Friday, March 29, 2024

Chính nghĩa thời loạn

Lila Trần

Vậy là chỉ với một bản cam kết viết tay trên giấy kẻ ô của học sinh tiểu học, giống như một tờ giấy bán nhà viết tay không công chứng, dù có chữ ký của “luật sư” như người làm chứng, uy tín và thể diện của ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch Hà Nội, trước nay thường xuất hiện trên truyền thông với một hình ảnh của một chính khách năng động, gây được nhiều thiện cảm, bỗng chốc có phần “xuống giá.” Và cả sân khấu chính trị Việt Nam cũng phút chốc trở nên hài hước như một màn tấu hài nghiệp dư.

“Dân” dường như không tin chủ tịch Hà Nội nên bắt phải ký cam kết theo kiểu giao kèo, điểm chỉ. Thậm chí họ còn cho người đọc lại dõng dạc từng chữ, phát trên loa phóng thanh của thôn, quay video clip tung lên mạng. Không khác một cuộc “đấu tố” ngày xưa là mấy. Loa phường sau những cuộc tranh luận liệu có nên bỏ đi không, bỗng chốc trở nên thật hữu dụng.

Và Chủ Tịch Nguyễn Đức Chung cũng có vẻ như không có lựa chọn nào khác là phải ký vào cam kết. Xem ra ông Chung cũng không khác những “con tin” bị “dân” bắt giữ là bao. Phải ký vào tờ giấy thì mới xong chuyện.

Liệu sau đây loại “khế ước” độc nhất vô nhị này sẽ chính thức được công nhận, dưới cái tên “hợp đồng hành chính” như một vài “chuyên gia luật” nào đó phân tích, dưới góc độ “học thuật?”

Từ việc bắt giữ con tin cho đến ký giao kèo, đều cho thấy những điều khá bất thường. Sự lúng túng, bất lực của chính quyền và một tình trạng hỗn loạn dường như mất kiểm soát nhưng lại vẫn được kiểm soát theo một cách nào đó. Hành vi giữ người trái luật bỗng nhiên lại được xem là “chính nghĩa,” được bao biện rằng vì chính quyền bắt người trái phép trước nên dân cũng được quyền bắt người trái phép để trả đũa! Vậy mà không hề có bất cứ đại diện nào của nhà nước pháp quyền thực thi phận sự của mình.

Ở một đất nước thỉnh thoảng lại có một vụ “dân tự tử ở đồn công an” mà đột nhiên mấy chục cảnh sát cơ động, có cả lãnh đạo huyện, lại bị “dân” bắt nhốt suốt cả tuần liền mà không hề thấy công an lẫn quân đội gửi lực lượng đến dẹp loạn nhanh chóng thì thật hết sức lạ lùng. Lạ nữa là không thấy ai trong số những người ở vị trí cao nhất lên tiếng và có hành động để giải quyết tình trạng khẩn cấp này.

Một số tin thất thiệt (“fake news”) như “dân tưới xăng lên người cảnh sát cơ động bị bắt làm con tin,” “300 côn đồ kéo vào làng tấn công,” “trẻ con quanh người quấn mìn, sẵn sàng tử thủ” … được cho là do một nhóm các “nhà dân chủ” tung ra trên Facebook, nhưng sau đó đã bị báo chí bác bỏ. Các trang tin được xem là “đài địch” hay “lề trái” đưa tin về Đồng Tâm, trong khi báo chí “lề phải” chịu kiểm duyệt chặt chẽ gần như hoàn toàn im lặng trong mấy ngày đầu.

Một cuộc gặp giữa dân xã Đồng Tâm và Chủ Tịch Nguyễn Đức Chung nhằm đối thoại và giải quyết sự việc cũng phải tới lần thứ hai mới thực hiện được. Buổi làm việc đầu tiên ở trụ sở huyện Mỹ Đức, chỉ có ông Chung mà không có ai là dân Đồng Tâm tới dự. Lý do đưa ra để giải thích cũng thật lạ. Chủ Tịch Nguyễn Đức Chung hỏi nếu đến tận thôn Hoành thì người dân có bắt ông không, trong khi người dân cũng nêu lý do “sợ bị bắt” nếu như lên huyện để họp!

Tất cả những diễn biến lạ lùng của sự việc ở Đồng Tâm khiến nhiều người phải đặt dấu hỏi. Liệu có phải đây một màn đấu đá giữa các phe nhóm chính trị, mà mâu thuẫn đất đai chỉ là cái cớ được đem ra làm bình phong nhằm đẩy sự việc lên cao trào để trả đũa nhau? Đâu đó người ta nói đến thương vụ làm ăn $1 tỷ, tương đương 22,000 tỷ đồng, mà ông Chung ký với tập đoàn Viettel để xây dựng “thành phố thông minh” cho Hà Nội. Phải chăng đây mới là một trong những lý do thật sự của sự việc ở Đồng Tâm? Ngay khi cuộc khủng hoảng ở Đồng Tâm còn chưa chấm dứt, đã có không ít người kêu gọi tẩy chay tập đoàn Viettel trên mạng xã hội.

Quan sát phản ứng của công luận, có thể thấy không ít người tỏ vẻ mừng rỡ, tin rằng đây là một thắng lợi rực rỡ của chính nghĩa, của nhân dân. Đám đông theo dõi sư việc “vô tiền khoáng hậu” này có vẻ hoan hỉ tin rằng thế là đã có một trận đánh đẹp, một cái kết đẹp. Chính nghĩa đã thắng. Nhân dân đã chiến thắng bạo quyền!

Tinh thần lạc quan lên cao phơi phới, như khẩu hiệu ghi trên băng-rôn căng ngang đường thôn Hoành trong mấy ngày “chiến sự:” NHÂN DÂN ĐỒNG TÂM TUYỆT ĐỐI TIN TƯỞNG VÀO CHÍNH SÁCH VÀ ĐƯỜNG LỐI CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC (!?!). Cái băng-rôn lạ lùng khiến cho bất kỳ ai tỉnh táo và lý trí cũng phải buồn cười, thắc mắc vì sự tréo ngoe, mâu thuẫn đến khó hiểu của nó. Phải chăng dân xã Đồng Tâm bị mắc hội chứng “Stockholm” (*)? Hay đây là một sự tính toán có chủ đích nhằm ngăn ngừa những địa phương khác cũng có các mâu thuẫn tranh chấp về đất đai bắt chước mà nổi dậy theo?

Trong niềm hân hoan chiến thắng, có vẻ như không ít người ngỡ đất đã được giành lại cho dân, mà không hề hay biết rằng có một cuộc “cướp đất” quy mô lớn hơn nhiều, khủng khiếp hơn nhiều đã và đang diễn ra, bởi công cuộc “cải cách đất đai” với những khẩu hiệu “tích tụ ruộng đất,” “xóa bỏ hạn điền” … đang chuẩn bị hoàn tất, có thể sẽ tước đoạt ruộng đất của hàng triệu người Việt để làm lợi cho các “địa chủ” mới.

Có nhiều thứ được nhân danh “chính nghĩa” trong sự việc ở Đồng Tâm, nhưng có khi tin vào “chính nghĩa” thời loạn thật chẳng khác nào nhắm mắt uống một ly rượu bị lén bỏ thuốc mê, đến khi tỉnh ra thì có khi đã quá muộn mất rồi.


Chú thích:
(*) “Hội chứng Stockholm (hay quan hệ bắt cóc) là thuật ngữ mô tả một loạt những trạng thái tâm lý, trong đó con tin lâu ngày chuyển từ cảm giác sợ hãi, căm ghét sang quý mến, đồng cảm, có thể tới mức bảo vệ và phát triển phẩm chất xấu của kẻ bắt cóc. Tuy nhiên, những cảm xúc nói trên của “nạn nhân” hoàn toàn vô lý vì họ đang nhầm lẫn hành vi hành hạ với lòng tốt của kẻ bắt cóc, mặc cho những nguy hiểm mà họ đã phải trải qua” (Wikipedia).

MỚI CẬP NHẬT