Friday, March 29, 2024

Một kiểu tư duy pháp luật đáng quan ngại

Lê Anh Hùng (Nguồn: VOA)

Dư luận Việt Nam tuần qua nóng lên trước thông tin là trong cuộc thảo luận về khoản 3 Ðiều 19 Bộ Luật Hình Sự (quy định người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự khi không tố giác thân chủ phạm phải các tội xâm phạm an ninh quốc gia, hoặc các tội đặc biệt nghiêm trọng mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa), Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã yêu cầu các luật sư phải tố giác thân chủ.

Nhiều người, đặc biệt là giới luật sư, đã bày tỏ thái độ phản đối mạnh mẽ trước sự việc trên. Các ý kiến phản đối chủ yếu tập trung vào hai khía cạnh: (i) việc luật sư biết hành vi phạm tội của thân chủ mới chỉ mang tính chất chủ quan, do thân chủ tự thú nhận, và điều đó có thể là không đúng, trong khi tòa án mới là cơ quan có thẩm quyền quyết định người nào đó có tội bằng một bản án, trên cơ sở kết luận điều tra của cơ quan điều tra, cáo trạng của Viện Kiểm Sát và lập luận bào chữa của luật sư; và (ii) việc tố giác thân chủ phạm tội là trái với đạo lý nói chung và đạo đức nghề nghiệp nói riêng, khi thân chủ đã gửi gắm niềm tin cho luật sư để rồi nhận lấy phản bội.

Thực ra, đây không đơn thuần là một hiện tượng cá biệt, mà nó nằm trong một xu hướng tư duy pháp luật rất đáng quan ngại của bộ máy lập pháp và lập quy ở Việt Nam. Ðó là việc các cơ quan lập pháp và lập quy xâm phạm quá mức vào địa hạt mà ở đấy các quy tắc đạo đức truyền thống vẫn chi phối cách ứng xử của con người trong xã hội.

Các mối quan hệ xã hội bị chi phối, trước hết, bởi các quy tắc hay chuẩn mực đạo đức truyền thống. Hàng ngàn năm qua, khi những luật lệ do các vua chúa ban hành chưa nhiều, các mối quan hệ xã hội chủ yếu vẫn chịu sự điều chỉnh của những quy tắc đạo đức hay phong tục, tập quán của dân tộc.

Tuy nhiên, khi xã hội ngày càng phát triển, mối quan hệ giữa các chủ thể trong xã hội ngày càng phức tạp và đa dạng, con người ngày càng có xu hướng thoát khỏi những ràng buộc truyền thống, một số quy tắc truyền thống hoặc là bị lạc hậu hoặc là không đủ sức điều chỉnh các mối quan hệ xã hội nữa. Lúc đó, các luật lệ do nhà nước ban hành sẽ khắc phục những bất cập và bổ sung những khiếm khuyết cho các quy tắc đạo đức, phong tục, tập quán truyền thống.

Sự tiến bộ và tương thích của các luật lệ đó so với các quy tắc điều chỉnh hành vi truyền thống sẽ đảm bảo cho sự ổn định và phát triển của xã hội. Nếu các luật lệ đó xung đột với các chuẩn mực đạo đức truyền thống thì nguy cơ xã hội rơi vào tình trạng bất ổn xuất hiện. Ðiều này là bởi khác với các quy tắc đạo đức truyền thống, vốn vận hành dựa trên sự tuân thủ tự nguyện của các thành viên trong xã hội cùng cơ chế chế tài lỏng lẻo, luật lệ do nhà nước ban hành thường kèm theo hình thức chế tài bắt buộc (nếu không muốn những luật lệ đó chỉ tồn tại trên giấy). Vì thế, quyền năng điều chỉnh hành vi của chúng thường cao hơn so với các quy tắc ứng xử truyền thống.

Việc luật sư tố cáo thân chủ là trường hợp cụ thể mà ở đó luật lệ do nhà nước ban hành xung đột với chuẩn mực đạo đức trong xã hội. Nó sẽ khiến người dân không còn dám đặt niềm tin vào luật sư. Và điều này sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác, bởi luật sư là một định chế quan trọng trong xã hội hiện đại, đảm bảo cho sự vận hành ổn định của xã hội: các chuẩn mực đạo đức bị đảo lộn, con người ngày càng nghi kỵ lẫn nhau.

Một dẫn chứng khác về tình trạng luật lệ do nhà nước ban hành xâm phạm quá mức vào địa hạt của các quy tắc đạo đức truyền thống là Nghị Ðịnh 167/2013/NÐ-CP ngày 12/11/2013. Mục 4 (“Vi phạm hành chính về phòng, chống bạo lực gia đình”) của nghị định này gồm phần lớn những quy định theo kiểu “Phạt tiền từ 500,000 đồng đến 1,000,000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình” (khoản 1 Ðiều 51).

Chưa hết, tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Soạn Thảo Luật Hôn Nhân & Gia Ðình ngày 26 Tháng Bảy 2012, ông Dương Ðăng Huệ, vụ trưởng Vụ Pháp Luật Dân Sự-Kinh Tế, Bộ Tư Pháp, cho biết là dự kiến sẽ bổ sung chế tài xử lý hành vi ngoại tình vào luật này. Lý do được ông đưa ra là các hành vi vi phạm nghĩa vụ trong quan hệ hôn nhân và gia đình có thể bị xử lý về hành chính hoặc hình sự, nhưng việc áp dụng chế tài trong hôn nhân và gia đình lại chưa được luật quy định cụ thể. Ông Huệ nêu ví dụ là Luật HN-GÐ năm 2000 quy định vợ chồng có nghĩa vụ chung thủy, thương yêu nhau, nhưng khi một bên vợ hoặc chồng vi phạm nghĩa vụ này (như ngoại tình, ngược đãi, hành hạ…) thì lại thiếu chế tài xử lý.

Tương tự như vậy là Luật Trẻ Em do Quốc Hội ban hành ngày 5 Tháng Tư 2016 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 Tháng Sáu 2017, với những quy định như nghiêm cấm hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên (khoản 11 Ðiều 6).

Trước hết, cần thừa nhận rằng không phải sự tồn tại của những niềm tin luân lý sâu sắc và phổ biến trong bất kỳ vấn đề nào là tự nó đã biện minh cho việc áp đặt chúng. Ở đây, việc chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng các thành viên gia đình phải thương yêu nhau, vợ chồng phải “chung thủy, thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau…” hay bố mẹ thì cần giữ bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của con cái… không có nghĩa là xã hội cần phải có chế tài pháp luật để ngăn ngừa các thành viên gia đình lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhau, để các cặp vợ chồng phải “chung thủy, thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau…,” hay để bố mẹ phải xin phép con cái khi, chẳng hạn, muốn đăng ảnh của chúng lên Facebook.

Một mặt, những quy định pháp luật như thế sẽ xâm phạm quá mức vào phạm vi riêng tư của quan hệ gia đình, quan hệ vợ chồng hay quan hệ giữa bố mẹ và con cái, nơi mà các quy tắc đạo đức truyền thống vẫn đủ sức điều chỉnh. Mặt khác, bộ máy công quyền lúc đó sẽ trở nên quá cồng kềnh và tốn kém để thực thi pháp luật, trong khi mức độ hiệu quả (bảo vệ hạnh phúc gia đình và trật tự xã hội) rõ ràng là rất đáng phải đặt dấu hỏi.

Tóm lại, Việt Nam đang ngày càng sinh sôi nảy nở những quy định pháp luật tréo ngoe, phi nhân, trong khi lại thiếu vắng những đạo luật nền tảng vốn cần thiết cho sự ổn định và phát triển của một xã hội dân chủ như luật lập hội hay luật biểu tình. Kết cục, như chúng ta đã thấy, là một xã hội ngày càng bất ổn, đạo đức xã hội ngày càng suy đồi.

MỚI CẬP NHẬT