguơn Tánh (sau này là đề đốc và tư lệnh Hải Quân VNCH một thời gian), vị chỉ huy sau cùng là Ðại Tá Nguyễn Quốc Quỳnh…” Chỉ ngần ấy. Ðủ cho tôi giở tra lại những trang sử cũ để tìm thêm đôi điều. Dù không nhiều lắm.

Thoát thai từ trường Tâm Lý Chiến quân báo Cây Mai thành lập vào năm 1956, đến năm 1964 trường chính thức đổi tên thành Trường Chiến Tranh Chính Trị thuộc Cục Chính Huấn. Cuộc chiến Việt Nam leo thang, nhu cầu chiến lược, tình báo, tâm lý chiến với cộng quân, tư tưởng và tổ chức trong quân đội và cuộc vận động dân vận cũng tăng theo, đã đòi hỏi một lớp sĩ quan CTCT hiện dịch được huấn luyện bài bản ở cấp bậc cao, có trình độ đại học nên một sắc lịnh ra đời để chuyển Trường CTCT trở thành Ðại Học Chiến Tranh Chính Trị vào năm 1966, với Khóa I nhập học tháng 12-1966 như Nguyễn Kỳ Phong đã dẫn. Dù có 6 khóa nhưng những sinh viên ra trường và thực sự phục vụ binh ngũ cũng chỉ hơn 700 sĩ quan, vì những những khóa sau hoặc vừa ra trường ngay khi mất nước (khóa 4) hay vẫn còn đang trong huấn luyện (khóa 5 và 6).

Cho đến khi nhạc phụ tôi qua đời, nhận được email phân ưu hay bài tưởng niệm của những đồng môn đàn em của ông chuyển tới, tôi vẫn ngỡ chữ tắt “NT1” là “niên trưởng” như cách họ vẫn thường xưng hô với nhau. Tìm đọc thêm mới hiểu rằng họ gọi tắt nhau bằng “NT” là Nguyễn Trãi, Thánh Tổ ngành Chiến Tranh Chính Trị Quân Lực VNCH. Quả ai đó đã chọn những Ðức Thánh Tổ cho các binh chủng quân lực nhiều ý nghĩa. Nếu Hải Quân có Thánh Tổ Trần Hưng Ðạo, vị anh hùng dân tộc dụng thủy binh như thần để ba lần đại phá quân Nguyên, thì Chiến Tranh Chính Trị chọn một Nguyễn Trãi mưu lược, binh thư thao lược đại tài giúp Bình Ðịnh Vương Lê Lợi đại phá quân Minh…

Nhưng nếu như trong họ có lắm người mưu lược, hào hùng và văn hay chữ tốt như Thánh Tổ của mình, thì phần lớn trong họ cũng chịu những bi phẫn và oan khuất như Nguyễn Trãi đã từng chịu trong Lệ Chi Viên oan án. Sau 1975, những sĩ quan CTCT là một trong những giới sĩ quan VNCH chịu đựng những đòn thù nặng nề của CS đối xử với những ai thuộc Tổng Cục CTCT, Nha Tâm Lý Chiến, An Ninh Quân Ðội, Ty Chiêu Hồi… Mà nhạc phụ tôi là một. Ông chịu tù gần 10 năm trời, mà hết 3 năm đã bị biệt giam, cấm cố, chẳng được cho thăm viếng. Chỉ vì những hy sinh cho quốc gia, dân tộc, đến độ còn mang những mảnh đạn trong người do thương tích trong chiến trận, về bên kia thế giới. Viết cảm ơn bạn bè, thân hữu, tôi gởi đi lời rất ngắn:

“Cảm ơn lời chia buồn của các anh chị và các bạn. Nhạc phụ tôi vốn là người lặng lẽ, kiệm lời và ra đi cũng nhẹ nhàng, bình an như bản tính của ông. Những ngày gần mất chỉ muốn nghe lại những bản nhạc tiền chiến. Ông mất vì những di căn của chiến tranh vì mang những mảnh đạn còn trong người suốt 40 năm qua, rồi gần 10 năm tù Cộng Sản sau 75, mà hết 3 năm đã bị biệt giam. Khi qua Mỹ có lúc phải làm hai công việc cùng lúc để nuôi các con nhỏ. Tuổi chưa cao, nhưng qua ngần ấy thứ vẫn sống đức độ và công chính cho đến hôm nay, quả cũng là điều. Ông không phải cá biệt của một thế hệ, nhưng ắt đã là một trong những chứng nhân buồn của những người cùng thế hệ.”

Ðêm nay tôi viết chiêu niệm cho nhạc phụ một vài hàng, rồi ngày mai có lẽ tôi sẽ tìm thâu dăm bản nhạc tiền chiến mà vợ tôi đã mở theo ý ông trong những ngày cuối cùng trên giường bịnh. Ðể mở cho ông nghe. Dù bây giờ ông đã ở một cõi rất xa. Với những đồng môn CTCT đã đi trước. Chắc chắn có cả “Con Thuyền Không Bến” da diết của Ðặng Thế Phong mà tôi đang nghe. Và chẳng cầm nỗi xúc động khi nghĩ về ông, nghĩ về những chiến hữu đồng thời của ông. Về những cuộc đời bi hùng. Về những người lính có tâm hồn nghệ sĩ, đã từng ôm đàn ngồi hát:

Ðêm nay thu sang cùng heo may,
Ðêm nay sương lam mờ chân mây
Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng
Như nhớ thương ai chùng tơ lòng…

(Ðể chiêu niệm Nhạc Phụ NT1 Nguyễn Ngọc Viên)

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Ba, ngày 7 tháng 3 năm 2017

MỚI CẬP NHẬT