Friday, March 29, 2024

Nỗi niềm

Nguyễn Thị Xuân Tùng

Ngày ấy tôi vừa tròn 24 tuổi, cái tuổi mà ở đất Mỹ này có rất nhiều cô gái chưa chịu lấy chồng vì cho là quá sớm. Cũng như giờ đây con trai tôi đã 30 tuổi vẫn chưa muốn lập gia đình. Vậy mà tôi đã phải gánh chịu biến cố thê lương của một người vợ có chồng bị bắt đi gọi là “cải tạo.”

Trước 30 tháng 4 khoảng 10 ngày, tình hình rất hỗn loạn. Anh ấy đã đưa hai mẹ con tôi vào Nha Trang lánh nạn, còn anh ấy ở lại để cùng đồng đội giữ tiểu khu.

Vài ngày sau, tiểu khu tan rã, anh vào để đưa gia đình về. Ðến nhà, nghe họ phóng loa kêu gọi:

“Tất cả sĩ quan và hạ sĩ quan các binh chủng phải ra ghi tên để được cải tạo. Ai ghi tên sớm sẽ được về sớm.”

Chồng tôi sĩ quan Ðà Lạt mới ra trường 4 năm. Tôi, sau khi nghỉ học làm việc được 2 năm, đã đi theo chồng và nay có con trai đầu mới 19 tháng tuổi. Anh tưởng thật, đã ra trình diện để được về sớm với gia đình. Có ngờ đâu, ngày anh ra đi là ngày mẹ con tôi bắt đầu cuộc đời gian khổ…

Tôi giựt mình thức giấc, người như đang nửa tỉnh nửa mê, nhớ lại chiều hôm qua. Sau khi chồng tôi trình diện, Cộng Sản đã bắt anh đi theo ngả Minh Ðức với một đoàn người dài. Tôi bỏ lại chiếc Honda dame trên thửa ruộng và chạy theo đoàn người trên những bờ ruộng cao đầy bùn đất bùn gai mắc cỡ, vừa chạy vừa khóc. Trong đám người bị bắt, có người biết chồng tôi nói:

“Hắn đi trước kia, chạy nhanh lên.”

Và chúng tôi đã gặp nhau. Trong nước mắt, anh bảo tôi hãy về thay anh lo cho con, đợi chờ anh về, chắc không lâu đâu. Không biết anh đang an ủi tôi hay anh còn tin bọn chúng. Vì trước khi trình diện chúng bảo là sẽ cho học tập vài hôm, lâu lắm một tuần tại trường học gần nhà. Bây giờ thì dẫn đi đâu?

Tôi quơ tay qua để xác nhận điều mình vừa nhớ lại là đúng. Trời ơi! Sự thật mà. Bên tôi, giờ chỉ còn đứa con trai nhỏ đang nằm ngủ. Nó không biết gì hết, nghe đụng đậy, miệng nó khẽ nút nút như đang bú sữa. Thôi! hết rồi. Một quá khứ sụp đổ tan tành. Tôi bỗng nức nở khóc. Một điều gì to lớn đang mất mát trong tôi, không tài nào diễn tả được.

Mẹ con tôi bắt đầu một cuộc sống mới. Nhà chúng tôi đang ở là trong một khu gia binh, vì anh là trung úy nên xin được 1 căn, ngoài ra tài sản không còn món gì giá trị nữa. Lúc đó V.C còn lo tịch thu những loại nhà to lớn khác, chưa nghĩ đến đòi khu gia binh, nên mẹ con tôi còn chỗ tạm dung được vài tháng.

Chờ đợi được 22 ngày sau, khi có tin chồng tôi gửi về vài hàng viết ở bìa trong của miếng giấy bạc gói thuốc Basto rằng: “Anh vẫn bình yên, em đừng lo, cách mạng lo cho anh đầy đủ.” Dù rằng chưa sống với Cộng Sản nhưng tôi biết đây là những lời anh viết theo lệnh của chúng, nếu không thì không được viết gì. Lúc này con trai tôi được 19 tháng rưỡi vẫn chưa nói được gì ngoài hai tiếng Ba, Má. Tôi bồng con đi hỏi thăm khắp nơi. Hễ gia đình nào có người bị bắt là tôi đến. Và cuối cùng cũng có một tổ chức chừng 7 người đi tìm tù binh cải tạo.

Vì ba tôi cũng là công an thời VNCH nên đã đưa mẹ và các em tôi đi xa xứ để tránh bắt bớ. Tiền gởi trong các nhà băng không lấy ra được. Nhà cửa cũng bỏ. Ði hai bàn tay không nên rất nghèo khổ. Gia đình chồng tôi thì trở lại quê để sống. Các em tôi đứa nào học cũng khá, nhưng không vô được các trường đại học, vì lý lịch ba tôi.

Tôi về quê gửi con trai tôi để đi tìm chồng. Nói thật, từ nhỏ đến giờ thôi chưa hề làm gì nặng. Gia đình trung bình nhưng rất cưng chiều con, cả bữa ăn tôi còn không biết nấu nữa mà. Bây giờ, vì chồng chuyện gì tôi cũng có thể làm được. Cha chồng tôi nghe tôi có ý định theo đoàn người thăm chồng, ông cản rằng:

“Con không thể đi được đâu, xa lắm, trèo đèo, vượt suối, đó là nơi rừng thiêng nước độc, rủi ra mang bệnh chết không ai nuôi con.”

Nhưng tôi đã quyết định, nếu phải bỏ mình tôi cũng muốn gặp lại anh ấy mới thôi.

Và rồi ngày đi đã đến, cha chồng tôi gửi gấm tôi cho một bà dì họ cùng làng, cũng có đứa con trai bị bắt chung với chồng tôi. Bà ấy là người làm nông, tuy lớn tuổi nhưng nhìn khỏe mạnh.

Trước khi đi, tôi mua 2 cân đường đen vì nghe trại cải tạo ăn đói, làm việc nhiều nên rất thèm ngọt, đôi dép cao su (V.C gọi là dép râu), ít đồ ăn đi đường và 1 bi đông nước.

Gà gáy hôm sau lên đường. Chúng tôi bảy người đi từ bến xe đến chân núi Lahai gần 1 ngày, hết đường xe lại mang balô đi đường rừng, toàn là dốc, có nhiều dốc đứng sững phải níu dây rừng để trèo lên từng phút một. Qua một ngày lại đến ban đêm, giữa rừng sâu không một bóng người. Chúng tôi rất sợ vì toàn là đàn bà. Ai có võng nilông thì treo lên cây nằm để khỏi bị thú dữ, ai không có thì phải leo lên nhánh cây nào đó để nghỉ đỡ. Khuya không một ánh sáng, tiếng ve rừng kêu inh ỏi, nghe nhức cả tai, thỉnh thoảng vài tiếng thú lạ vang lên rợn cả người. Phần vì mỏi mệt vì leo núi băng rừng cả ngày, phần sợ hãi quá, cơ thể cơ hồ như rã rời, nhưng tôi không tài nào ngủ được.

Hết một ngày rồi ngày nữa, trèo qua không biết bao nhiêu dãy núi cao có, thấp có, những nơi chúng tôi qua chưa có dấu mòn chân người. Có nhiều cái suối đóng rong, dây đan chằng chịt, phải vạch từng lọn lá để thấy đường qua bên kia, nếu không cẩn thận sẽ bị sụp. Suốt ba ngày nắng chang chang, ban đêm không ngủ được, nước uống đã hết, rồi bị lạc đường, sức yếu dần, tôi không còn chịu đựng được nữa, nhưng nghĩ sẽ gặp lại chồng thì sức mạnh ở đâu lại tăng lên một chút.

Cho tới khi cả cái nón đội trên đầu tôi cũng thấy nặng. Lúc đó, đoàn người gặp một cái suối trong. Ai cũng mừng rỡ nhào lại uống nước, rửa mặt, tát nước lên ướt đầu và đồng ý ngồi nghỉ một lát rồi tiếp tục đi. Nghỉ một chút thôi, chứ nghỉ lâu sợ ngán không đi nổi nữa, một chị trong bọn chúng tôi sống kinh nghiệm lâu năm trên miền cao nguyên nói thế. Riêng tôi thì nằm xuống đất ngủ mê lúc nào không biết (mặc dù bình thường tôi rất khó ngủ)… Cho đến khi có tiếng la hét ồn ào, và có ai đánh mạnh vào người tôi, tôi mới biết là sau khi ngủ xong, 6 người kia đã đi và không để ý tưởng tôi đi sau cùng. Khi nghe tiếng nổ lớn ở phía rừng, họ dừng lại và phát hiện ra tôi không có phía sau. Dì Hai đoán ra còn sót tôi bên chỗ suối nên cùng nhau quay lại. Cả 6 người đều tỏ ra tức giận vì tôi đã làm cho họ phí cả một đoạn đường. Nhưng không nỡ bỏ tôi, họ đã chia mỗi người xách giùm tôi một món để tôi đi kịp họ. Bây giờ ngồi đây viết lại chuyện này tôi còn thấy rùng mình. Nếu họ không quay lại tìm tôi, thì đêm tối một mình giữa rừng sâu tôi sẽ ra sao nhỉ? Không rành đường lại nhát, ma cũng sợ, cả đến thằn lằn, chuột, dán tôi đều sợ. Xin cám ơn 4 chị và 2 dì. Nếu các người có đọc bài này sẽ nhớ ra tôi là ai. Có một người, trong chuyến đó về nghe đâu đã qua đời vì bị sốt rét ác tính, cầu xin ơn trên ban may mắn cho gia đình chị.

Sau lần thăm nuôi đầu tiên ấy, về nhà tôi cũng bị sốt rét tưởng đã bỏ con nhưng trời còn xót thương.

Vài tháng sau khi trại gia binh bị chính quyền Cộng Sản lấy, mẹ con tôi không có chỗ ở. Cha chồng tôi cho về ở giữ ngôi nhà trước kia gia đình ông ở, vì sợ bị tịch thu, nhưng lại bị tổ trưởng xua đuổi, hăm dọa vì chúng tôi không có tên trong danh sách hộ khẩu của phường. Trước kia ông ta là người chuyên đi bạn (đi biển) không trình độ, bây giờ nhờ lý lịch tốt được chọn, có chút danh phận nên ông ta hăng lắm. Ông không có lý lẽ gì cả, hàng ngày cứ đuổi mẹ con tôi đi, có khi còn chửi thậm tệ giống như mắc nợ mà không trả cho ông ta vậy. Tôi cố nhịn nhục vì lúc này không phải lúc tôi đem tự ái ra mà xài. Tôi cần việc làm, cần tiền để nuôi con, nuôi bản thân và thăm nuôi chồng, động viên anh ấy chịu đựng sống chờ ngày gia đình sum họp. Tôi ra phường xin vào đội vệ sinh, hốt rác ngoài phố ban đêm, nhưng không được vì lý lịch có chồng là sĩ quan cải tạo. Nói chung những nghề cùng cực của xã hội tôi đều xin nhưng không được nhận. Tiền không còn, gạo hết, những thứ gì bán được tôi đã dần dà bán đi, cả những chiếc áo dài ngày xưa tôi mặc, giờ chỉ còn hai tay trắng, không cha mẹ, không anh em, họ hàng. Nhiều đêm ngồi nhìn con ngủ, lòng tôi ngổn ngang trăm mối.

Một hôm tôi xin được làm phụ hồ xây cất ngôi bệnh viện gần đó. Từ nhỏ tôi chưa hề gánh nước nên khi vô làm, gánh không nổi một bên vai, phải gánh ngang hai vai thật là khó khăn và quá sức của tôi, nên sau 2 ngày tôi phải nghỉ việc… Tôi lại tiếp tục đi xin việc khác. Ðêm đó tôi nấu cơm rồi múc ra nhiều chén, để xung quanh cái mâm, không có tiền mua thức ăn tôi rót chén nước mắm để giữa. Thường thường bữa ăn 2 mẹ con tôi chỉ là cơm và nước mắm, có khi hết mắm lại lấy muối hột bỏ chút nước vào lấy nước có chất mặn để chan cơm cho con. Sau này nhiều khi tôi nói đùa với con trai:

“Mẹ tìm người giàu, cho con làm con nuôi để con khỏi khổ nghe con.”

Nó trả lời:

“Không, ở với mẹ ăn cơm lạt cũng được.”

Bây giờ con trai tôi đã 30 mươi tuổi mà tôi vẫn nhớ câu trả lời cảm động ấy. Tôi dặn nó:

“Sáng mai mẹ sẽ dậy sớm theo người ta đi làm mướn để có tiền mua bánh kẹo cho con. Con ở nhà nhớ ăn cơm, đừng đi tìm mẹ sẽ bị lạc nghe con.”

Thấy con gật đầu, tôi an tâm. Nhưng mờ sáng, tôi chuẩn bị đi, con trai tôi cũng ngồi dậy. Hình như nó sợ tôi bỏ nó. Nó khóc, nhưng tôi phải đi làm vì không còn đường lựa chọn. Ði gần khuất ngả rẽ còn thấy con trai quơ tay ra ngoài cửa sổ khóc kêu mẹ, mẹ. Nước mắt tôi tuôn ra, lòng đau như cắt, một đứa trẻ chưa đầy 3 tuổi bỏ trong nhà một mình khi trời còn chưa sáng. Tôi nhắm mắt chạy thật nhanh để không còn nghe tiếng khóc của con mình. Nơi làm việc thật xa, chờ đợi quá lâu, đến trưa họ nói đủ người rồi, không cần chờ nữa, tôi thất vọng trở về. Khi về đến nhà, việc đầu tiên tôi là tôi nhìn vào cửa sổ, thông suốt nhà bếp, không thấy con, không nghe tiếng khóc, không nghe tiếng lục đục phá phách của con trai tôi, tim tôi như ngừng đập, chẳng lẽ con mình chết, bị ma giấu, bị… Bao nỗi sợ xâm lấn lòng tôi. Tay cầm xâu chìa khóa mà không dám mở cửa, sợ sẽ thấy một sự thật phũ phàng nào đó, tôi áp sát cửa sổ, gọi tên con vài lần nữa, cũng không nghe thấy gì. Hai tay run rẩy, tôi vội vàng mở cửa, 2 cánh cửa mở ra thì con tôi ngã theo. Thì ra nó dựa vào đây từ lúc tôi đi để chờ đợi mẹ về. Tôi ôm con vào lòng, 2 mẹ con đều khóc. Tiếng khóc khàn đặc:

“Mẹ ơi đừng bỏ con.”

Trước mặt nhà tôi ở, trước kia là trường mẫu giáo, bây giờ làm chỗ ở cho tụi cán bộ Bắc vào. Hàng ngày có lão cán bộ cứ vờ đến nhà tôi hỏi thăm này nọ, muốn bám mẹ con tôi. Giọng nói của lão Bắc kỳ đã rặt mùi Cộng Sản. Ban đầu tôi tưởng hắn muốn điều tra về chồng mình nên rất lo sợ. Nhưng sau, biết hắn có lòng thích thì tôi quá ghét.Tôi thù hắn, vì bọn chúng mà giờ này chồng tôi bị nhốt trong rừng sâu. Biết đói no, sống chết thế nào? Có ngày về hay không? Hắn trơ trẽn bảo rằng:

“Hãy lấy tôi đi, cô còn đẹp lắm. Ðừng chờ đợi chồng về, phí cả tuổi xuân, tôi sẽ đăng ký suốt đời ở lại miền Nam lo cho cô.”

Tôi mắng vào mặt. Hắn bỏ đi nhưng không giận. Chú Bảy làm khu phố trưởng ở gần nhà thấy vậy bảo tôi:

“Cháu đừng dại mích lòng ông ấy. Cháu biết ông ta làm gì không? Là trưởng ty công an thành phố này đấy. Chồng cháu đang nằm trong tay ông ta, phải thận trọng từng lời nói, kẻo chồng cháu mất mạng đó.”

Trời ơi! lại một lần nữa tôi lo lắng quá. Biết làm sao đây, tử tế thì ông ta hiểu lầm, còn cự tuyệt thẳng thừng thì hậu quả sẽ ra sao? Những lần sau hễ thấy hắn từ xa sắp tới, tôi vội dắt con vào nhà khép cửa lại. Hắn thấy nhiều lần như vậy nhưng không tự ái, hắn vẫn đến. Một lần hắn đến gặp cha chồng tôi đang ngồi võng trước cửa. Không biết đó là cha chồng tôi, hắn ngỏ lời muốn tôi đến làm thư ký cho hắn.Vì biết trước do tôi kể lại nên cha chồng tôi hét lên:

“Nó đi cầu còn chưa biết chùi… thì làm thư ký gì mà làm.”

Hắn hơi bất mãn rồi bỏ đi. Lần này thì hơi lâu mấy ngày sau mới lại, không như mọi hôm ngày nào cũng lại. Những ngày hắn không lại, tôi vẫn nhìn thấy hắn đứng bên trong cánh cửa trường học nhìn lén mẹ con tôi, nhưng tôi làm ngơ không thấy gì. Và lần sau cùng đến, hắn cố ôn tồn nói với tôi rằng, hắn thật lòng thương tôi, muốn cùng tôi sống bên nhau. Nếu muốn gì hắn sẽ mua sắm cho. Nỗi căm thù trong lòng bừng lên, tôi nói thật lớn, lúc ấy có vài hàng xóm nghe:

“Ông không xứng đáng với tôi đâu, dù bây giờ tôi nghèo thật, chồng tôi bị bị đày, nhưng tôi hãnh diện vì anh ấy, ông có biết tôi thù ông lắm không, ông đừng để tôi khinh ông thêm nữa, cút đi.”

Mặt tái nhợt, hắn bỏ đi liền. Những người hàng xóm khuyên lơn, an ủi. Có người lo sợ cho tôi. Qua cơn tức giận, tôi bắt đầu lo lắng cho mình, nhưng đâu có khỏi. Vài ngày sau có giấy mời của ty công an phải ra trình diện. Lúc này, thấy mình cô đơn, tôi thật sự sợ hãi và khóc thật nhiều bên cạnh đứa con khờ dại.

Ngày đi trình diện ở ty công an tôi nhờ bạn thân tôi cùng đi (nó lớn hơn tôi một tuổi nhưng lúc đó vẫn chưa có chồng). Ðến nơi, ông ấy làm mặt lạnh đuổi bạn tôi về. Sau khi hỏi lý lịch thanh niên vào ngành công an của chúng, hắn khai nghề nghiệp trước kia là đi chăn bò, nghe muốn cười, nhưng không dám. Hắn bắt tôi làm tờ tự khai, kiểm điểm. Vì biết trước kia tôi có làm radio operartor cho chi nhánh Tòa Lãnh Sự Mỹ, hắn dọa sẽ đưa tôi đi cải tạo. Sau khi nghe, tôi đổ lì bảo với hắn rằng:

“Tôi và con trai tôi cũng ao ước được ở tù như chồng tôi.”

Hắn hạ giọng và cuối cùng thả mẹ con tôi về. Hắn còn muốn lấy xe đưa hai mẹ con tôi, nhưng tôi không bằng lòng. Và từ đó về sau tôi không gặp lại hắn lần nào nữa. Nghe đâu hắn xin đổi đến tỉnh khác làm chức lớn hơn, rồi bệnh chết.

Tôi đã dắt con trai tôi đi làm đủ thứ nghề để có tiền sống và thăm nuôi chồng, nào bán rau, bán cá, bán mía cây, bán bánh canh, bán củi. Hai mẹ con phải lên tận vùng kinh tế mới mua củi đem về bán, rồi tôi dắt con đi mua thuốc lá tận Phan Rang để đi bán. Ði đâu tôi cũng dắt con theo. Nhiều đêm năm ngủ ngoài sân ga để chờ chuyến tàu khác đến, lấy nón lá che cho con khỏi sương đêm, khum sát người để con khỏi lạnh, lòng tôi buồn vô hạn, rồi thầm nghĩ tại sao người ta có gia đình đầy đủ, sang trọng, còn tôi chỉ mơ ước một mái ấm gia đình đủ chồng vợ con cái. Ước mơ quá tầm thường, sao không được, tại sao tôi lại ra nông nỗi này.

Vài tháng sau, tù bình được đưa xuống miệt rừng gần hơn, tôi bồng con đi thăm. Ở đây chỉ đi xe nửa ngày và đường rừng nửa ngày là đến nơi. Sau bao nhiêu tháng xa cách nay gặp nhau 3 người chúng tôi rất mừng rỡ. Hạnh phúc ngắn ngủi nhưng vui lắm. Nhìn chồng bị gầy yếu, quần áo rách không chỉ vá phải lấy dây rừng cột túm lại nhiều chỗ, tôi đau lòng lắm nhưng biết làm sao hơn. Miễn còn sống là được. Sau này nghe phong thanh truyền miệng tù binh sẽ được đưa đi ngang quốc lộ 1, tôi bồng con đi đón từ sáng, hy vọng sẽ thấy mặt chồng. Nhưng tới xế, khi đoàn xe chạy ngang qua, tù binh đều bị nhốt trong lồng xe cam nhông, vài người ló mặt ra nhưng không ai nhận ra, tôi bồng con chạy theo chiếc xe cuối cùng vừa chạy vừa khóc, vừa cố nhìn theo đoàn xe coi có thấy ai vẫy tay ra không. Tôi thất vọng khi đoàn xe mất hút.

Sau này biết được trại tù dời qua một rừng khác, nghe đâu anh đang làm thợ mộc trong trại. Có lần tôi dắt con lên rừng thăm trong lúc chờ đợi được giấy phép thăm nuôi. Chỗ đứng cách xa trại mộc không xa, tiếng đục đẽo lốc cốc, tôi bảo con tôi chạy vào có ba không. Con trai chạy đến nơi rồi chạy ra khóc lớn nói:

“Mẹ ơi, Ba thấy con bỏ trốn rồi.”

Khi tôi gặp anh mới biết là luật ở đây không cho phép gặp con, ôm con, vì họ sợ nó sẽ lén đưa tiền để ba trốn trại. Nếu phạm luật sẽ bị cùm và không được thăm nuôi.

Tôi lăn lộn làm đủ nghề để nuôi con và hàng tháng thăm chồng. Tôi đã cố gắng hết mức nhưng lần thăm nuôi nào, giỏ quà của mẹ con tôi cũng nhỏ so với nhiều người khác. Thương chồng lắm nhưng làm sao hơn được, vì họ có tiền, có cha mẹ hai bên giúp đỡ còn mẹ con tôi thì không có ai. Nhiều đêm 2 mẹ con ngủ đói vì còn vài ký gạo xách đi thăm chồng. Những chuyện này anh ấy không hề biết, vì nếu biết anh ấy sẽ không nhận quà tôi đem lên đâu.

Mẹ con tôi khổ đến mức cùng cực. Có lúc quẫn trí, nghĩ tới cái chết, tôi đã mua 20 viên chloroquine để cùng uống với con trai. Những sự đau khổ về thể xác và tinh thần ấy tôi không thể kể hết ra bằng bút mực được vì nó dính líu với gia đình hai bên. Có khi ban đêm, tôi bồng con ra giữa đường quốc lộ, muốn lao vào những chiếc xe tải từ xa chạy tới. Những lúc ấy thật sự tôi đã bị băng hoại, tôi không còn muốn sống nữa, tôi hoàn toàn thất vọng.

Rồi gia đình chồng bán nhà, mẹ con tôi vô gia cư, phải ở tạm một căn nhà mà người dị đoan cho là có ma quỷ không ai dám ở. Ðược vài tháng thấy mẹ con tôi không bị gì, họ bán được nhà. Lại một lần nữa không nơi nương tựa. Nhờ bạn bè chỉ biểu, tôi ra chợ mua bán nhỏ, dành dụm được chút ít, nên về trên quê mua cái nhà thật nhỏ. Nói là nhà chứ thật ra là cái chòi tranh nhỏ xíu, rách nát ở trong nhà nhìn thấy sao trời, lụt thì ngập tới nhà. Thấy tôi cực quá, ba tôi cũng muốn tôi theo gia đình ông, nhưng đi xa như vậy ai sẽ thăm chồng tôi. Cũng có vài gia đình cha mẹ bạn học tôi giàu có muốn giúp tôi vượt biên cùng gia đình họ, nhưng tôi cũng từ chối. Chồng tôi ở tù được 5 năm thì bắt đầu được làm ngoài trại, thỉnh thoảng cũng có về thành phố để khuân vác gạo hoặc đồ nặng cho trại. Những lúc đó anh chạy lại chợ gặp mẹ con tôi được một chút. Có lần cái chòi của mẹ con tôi ở bị cháy, anh xin trại về để sửa lại cho mẹ con che nắng che mưa. Trại có điều kiện: muốn giúp gia đình 4 ngày, lúc trở lại phải mua mấy trăm thước ống nước nộp cho chúng. Nhưng nhờ vậy mà mẹ con tôi có chỗ nương thân cho đến ngày anh về.

Anh ở tù hơn 6 năm. Ngày anh về tôi đã 31 tuổi. Cái tuổi như vậy cũng chưa nhiều lắm nhưng vì bao năm gian truân, nên tôi già trước tuổi. Có đứa bạn cùng lớp đệ tam gặp không nhận ra tôi. Ra chợ, có người lớn hơn gọi tôi bằng dì. Nhưng tôi không ngại vì giờ này ước mơ đã trọn gia đình tôi đoàn tụ, chúng tôi có thêm 2 con nữa. Chúng tôi được tị nạn chính trị tại Mỹ diện H.O được sống trên đất tự do, không còn phập phồng lo sợ cho chồng và các con của tôi. Tuy tôi vẫn còn nghèo lắm, nhưng không như ngày xưa, mỗi lần dắt con lấn lên được toa tàu lửa đông nghẹt mà hễ trúng toa bán thức ăn phải lộn trở ra tìm toa khác, vì ngồi đó con sẽ nhìn thấy người ta ăn uống mà mình không có tiền, tội nghiệp con lắm. Tuy không đầy đủ cho con cho chồng lắm nhưng tôi hãnh diện. Tôi đã giữ tròn bổn phận làm vợ và làm mẹ của tôi.

MỚI CẬP NHẬT