Saturday, April 20, 2024

Mùa Xuân giới tuyến

Huỳnh Văn Phú

Tiên hạ thủ vi cường

Những ngày trước Tết Nhâm Tý 1972, báo chí trong và ngoài nước, cũng như các giới quan sát quân sự đều tiên đoán rằng Cộng quân sẽ mở trận tổng công kích như hồi Tết Mậu Thân 1968. Những tin tức hoạt động của địch gia tăng dồn dập trong khoảng thời gian này. Các chiến trường chịu áp lực đáng kể nhất là vùng giới tuyến, Kontum, Pleiku và một vài nơi ở Quân Khu III như Tây Ninh, Dầu Tiếng.

Riêng về chiến trường giới tuyến thì những người lính Thủy Quân Lục Chiến vẫn còn trấn giữ biên cương đến nay đã qua hai mùa Xuân rồi. Mùa Xuân năm ngoái, trận Hạ Lào đã khắc ghi trong lòng mỗi người lính tham dự những hình ảnh khó quên. Rồi tiếp đến là những trận đánh đẫm máu vào mùa Hạ tại những cứ điểm chiến thuật Fuller, Bá Hổ, Sarge,… Sau đó là những cuộc hành quân tung sâu vào Ashau, A Lưới, mật khu Ba Lòng, cũng do những người “lính thủy đánh bộ” đi tiên phong.

Hai năm đã đi qua, nhiều biến chuyển đã đổi thay, người nằm xuống, kẻ còn lại và biết bao dâu bể thăng trầm, nhưng vùng giới tuyến thì cũng những hình ảnh cũ: Mùa Hè thì những cơn gió Hạ Lào nóng bức và bụi đỏ mù trời, mùa Đông thì cơn mưa dầm ngày này sang ngày khác, sình lầy dơ bẩn và cái rét đến tê người. Tiếng đạn đại bác bắn đi hàng ngày, tiếng dội từng tràng của B52 vọng lại, và tiếng nổ ầm của hải pháo bắn vào khu phi chiến. Dân chúng các vùng Gio Linh, Cam Lộ, Mai Lộc vẫn hàng ngày hái củi, cắt tranh và bình thản sống một cuộc đời khốn khó. Chiến tranh ở đây đã quen thuộc nhầu nát đối với họ. Một số đã di cư vào Nam lập nghiệp, nhưng có lẽ chẳng bao giờ họ quên được quê hương.

Cùng với tình hình quân sự và những diễn biến chính trị sôi động, nhiệm vụ của những người lính Thủy Quân Lục Chiến trong mùa Xuân năm nay thật nặng nề. Các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến thay đổi nhau trấn giữ tất cả các căn cứ hỏa lực dọc theo khu phi quân sự và bọc xuống phía Tây Nam đến dãy núi mang tên những ngọn đồi quen thuộc: Holcomb, Động Ngôn, Sarge, Bá Hổ. Lữ Đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến với các Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên, Tiểu Đoàn 4 Kình Ngư và Tiểu Đoàn 8 Ó Biển chịu trách nhiệm một khu vực rộng chừng 300 cây số vuông về hướng Tây Mai Lộc, dọc theo Quốc Lộ 9 và con sông Ba Lòng.

Tin tức tình báo cho biết là có sự hiện diện của Bộ Chỉ huy Sư đoàn 304 Cộng Sản Bắc Việt tại dãy Núi Động Chó và các Trung đoàn trực thuộc lẩn quất trong vùng. Ai cũng nghĩ rằng những trận ác chiến sẽ xảy ra. Vấn đề chỉ là thời gian mà thôi. Ta thì “thủ” mà địch thì tấn công, kinh nghiệm rút tỉa sau năm lần Cộng quân tấn công Bá Hổ đều thất bại, thì bây giờ chúng có tấn công nữa cũng chỉ làm mồi cho ta mà thôi. Mặc dù biết thế, nhưng không lẽ chờ địch đến như chờ “sung rụng.” Thế là bộ máy chiến tranh của Lữ Đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến bèn làm một phát gọi là “Tiên hạ thủ vi cường,” đánh phủ đầu giặc trước khi chúng có ý định tấn công ta.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Ba, ngày 31 tháng 1 năm 2017

Ngày 6 Tháng Hai, 1972, các cánh quân Mũ Xanh vượt sông Ba Lòng tiến sâu về hướng Tây, nơi được ghi nhận là có sự hiện diện của địch. Cuộc hành quân kéo dài năm ngày không có lần nào chạm trán với địch quân. Không biết những người “anh em thù nghịch” đã chém vè từ lúc nào. Ngày N của cuộc hành quân tưởng đâu đã đụng địch, khi một phi cơ quan sát của Mỹ báo cáo tại khu vực Cà Lu có xe tăng xuất hiện. Thời tiết thật xấu, những cơn mưa vẫn kéo dài và sương mù che kín. Pháo Binh được gọi tác xạ mục tiêu. Nửa giờ sau, một toán thám sát Thủy Quân Lục Chiến được thả xuống tại đó. Nhưng trời ạ, mấy ông phi công Mỹ đã “bé cái lầm.” Đó chỉ là một xe thiết giáp của ta đã bị hư hại hồi trận Hạ Lào 1971. Một người lính phát biểu ý kiến:

-Thiết giáp địch mà xuất hiện ở đó thì có mà loạn à.

Ngày N+1, ngày N+2, rồi ngày N+3 cũng chẳng có gì lạ. Tình hình yên tĩnh đến e ngại. Không biết địch đang dự định điều gì. Ngày N+4 cũng tà tà trôi qua với một chút lo lắng. Một toán thám sát nhảy sâu vào khu vực Động Chó cách phía Nam Căn cứ Sarge 8 cây số, đã mất liên lạc hơn 20 tiếng đồng hồ. Bị địch bắt cóc chăng? Vô lý, sao không nghe tiếng súng nổ. Nhưng rồi mọi người thở phào nhẹ nhõm: Các ông ấy không liên lạc được vì máy truyền tin bị hư bất ngờ và đã mò về Căn Cứ Holcomb an toàn. Mặc dù cuộc hành quân đã không ghi nhận có sự chạm trán với địch quân, nhưng cũng đã phá vỡ từ trong trứng nước những mưu toan của chúng. Thà là tìm diệt chúng trước, còn hơn để chúng mò tới quấy phá chỉ thêm rắc rối cuộc đời.

Hắc Long hạ đo ván Tiểu Đoàn 47, Trung Đoàn 270 Cộng Sản Bắc Việt

Trong khi tại Mai Lộc tình hình có vẻ yên tĩnh, nghĩa là không ghi nhận một hoạt động nào đáng kể của địch, thì tại vùng Gio Linh, chiến trường có vẻ sôi động hơn. Những trận đánh có tính cách dọ dẫm của địch đều hoàn toàn thảm bại.

Trong hai ngày 28 và 29 Tháng Giêng, 1972, Tiểu Đoàn 5 Hắc Long Thủy Quân Lục Chiến đã chạm súng dữ dội với Tiểu Đoàn 47, thuộc Trung Đoàn 270 Bắc Việt tại Quảng Xa, 6 cây số phía Tây quận Gio Linh. Đêm 27 rạng 28 Tháng Giêng, 1972, một Đại Đội của Tiểu Đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến đang hoạt động tại khu vực nói trên thì đụng độ với địch. Trận chiến kéo dài cho đến sáng hôm sau, thêm phần ác liệt kể từ 7 giờ sáng ngày 28 Tháng Giêng, 1972. Một Đại Đội khác được ném vào vòng chiến dưới sự chỉ huy của Thiếu Tá Trần Ba, Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 5 Hắc Long. Với quân số một chọi hai, các chiến sĩ Hắc Long đã đánh một trận đầu năm ngoạn mục kéo dài 18 tiếng đồng hồ. Với quân số một chọi hai, các chiến sĩ Hắc Long đã đánh một trận đầu năm ngoạn mục kéo dài 18 tiếng đồng hồ.

Tiếp tục truy kích địch về Bắc và Thiết Đoàn 11 Kỵ Binh án ngữ ở hướng Tây, trận chiến tiếp diễn cho đến hết ngày 29 Tháng Giêng,1972, quân ta đã hạ thêm 40 Cộng quân nữa. Nhờ lối điều binh tuyệt kỹ và tinh thần chiến đấu cao độ của các chiến sĩ Hắc Long, nên thiệt hại về phía Thủy Quân Lục Chiến không đáng kể. Để trả thù cho những trận thảm bại trên, hai ngày sau cộng quân pháo kích hơn 150 trái hỏa tiễn vào Căn Cứ Carrol. Không có sự thiệt hại nào về nhân mạng, nhưng về vật chất thì “méo” hết mấy căn hầm.

Lễ chùa tại Mai Lộc

Những ngày Tết đã gần kề, thời tiết có vẻ xấu hơn. Buổi sáng “sương mù giăng kín non sông,” trời lạnh vô cùng. Mưa lất phất suốt ngày. Những cơn mưa dai dẳng đổ trên vai những người lính và gây trở ngại không ít cho vấn đề tiếp tế những cánh quân đang đóng trên núi. Tình hình chung vẫn sáng sủa, chưa có một dấu hiệu nào cho thấy địch sẽ đánh lớn. Chiều 29 Tết, một chiếc trực thăng Việt Nam trong một phi vụ tiếp tế cho Căn Cứ Bá Hổ, trên đường về đã bị rớt vì trục trặc kỹ thuật. Phi hành đoàn bốn người không còn ai sống sót. Vậy là có bốn người bạn nằm xuống không kịp đón Xuân. Mọi người đều buồn lây vì bốn cái chết cuối năm đó.

Rồi đêm Giao Thừa đã đến, năm nay hưu chiến, tối đó người ta không nghe tiếng đại bác quen thuộc bắn đi nữa. Đêm đen như mực, từng chập hỏa châu được bắn lên tỏa ánh sáng mờ mờ, ma quái. Khung cảnh đêm cuối năm thật buồn. Và lễ chùa tại Mai Lộc cũng bắt đầu từ giờ phút này. Xin quý vị đừng hiểu lầm lễ chùa ở đây là tụng kinh, niệm Phật đâu. Đi ăn và nhậu “chùa” khỏi trả tiền đó. Ngôi chùa là Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến, vị “thượng tọa trụ trì” ngôi chùa là Trung Tá Nguyễn Xuân Phúc, Tiểu Đoàn Trưởng. Theo lệnh của vị “thượng tọa trụ trì” chùa thì “cửa chùa” sẽ mở rộng suốt ba ngày Tết. Khách “thập phương” thì chỉ gồm những bộ mặt quen thuộc. Các sĩ quan Đại Đội Trưởng, sĩ quan Tham Mưu của Tiểu Đoàn. Này là ông Y Sĩ Hồng, người có chiếc cassette cột bằng dây kẽm, này là ông Y Sĩ Trí, người được mô tả là trước khi khám bệnh phải… ngáp ít nhất là ba cái. Những tiếng hát phát ra từ chiếc máy thâu thanh, những tiếng cười nói òa vỡ, đã mang lại trong đêm Giao Thừa niềm vui cho những người lính thưởng Xuân ở tiền đồn.

-Tôi thấy anh có vẻ “nghi ” quá.

Đó là câu nói của ông “thượng tọa trụ trì” với một người. Anh này ngơ ngác không hiểu chữ “nghi” có ý nghĩa gì. Ông “trụ trì” chùa bèn giải thích:

-Ngày Tết tôi kiêng cử, do đó thay vì nói “ngu” thì tôi nói trại ra là “nghi” cho nó có vẻ thanh tao một chút!

Mọi người vỡ lẽ ra phá lên cười. Những giây phút cuối cùng của một năm đã đi qua trong khung cảnh vui nhộn và hình như người ta quên bẵng đi nơi đây là chiến trường. Buổi sáng ngày Mùng Một, những người lính Mũ Xanh gửi đến nhau những lời chúc tụng may mắn đầu năm và những trò chơi như bịt mắt, đập nồi, nhảy bao bố, chạy ngậm thìa trứng vịt được tổ chức. Trước đó, trận đấu tranh giải bóng chuyền giữa các đơn vị thật hào hứng, mà phần thắng về tay các pháo thủ Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh Thủy Quân Lục Chiến. Một ngày của bánh mứt, rượu chè cũng bình yên theo bóng đêm chìm xuống: Đã hết thời gian hưu chiến được ấn định. Và Pháo Binh lại bắn đi vào những nơi nghi ngờ có địch tập trung. Năm mới đã bắt đầu cho những công việc mới trong cuộc chiến kéo dài quá lâu này.

Quả pháo Tân Lâm Tự

Những ngày Tết qua mau, yên tĩnh. Như thế là trận tổng công kích được tiên đoán vào những ngày xuân coi như không có nữa. Tuy nhiên tình hình lại có vẻ khẩn trương. Còn mấy ngày nữa thì tổng thống nước Cờ Hoa lên đường viếng thăm Trung Cộng sau 25 năm thù nghịch và chửi bới nhau không tiếc lời. Biết đâu Cộng quân sẽ mở những trận đánh lớn vào dịp này để làm áp lực “chính trị chính em” gì đó. Các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến lại tung ra những cuộc hành quân lùng và diệt địch trong khu vực trách nhiệm.

Những biện pháp đề phòng cũng kỹ lưỡng hơn. Các đơn vị bộ chiến của Hoa Kỳ thuộc Vùng I cũng sẵn sàng đối phó. Thật là một chuyến đi ồn ào nhất, tốn nhiều giấy mực và làm “kẹt” cho nhiều người nhất: Đình chỉ những cuộc chuyển quân và lệnh cắm trại được kéo dài thêm ra. Ngày chậm chạp trôi qua, bây giờ thời tiết đã bắt đầu khá hơn. Trời nắng ráo và những cơn gió lạnh biến đi đâu mất hết. Trời nắng ráo và những cơn gió lạnh biến đi đâu mất hết.

Ngày 22 Tháng Hai, 1972, khu vực hoạt động của Lữ Đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến nới rộng thêm chừng 100 cây số vuông nữa về phía Bắc. Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến từ Mai Lộc di chuyển đến Căn Cứ Carrol (tức là Tân Lâm), Tiểu Đoàn 8 Thủy Quân Lục Chiến từ Bá Hổ đi về hướng Bắc, tung quân hoạt động chung quanh vùng Fuller và Khe Gió. Những đơn vị thuộc Sư Đoàn 3 Bộ Binh được lệnh rút ra khỏi khu vực này để tham dự cuộc hành quân vào Động Ông Đô phía Tây Nam Mai Lộc. Một Trung Đoàn Bộ Binh tham dự cuộc hành quân này. Đây có lẽ là một cuộc hành quân thăm dò các lực lượng của địch sau một thời gian dài tương đối yên tĩnh. Nói là yên tĩnh vì không có trận đụng độ nào giữa quân bộ chiến của ta và của địch, chứ hàng ngày Cộng quân đều pháo kích vào các căn cứ của ta.

Nơi bị địch chiếu cố nhiều nhất và kỹ nhất là Căn Cứ Tân Lâm (Carrol). Ngày nào cũng có, không ít thì nhiều. Từ Mai Lộc nhìn về hướng Bắc, khu vực Tân Lâm bụi tung mù trời. Thường thì địch pháo kích một lượt 3 trái hỏa tiễn, cứ hết 3 trái này đến 3 trái khác. Chả hiểu mấy ngày Tết mấy ông pháo thủ của Cộng quân có no say chè chén gì không mà bắn chả ra cái gì cả. Ngày nào cũng bắn, mà bắn xa mục tiêu hàng hai ba cây số, gây thiệt hại không nhỏ cho đám ruồi và muỗi trong rừng, chưa kể một số lá cây bị rụng. Điều đó, một người lính Mũ Xanh gọi đùa là “Quả pháo Tân Lâm Tự.”

Về trận tổng công kích dự định của địch trong thời gian qua đã không xảy ra. Nhưng kinh nghiệm những năm qua cho thấy hằng năm cứ vào mùa khô kể từ tháng 5 trở đi, thì Cộng quân lại gia tăng hoạt động. Những trận đánh đẫm máu xảy ra tại các cứ điểm như Fuller, Bá Hổ,… kéo dài ngày này sang ngày khác làm thành những tin tức chiến sự hàng đầu. Còn năm nay thì: Wait and see!

MỚI CẬP NHẬT