Thursday, March 28, 2024

Võ Ðắc trong biển lửa

Bảo Ðịnh Nguyễn Hữu Chế

(Tặng Ðại Úy Lê Phi Ô và các chiến sĩ Tiểu Ðoàn 344/ÐPQ Bình Tuy tử thủ tại Võ Ðắc, và Tiểu Ðoàn 2/43, SÐ18BB, đơn vị anh hùng giải tỏa Hoài Ðức.)

(Trích trong KBC Hải Ngoại bộ mới số 4)

Võ Ðắc, Võ Su và Sùng Nhơn là các xã đông dân và trù phú của quận Hoài Ðức, tỉnh Bình Tuy. Ngày xưa đây là vùng thưa dân, nhưng đất đai phì nhiêu, và màu mỡ. Dưới thời Ðệ Nhất Cộng Hòa, với chính sách di dân, khẩn hoang, lập ấp; những khu trù mật, dinh điền được thành lập, và nơi đây đã trở thành miền đất hứa của bà con nông dân nghèo khó, không có ruộng vườn, quanh năm phải đi làm thuê, cày mướn, từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi ngoài Trung. Các xã Võ Ðắc, Võ Su, Sùng Nhơn,… được hình thành. Với bản tính siêng năng, cần cù; đất đai thì mầu mỡ, và phì nhiêu, chính quyền biết lo cho dân, nên bà con đã có cái ăn, cái để, và chẳng mấy chốc trở nên giàu có. Võ Ðắc, Võ Su cũng không xa đô thành là bao nhiêu. Từ Sài Gòn đi về Bắc theo QL1, qua khỏi thị xã Xuân Lộc của tỉnh Long Khánh, đi một đoạn nữa, sẽ thấy một ngọn núi rất cao nằm bên trái đường, đó là núi Chứa Chan. Gần núi Chứa Chan có một ngọn đồi, gọi là đồi Phượng Vĩ, trước đây là căn cứ của Trung Ðoàn 52BB. Sau ngày Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam, căn cứ này đã bị Cộng Sản biến thành trại tù cải tạo. Ðây là ngã ba đường, gọi là ngã ba Ông Ðồn, nối liền QL1 với TL 333 đi Võ Ðắc, Võ Su, đến quận Tánh Linh. Quận Tánh Linh vừa bi Cộng quân cưỡng chiếm trong thời gian qua. Tánh Linh là một quận hẻo lánh, nằm sát khu rừng già với nhiều mật khu của Việt Cộng. Rừng Tánh Linh đã đi vào sách sử với lời đồn rằng vào thời Ðệ Nhất Cộng Hòa, ông cố vấn Ngô Ðình Nhu, bào đệ của Cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm đã tổ chức một cuộc săn bắn giả ở đây để gặp Phạm Hùng, sứ giả đặc biệt của Hồ Chí Minh để bàn chuyện thống nhất đất nước trong hòa bình. (Bảo Ðịnh)

Những giọt nước mắt sung sướng của người lính tử thủ

– Quân tiếp viện đến! Quân tiếp viện đến!

Những người lính tử thủ của Chi Khu Hoài Ðức, tỉnh Bình Tuy, quên cả nguy hiểm, tất cả đều ra khỏi hầm hoặc nhảy lên khỏi chiến hào reo hò ầm ĩ khi được tin quân tiếp viện đã đến. Trên cánh đồng phía Bắc, đoàn quân cứu viện đang dàn trận, cách không xa bao nhiêu nơi họ đang bị vây hãm. Quân và dân quận Hoài Ðức đã trải qua 33 ngày đêm bị vây hãm, đã nếm đủ mùi đau thương, hứng chịu mọi loại đạn pháo, và những đợt tấn công biển người của giặc Cộng.

Ðó là lúc quá trưa ngày 4 tháng 1 năm 1975. Trên bầu trời xanh trong hiếm hoi của một ngày cuối Ðông, về hướng Bắc, một đàn chim sắt cất cánh từ ấp Trà Cổ hoang phế, bên kia sông thuộc quận Ðịnh Quán, tỉnh Long Khánh, đang từ từ hạ cánh trên cánh đồng lúa rộng mênh mông trải dài theo bờ tả ngạn con sông La Ngà hùng vĩ, nhả ra một đàn chim con hùng dũng. Ðó là những chiến sĩ can trường của Tiểu Ðoàn 2/43, Sư đoàn 18 BB kiêu hùng. Họ là đơn vị bách chiến bách thắng, đã làm khiếp vía Cộng quân trên khắp các mặt trận miền Ðông Nam Phần. Họ là đơn vị mang khăn quàng màu tím, “tím cả chiều hoang biền biệt”, và trên cánh tay trái họ, phù hiệu cung tên nổi bật giữa nền trời xanh thẳm, tượng trưng cho lý tưởng dọc ngang của người con trai thời loạn! Nơi đổ quân chỉ cách chi khu lối một ngàn thước. Nhưng là một ngàn thước bom đạn, một ngàn thước máu và nước mắt với bao nỗi hiểm nguy nhọc nhằn đang chờ!

Làm sao có thể diễn tả hết được nổi sung sướng của những người lính tử thủ. Những giọt nước mắt lung linh đang lăn dài trên những gò má sạm màu thuốc súng và cát bụi của những người lính và người dân Võ Ðắc. Quận Hoài Ðức bị vây hãm đã 33 ngày đêm, nhưng chưa có một cánh quân tiếp viện nào chọc thủng được vòng vây trùng trùng điệp điệp của giặc Cộng. Liên Ðoàn 7/BÐQ thì hạ trại tại ấp Trà Tân 2, gần cầu Gia Huynh, cách Võ Ðắc lối 12 cây số. Ðoàn quân mũ nâu này đang bị cầm chân tại đó. Tình hình Võ Ðắc thật nguy ngập. Con số thương vong cứ lên cao theo ngày tháng, qua các lần chống trả giặc Cộng với chiến thuật tấn công biển người, và những đợt pháo kích ào ạt, triền miên, cả ngày lẫn đêm. Con người bằng da, bằng thịt, không phải là gỗ đá tưởng đã phải ngã quỵ. Nay bỗng chốc thấy hồi sinh khi đoàn quân tiếp viện xuất hiện trong bầu trời, thật gần và thật gần! Làm sao có thể diễn tả được hết nổi sung sướng và mừng vui của quân và dân Hoài Ðức trong giờ phút lịch sử đó. Tâm trạng này của quân dân Hoài Ðức có khác chi tâm trạng của trẻ thơ đang trông chờ mẹ đi chợ về khi vừa chợt thấy hình dáng thân yêu xuất hiện ở đầu ngỏ. Ðó là lời tường thuật của cựu Ðại Úy Lê Phi Ô, Khóa 15 Võ Khoa Thủ Ðức, tiểu đoàn phó Tiểu Ðoàn 344/ÐPQ Bình Tuy, hiện định cư tại tiểu bang Florida. Sau trận này, anh được đề cử làm tiểu đoàn trưởng.

Tình hình tổng quát

Cuối tháng 12 năm 1974, sau khi tấn chiếm thành công quận Tánh Linh, một quận hẻo lánh, xa xôi của tỉnh Bình Tuy, Cộng quân dồn hết nỗ lực quyết dứt điểm quận Hoài Ðức. Nếu làm chủ được Hoài Ðức, chúng có thể uy hiếp QL1 vùng Ngã Ba Ông Ðồn, và QL20, đường đi Ðà Lạt vùng cây số 125. Nhưng kế hoạch của chúng đã bị bẻ gãy, dù Cộng quân đã điều động một lực lượng lớn gồm Sư Ðoàn 812 Sông Mao, Trung Ðoàn E 211, hai trung đoàn địa phương của Lâm Ðồng và Bình Tuy, Trung Ðoàn 33 Quyết Thắng Long Khánh, 2 trung đoàn pháo và hai đại đội đặc công. Ðó là tin tức tình báo do Phòng Nhì Quân Ðoàn III ghi nhận được.

Ðối phó với tình trạng khẩn trương này, quân đoàn đã điều động Liên Ðoàn 7/BÐQ của Ðại Tá Tây đến Hoài Ðức, hoạt động vùng cầu Gia Huynh trên TL 333, cách quận lỵ Hoài Ðức lối 12 cây số.

Lực lượng bạn tại Chi khu Hoài Ðức:

– Tiểu đoàn 344/ÐPQ của Thiếu Tá Trần Phụng Tư là lực lượng chính bảo vệ Chi Khu Hoài Ðúc.

– Ðại đội 512 Trinh Sát tỉnh của Trung Úy Ðường.

– Chi đội V-100 CommandoCar

– Trung đội Pháo Binh 105 ly của Tiểu Ðoàn 183/PB, SÐ 18BB.

– Và các trung đội nghĩa quân.

Khi Tánh Linh và Hoài Ðức bị Cộng quân đồng loạt tấn công bằng các đơn vị đặc công, hai đại đội của Tiểu Ðoàn 344/ÐPQ đang hoạt động tại Võ Su được kéo về để tăng cường phòng thủ chi khu, và đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Ðại Úy Lê Phi Ô, tiểu đoàn phó. Thiếu Tá Trần Phụng Tư, tiểu đoàn trưởng và Bộ Chỉ Huy nhẹ tiểu đoàn dẫn hai đại đội ra hoạt động tại ấp Trà Tân 1 & 2, đặt dưới quyền điều động của LÐ7/BÐQ.

Khi Tánh Linh và Hoài Ðức bị tấn công thì Cộng quân cũng đồng thời mở cuộc tấn công tỉnh Phước Long. Có lẽ chính Phước Long mới là Ðiểm. Hà Nội muốn đo lường phản ứng của Washington, xem Hoa Kỳ sẽ đáp ứng như thế nào với lời kêu cứu của VNCH, như Tổng Thống Nixon đã hứa với Tổng Thống Thiệu qua 18 bức thư mật trao đổi giữa hai vị Tổng Thống trước khi ký Hiệp định Ðình chiến Paris hồi tháng 1 năm 1973. Ðó là lời hứa hẹn của vị tổng thống Hoa Kỳ, hứa với Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu rằng sẽ can thiệp, sẽ trả đũa nếu Cộng Sản Bắc Việt vi phạm hiệp định. Nhưng cuối cùng như ta đã thấy, “sống chết mặc bây.” Người bạn lớn Hoa Kỳ đã ngoảnh mặt làm ngơ, và VNCH buồn tủi phải đơn độc chiến đấu, chống lại làn sóng đỏ của cả khối Cộng Sản, đứng đầu là Liên Xô và Trung Cộng.

Kể từ khi mở màn chiến dịch Ðông-Xuân, lực lượng Cộng quân ở miền Ðông Nam Bộ (Cộng Sản Bắc Việt vẫn gọi Nam Bộ, cái tên quen gọi có từ thời Pháp thuộc, thay vì Nam Phần như cách gọi của chúng ta) đã tập trung quân và đè nặng áp lực lên các vùng đất xa xôi hẻo lánh của các tỉnh Phước Long, Bình Tuy và Phước Tuy,… Trong lúc đó, các đơn vị của QLVNCH lại phải trải rộng để giữ dân, giữ đất. Hai đại đơn vị tổng trừ bị là sư đoàn Dù và sư đoàn TQLC thì bị cầm chân ở vùng giới tuyến, nên tại Quân Khu 3, Sư Ðoàn 18 BB vừa là đơn vị an ninh lãnh thổ Khu 33 CT, vừa làm lực lượng trừ bị cho quân đoàn. Khi Tánh Linh và Hoài Ðức bị tấn công, Sư Ðoàn 18 BB chưa sẵn sàng mở cuộc hành quân phản công ngay, mà phải tái phối trí lực lượng để có thể rút ra những đơn vị làm lực lượng phản ứng. LÐ7/BÐQ đã được tung vào mặt trận, nhưng đã bị cầm chân tại ấp Trà Tân 2, gần cầu Gia Huynh, cách Võ Ðắc lối 12 cây số. Tại đây, các đơn vị Mũ Nâu đã chạm chúng ác liệt với Cộng quân. Hai tiểu đoàn BÐQ bị thiệt hại nặng, một khẩu pháo 105 ly lọt vào tay giặc tại cây cầu số 10 – giữa Gia Huynh và Gia Rây – (theo lời kể lại của Pháo đội trưởng Nguyễn Hữu Nhân, thuộc Tiểu Ðoàn 181/PB/SÐ18BB).

Tánh Linh bị thất thủ sau hai tuần lễ chống trả một cách tuyệt vọng. Bây giờ Cộng quân dồn tất cả nỗ lực để dứt điểm Hoài Ðức. Chi khu bị tấn công và pháo kích liên tục. Quân số phòng thủ cứ bị hao hụt dần mà không được bổ sung thay thế. Dù Hoài Ðức đang bị bao vây, chưa được giải tỏa, LÐ7/BÐQ đã được lệnh rút ra đi nhận nhiệm vụ mới khẩn cấp hơn. LÐ4/BÐQ vào thay thế, nhưng mới đến Gia Rây, cách Hoài Ðức lối 40 cây số thì bị đánh đặc công, bị cầm chân, không tiến lên được. Lúc này Hoài Ðức chỉ còn trông cậy vào lực lượng cơ hữu là Tiểu Ðoàn 344/ÐPQ của Thiếu Tá Trần Phụng Tư. Thiếu Tá Xinh, Chi khu trưởng quyết định rút tiểu đoàn (-) của Thiếu Tá Tư về quận. Ðại Úy Lê Phi Ô, TÐP, chỉ huy hai đại đội mở cuộc phản công về hướng Ðông và Bắc để nới rộng vòng đai phòng thủ. Hai đại đội này vừa rút về từ ấp Trà Tân 1 & 3. Ðại Ðội 2/344 do Trung Úy Thời, K. 2/68 Thủ Ðức chỉ huy; Ðại Ðội 1/344 do Ðại Úy Trương Kim, K.21 Thủ Ðức làm ÐÐT. Quân số của hai đại đội này đã bị hao mòn nhiều do những lần đánh nhau ác liệt với Cộng quân trong thời gian qua, nhưng tinh thần chiến đấu vẫn còn cao.

Ðại Úy Lê Phi Ô cùng quân sĩ đã rất vất vả, đã đổ nhiều máu và nước mắt để tiêu diệt từng chốt một hầu tiến quân tái chiếm đồi Bảo Ðại, cách chi khu 2 cây số về hướng Bắc. Ngọn đồi này do một trung đội Nghĩa Quân trấn giữ, nhưng đã bị Cộng quân tràn ngập lấn chiếm đêm hôm trước.

Trận đánh đã đẫm máu ngay từ những giây phút đầu. Sau một đêm đánh vùi, và nửa ngày chịu biết bao nhiêu là thiệt hại, cuối cùng, Ðại Ðội 2/344 của Trung Úy Thời đã làm chủ được ngọn đồi. Nhưng Cộng quân vẫn cố giành lại. Sau hai ngày tình hình tương đối lắng dịu do Cộng quân bị thiệt hại quá nhiều, chúng cần tái bổ sung, tiếp tế đạn dược, và di tản thương vong.

Với cuồng vọng dứt điểm Hoài Ðức, Cộng quân lại tập trung quân số, dồn mọi nỗ lực tấn công Ðại Ðội 3/344 của Ðại Úy Trương Kim ở hướng Ðông. Dù tinh thần chiến đấu vững vàng, nhưng sau thời gian đánh nhau liên miên với giặc Cộng, thể xác rã rời, đạn dược cạn không kịp tiếp tế, đơn vị này đã bị tràn ngập lúc 3 giờ sáng, và mất liên lạc. Cùng thời gian đó, với chiến thuật cố hữu, tiền pháo hậu xung, Cộng quân ào ạt xung phong lên đồi Bảo Ðại. Quân trú phòng đã đẩy lùi được nhiều đợt tấn công biển người, có lúc vài tên cảm tử của chúng lọt được vào hầm chỉ huy, nhưng đều bị bắn hạ.

Tình hình thật nghiêm trọng. Con số thương vong mỗi lúc mỗi cao, đạn dược sắp hết. Pháo binh yểm trợ bị hạn chế. Ðại Úy Lê Phi Ô đã gọi trực tiếp Pháo Ðội Trưởng Nguyễn Hữu Nhân thuộc TÐ181 PB/SÐ18BB đang tăng phái cho LÐ7/BÐQ bắn yểm trợ. Ngoài tình chiến hữu, họ còn là anh em bà con, nên Nhân đã tận tình bắn yểm trợ. Những trái đạn nổ cao và chạm nổ được điều chỉnh chính xác đã xóa sổ hai đại đội Cộng quân tấn công ngọn đồi. Lợi dụng lúc bọn giặc “tang gia bối rối,” Ðại Úy Ô cùng quân sĩ rời phòng tuyến, nhảy ra khỏi những hố chiến đấu đánh cận chiến với chúng. Bị phản công bất ngờ, Cộng quân “bỏ của chạy lấy người.” Chúng đã bỏ lại nhiều xác chết và bị thương của đồng đội, cùng nhiều vũ khí đủ loại.

Ngày hôm sau, để bảo toàn lực lượng, chi khu ra lệnh cho Ðại Úy LP Ô tìm cách đưa thành phần còn lại của hai đại đội trở về chi khu để cùng nhau hợp lực cố thủ cứ điểm cuối cùng.

Dù lực lượng trú phòng rất khiêm nhường so với lực lượng địch bao vây tấn công đông gấp bội, Thiếu Tá Xinh, quận trưởng kiêm chi khu trưởng vẫn bình tĩnh cùng đồng đội giữ vững tay súng. Ông cố gắng cho đại đội trinh sát phản công địch, nới rộng vòng đai an ninh phòng thủ. Ðại đội này đã cố đẩy lui địch tại khu chợ và nhà thờ Võ Ðắc. Nhưng không thành công. Ðơn vị bị tổn thất nặng nề, Trung Úy Ðường, đại đội trưởng bị tử thương, và sau đó mất liên lạc với chi khu.

Có lần Cộng quân thọc sâu, tấn công chia cắt chi khu ra nhiều mãnh. Các chiến sĩ TÐ 344/ÐPQ phải đánh cận chiến cật lực mới giữ vững được vị trí, đẩy lui được địch ra ngoài vòng đai. Nhưng khi rút lui, chúng cũng đã bắt được Ðại Úy Long, trưởng chi cảnh sát cùng hai cảnh sát viên.

Sự sống còn của chi khu để chờ ngày được giải cứu, ngoài tinh thần Tử Thủ Quyết Chiến của tất cả lực lượng trú phòng, phải kể đến 32 khẩu đại liên với số đạn dược dồi dào do Tiểu Ðoàn An Ninh Thiết Lộ tạm gửi sau khi giải tán, đã là yếu tố quan trọng để giữ vững vị trí.

Với một diện tích nhỏ hẹp của chi khu, hàng ngày quân trú phòng đã hứng chịu từ 200 đến 500 trái đạn pháo đủ loại, cùng những cuộc tấn công biển người. Dù kiên trì đến đâu, sức chịu đựng của con người cũng phải tới giới hạn của nó. Thế đang cùng, lực đang tận. Việc sống còn chỉ là vấn đề thời gian…

Nhưng tin vui đã đến giữa giờ tuyệt vọng! Quá trưa ngày 4 tháng 1 năm 1975, bầu trời Võ Ðắc rợp bóng đàn chim sắt. Chúng bay đến từ bên kia sông La Ngà, từ ấp Trà Cổ của quận Ðịnh Quán, tỉnh Long Khánh. Những con chim sắt đang rầm rộ hạ cánh trên cánh đồng lúa phía Bắc, giữa Võ Ðắc và Võ Su, đang nhả ra những chiến sĩ can trường thuộc Tiểu Ðoàn 2/43 BB thiện chiến của Thiếu Tá Nguyễn Hữu Chế, Khóa 13 Võ khoa Thủ Ðức.

Ðây là đơn vị hàng đầu của Sư Ðoàn 18 BB anh hùng. Ðơn vị này đã nhiều phen làm khiếp vía Cộng quân qua các trận đánh tại phi trường Quảng Lợi ở An Lộc hồi mùa Hè đỏ lửa 1972. Cộng quân đã gọi đơn vị này là tiểu đoàn hỏa tiễn vì đã sử dụng thành thạo các khẩu hỏa tiễn cá nhân M 72 và rất có hiệu quả. Rồi ấp Bố Lá thuộc tỉnh Bình Dương năm 1973; xã Thái Hưng thuộc tỉnh Biên Hòa; Ngã ba Dầu Giây, xã Phương Lâm, xã Cẩm Mỹ thuộc tỉnh Long Khánh khi Hiệp Ðịnh ngưng bắn Paris có hiệu lực…

Quân trú phòng như đàn ong vỡ tổ. Những tiếng reo hò mừng vui của quân dân Hoài Ðức làm vang dội cả một góc trời. Lực lượng địch đang bao vây quận bổng ngớ ngẩn, mất tinh thần. Chúng nhìn trước, ngó sau, chưa biết phải phản ứng như thế nào. Bỏ vị trí chạy, sẽ bị kỷ luật quân đội, kỷ luật đảng. Nằm lại chịu chết? không đành. Bọn cán binh Cộng sản rất hoang mang và sợ hãi. Tinh thần xao động và sa sút. Chúng sợ ngoài đánh vào, trong đánh ra. Nằm ở giữa thì chỉ có chết! Sau một lúc giao động, Cộng quân lại bắt đầu pháo. Nhưng những trái đạn pháo bây giờ không còn “dọa nạt” được ai. Tinh thần của quân trú phòng đang lên cao! Họ có thể đùa giỡn giữa những trận mưa pháo vu vơ!

Dứt điểm

Lối 5 giờ sáng của ngày N+3, Tiểu Ðoàn 2/43 đã hoàn toàn làm chủ trận địa. Xã Võ Ðắc thuộc quận Hoài Ðức đã được giải tỏa. Trung Ðoàn 33 Quyết thắng tỉnh Long Khánh của giặc Cộng, đơn vị chủ lực tiến đánh Võ Ðắc, sau nhiều ngày cố “chịu đấm ăn xôi,” nhưng cuối cùng xôi lại hỏng, đành phải ôm đầu máu lủi về mật khu, trốn sâu trong những cánh rừng già thuộc quận Tánh Linh, tỉnh Bình Tuy. Bọn giặc Cộng đã không thể nào chịu đựng được những trận mưa bom và pháo bầy tới tấp rót trên đầu chúng. Nhất là trận mưa bom suốt ngày hôm qua.

Lần đầu tiên tại chiến trường Quân Khu 3, theo tôi được biết, Không quân của QLVNCH cất cánh từ ba phi trường Phan Rang, Cần Thơ và Biên Hòa đến để yểm trợ cho một chiến trường Võ Ðắc. Những trận mưa bom suốt ngày đã trút lên đầu chúng. Dù không trúng, cũng làm cho đám cán binh phải ê càng, rêm mình và sợ hãi. Những trận mưa bom đã tạo tâm lý hoang mang trong hàng ngũ của chúng. Cuối cùng, Cộng quân đành phải bỏ cuộc. Chúng đành phải từ bỏ tham vọng cuồng điên, quay trở lại rừng sâu với mấy chục chiếc xe bò chở đầy bộ đội lớp bị thương, lớp chết. Một mảnh giấy viết vội để lại: “Chúng tôi chịu thua phen này, hẹn ngày tái ngộ!”

Ðây không phải là lần đầu Trung Ðoàn 33 CSBV chạm trán với Tiểu Ðoàn 2/43. Trung đoàn này hoạt động vùng Long Khánh, nên đã nhiều lần đánh nhau với Tiểu đoàn, mà lần nào cũng từ huề đến thua, phải ôm đầu máu, nên tên thủ trưởng E, tức trung đoàn trưởng đã chỉ thị bộ đội của hắn phải tìm cách chém vè mỗi khi gặp Tiểu Ðoàn 2/43 (lời khai của tên cán binh Cộng Sản cấp B trưởng, tức trung đội trưởng, thuộc Trung Ðoàn 33 bị bắt làm tù binh trong trận đánh tại ngã ba Dầu Giây vào đầu năm 1973, khi hiệp định đình chiến Paris vừa có hiệu lực).

Sư Ðoàn 18 BB nhập cuộc:

Sau khi lực lượng BÐQ rút ra, Sư Ðoàn 18 BB đã cấp tốc mở cuộc hành quân quy mô cấp sư đoàn để tiêu diệt địch, và giải tỏa quận Hoài Ðức đang bị giặc Cộng vây khốn. Hai chiến đoàn 43 và 52 được tung vào mặt trận. CÐ 52 của Ðại Tá Ngô Kỳ Dũng xuất phát từ ngã ba Ông Ðồn, khai thông dọc đường TL.333, tiến sát vào Võ Ðắc. CÐ 43 của Ðại Tá Lê Xuân Hiếu di chuyển quân đến quận Ðịnh Quán, mở những cuộc hành quân tiễu trừ Cộng phỉ vùng cây số 125, ấp Trà Cổ, và dọc theo Tây ngạn sông La Ngà. Tiểu Ðoàn 2/43 của Thiếu Tá Nguyễn Hữu Chế từ ấp Trà Cổ, sẽ vượt sông La Ngà, đánh thẳng vào Võ Ðắc, quận lỵ của Hoài Ðức đang bị Cộng quân bao vây. Quận đường, Bộ Chỉ Huy Chi Khu, Tiểu Ðoàn 344/ÐPQ , đang bị địch quân bao vây chặt. Tình hình rất nguy ngập! Sự sống còn chỉ là vấn đề thời gian.

Ngày N: Từ ấp Trà Cổ, Tiểu Ðoàn 2/43 vượt tuyến xuất phát lúc 1 giờ sáng. Ðịa thế là ruộng rẫy và đầm lầy, rất khó di chuyển. Ðoàn quân đi trong đêm tối mịt mùng, im lặng, và rất nhọc nhằn. Mãi đến khi trời sáng, Tiểu đoàn cũng chỉ đi được lối 1 cây số! Nhưng đơn vị tiền phương đã áp sát bờ, đang thiết lập đầu cầu để chuẩn bị vượt sông.

Chuẩn bị vượt sông:

Sông La Ngà không lớn, đoạn chọn để vượt sông rộng lối một trăm mét, có thể lội qua được. Chỗ sâu nhất cũng chỉ ngập đến ngang cổ. Nước sông trong suốt, có thể nhìn thấu đáy. Dòng nước chảy từ từ, rất thuận lợi cho việc vượt sông. Ðoạn này theo hướng Bắc-Nam. Hai bên bờ sông cây cối um tùm. Bên này sông là đầm lầy. Bên kia sông là cánh đồng ruộng lúa phì nhiêu trải dài đến xã Võ Su. Ðồng lúa đã gặt xong, chỉ còn trơ lại gốc rạ vàng úa.

Khi toán tiền quân bắt đầu cuộc vượt sông thì súng địch đủ loại từ bên kia bờ thi nhau nổ dồn dập. Sĩ quan tiền sát viên tiểu đoàn liền gọi pháo binh bắn đáp lễ. Những tràn đạn pháo 105 ly và 155 ly bắn dồn dập lên đầu chúng. Nhưng đạn pháo đã không làm giảm được cường độ phản ứng của địch. Chúng núp sâu trong những hầm hố kiên cố. Trong cuộc chạm súng ngắn ngủi này, quân bạn chịu một số thiệt hại. Nhưng rất may mắn, không ai bị tử vong. Sau khi quan sát địa thế và ước lượng tình hình địch, vị tiểu đoàn trưởng thấy không thể liều lĩnh cho Tiểu đoàn tiếp tục cuộc vượt sông. Ông báo cáo lên trên và chờ đợi. Sau đó không lâu, tiểu đoàn được lệnh lui quân về tuyến sau để sẵn sàng trực thăng vận.

Nhưng vấn đề trực thăng vận nằm ngoài kế hoạch của cuộc hành quân. Việc điều động đã gặp trở ngại. Tiểu đoàn trở lại điểm xuất phát ở ấp Trà Cổ, sắp toán để chuẩn bị trực thăng vận. Lối 11 giờ, đoàn trực thăng đến. Nhưng chỉ có thể bốc mỗi lần một đại đội. Ðại Ðội 2 của Trung Úy Võ Văn Mười nhảy trước, tiếp theo là Ðại Ðội 3 của Trung Úy Nguyễn Tri Hùng, và Bộ Chỉ Huy Nhẹ Tiểu Ðoàn của Ðại Úy Phạm Ðình Huệ. Khi mới bốc được một nửa tiểu đoàn thì cuộc chuyển quân tạm ngưng. Trực thăng đi lấy nhiên liệu hay nghỉ trưa? Ðại Úy Huệ cùng hai đại đội nằm chơ vơ giữa cánh đồng lúa trống trải, là những tấm bia rất tốt cho Cộng quân nã pháo hay tấn công biển người. Tiền sát viên pháo binh phải điều động nhiều dàn pháo tác xạ làm hàng rào hỏa lực cản để bảo vệ cho quân bạn. Lối 2 giờ chiều, đoàn trực thăng vận trở lại để bốc nốt các đại đội còn lại của tiểu đoàn.

Bà mụ bất đắc dĩ:

Trong lúc tiểu đoàn chuẩn bị lên trực thăng để nhảy các đợt kế tiếp, một bà vợ lính cùng cô em gái trong đoàn người chạy nạn từ Võ Ðắc, vượt sông La Ngà sang, đang chuyển bụng đẻ. Tiểu đoàn cho gọi xe Hồng Thập Tự. Nhưng không kịp. Ðứa bé nhất định chào đời để nhìn trận chiến tàn khốc đang diễn ra trên làng quê của em, nơi đó cha của em đang cùng đồng đội, những chiến sĩ Ðịa Phương Quân và Nghĩa Quân của quận Hoài Ðức đang ra sức chống đỡ trước một lực lượng địch quân đông gấp bội, trong tình thế tuyệt vọng. Xe Hồng Thập Tự chưa kịp đến, nhưng đứa bé không chịu chờ, thế là Nguyễn Chí Huy, hiện định cư ở Arizona, người y tá trẻ tuổi cùng vị sĩ quan trợ y tiểu đoàn, Thiếu Úy Thìn, đã làm Bà Mụ bất đắc dĩ. Nhờ ơn Trời, ca đẻ thành công, “mẹ tròn con vuông.” Và cũng vừa lúc đoàn trực thăng vận đến, hai “bà mụ” bất đắc dĩ này phải vội vàng leo lên trực thăng nhảy vào trận chiến.

Xung trận:

Lối 3 giờ chiều, tiểu đoàn hoàn tất cuộc trực thăng vận. Tiểu đoàn trưởng cho mở đội hình tiến chiếm mục tiêu. Quan niệm hành quân của tiểu đoàn là sử dụng tối đa bom đạn để tiết kiệm xương máu của quân sĩ. Những phi tuần F5E, khu trục cánh quạt và pháo binh thay nhau trút bom đạn lên mục tiêu. Nhưng khi bộ binh tiến vào, sức kháng cự của địch vẫn rất mạnh. Hầu như bom đạn đã không có ảnh hưởng mấy. Chúng ra sức chống trả. Mãi đến chiều tối, tiểu đoàn cũng chỉ bám được bờ làng, và không thể tiến xa hơn được nữa.

Ngày N+1: Ðánh từ sáng sớm đến chiều tối, đơn vị chịu nhiều tổn thất. Trận chiến gay go ngay từ lúc đầu. Ta và địch giành nhau từng căn nhà, từng khu vườn, từng thước đất. Bom napalm đã được sử dụng để đánh phủ đầu các ổ súng Cộng đồng của địch. Bom tạo nên một biển lửa với những cụm khói đen cuồn cuộn bốc cao trong bầu trời. Nhưng sức kháng cự của địch vẫn không giảm sút bao nhiêu.

Chiến tranh là tàn bạo. Chiến tranh là hủy diệt. Không ai muốn chiến tranh. Sống hòa bình vẫn thích hơn. Nhưng không phải như bọn phản chiến nhóc tỳ ngu ngốc của Mỹ với hàng chữ ghi trên áo: “make love, not war.” Trái lại bọn Cộng Sản lại thích đi gây chiến. Chúng phải gây chiến để hướng dư luận chống đối chế độ sang một ngả khác. Chính lão già Hồ Chí Minh và bè lũ Cộng Sản Bắc Việt nhận chỉ thị của Cộng Sản Ðệ Tam Quốc Tế, đã gây nên cuộc chiến tranh tang thương này. Muốn sống hòa bình nhưng chúng ta phải đương đầu cuộc chiến do bọn Cộng Sản gây nên. Chúng ta chỉ chiến đấu tự vệ để sống còn. Cuộc chiến càng kéo dài, đất nước càng bị hủy diệt, người dân càng khốn khổ điêu linh. Nếu có phương thức nào khả dĩ kết thúc cuộc chiến nhanh chóng thì chúng ta cũng không ngại ngùng sử dụng chúng.

Ðể tiết kiệm xương máu của quân sĩ, để sớm đánh đuổi được quân Cộng Sản ra xa để đồng bào có thể trở về sinh sống làm ăn, tiểu đoàn đã yêu cầu lên trên cho sử dụng tối đa hỏa lực hầu làm tê liệt mục tiêu. Do đó bom đạn đã thay nhau trút xuống đầu làng. Chỉ có một con đường ngang đi vào làng mà đơn vị đã đổ ra biết bao nhiêu là xương máu. Con đường vừa chiếm xong lại bị đánh bật trở lại, rồi lại đánh chiếm. Cứ thế mà nhiều lần trong ngày, ta và địch thay nhau làm chủ. Mãi đến chiều tối, quân bạn cũng chỉ tiến thêm được vài trăm mét. Hai bên ở trong thế cài răng lược.

Ngày N+2: Tiểu đoàn được lệnh rút về tuyến sau. Vùng đất tranh chấp trở thành vùng oanh kích tự do. Từ sáng sớm đến chiều tối, những phi tuần phản lực F5E, bán phản lực A37, và phi cơ cánh quạt cất cánh từ ba phi trường: Biên Hòa, Cần Thơ và Phan Rang đã thay nhau trút bom lên đầu giặc. Võ Ðắc đã trở thành biển lửa.

Những cột khói đen ngòm, cuồn cuộn bốc lên trời cao. Những con chim sắt nhào lộn cùng với tiếng gầm rú kinh hồn và tiếng bom đạn xé trời. Toàn khu vực đắm chìm trong khói lửa mịt mùng, tưởng như bầu trời đang sập. Những lúc máy bay chưa kịp vào vùng thì vị sĩ quan tiền sát viên pháo binh gọi pháo từ các căn cứ hỏa lực bên Ðịnh Quán. Những tràng đạn 105 ly, 155 ly tới tấp rót đến. Ðất trời rung chuyển, không gian nhạt nhòa trong lửa đạn, khói đen mờ mịt thức mây.

Những trận phi pháo liên tục đã làm cho giặc Cộng không được một phút giây nghỉ ngơi, đã tạo tâm lý hoang mang sợ hãi trong hàng ngũ cán binh của chúng. Vì bản năng sinh tồn, chúng chỉ còn cách trốn chui, trốn nhủi để giữ mạng sống; hoặc tìm kế thoát thân, tránh xa vùng lửa đạn. Ðiều thuận lợi cho quân bạn là tất cả dân làng đã tìm cách tản cư ngay từ những ngày đầu khi Việt Cộng vừa đánh chiếm. Họ tập trung về khu vực gần quận, chạy ra ngã ba Ông Ðồn, hoặc vượt sông La Ngà chạy qua bên kia Ðịnh Quán.

Vùng chiến sự bây giờ là nhà hoang vườn trống. Việt Cộng đã phá nhà dân để lấy cột kèo hoặc những bộ ván gỗ làm nóc hầm. Chúng làm những công sự chiến đấu và phòng thủ rất kiên cố. Hệ thống giao thông hào chằng chịt như mạng nhện. Có lẽ chúng định cố thủ lâu dài. Cả Trung Ðoàn 33 Cộng Sản chiếm cứ và giữ chặt xã Võ Ðắc. Khu vực phía Ðông là cánh đồng mía cao quá đầu người, rộng mênh mông; hướng Bắc là rừng nên rất tiện lợi cho việc chuyển quân và tiếp tế của chúng.

Trước khi trời tối, ngay trong lúc máy bay còn đang vần vũ trong bầu trời, và pháo binh rót những tràng đạn tới tấp lên mục tiêu thì tiểu đoàn đã từ từ trở lại chiếm bờ làng, chuẩn bị cho cuộc tấn công đêm. Khi màn đêm buông xuống là lúc tiểu đoàn bắt đầu xung trận để dứt điểm

Tiểu Ðoàn 2/43 có cái may mắn là hầu hết các cấp cán bộ trung đội trưởng, đại đội trưởng đều còn rất trẻ, rất chịu chơi, nhưng cũng rất giàu kinh nghiệm chiến trường. Họ xuất thân từ các Trường Ðồng Ðế Nha Trang, Võ Khoa Thủ Ðức và Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt. Họ đều đã được tôi luyện qua các chiến trường nóng bỏng của Vùng 3, nhất là tại mặt trận An Lộc của Bình Long Anh Dũng hồi mùa Hè đỏ lửa năm 1972. Ðại Ðội 1 được đặt dưới quyền chỉ huy của Trung Úy Nguyễn Văn Hào, xuất thân từ Võ Khoa Thủ Ðức, gốc Nhảy Dù; Ðại Ðội 2 là Trung Úy Võ Văn Mười, Ðại Ðội 3 là Trung Úy Nguyễn Trí Hùng đều từ Trường Võ Bị Ðà Lạt. Ðại Ðội 4 là Trung Úy Hà Văn Dương, đại đội Chỉ huy & Yểm trợ là Trung Úy Võ Kim Thạch đều là sĩ quan Thủ Ðức. Tiểu đoàn phó, Ðại Úy Phạm Ðình Huệ là sĩ quan tốt nghiệp khóa học 4 năm đầu tiên của Trường Võ Bị Ðà Lạt… Sĩ quan Hành Quân & Huấn Luyện là Ðại Úy Nguyễn Mỹ, cũng là dân Thủ Ðức… Tất cả đều dày dạn sương gió chiến trường.

Ðánh là phải thắng. Ðó là điều tâm niệm của tất cả chiến sĩ Tiểu Ðoàn 2/43 BB. Dù đất lạ, dù đêm tối mịt mùng, dù Cộng quân đang núp chờ trong các hầm hố và công sự phòng thủ kiên cố, nhưng với ý chí quyết chiến, quyết thắng, đoàn quân hùng dũng tiến lên như vũ bão. Các đại đội trưởng gan dạ, giàu kinh nghiệm đã chỉ huy đơn vị mình một cách tài tình. Tùy theo hoàn cảnh thực tế, họ toàn quyền hành động và xử trí một cách khôn ngoan. Khi giờ G điểm, các cánh quân bắt đầu xuất phát. Tiểu đoàn chỉ còn theo dõi, phối hợp, và chờ đợi kết quả.

Pháo binh vẫn tiếp tục bắn, nhưng đã chuyển xạ xa dần theo nhịp độ tiến quân. Tiểu đoàn tấn công bằng ba mũi chính, theo phương giác nhất định. Ðoàn quân lần mò đi trong bóng đêm. Con đường ngang đi vào làng mà từ hai ngày trước, Tiểu đoàn đã đổ nhiều xương máu, nhưng cũng chỉ bám được một bên đường, có lúc lại bị địch giành lại. Nhưng bây giờ thì hầm hố ngổn ngang, cây cối đổ xiêu vẹo. Mùi tử khí xông lên nồng nặc. Chúng đã cuốn gói từ bao giờ, có lẽ đã cao bay xa chạy. Vượt qua con đường là bắt đầu đi vào thôn xóm. Tất cả đều im lìm như đang say ngủ. Không một tiếng chó sủa, không một tiếng lợn kêu. Tất cả đều im vắng lạnh lùng. Có lẽ những con nai đồng quê và các chú Trư bát giới đã bị bộ đội “cụ Hồ” giải quyết cho đi chầu cụ Mác, cụ Lê hết rồi! Thỉnh thoảng mới gặp những cuộc chạm súng lẻ tẻ. Nhưng chúng vừa bắn vừa chạy chứ không còn ngoan cố bám chốt như những ngày trước. Sức kháng cự của địch rất yếu. Mũi tấn công cánh trái tịch thu một đống vũ khí – có lẽ địch chưa kịp mang đi – với mảnh giấy viết vội: “Chúng tôi chịu thua phen này, hẹn ngày tái ngộ.” Mũi tấn công cánh phải đã bắt tay được với các chiến sĩ NQ ở đồi Bảo Ðại đang phân tán mỏng, ẩn núp đâu đây.

Nhiệm vụ hoàn thành:

Ðúng 5 giờ sáng, tiểu đoàn đã tiến đến vòng đai phòng thủ của quận. Ðợi đến lúc trời sáng hẳn, một toán quân của chi khu mở cổng ra bắt tay chúng tôi. Ðó là toán quân của Ðại Úy Lê Phi Ô, do vị đại úy Trưởng Ban 3 dẫn đầu. Tay bắt mặt mừng. Làm sao nói hết được những nổi niềm sung sướng, hân hoan của quân trú phòng.

Khi Võ Ðắc đã được tái chiếm, Tiểu đoàn liền đổi hướng về hướng Bắc, truy kích địch ở xã Sùng Nhơn và Võ Su. Nhưng đám giặc ở đây đã hoàn toàn mất tinh thần, chỉ đụng trận năm ba phút là tìm cách bỏ chạy. Chúng rút trở về trong rừng sâu. Chỉ trong vòng mấy ngày, toàn bộ các xã Võ Ðắc, Võ Su và Sùng Nhơn đã hoàn toàn được giải tỏa. Thanh bình đã trở lại thôn xưa.

Trung Ðoàn 33 Quyết Thắng Long Khánh của VC đã thành Quyết Bại, đã bị tan tác như lá mùa Thu trước trận cuồng phong bom đạn của Không Quân, Pháo Binh QLVNCH, và những cuộc tấn công như vũ bão của các chiến sĩ can trường Tiểu Ðoàn 2/43, Sư Ðoàn 18 BB. Chúng thiệt hại rất nặng. Theo người dân cho biết, trong đêm Tiểu đoàn tiến quân vào làng, VC đã bỏ chạy về hướng rừng Tánh Linh, mang theo rất nhiều thương vong, chở đầy trên mấy chục chiếc xe bò. Ước lượng con số thiệt hại của Cộng quân trong hơn 33 ngày đêm cố “chịu đấm ăn xôi” là trên 1,000 thương vong. Ðiều đáng nói là trong những ngày Võ Ðắc chìm trong biển lửa, dù đạn pháo đã được sử dụng tối đa, nhưng đã không gây một tổn thất nào cho đồng bào, ngoại trừ nhà cửa, ruộng vườn bị hư hao.

Quận đã giải tỏa xong, nhưng nhiệm vụ vẫn chưa hoàn tất. Giặc Cộng đã rút chạy, nhưng con đường ra ngã ba Ông Ðồn chưa được khai thông. Tiểu đoàn chưa kịp nghỉ ngơi thì lại nhân lệnh giao lại trách nhiệm bảo vệ vùng đất mới tái chiếm cho Tiểu Ðoàn 3/43 của Thiếu Tá Nguyễn Văn Dư, để lên đường hành quân tiếp. Sau một thời gian ngắn tiếp tục đổ máu, đổ nước mắt và đổ mồ hôi trên một đoạn đường không dài lắm, Tiểu đoàn đã khai thông được TL.333, bắt tay với Chiến Ðoàn 52BB của Ðại Tá Ngô Kỳ Dũng tiến quân từ hướng ngã ba Ông Ðồn vào.

MỚI CẬP NHẬT