Friday, April 19, 2024

‘Ðằng sau cơn bão phong nhậm Gorsuch’

Phan Quang Tuệ

(Tác giả làm luật sư công tố cho INS San Francisco 1988-1993, thẩm phán Tòa Án Di Trú San Francisco 1995-2012. Hiện dạy luật di trú tại Lincoln Law School, San Jose)

Vai trò và ảnh hưởng của Tối Cao Pháp Viện trong đời sống quốc gia

Thủ đô Hoa Thịnh Ðốn lại bắt đầu một tuần lễ nhộn nhịp với chuyến viếng thăm của tổng thống Ai Cập tại Tòa Bạch Ốc. Hai ngày kế đó là cuộc viếng thăm của Vua Abdhullah Ðệ Nhị của Jordan. Tiễn hai quốc khách trên là chuẩn bị đón tiếp Chủ Tịch Tập Cận Bình tại Mar-A-Lago, Florida, trung tâm nghỉ mát riêng của Tổng Thống Trump. Ðây là những cuộc tiếp xúc tối quan trọng cấp nguyên thủ trong chiến lược toàn cầu của Tổng Thống Trump. Nhưng những hoạt động ngoại giao này của ngành hành pháp không làm mờ đi được một vấn đề khác được xem là cực kỳ quan trọng cho cả ba ngành lập pháp, hành pháp, tư pháp và ảnh hưởng lâu dài đến đời sống quốc gia trong những thập niên tới. Ðó là vấn đề bổ nhiệm và phê chuẩn Thẩm Phán Neil M. Gorsuch vào Tối Cao Pháp Viện.

Thẩm Phán Gorsuch là một thẩm phán thuộc Tòa Thượng Thẩm Liên Bang Vùng 10. Ông được Tổng Thống Trump đề cử làm thẩm phán TCPV thay thế Thẩm Phán Scalia từ trần năm ngoái. Việc đề cử phải được Thượng Viện biểu quyết phê chuẩn. Thứ Hai vừa qua, Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện đã biểu quyết đưa vấn đề phê chuẩn việc đề cử Thẩm Phán Gorsuch ra trước phiên họp khoáng đại Thượng Viện để biểu quyết vào cuối tuần này. Ủy Ban Tư Pháp bỏ phiếu 11 Cộng Hòa ủng hộ trên 9 phiếu Dân Chủ chống phê chuẩn.

Tưởng cũng cần ghi lại vắn tắt thủ tục đề cử và phê chuẩn việc bổ nhiệm các thẩm phán liên bang, kể cả thẩm phán TCPV, trong hệ thống Tư Pháp Hoa Kỳ.

Ba điều khoản đầu tiên của Hiến Pháp Hoa Kỳ đều viết khởi đầu tương tự như sau:

Article I. Section 1. All legislative Powers herein granted shall be vested in a Congress of the United States, which shall consist of a Senate and a House of Representatives. (chuyển ngữ: Tất cả mọi quyền lập pháp ban hành được trao cho Quốc Hội Hiệp Chủng Quốc, gồm có một Thượng Nghị Viện và một Hạ Nghị Viện).

Article II. Section 1. The executive Power shall be vested in a President of the United States of America. (chuyển ngữ: Quyền hành pháp được trao cho một Tổng Thống Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ).

Article III. Section 1. The judicial Power of the United States, shall be vested in one Supreme Court, and in such inferior Courts as the Congress may from time to time ordain and establish. (chuyển ngữ: Quyền lập pháp được trao cho một Tối Cao Pháp Viện, và cho nhiều tòa cấp dưới sẽ do Quốc Hội quy định và thiết lập). Chính vì Hiến Pháp xếp ngành Tư Pháp vào điều III mà các thẩm phán liên bang nhiều khi còn được gọi chung dưới danh xưng là “Article III Judges.”

Từ ba điều khoản hiến định như trên mà nguyên tắc tam quyền phân lập thành hình. Lập pháp làm luật, hành pháp thi hành luật, và tư pháp giải thích luật.

Nhằm bảo đảm tính cách độc lập cần và phải có cho ngành xử án, thẩm phán liên bang được bổ nhiệm suốt đời. Hệ thống tòa liên bang gồm có Tối Cao Pháp Viện, các Tòa Thượng Thẩm (Appeal Courts hay Circuit Courts), và các Tòa Sơ Thẩm (District Courts).

Công việc đề cử và phê chuẩn việc bổ nhiệm các thẩm phán liên bang đi theo một quy trình nhất định. Ðầu tiên tổng thống chọn ứng viên từ trong một danh sách sau khi tham khảo những thượng nghị sĩ thuộc tiểu bang của ứng viên. Kế đó danh tánh ứng viên được tuyển chọn sẽ được chuyển đến Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện. Ủy ban này sẽ thu thập tất cả tin tức về ứng viên và lượng giá quá trình học vấn, nghề nghiệp, điều tra lý lịch. Các thượng nghị sĩ sẽ mở những cuộc tiếp xúc phỏng vấn và ứng viên sẽ xuất hiện trong nhiều cuộc điều trần. Ủy ban sẽ biểu quyết mang ra hay không mang ra việc phê chuẩn trước một phiên họp khoáng đại của Thượng Viện. Trường hợp có một thượng nghị sĩ chống việc phê chuẩn, vấn đề sẽ được tranh luận trước diễn đàn Thượng Viện cho đến khi có đề nghị ngưng thảo luận. Ðề nghị ngưng thảo luận (cloture motion) sẽ được biểu quyết. Thượng viện có 100 nghị sĩ, do đó cần có ít nhất là 51 phiếu để biểu quyết thông qua. Nếu không đạt được túc số, thảo luận được tiếp tục. Tình trạng này được gọi là “filibuster.” Theo điều lệ áp dụng từ Tháng Mười Một năm 2013, Thượng Viện quy định đối với các cloture motions cho việc phê chuẩn các ứng viên vào TCPV cần phải có 60 phiếu mới được thông qua. Vấn đề gai góc nằm ở chỗ phe Dân Chủ ở Thượng Viện có đủ 41 phiếu để tiếp tục kéo dài tranh luận (filibuster) không cho biểu quyết. Ðể đối phó phe Cộng Hòa tuyên bố sẽ sử dụng đa số tương đối để thay đổi điều lệ, và chỉ cần 51 phiếu là họ có thể thông qua cloture motion để có thể phê chuẩn việc bổ nhiệm mà không cần có túc số 60 phiếu.

Hơn một năm trước đây Tổng Thống Obama đề cử Thẩm Phán Merrick B. Garland vào TCPV thay thế Thẩm Phán Scalia từ trần. Thẩm Phán Garland là chánh thẩm Tòa Kháng Cáo Vùng District of Columbia, đầy đủ mọi điều kiện chuyên môn, kinh nghiệm. Nhưng phe Cộng Hòa nắm đa số tại Thượng Viện, đã từ chối không cho Thẩm Phán Garland điều trần. Thậm chí có thượng nghị sĩ còn tránh không tiếp Thẩm Phán Garland. Vì thế có luận cứ là nay phe Dân Chủ tại Thượng Viện trả đũa bằng cách chống phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm Phán Gorsuch. Dẫu cho là vì lý do nào thì kết quả là vì lý do chính trị, TCPV đã khuyết một thẩm phán hơn một năm nay từ khi Thẩm Phán Scalia qua đời vào Tháng Hai năm 2016. Với 8 thẩm phán, thay vì 9, TCPV đã bị ảnh hưởng trong những phán quyết cần có đa số. Thẩm Phán Gorsuch hiện nay, cũng như Thẩm Phán Garland trước đây, cho dù khuynh hướng chính trị hay tôn giáo có khác, đều là những thẩm phán có đầy đủ kinh nghiệm, được đồng nghiệp kính trọng, rất xứng đáng để được phê chuẩn vào TCPV. Tiếc thay, vì lý do tranh chấp đảng phái tại Quốc Hội, cả hai đều bị cản trở.

Ðiều II, khoản 2 Hiến Pháp quy định cho tổng thống quyền đề cử và bổ nhiệm, với sự tham khảo và đồng thuận (Advice and Consent) của Thượng Viện, các thẩm phán TCPV. Phe Cộng Hòa, với quyết định cương quyết từ chối không cho Thẩm Phán Garland điều trần trước đây, và phe Dân Chủ, bằng cách cản trở không cho việc phê chuẩn Thẩm Phán Gorsuch được đưa ra biểu quyết ngày nay, đã khiến chính trị đảng phái khuynh đảo pháp đình. Khác với hành pháp và lập pháp là hai ngành chính trị có bản chất chủ động, ngành tư pháp đóng một vai trò thụ động, nhưng tối quan trọng, đó là vai trò trọng tài. Không có trọng tài, hay trọng tài bị chi phối bởi quyền lợi phe phái, sẽ không còn có “kiểm soát và quân bình” (check and balance) vốn là nền móng của nguyên tắc tam quyền phân lập.

Ngoài vai trò trọng tài giữa chính quyền trung ương liên bang và các chính quyền tiểu bang, giữa các chính quyền tiểu bang, giữa hai ngành chính trị trong hệ thống công quyền, TCPV còn đóng một vai trò hệ trọng qua thẩm quyền giải thích luật của cơ quan này. Thực ra điều III Hiến Pháp không minh thị quy định quyền giải thích luật (judicial review) mà quyền này được TCPV và những tòa án liên bang đã viện dẫn và phát triển qua những án lệ từ hơn 2 thế kỷ qua. Qua những án lệ này, TCPV và các tòa liên bang đã đưa ra những phán quyết về tính cách hợp hiến hay không hợp hiến của những luật lệ, quyết định hành chánh liên bang hay tiểu bang. Những án lệ này bao gồm nhiều lãnh vực, sâu xa trong dòng lịch sử như phán quyết Marbury v. Madison năm 1803 về thẩm quyền của TCPV, phán quyết Dred Scott v. Sanford năm 1857 về vấn đề nô lệ cho đến những phán quyết gần đây hơn trong những lãnh vực như tụ do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, phân chia giữa tôn giáo và nhà nước, dân quyền, v.v. Và gần đây nhất là những phán quyết của các thẩm phán tòa án sơ thẩm liên bang tuyên bố những sắc lệnh về việc nhập cảnh và tỵ nạn chính trị của hành pháp là vi phạm Hiến Pháp.

Du khách viếng thăm thủ đô Hoa Thịnh Ðốn có dịp đến trụ sở Tối Cao Pháp Viện đối diện với Tòa Nhà Quốc Hội sẽ thấy dòng chữ khắc trên ngưỡng cửa Tòa “Equal Justice Under Law.” Nhiệm vụ của pháp đình tối cao này phải chăng là để thực hiện châm ngôn All Men Are Created Equal trong Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập năm 1776?

MỚI CẬP NHẬT