Friday, April 19, 2024

Con buôn 

Thành Văn

“Sĩ nông công thương bốn nghề
 Chỉ nghề thương mại mới xuê cửa nhà”
(Ca dao tục ngữ)

Từ xưa, người ta đã nhận ra giá trị của nghề buôn bán. Buôn bán hay mua bán là một trong những hình thái sinh hoạt văn minh tiến bộ đầu tiên của nhân loại. Nó biểu thị mối quan hệ giữa người với người trong xã hội. Nó bắt đầu giai đoạn loài người thoát khỏi lối sống bó hẹp tự túc tự cấp, để bước sang giai đoạn trao đổi, giao lưu số phẩm vật kiếm được dôi ra, dùng không hết. Nó cũng thúc đẩy sự gia tăng nhu cầu của cuộc sống, làm cho cuộc sống trở nên phong phú hơn, tốt đẹp hơn. Đó là một trong bốn ngành sinh hoạt cơ bản của xã hội: sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp (bao gồm cả tiểu , thủ công nghiệp), nghề làm quan (và đi lính), và nghề buôn bán.

Buôn bán là cái cầu nối các ngành nghề kia. Sản phẩm tạo ra trong xã hội được luân chuyển, phân phối từ nơi này đến nơi khác, giữa khu vực sản xuất này với khu vực sản xuất khác. Nó điều hòa mức cung cầu giữa các khu vực. Buôn bán, như vậy, tự nó không phải là một cái gì xấu xa. Người buôn bán có góp công đáp ứng nhu cầu của xã hội, nên họ được trả công bằng lợi nhuận do món hàng luân chuyển mang lại.

Nhưng dần dần những kẻ buôn bán lợi dụng sự chênh lệch trong nhu cầu giữa nơi này với nơi khác để thi hành những thủ đoạn bất chính nhằm thu lời nhiều hơn những gì họ đáng được hưởng. Từ đó nẩy sinh các kiểu “buôn gian bán lận,” đầu cơ tích trữ, tạo tình trạng khan hiếm giả tạo, đẩy giá cả lên để kiếm thêm lời. Lợi dụng sự thiếu thông tin để bắt chẹt lường gạt người tiêu dùng. Tất cả những thủ đoạn gian trá nhằm kiếm nhiều tiền làm giàu nhanh hơn khiến lâu dần nghề buôn bán hay doanh thương trở thành một nghề bị mang tiếng là bất lương trong một số thể chế xã hội, như xã hội Cộng Sản. Nếu người ta chỉ “buôn chín, bán mười,” ăn lời một phân thì có gì đáng nói. Nhưng nhiều kẻ buôn năm bán mười. Thậm chí buôn một bán mười, “nhất bản vạn lợi.” Nên mới tạo ra hình ảnh xấu trong nghề buôn. Người buôn bán mới bị miệt thị là một thứ “con,” con buôn.

Trong chế độ tư bản, tự do kinh doanh, vấn đề giá cả được ấn định bởi luật cung cầu. Nhưng nhà buôn vẫn có xu hướng tu tập lại trong từng khu vực để dễ bề kiểm soát giá cả, sự lên xuống của thị trường. Nên “buôn có bạn, bán có phường.” Rõ rệt nhất là khi xưa, tại Hà Nội có 36 phố phường, mỗi phố chuyên bán một thứ mặt hàng, như phố hàng cót chuyên bán cót và những sản phẩm cùng loại. Phố hàng bún, hàng buồm, hàng bông, v.v…

Trong Nam, ở Sài Gòn cũng có tình trạng tương tự: những cửa hàng sản xuất và mua bán giày dép tập trung nhiều trên đường Lê Thánh Tôn, muốn mua một chiếc xe gắn máy thì đến đường Gia Long (nay đổi thành Lý Tự Trọng) mà lựa. Hàng kim khí điện máy thì ra Huỳnh Thức Kháng. Mỗi phố “chuyên trị” một mặt hàng. Ai muốn mua những thứ ấy cứ đến đó mà mua. Giá cả trong các cửa hàng chênh lệch nhau tương đối ít, tùy theo mẫu mã, phẩm chất hay thương hiệu của nhà sản xuất, chứ không chênh lệch nhiều. Điều này tiện cho người mua, ít sợ mua lầm, mua hớ. Ngay cả mặt hàng “buôn hương bán phấn” của giới “chị em ta” cũng thường gom vào một khu vực. Như ở Hà Nội xưa có phố Khâm Thiên. Sài Gòn có Khu Vườn Lài, xóm Bình Khang. Các khu vực ngã năm, ngã ba, v.v… Chứ không tràn lan như bây giờ.

Việc buôn bán có đủ quy mô từ nhỏ đến lớn. Nhỏ thì có thành phần “Buôn gánh bán bưng,” “buôn thúng bán mẹt.” Thời chiến tranh đất nước chia hai, ngoài Bắc, do chủ trương loại bỏ buôn bán của nhà cầm quyền Cộng Sản, nên hoạt động “buôn thúng, bán mẹt” rất thịnh hành. Nó là hình thái “chiến tranh du kích” trong buôn bán. Kẻ bán chỉ cần lèo tèo vài ba mặt hàng trên một cái mẹt là đủ điều hành cả một “cửa hàng” phía sau, cung cấp từ cây kim sợi chỉ, cục pin cho đến gói mì chính (bột ngọt). Thậm chí có khi cả một cái đầu máy may. Mặc dầu bị chính quyền lên án gắt gao. Nhưng ở chỗ kín đáo, các hoạt động mua bán như vậy vẫn nhộn nhịp diễn ra. Vì nó thỏa mãn nhu cầu của xã hội, trong khi hệ thống phân phối “chính quy” của nhà nước thông qua các cửa hàng quốc doanh không thỏa mãn được, vì nặng tính quan liêu áp đặt, không đáp ứng đúng và đủ nhu cầu người dân.

Xã hội miền Bắc trong giai đoạn đó, không có hoạt động buôn bán (ít ra cũng trên danh nghĩa chính thức), mà chỉ có danh từ “thu mua” (do nhà nước chủ động). Tiếng là mua, nhưng thực chất nhà nước thu gom các sản phẩm do các tổ chức làm ra, để “phân phối” hay “cung cấp” trở lại cho dân, cũng thông qua các tổ chức như hợp tác xã tiêu thụ, cửa hàng cung cấp, hay cung ứng. Giá cả các thứ đều hoàn toàn do nhà nước quy định. Thực tế, trong xã hội miền Bắc vẫn tồn tại hình thái sinh hoạt buôn bán, bất chấp bị răn đe, cấm đoán. Vẫn có chợ búa, dưới hình thức các “chợ chui” “chợ chạy,” “chợ chồm hổm.” Những người hoạt động trong các loại chợ như vậy bị gán cho cái tên là “con phe,” bọn “phe phẩy.”

Trên nguyên tắc, bọn phe phẩy, con phe bị chính quyền đặt ra ngoài vòng pháp luật, bị xã hội khinh rẻ. Họ bị coi như thành phần bất hảo, loại ký sinh trùng ăn bám xã hội. Nhưng phải nhìn nhận, chính những “con phe” góp phần không nhỏ vào việc duy trì ổn định xã hội bằng các hoạt động luân chuyển hàng hóa. Nó giải quyết một phần nhu cầu tiêu dùng của xã hội bằng sự nhanh nhạy của các con phe. Chẳng hạn, một gia đình định tổ chức đám cưới, đám hỏi cho con, cần khoảng nửa ký lô mì chính (bột ngọt), vài ký măng khô, mươi ký thịt heo, dăm bảy con gà nếu cứ trông chờ vào thủ tục làm đơn, xin duyệt để được “nhượng” theo tiêu chuẩn thì không biết đến đời nào mới có. Mà có có cũng chưa chắc đã được thứ ngon lành như ý muốn. Nhưng hệ thống chợ chui, chợ đen sẽ sẵn sàng cung cấp đủ mọi thứ đúng ngày ấn định. Và toàn những thứ đạt “chất lượng” tùy theo số tiền bỏ ra. Tóm lại, “tiền nào của nấy” đúng theo tiêu chí của thị trường tự do. Đối với nhà nước, đó vẫn là một hình thức vi phạm luật lệ xã hội, trắng trợn nhổ toẹt vào hệ thống phân phối nhà nước. Nhưng ngoài những thành phần cốt cán cai trị ra, quần chúng nhân dân mặc nhiên chấp nhận, và tiếp tay.

Không ai muốn tố cáo những hoạt động “tiêu cực” đó. Vì biết sẽ có những lúc chính mình cần đến những hoạt động như vậy để giải quyết cấp thời nhanh gọn, êm ái những nhu cầu của mình. Sau năm 75, khi tìm hiểu những sinh hoạt tại miền Bắc, người ta khám phá ra, nhiều bà mẹ nhờ giỏi giang trong hoạt động buôn bán phe phẩy mà giữ vững được gia đình, có tiền lo lót, để con trai khỏi thi hành nghĩa vụ quân sự, đi B (vô Nam) chết mất xác. Hoạt động buôn chui, bán chạy tồn tại được nhờ sự tin cậy của quần chúng vào uy tín làm ăn của các con phe. Giới phe phẩy phải tuyệt đối giữ chữ tín mới sống còn được. Trong khi chính trong hệ thống phân phối, cung cấp của cửa hàng quốc doanh lại đầy dẫy những tiêu cực, phe đảng, quen biết thần thế để giành cái tốt cái rẻ về cho gia đình họ hàng của nhân viên cán bộ điều hành. Còn các sản phẩm xấu, kém chất lượng, hư thì đùn ra cho “nhân dân”

Sau khi thống nhất đất nước bằng bạo lực. Mặc dù trên danh nghĩa, miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã giải phóng miền Nam. Nhưng trên thực tế, đó mới chính là khởi đầu của công cuộc giải phóng khác mà miền Nam sẽ từng bước khiến cho người dân miền Bắc mở mắt ra. Từ tất cả các mặt của xã hội, miền Nam đã dần dần giải phóng miền Bắc khỏi sự u mê, tù hãm. Từ cách ăn ở lịch sự, tiếp xử trong xã hội, đến các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Riêng về hoạt động kinh tế, mặc cho nhà nước đe nẹt, kềm hãm, miền Nam vẫn âm ỉ, nhưng kiên trì dũng mãnh, giải phóng miền Bắc khỏi bộ máy quốc doanh đang xiết chặt mọi hoạt động kinh tế, từ sản xuất sang phân phối đến tiêu thụ.

Hoạt động “phe phẩy” (thực chất là tư doanh) chẳng những không bị tiêu diệt, mà như cá từ ao nhỏ sang hồ lớn, phát triển mạnh mẽ. Chỉ chưa đầy mười năm kể từ khi “giải phóng,” toàn bộ đất nước bùng lên cơn sốt kinh doanh. Người người buôn bán, nhà nhà buôn bán. Bán chui bán chạy phát triển trên hè phố. Công an tràn ra phố “đánh dẹp” người buôn bán khắp nơi. Nhưng dân buôn bán như Phạm Nhan, chặt cái đầu này nó mọc ra cái đầu khác. Riết rồi công an cũng đành bó tay chịu thua. Chợ búa mở ra khắp nơi. Ở Sàigon, nhiều quãng đường ngay trong các khu dân cư bị chặn hai đầu để mở chợ. Điển hình là khu chợ phụ tùng xe đạp Tân Thành ở Chợ lớn. Các chợ đã có sẵn, người ta xây thêm, mở rộng. Tất cả những nhà mặt tiền của các con đường dù lớn hay nhỏ cũng đều trở thành những cửa hàng buôn bán. “Nhà mặt tiền” là một trong những tiêu chuẩn để cho một căn nhà trở nên có giá. Đến nỗi nhiều khi người ta có cảm tưởng “người bán nhiều hơn người mua.”

Các hoạt động như “buôn đầu chợ, bán cuối chợ,” “buôn gian bán lận,” “bán nước bọt” được gom chung vào một tên gọi “Chạy mánh.”

Hệ thống kinh doanh của nhà nước cũng tiến được một bước. Không còn các “cửa hàng cung cấp” nữa. Mà trở thành những “hợp tác xã tiêu thụ.” Nhưng hệ thống kinh doanh nhà nước càng ngày càng teo lại, do cung cách điều hành quan liêu, khệnh khạng, cửa quyền của cán bộ. Hệ thống quốc doanh chỉ còn bắt nạt được khu vực nông nghiệp, với lối “mua như ăn cướp, bán như cho.” Trên thực tế, nhà nước “ăn cướp” thì nhiều, “cho” rất ít. Các cơ quan quốc doanh “buôn tranh, bán cướp,” nhưng vẫn không lại thị trường tư doanh. Bởi cán bộ quốc doanh lười biếng, thiếu tinh thần trách nhiệm, cha chung không ai khóc. Nhưng lại tham lam nhũng lạm ăn bớt ăn xén, ăn cắp của công làm của riêng, khiến buôn bán chỉ có lỗ, ít khi lời. Tệ nạn tham ô phát triển đục ruỗng các cơ chế kinh doanh nhà nước.

Ba mươi năm sau khi chiếm được miền Nam, và hai mươi năm gọi là mở cửa đối mới, người Cộng Sản hiện nay đưa đất nước lâm vào tình trạng hầu như tất cả mọi mối quan hệ trong xã hội đều dựa trên quan hệ buôn bán. Cán bộ các cấp, các ngành đều trở thành con buôn.

Trước hết là “buôn quan bán tước.” Người ta buôn bán từ cấp quan to, đến quan nhỏ. Muốn nắm một cục, một sở, người ta có thể bỏ ra từ dăm bảy chục ngàn đô la, cho đến vài ba trăm ngàn đô la để mua chức vụ đó. Các chức vụ cỡ trưởng ty, trưởng phòng trong các cơ quan cũng đều phải mua bằng “cây.” Việc bổ nhiệm các chức vụ nhà nước dựa trên nguyên tắc “Nhất thân, nhì tiền.” Trước hết, các chức vụ béo bở giành cho con cháu trong nhà, họ hàng đã. Sau đó mới “bán” ra ngoài. Một bác sĩ tốt nghiệp ra trường muốn phục vụ tại một bệnh viện lớn ở thành phố, anh ta phải chung từ dăm ba chục cây cho tới cả trăm cây vàng. Không có tiền mua chỗ, cứ việc lên các “bản,” các “buôn” mà hành nghề. Trước đó, ngay từ khi mới thi vào trường Y, họ (sinh viên) đã phải bỏ tiền vàng ra mua chỗ học. Có người mua tất phải có người bán. Người đứng ra bán các chỗ ngồi béo bở ấy thường các ông to trong Bộ chính trị hay Trung ương đảng, hoặc vợ con của họ. Trong nội bộ các ngành thì do các cán bộ “tổ chức” bán. Khi đã ngồi yên ở vị trí rồi, những kẻ “mua quan” đó bắt đầu tham nhũng để lấy lại số vốn anh ta đã bỏ ra. Tiện tay anh ta vơ vét thêm để kiếm lời. Tệ nạn tham nhũng nảy sinh từ khâu “mua quan bán tước.”

Ngay trong lãnh vực học đường cũng xảy ra các hoạt động buôn bán bằng cấp. Bằng gian bằng giả loạn cào cào. Cán bộ cấp cao, để tránh tiếng dốt, đua nhau bỏ tiền ra mua bằng. Cỡ giám đốc sở phải mua được cái bằng cử nhân, hay thạc sĩ về treo ở phòng khách. Chức cao hơn thì mua bằng tiến sĩ cho tương xứng với địa vị. Cho nên trong một thời gian ngắn, số bằng cấp thạc sĩ, tiến sĩ được phát ra tăng vọt. Các trường đại học “sản xuất” bằng cấp như người ta sản xuất mì ăn liền bán cho cán bộ.

Ở cấp chóp bu của chế độ, nhà nước “buôn dân, bán nước.” Tệ nạn buôn người, từ đàn bà con gái ra nước ngoài làm vợ người tàn tật đến làm điếm, cho đến buôn trẻ con sang Cambodia bán cho các động. Báo chí trong nước loan tin hàng ngày. Bao nhiêu thiên phóng sự điều tra vạch trần thảm cảnh của các nạn nhân. Báo chí đưa lên mặt báo tên tuổi các tổ chức, các tập đoàn tội phạm. Nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm chắc chắn không phải đợi đến khi báo chí phanh phui mới biết. Mà họ phải biết rất rõ từ lâu. Nhưng các cơ quan chức năng vẫn giải quyết qua loa hời hợt, cho có lệ, như kẻ đi bên cạnh cuộc đời. Như thể họ không có trách nhiệm gì về những thảm nạn ấy.

Vì sao? Bởi chính các cơ quan nhà nước cũng có dính dáng đến các cá nhân và cơ sở đứng ra tổ chức các đường dây buôn người ấy. Chính các cá nhân, tổ chức phạm pháp ấy được các phe phái trong đảng bao che cho hoạt động. Ai dám bắt? Hoặc bắt rồi, có bàn tay nào đó từ trên can thiệp, cũng phải thả. Cho nên, đảng CSVN, khi tuyên bố giữ vững an ninh chính trị chỉ có nghĩa là họ giữ vững sự cai trị của đảng mà thôi. Ngoài ra các tội phạm khác mặc tình phát triển. Điều đó khá rõ ràng. Bởi, ai cũng biết, chỉ cần một vài cá nhân nói xấu chế độ dù ở đâu nhà cầm quyền cũng biết, cũng nghe thấy. Vậy mà những tổ chức tội ác buôn người ấy hoạt động công khai ì xèo từ năm này sang năm khác lẽ nào chẳng cơ quan nào biết. Chẳng cơ quan nào dẹp được. Là tại sao?

Phải chi công an cũng hăng say “săn đuổi, trấn áp” bọn con buôn buôn người kia y như khi họ làm với các người đòi hỏi dân chủ, thì có đâu tệ nạn buôn người cứ tồn tại năm này sang năm khác, làm nhục quốc thể, đau lòng người dân.

Song song với hành động bán một phần lãnh thổ cho ngoại bang, nhà nước CS tiến hành các hoạt động buôn bán dân để kiếm lợi. Người dân bị bán đi khắp thế giới làm cu li, làm đầy tớ, ô sin. Đàn bà con nít bị bán làm nô lệ tình dục. Báo chí của đảng, của nhà nước loan tin hàng ngày. Nhưng nhà nước vẫn làm như chuyện của ai. Cái gì tốt là do đảng làm. Cái gì xấu là do kẻ địch phá. Trước đây, có câu ca dao:

Mất mùa là tại thiên tai,
Được mùa là tại thiên tài đảng ta

Hiện nay cũng vậy. Tất cả những hiện tượng suy đồi, phi nhân, phi đạo đức trong xã hội, đảng đều “bán cái” đổ thừa cho người khác. Mặc dù đảng một mình chễm trệ ngồi trên ghế lãnh đạo đất nước bao nhiêu năm nay.

Khi người dân tố tham nhũng, một ông tướng công an, tiếp dân bảo dân phải tố đích danh ai tham nhũng chứ không được nói chung chung “chính quyền tham nhũng.” Theo ý ông kẹ công an nọ thì chỉ có cá nhân tham nhũng, chứ không có viên chức nhà nước tham nhũng. Trong khi đó cái “cá nhân” ấy nếu không là đảng viên, không ở trong chính quyền thì lấy tư cách gì để tham nhũng. Cái kiểu lý luận cù nhầy này trách nào chẳng làm sao giải quyết được biết bao nhiêu tệ nạn trong xã hội.

Trong giới quan lại trong nước thời nay, do gây quá nhiều tội ác, nên nhiều kẻ rất sợ trời đất trừng phạt. Sợ tội trời. Nhưng vẫn đàn áp các tôn giáo chính thống như Phật, Chúa, Tin lành. Nên họ phải cầu cứu đến các thế lực đen trong thế giới siêu hình. Từ đó đưa đến tình trạng “buôn thần bán thánh.” Đền miễu mọc lên khắp nơi. Thờ đủ các loại thần, thánh, mẫu nọ mẫu kia để cầu mong sự che chở. Thậm chí báo chí trong nước đưa tin ở cả trụ sở một bộ nọ, ông bộ trưởng cho lập hẳn một “phòng dâng hương” để các viên chức trong bộ cúng kiến lo lót thần thánh, “cầu an” cho bộ. Khi người ta không còn tin vào các tín ngưỡng chính thống, người ta phải trông cậy vào các thế lực đen vô hình. Cán bộ đảng viên không có tín ngưỡng tôn giáo, nhưng càng ngày càng mê tín tin vào một lớp những ông thần bà thánh mới do họ tạo ra.

Hôm mới đây, có dịp nói chuyện với một kẻ giàu có trong nước đem con sang Mỹ chữa bệnh, người viết nghe anh ta nói đến một kiểu buôn bán mới đang rất thịnh hành trong nước: “Buôn bán cơ chế.” Anh ta giải thích hình thức buôn bán này là “Nắm chắc cơ chế, trong đó có quy hoạch nhà nước về các vùng đất sẽ phát triển. Đem tiền đi mua những lô đất đó với giá rẻ mạt. Để chỉ vài năm sau, khi quy hoạch đến, những vùng đất rẻ thối đó sẽ trở nên những khu đất lót vàng.” Việc mua bán cơ chế dĩ nhiên chỉ diễn ra ở cấp cao. Kẻ bán ít ra cũng ở cỡ ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên trung ương đảng trở lên.

Ai là khách mua? Tất nhiên bất cứ ai có tiền, có đầu óc nhạy bén, sẽ là những kẻ mua được. Và họ sẽ trở thành các đại gia, cùng với đảng chia nhau những miếng ngon béo bở của đất nước. Còn đám dân đen sẽ suốt đời chỉ là món hàng cho người ta mua qua bán lại mà thôi.

Xưa Lã Bất Vi là gã con buôn thuộc hàng thượng thặng. Gã hỏi cha về kế kinh doanh. Làm sao để kiếm ra lời thập bội.

Hỏi: “Ra sức cày ruộng thì lời được mấy phân?” Cha bảo, nếu bội thu, được mươi phân.

Lại hỏi: “Buôn châu báu thì được mấy phân?” Cha bảo, làm giỏi thì được trăm phân.

“Nếu đầu tư vào con người, giúp làm lên vương vị, cai quản thiên hạ thì được mấy phân?” Cha mắng là đồ không tưởng.

Nhưng Lã Bất Vi là kẻ tinh ranh, có mắt tinh đời và gặp thời thế. Nên gửi tinh, hiến vợ, mà lập nên nhà Tần. Với Tần Thủy Hoàng lưu danh bạo chúa.

Nay thì thời thế có khác, chuyện mua quan bán tước chỉ còn là chuyện nhỏ. Chuyện buôn dân bán nước mới là chuyện thời đại. Chuyện buôn dân thì đảng ta đã làm từ nhiều năm suốt trong hai thời “kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ” nay đã lộ mặt không còn kiếm chác gì được nữa nên để bọn “Việt kiều”các nơi “kế tục sự nghiệp.” Việt kiều lớn nhỏ đua nhau nhân danh này nọ về xin miếng cơm thừa canh cặn. Còn “đảng ta” thì đang quyết tâm bán biển bán nước cho giặc phương Bắc để giữ vững cái ghế đè đầu cưỡi cổ dân ta.

Than ôi! Đất nước biết bao giờ mới thóat được quốc nạn này.

MỚI CẬP NHẬT