Thursday, March 28, 2024

Cho một người nằm xuống: Bác Sĩ Phạm Ðức Dụ

Trang Luân

Thấp thoáng mà hai mươi sáu năm trôi qua. Hai mươi sáu năm tính từ ngày ba mươi Tháng Tư năm 75 làm tiêu mốc thời gian. Hai mươi sáu năm, vào buổi sáng ngày Chủ Nhật, với những tảng mây màu chì đậu thật thấp, tôi xuống phố, tình cờ gặp lại tên anh trên trang báo Người Việt. Tên anh được in bằng khổ chữ thật lớn, thật nắn nót và được đóng khung lại một cách thật trang trọng. Chính anh! Phải! Chính anh! Ðích thật tên anh được tô đậm ở trên đấy. Tôi sợ mình bị hoa mắt, hay bị lầm lẫn, hoặc đôi khi có sự trùng hợp về tên tuổi chăng! Tôi giơ tay lên dụi mắt, cố mở to rồi đọc lại thêm một lần nữa! Dưới tên anh, còn ghi chú rõ ràng về địa danh cùng đơn vị mà anh đã từng phục vụ trước kia. Châu Ðốc. Bệnh Viện Quân Dân Y Phối Hợp. Tôi có nghe anh nói rất nhiều về cái bệnh viện này. Ðấy là đơn vị cuối cùng của đời anh trong quân ngũ. Thì ra là chính anh. Mà tại sao lại là chính anh! Bao nhiêu câu hỏi cứ lần lượt đổ về chất vấn nơi tâm tư tôi. Choáng váng, tôi ngẩn người, thừ ra nghe lòng mình tê điếng. Anh đã ra đi. Thật sự ra đi khi tuổi đời vừa tròn ở con số sáu mươi. Sáu mươi năm, anh xuôi tay giã từ tất cả. Sáu mươi năm, anh bỏ lại bao nhiêu người thân yêu cùng bạn bè thương tiếc anh. Bỏ lại cái quê hương tạm bợ, trần thế, phù phiếm này, để bước sang cuộc hành trình lạ lẫm, mới mẻ khác. Cuộc hành trình đi về với thế giới huyền ảo, xa xăm. Cái thế giới của an hòa, của vĩnh phúc. Cái thế giới không bao giờ có ngục tù, xiềng xích! Cái thế giới chẳng khi nào nghe tiếng đạn réo trong đêm! Cái thế giới với đầy đủ mọi ý nghĩa thiêng liêng và nhiệm mầu về hai chữ hạnh phúc, vinh hiển ở trên đấy.

Ðọc tên anh trong thoáng giây quá đột ngột, quá bất ngờ, khiến cho tôi cảm thấy bàng hoàng, sửng sốt. Tôi xúc động vô ngần. Tờ báo trên tay tôi tự động rơi xuống từ lúc nào mà tôi chẳng hề hay biết. Tôi sững sờ gục đầu vào tay lái, tưởng nhớ về anh, về chuỗi ngày tháng đọa đầy, khốn cùng tại xó trời dĩ vãng. Cái dĩ vãng tủi nhục của người lính tản hàng sau thảm họa tháng tư đen. Cái dĩ vãng ấy chẳng khi nào xóa nhòa nơi tâm khảm ở trong anh, tôi, cùng mọi người khác nữa!

Thì ra, giữa tôi cùng anh chỉ cách nhau chưa đầy gang tấc. Anh sinh sống ở quận Cam. Tôi cũng nằm trong diện tích ấy. Bao nhiêu lần xuôi ngược mà vẫn chẳng có một lần gặp mặt! Phải chăng, giữa chúng ta cùng chạy trên hai đường thẳng, mà hai đường thẳng song song với nhau thì đâu có khi nào gặp nhau trong toán học. Nhưng có một điều, là cho dù ở đâu, cho dù lúc nào, tôi cũng vẫn nhớ đến anh, đến anh Kiệt, anh Khoan, anh Thao, cùng nhiều người bạn tù khác nữa! Làm sao mà tôi có thể quên được chuỗi ngày tháng lầm than, đầy ải đó! Chuỗi ngày tháng khổ sai, nhục nhằn trong khu rừng tràm U Minh tối tăm, ẩm thấp. Chuỗi ngày tháng mà chúng mình phải trầm mình dưới con kinh đục ngàu giống như màu nước vối, để kéo từng khối mạ về nông trường. Những buổi trưa nắng nhễ nhại, lem luốc mà chúng mình phải đứng thành hàng ngang, để chuyền đất, đắp nền hoặc làm đường vân vân… Không bao giờ tôi quên! Không bao giờ! Tôi quả quyết với anh là như thế. Bao nhiêu mồ hôi nhục nhằn, cay đắng mà chúng mình đã từng nhỏ xuống mảnh đất ấy. Sau lưng, mấy họng súng AK đen ngòm đang chĩa thẳng về phía chúng ta, kéo theo những cặp mắt nẩy lửa, căm hờn của mấy tên cảnh vệ còn non choẹt. Tự dưng, tôi liên tưởng đến các buổi trưa ủ rũ, cay nghiệt. Những buổi trưa mà chúng mình phải nghỉ giải lao ở ngoài trời trong bữa cơm tẻ nhạt, ngao ngán. Trong khi đó, những sợi mưa nghiệt ngã cứ lạnh lùng, thản nhiên trút xuống, cuốn theo các dòng nước mắt đang tự động trào ra trong tâm tư của mỗi người chúng ta. Thoáng chợt, tôi bắt gặp cái nhìn của anh đang hướng về phía tôi. Qua cặp kính trắng dầy cộm, tôi thấy sao mà nặng trĩu, buồn vô hạn. Tôi hiểu cái nhìn ấy. Cái nhìn như biểu lộ nỗi chua chát, u uất đang đè nặng, chất đống, ray rứt triền miên ở trong anh.

“Bao giờ thì chúng mình mới thoát khỏi cái cảnh này hở Phúc!”

Anh vẫn thường hỏi tôi như vậy. Tôi nói với anh:

“Có thể là năm năm. Mười năm. Hai mươi năm hoặc không chừng còn kéo dài suốt cả một đời người. Ðiều đó cũng có thể xảy ra. Ðiển hình cho ta thấy, có rất nhiều người đã phải giam mình cả hằng mấy chuc năm trời trong các nhà tù ở Liên Xô, cũng như ở Trung Quốc. Chúng ta chẳng cần nói đâu xa xôi làm gì! Ngay tại Việt Nam mình cũng thế. Sau năm 1954, có biết bao nhiêu người bị ngược đãi dã man rồi chết thê thảm trong các trại tù khổ sai lao động ở miền Bắc. Nhưng có một điều mà tôi tin chắc rằng: Thể nào rồi cũng có một ngày chúng ta ra khỏi chốn này. Sinh thì ắt phải có tử. Mà vào thì tất nhiên phải có ra. Tuy nhiên, một khúc quanh lịch sử đâu có thể thu hẹp trong vòng đôi ba năm, mà còn phải kéo dài đến cả hằng mấy chục năm nữa không biết chừng!”

Anh đồng ý với tôi về điểm này. Anh gật gù:

“Phúc nói đúng! Ở đời chẳng có gì gọi là tồn tại, bất diệt. Tất cả đều phải nằm trong cái mẫu số chung của định luật đào thải.”

Tôi biết anh kể từ khi chúng tôi được tập trung về hậu cứ của Trung Ðoàn 33 thuộc Sư Ðoàn 21 Bộ Binh. Căn cứ này nằm sát với kho bom Trà Nóc và cách đó vào khoảng vài trăm thước là Trung Tâm 4 Hồi Lực. Ở đấy được chia ra làm bốn khu. Mỗi khu được ngăn ra bởi các hàng rào dây kẽm gai chằng chịt, kiên cố. Mọi quan hệ, giao dịch đều bị ngăn cấm tuyệt đối và còn cho đó là những quan hệ bất chánh, có tác hại đến vấn đề cải tạo của người khác.

Ðối với Cộng Sản thì bất cứ chuyện gì cũng gọi là học tập. Tự khai lý lịch cũng là hình thức học tập, là sự khởi đầu, là bài học nhập môn để mở cửa đi vào giai đoạn học tập chính trị. Bài học này được diễn đi diễn lại nhiều lần. Cán bộ lúc nào cũng lải nhải những câu học thuộc lòng:

“Các anh phải nhìn nhận tội lỗi của các anh trong quá khứ. Tất cả mọi người trong các anh đều có tội với tổ quốc và nhân dân. Chính vì thế, các anh phải soi rọi lại bản thân và phải thành thật khai báo với cách mạng. Phải ra sức đấu tranh tư tưởng. Ðây là cuộc đấu tranh quyết liệt và gay go. Phải đả thông tư tưởng, đồng thời hăng say, tích cực trong mọi công tác lao động, ngõ hầu sửa đổi lại bản thân để trở thành người hữu dụng cho đất nước sau này. Có như vậy, các anh mới mong sớm được trở về với cộng đồng chung của dân tộc.”

Nói thì nói như thế, nhưng thực tế thì khác hẳn.

“Chánh sách khoan hồng của đảng và nhà nước bao giờ cũng trước sau như một. Ðảng nói mười ngày lại giãn ra thành mười năm. Ðảng là cái thước để đo lòng người. Ðảng bao giờ cũng giơ cao đánh khẽ. Ðảng chủ trương giáo dục, uốn nắn các anh trở về với nẻo ngay của dân tộc. Vì vậy, công cuộc cải tạo không thể đơn giản một sớm một chiều mà gội rửa hết được mọi tội lỗi của các anh trong quá khứ, mà còn phải đòi hỏi cả một thời gian dài mới mong tẩy xóa hết được mọi lỗi lầm kể trên. Các anh phải phấn đấu. Phải đấu tranh với bản thân.”

Láo! Láo khoét! Tất cả đều rập khuôn như nhau. Tên nào cũng nói giống nhau y hệt, cùng một sách vở mà đảng đã ấn hành. Ai nấy đều bắt đầu chán nản. Năm tháng trôi qua. Rồi sáu tháng cũng thế. Chuỗi ngày tháng cứ điềm đạm, âm thầm đi qua, cuốn theo biet bao nỗi ngậm ngùi, xót xa quyện chặt ở trong đấy. Nhiều anh tụ lại sầm xì, bàn tán:

“Sao mười ngày lại giãn ra đến sáu tháng mà vẫn chưa thấy được ngày về!”

Có tiếng khác chen vào:

“Bây giờ thì họ lại đổi ý nói khác. Chẳng biết đâu mà tin mấy ông này.”

“Sao lại cứ tin vào cái điều ấy làm gì cho mệt!”

“Như vậy thì hóa ra mình bị lừa à.”

“Thì lừa chứ còn gì nữa!”

Hôm sau tất cả đều bị gọi lên làm việc. Thì ra bị báo cáo. Tất cả đều bị cách ly, nhốt trong cũi sắt. Khẩu phần ăn bị cắt xén còn phần nửa.

“Ðấy là hình phạt nhẹ tay đối với các anh đó. Làm sao mà các anh có thể về sớm được. Các anh không tin tưởng vào đường lối và chánh sách của Cách Mạng. Các anh phải nỗ lực ra sức học tập.” “Ðế quốc Mỹ là kẻ thù xâm lược của nhân dân ta” là bài học mở màn bước vào giai đoạn học tập chính trị. Chán ngấy. Mọi người đều thầm hiểu.

“Sự trở về còn tùy thuộc vào thái độ thành khẩn của mỗi người trong các anh.”

Bây giờ thì thấy rõ lắm rồi. Ðáp số của ngày về đâu có đơn giản như mọi người từng suy nghĩ trước đây. Thất vọng! Bao nhiêu hy vọng đều tiêu tan theo mây khói. Nhiều nguồn tin bịa đặt được tung ra. Tin về lực lượng quân đội thường xuyên xuất hiện ở vùng đồi núi Thất Sơn. Tin về đơn vị nhảy dù đụng độ với bộ đội Cộng Sản tại vùng rừng già Long Khánh. Ngày nào cũng có tin. Tin chẳng biết xuất xứ từ đâu đến. Tin được rỉ tai, thì thầm, xuất phát từ ngã tư quốc tế, bên cạnh các hố rác hôi hám cùng mấy nhà vệ sinh tập thể sơ sài, nồng nặc mùi hôi thối. Chiều nào chúng tôi cũng phải ra đấy. Ra đấy là có tin. Có lần anh nói với tôi về chuyện này. Tôi nghiêm nghị:

“Anh nên thận trọng. Nhiều khi đấy là cái bẫy của mấy ông này không biết chừng!”

Anh đăm chiêu trả lời:

“Tôi cũng nghi lắm. Làm sao mà mình có thể tin vào các nguồn tin ấy được.”

“Ấy vậy mà có nhiều người tin như tin kinh tin kính. Dù sao thì đấy cũng là cứu cánh, là nguồn hy vọng để mà sống.”

Vào tù, tôi lại đâm ra thích hát. Tôi cho đó là phương pháp tốt nhất làm giảm bớt đi được phần nào sự suy nghĩ giữa những căng thẳng, tù túng nơi cuộc sống. Tôi thích hát nhạc tình. Loại nhạc mà người Cộng Sản lên án, gọi nó là nhạc vàng, nhạc ru ngủ, và đôi khi còn được gán ghép cho một cái tên là nhạc phản động. Tôi hát say mê. Hát vào những buổi chiều khi mặt trời xuống thấp. Hát với các người bạn quen thuộc với tôi. Với Cang, với Phước, với Lạc, với Phong, với Thanh cùng vài người bạn khác mà cho tới giờ này tôi không còn nhớ rõ tên. Chúng tôi hội tụ nhau lại thành một ban nhạc để hát cho bạn bè chúng tôi nghe. Mọi nhạc cụ đều do chính bàn tay chúng tôi tự làm lấy. Nó được thành hình bằng dao, bằng cưa và được đánh bóng, trau chuốt bằng các mảnh chai, hoặc khom người mài từ ngày này sang ngày khác. Tất cả đều đầy đủ chẳng khác nào như ban nhạc sống ở ngoài đời. Từ tây ban cầm, vĩ cầm, đại hồ cầm, cho đến bộ trống, chúng tôi cũng cố gắng thực hiện cho bằng được. Tôi vẫn còn nhớ cái Tết đầu tiên ở trong tù. Một cái Tết được mô tả là ảm đạm, đau buồn và xót xa nhất. Cái Tết của đau thương, của khắc khoải, của nỗi nhớ nhung chồng chất, tích lũy, thai nghén ở tâm não. Cái Tết mà hai chữ tự do bị khóa chặt, cách ngăn bởi các hàng rào dây kẽm gai lầm lì, oan nghiệt, chôn dí cuộc đời chúng tôi ở trong đó.

Năm ấy, chúng tôi được thong thả qua lại, thăm hỏi nhau trong ba ngày Tết. Chúng tôi tổ chức múa lân và lưu diễn văn nghệ cho toàn bốn khu. Dẫn đầu đoàn lưu diễn là ông bầu Phước. Anh trước kia nguyên là sĩ quan tâm lý chiến của Trung Ðoàn 16 thuộc Sư Ðoàn 9 Bộ Binh, đồn trú tại ngã tư Long Hồ thuộc tỉnh Vĩnh Long. Anh với tôi là bạn cùng đơn vị. Anh có nhiệm vụ điều hợp và giới thiệu chương trình. Chúng tôi đi đến đâu cũng đều được đón tiếp niềm nở và được tán thưởng nhiệt liệt. Bạn bè ngồi kín mít ở chung quanh để nghe chúng tôi hát. Tôi nhớ mãi nhạc phẩm “Xuân này con không về” của tác giả Nhật Ngân. Ca khúc ấy đã thấm sâu vào huyết quản, vào tim não, vào từng thớ thịt của anh em chúng tôi lúc bấy giờ. Bằng những từ ngữ nhẹ nhàng, giản dị, ông đã lột tả hết được cái tâm trạng ray rứt, u uẩn của những đứa con sau khi tàn cuộc chiến. Những đứa con trong thân phận tủi nhục của người lính bại trận. Những người lính bị lưu đầy, biệt xứ. Những người lính trong mùa xuân tha hương, khao khát nhìn về chốn cũ, về gia đình với nỗi xót xa, chia lìa, ngăn cách. Cuộc đời bị vây hãm, bao bọc bởi những lớp kẽm gai dày đặc giăng kín ở chung quanh. Những tháp canh đứng sừng sững, uy nghi cùng chuỗi ngày tháng mù mịt, đen tối đang đến ở trước mặt. Ðảo mắt nhìn sang hai bên, tôi thấy những khuôn mặt hốc hác, ảo não, buồn rũ rượi. Những khuôn mặt nhăn nhúm, đờ đẫn, cùng những giọt nước mắt đang tuần tự hiện ra, long lanh ở trên khóe. Ðể phá tan bầu không khí nặng nề, u ám đó, chúng tôi quên bẵng đi thân phận tù đầy, dõng dạc cất lên: “Cờ bay, cờ bay trên thành phố thân yêu vừa lấy lại đêm qua bằng máu…” Mọi người đều nhịp nhàng vỗ tay rồi đồng thanh cất cao giọng hát. Dứt bản nhạc, ai nấy mới giật mình, trố mắt nhìn chúng tôi bằng thái độ sợ sệt, lo lắng. Có tiếng anh nói vọng lên như nhắc nhở:

“Hát nhạc tình đi.”

Tôi hướng về phía anh:

“Anh thích bản nào!”

“Em Hiền Như Ma Soeur được không?”

Tôi gật đầu. Tiếng nhạc đệm bắt đầu trỗi lên. Tôi cất cao giọng hát. Qua tiếng thơ trữ tình của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, được trau chuốt bởi kỹ thuật tài tình, điêu luyện của người nhạc sĩ tên tuổi Phạm Duy, đã đưa bản nhạc đến giá trị tuyệt vời của nó. Dứt bản. Tiếng vỗ tay nổ ran. Hứng khởi, tôi hát liên tiếp. Nghìn Trùng Xa Cách, Nha Trang Ngày Về, Ðưa Em Tìm Ðộng Hoa Vàng, Em Ðến Thăm Anh Một Chiều Mưa. Tôi hát không mệt mỏi. Tôi hát lên bằng sự rung động chình mình. Hát trong buổi đầu xuân tràn đầy nắng mới. Hát trong sự tủi nhục, căm hờn. Hát cho tất cả bạn bè tôi nghe. Những người bạn tù giống tôi. Những người bạn đang ngồi đấy. Những người bạn tù héo mòn, đương thả hồn vương vấn về khoang trời kỷ niệm xa xôi nào đó. Mọi người đều im lặng phăng phắc. Tôi cố cất cao giọng hát, rồi nhỏ dần để châm dứt bản nhạc cuối cùng. Tiếng vỗ tay lại rộn ràng vang lên. Kết thúc. Chúng tôi ngồi lại, quây quần với nhau bên chiếc ca cà phê đặc quánh, cùng đống bánh mứt được gửi vào từ gia đình. Anh ngồi sát bên tôi, kề tai nói nhỏ:

“Cậu nên cẩn thận. Sau Tết thể nào cũng có chuyện rắc rối xảy ra.”

Tôi quay sang anh:

“Cảm ơn anh! Chuyện đó thì đương nhiên. Tôi sẽ có cách xoay sở.”

Thật vậy. Y như lời anh nói. Vừa mới bước sang mồng bốn Tết, chúng tôi lần lượt bị gọi lên làm việc. Người đầu tiên là Phước. Tiếp đến là Thanh, Phong, Lạc, Cang và đến lượt tôi là người sau chót. Vừa thấy tôi bước vào, gã cán bộ đã trợn mắt tỏ vẻ giận dữ:

“Cách mạng đã mở lượng khoan hồng cho các anh vào đây để cải tạo, rèn luyện bản thân. Nào ngờ các anh lại tỏ ra ngoan cố và đồng thời có những tư tưởng chống đối lại chánh sách của đảng và nhà nước.”

Tôi điềm đạm ngồi xuống:

“Cán bộ bảo chúng tôi chống đối. Vậy chúng tôi chống đối ở chỗ nào!”

Gã cán bộ đập mạnh tay xuống mặt bàn:

“Còn không chống đối à! Nếu không chống đối thì tại sao các anh lại hát nhạc vàng trong ba ngày Tết. Còn cờ bay, cờ bay gì nữa đấy!”

Tôi nhỏ nhẹ:

“À! Thì ra cán bộ bảo chúng tôi hát nhạc vàng. Chuyện đấy thì có. Chúng tôi không chối cãi. Chúng tôi có hát loại nhạc này. Bởi vì, điều dễ hiểu, chúng tôi lớn lên ở miền Nam nên loại nhạc này đã thấm sâu vào huyết quản của chúng tôi từ lâu lắm rồi. Ngược lại, như cán bộ sinh sông ở miền Bắc thì cũng thế. Hơn nữa, nhạc cách mạng lại quá mới mẻ đối với chúng tôi. Chúng tôi cần phải có thời gian để làm quen và phải có sự hướng dẫn từ phía cách mạng. Cả như chúng tôi thì ai nấy cũng đều bỡ ngỡ như nhau thì làm sao mà lột tả hết được mọi ý nghĩa sâu xa của nó.”

Gã cán bộ khựng lại. Vài phút sau, gã mới nhìn tôi cười gằn:

“Còn anh! Tôi nghe nói rất nhiều về anh. Người ta phản ảnh với tôi, nào là anh thường hay có tư tưởng bài xích cách mạng. Nào là anh chưa có thái độ tích cực trong học tập cải tạo. Ngay trong bản tự khai, anh vẫn còn cố tình giấu giếm, chưa dứt khoát và không có sự thành khẩn ở trong đó.”

Tôi hạ thấp giọng rồi chậm rãi:

“Cán bộ bảo có người phản ảnh về tôi. Vậy! Cán bộ có thể cho tôi biết họ là ai được không? Họ nói như vậy là trái với sự thật. Lúc nào tôi cũng phấn đấu. Lúc nào tôi cũng thành thật. Lúc nào tôi cũng tin tưởng vô biên vào chánh sách khoan hồng của đảng và nhà nước đề ra. Còn cán bộ bảo tôi không thành thật khai báo, thì điều đó cán bộ nên xét lại. Cuộc đời tôi gói ghém chỉ có bằng đấy, thì thử hỏi tôi lấy đâu ra mà khai thêm được nữa? Chính cán bộ quản giáo cũng từng nói với chúng tôi rằng: Không được thêm hoặc bớt bất cứ điều gì trong bản tự khai. Ðiều quan trọng hơn hết là phải nói lên sự thật. Tôi nghĩ rằng: Tất cả những gì tôi đã khai ở trong đó, đều làm đúng theo yêu cầu mà cách mạng hằng mong muốn.”

Gã cán bộ ngồi lầm lì giây lát. Mãi sau, hắn ta mới mở lời hăm dọa:

“Các anh phải ráng cải tạo cho tốt rồi sau này còn phải cải tạo về mặt lao động nữa. Ðừng có bắt chước theo anh Trương Văn Tến và anh Toản thì chỉ có thiệt thân.”

Tôi nhỏ nhẹ, dằn từng tiếng:

“Chúng tôi lúc nào cũng ra sức học tập. Chúng tôi biết rằng đảng lúc nào cũng trước sau như một. Ðảng bao giờ cũng bao dung. Ðảng là cái thước để đo lòng người. Ðảng lúc nào cũng giơ cao đánh khẽ. Bao giờ đảng cũng sáng suốt. Nhờ sáng suốt nên anh Tến mới bị đưa ra tòa án nhân dân, rồi bị kết án tử hình cũng chỉ vì anh ấy dại dột trốn trại. Còn anh Toản bị nhốt trong cũi sắt cho đến chết cũng chỉ vì anh ấy có tư tưởng chống lại cách mạng. Trước hai cái chết đó, anh em chúng tôi mới sáng mắt ra, đồng thời nhận thấy rằng: Chỉ có mỗi con đường duy nhất là cải tạo thì mới thấy rõ được ngày về.”

Gã cán bộ cau mặt, bực tức chỉ tay ra ngoài:

“Thôi! Anh về dưới lán đi. Chỉ nói vớ vẩn.”

Ngay buổi chiều hôm ấy, gặp anh, tôi liền kể lại cho anh nghe. Anh ra chiều lo lắng:

“Cậu trả lời khôn khéo lắm đấy. Nhưng tôi sợ bọn nó đang để ý đến cậu. Cậu nên cẩn thận thì hay hơn.”

Tôi nói vừa đủ nghe:

“Trước sau thì tôi cũng sẽ trốn. Dù nguy hiểm đến thế nào đi chăng nữa, tôi cũng sẽ trốn khỏi nơi này. Tôi chỉ chờ cơ hội thôi anh ạ!”

Tôi kể cho anh nghe, vào một đêm tối trời, tôi cùng hai người bạn đang chuẩn bị cắt rào để bò ra, thì giữa lúc ấy toán cảnh vệ đột ngột, bất thần đi xuống, khiến cho chúng tôi đành phải hủy bỏ kế hoạch ngay trong đêm đó.

Anh trố mắt nhìn tôi khuyên:

“Cậu gan thật. Ðừng dại dột. Không nên. Trốn ra thì chỉ có con đường chết. Tốt hơn hết là phải nhẫn nại chờ cho đến khi ra lao động.”

Nếu tôi nhớ không lầm, thì vào khoảng Tháng Bảy năm 76, chúng tôi được lệnh thu xếp đồ đạc cá nhân và chuẩn bị sẵn sàng tại chỗ. Lại có tiếng bàn tán, sầm xì nổi lên:

“Chắc lại di chuyển đi nơi khác chứ gì!”

“Mà di chuyển đi đâu chứ!”

“Làm sao mà biết được!”

Ai nấy đều thở dài ngao ngán. Lát sau mọi người mới chợt hiểu. Thì ra, thanh lọc lại hàng ngũ. Thành phần nguy hiểm như ban hai, tình báo, an ninh quân đội, chiến tranh chính trị được tách rời ra, tập trung vào một khu riêng biệt. Tôi đem ý nghĩ về họ. Tôi có linh cảm như họ sắp sửa bị đưa đến một nơi thật xa xôi nào đó. Tôi mường tượng ra vùng cao nguyên hẻo lánh mà tôi đã từng đồn trú trước đây. Nào ngờ, mãi cho đến sau này, khi tôi ra tù, tình cờ gặp lại anh bạn cũ, tôi mới biết, họ bị đưa ra lao động khổ sai tận vùng Hoàng Liên Sơn ngoài miền Bắc. Hắn kể cho tôi nghe về trận mưa đá đầu tiên, ngay sau khi họ vừa đặt chân xuống mảnh đất thành đồng của xã hội chủ nghĩa. Họ căm thù chế độ miền Nam. Miền Nam là ung nhọt, là quái thai, là tay sai của đế quốc. Miền Nam là biểu tượng của tội ác. Miền Nam đồi trụy. Miền Nam là cả sự giả tạo phồn vinh. Bao nhiêu căm phẫn đều trút xuống tấm lưng gầy của người tù từ miền Nam đưa ra. Họ bị xỉ vả, bị nhiếc mắng bằng đủ mọi thứ ngôn từ xấu xa, thô tục nhất. Họ ví người lính miền Nam là thứ hung tàn, bạo ngược. Họ không hiểu! Họ bị đầu độc, nhồi sọ ngay từ khi còn ngồi ở ghế học đường. Chánh sách giáo dục thâm độc của nhà nước đã khiến cho mọi người có cái nhìn sai lệch về lịch sử. Ðảng muốn gieo vào tâm tư trẻ thơ bằng hạt giống oán hờn. Họ dạy trẻ thơ bằng đủ mọi hình thức. Ngay trong những bài toán đố cũng vậy. Anh bộ đội bắn được ba tên đế quốc Mỹ mỗi ngày. Hỏi, trong vòng một tuần lễ, anh ấy bắn được bao nhiêu kẻ thù? Vì thế, họ chỉ biết có căm thù. Họ chỉ biết có đảng. Ðảng là tuyệt đối. Ðảng là ngọn đuốc soi sáng, dẫn lối cho họ tiến bước. Mãi cho đến sau này, người miền Bắc mới hiểu được người miền Nam, mới thấy được sự chênh lệch quá xa giữa miền Nam và miền Bắc. Xã hội chủ nghĩa là cái nôi của sự nghèo đói. Hòa bình có, nhưng tự do, no ấm thì không! Xã hội càng ngày càng sa đọa, càng tối tăm đi xuống. Từ đó, họ bắt đầu thay đổi cái nhìn đối với người tù từ miền Nam đưa ra. Hắn còn kể cho tôi nghe, có rất nhiều mối tình nở ra ngay trên đất Bắc, giữa cô y tá trạm xá với một anh tù miền Nam được đưa ra nằm điều trị ở tại nơi đấy.

Thành phần còn lại, chúng tôi được biến chế thành đội ngũ để chuẩn bị đi lao động. Dịp này, tôi may mắn được ở chung với anh cùng một tổ. Anh là mẫu người biểu hiện cho hai chữ tư cách. Lúc nào anh cũng tỏ ra cởi mở, vui tính, hoa nhã với tất cả mọi người ở chung quanh. Chưa khi nào anh tỏ ra khiếp nhược trước thái độ hung hăng của mấy tên cán bộ ngổ ngáo. Với anh, lúc nào cũng nhã nhặn. Lúc nào cũng trầm tĩnh. Lúc nào cũng nụ cười điểm nhẹ ở trên môi, như để che đậy mọi suy tư thầm kín đang tiềm ẩn, tích lũy ở bên trong. Gần anh, tôi cảm thấy mến anh nhiều hơn. Ngay từ buổi đầu tiên, anh đã thầm thì với tôi về cái bản chất nhỏ mọn, xấu xa của tên đội trưởng. Gã nguyên trước kia cùng ở chung với anh một đơn vị. Gã thuộc thành phần không tốt. Gã muốn lập công để về sớm. Gã luôn luôn tỏ vẻ o bế, ve vãn cán bộ. Anh dặn tôi:

“Anh nên đề phòng tên này. Có nó thì đừng có hát.”

Tôi biết! Bao giờ tôi cũng cảnh giác. Tôi hát cho các anh nghe về dòng nhạc tiền chiến. Anh thích êm dịu. Thích Ðoàn Chuẩn, Từ Linh. Thích Lá Ðổ Muôn Chiều. Thích Thu Quyến Rũ. Thích Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay. Thích Gợi Giấc Mơ Xưa của nhạc sĩ Lê Hoàng Long. Chuỗi âm thanh lãng đãng, quyện xoắn vào không khí hoang lạnh của buổi hoàng hôn, bên chiếc ca cà phê còn nóng hổi, đắng ngắt, tự nhiên chúng tôi cảm thấy ấm lại. Anh hỏi tôi về hoàn cảnh gia đình. Tôi nói với anh:

“Tôi có hai cháu. Hiện giờ nhà tôi cùng các cháu đang sinh sống ở Sài Gòn. Còn anh?”

Anh cho tôi biết, anh vẫn còn nằm trong tình trạng độc thân. Anh còn bà mẹ già và bà vẫn thường lặn lội đi thăm nuôi anh. Tôi đem ý nghĩ về các bà mẹ Việt Nam. Những bà mẹ bao la như biển cả mông mênh. Những bà mẹ nuôi con bằng dòng sữa ngọt ngào của chính mình. Những bà mẹ mớm cho con từng miếng cơm, truyền cho con từng hơi ấm nồng nàn và chắt chiu, tận tụy, chăm bón cho con đến ngày khôn lớn. Công lao ấy làm sao mà có thể diễn đạt được hết thẩy mọi ý nghĩa cao quí, sâu sắc của nó. Nghĩ đến đấy, tự nhiên tôi cảm thấy dơm dớm nước mắt.

Sống gần gũi với anh chỉ trong khoảng thời gian quá ngắn ngủi. Trên chuyến tàu đổ xuôi xuống vùng cực Nam của đất nước. Ghé Chương Thiện, ngồi giữa nhà lồng chợ, bên ly cà phê đen đậm như chính cuộc đời của chúng tôi lúc bấy giờ. Chung quanh, hiện ra những người đàn bà tảo tần, lam lũ. Những người đàn bà trong chiếc áo xốc xếch, nhàu nát, cũ mèm, ngả màu theo mưa nắng. Những chiếc áo phản ảnh phần nào đời sống trung thực ở bên ngoài, mà trong đó có vợ con tôi cùng người thân của anh đang bươn chải ở Sài Gòn.

Tàu cặp bến Ðá Bạc. Biển động. Chúng tôi phải nghỉ lại một đêm tại xóm chài nghèo nàn, hiu quạnh, rồi hôm sau thức dạy, lầm lũi, trực chỉ tiến thẳng vào nông trường. Nông trường chưa thành hình. Nông trường còn là vùng lau sậy bạt ngàn, kín mít. Bao nhiêu sức lực cùng mồ hôi của chúng mình đổ đầy ở trên đấy. Trên từng các nền nhà. Từng con đường mà chúng ta ra sức đắp từ ngày này sang ngày khác. Từng ao cá cho đến từng ngôi nhà mà chúng mình đã tạo dựng nên. Rồi, nông trường thành hình, bắt đầu đi vào sản xuất. Anh ở lại, còn tôi chuẩn bị lên đường đi nơi khác. Ðêm hôm ấy, tôi uống với các anh đến giọt cà phê giảo cuối cùng. Anh đề nghị tôi hát. Tôi hát lên nho nhỏ “Các anh đi ngày ấy đã lâu rồi…” để riêng tặng các anh. Từ đó, ít khi tôi có dịp hát lại. Lâu lâu, tôi lại chợt nhớ đến anh. Ðến khuôn mặt trầm tư mà tôi không thể nào quên được. Khuôn mặt ấy đã cuộn xoắn, vo tròn vào toa tàu kỷ niệm ở trong tôi.

Sáng hôm sau, tôi cùng bạn bè lại lên đường đi đến một phương trời khác. Rồi tôi trốn trại, tìm đường sang biên giới. Anh bạn đi theo tôi bị trúng đạn, bỏ xác nằm sõng soài ngay trên bờ của con kinh Vĩnh Tế. Từng bá súng giáng túi bụi xuống người tôi. Từng cú đá thô bạo thúc mạnh vào cạnh sườn, khiến cho tôi ngất lịm đi lúc nào không biết. Bao nhiêu trận đòn thê thảm, kéo dài từ tuần này sang đến tuần khác và cánh cửa nhà tù lại lần lượt mở ra, nặng nề đóng chặt lại, chôn nhốt đời tôi ở trong đó.

Tôi viết những dòng chữ này cho anh. Những dòng chữ quá muộn màng, thô thiển. Những dòng chữ mộc mạc, chất chứa, thể hiện ở trong đấy cả một chuỗi giây tình cảm chân thật mà tôi hằng ấp ủ từ lâu. Ðọc tin anh, tôi bồi hồi, chua xót. Tôi chẳng có thì giờ để đến viếng xác anh! Tôi cũng chẳng có thì giờ để tiễn đưa anh về với căn nhà mới! Căn nhà tĩnh mịch, êm đềm của một đời kế tiếp, bất tận. Ðêm đêm, tôi hằng nguyện với lòng mình: Thể nào rồi cũng có một ngày tôi sẽ ra thăm anh! Cuộc đời là biển dâu, là tro bụi, là phù du. Có phải đúng như vậy không anh!

Từ khi biết tin anh trên báo, tôi liền xin lễ cho anh và tối đến tôi thường cầu nguyện cho linh hồn anh sớm được về miền vĩnh phúc. Anh sẽ về. Tôi biết rằng anh sẽ về. Nhiều đêm tôi nằm mơ thấy anh đang lơ lửng trên các từng mây. Các từng mây bồng bềnh đưa anh về với vùng trời quê hương mới. Quê hương của vĩnh cửu, của an bình. Quê hương với đầy đủ mọi ý nghĩa cao cả về hai chữ hạnh phúc thiêng liêng và đích thật của nó.

Hãy ngủ yên nghe anh!

Vĩnh biệt anh!

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Ba, ngày 11 tháng 7 năm 2017

MỚI CẬP NHẬT