Thursday, March 28, 2024

Giải mã trận Hoàng Sa

Nguyễn Tiến Hưng

Người dân chài làm ăn thường thường là cần cù, lương thiện. Nhưng khi người lính đội lốt dân chài lẩn vào ngư dân đi đánh cá thì thật là nguy hiểm, dù đánh cá ở Scarborough, Kinsaku hay Hoàng Sa. Vào Tháng Hai 1959, ngư thuyền Trung Quốc (TQ) đưa người vào đánh cá trên Hoàng Sa. Không biết là dân chài thật hay dân chài giả, Tổng Thống Ngô Ðình Diệm cho lệnh bắt giữ rồi trục xuất ra ngay. Bộ Ngoại Giao Mỹ dưới sự lãnh đạo của Ngoại Trưởng Foster Dulles không e ngại TQ trả đũa, cũng không ngăn chận TT Diệm.

Tới 1974, ngư thuyền Trung Quốc lại quay về Hoàng Sa, nhưng lần này có chiến hạm đi theo. TT Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh “mời” những tầu này ra. Khi chiến hạm cứ tiến vào, Hải Quân VNCH khai hỏa. Trận chiến kéo dài một ngày. Lập tức Bộ Ngoại Giao Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Kissinger liền khẩn cấp can ngăn TT Thiệu hãy ngừng lại, đừng đụng độ với Trung Quốc thêm nữa! 

Ý nghĩa của trận Hoàng Sa

Quân đội Mỹ vừa rút đi xong, Trung Quốc đã muốn tìm hiểu xem thực sự Mỹ có can thiệp trở lại hay không, Washington có thay đổi lập trường “ngăn chận Trung Cộng’” hay không? Ðó là lý do dẫn đến biến cố Hoàng Sa ngay đầu năm 1974. Ðây là cảm tưởng chúng tôi có được sau khi hàn huyên với TT Nguyễn Văn Thiệu về biến cố này.

Một buổi chiều mùa Thu năm 1976 tại ngôi nhà bé nhỏ của gia đình ông ở vùng Surey ngoại ô thành phố Luân Ðôn, sau bữa cơm tối tôi ngồi nhâm nhi ly rượu và tâm sự với ông về những diễn biến trước khi sụp đổ. Khi tôi hỏi ông về trận Hoàng Sa và nhắc lại là đầu năm 1974 ông có chỉ thị cho chúng tôi phải báo cáo cho thật trung thực về tình hình viện trợ, chúng tôi đã trình bày là về tiếp liệu, quân nhu và quân cụ thì chúng tôi không biết rõ, nhưng về ngân sách dành cho Việt Nam thì sắp hết rồi vì Quốc Hội Mỹ đang cắt xén rất mạnh tay. Tôi hỏi ông là tại sao ông biết đã đến lúc cạn kiệt rồi mà vẫn còn chống cự cả Trung Quốc. Ông không trả lời thẳng nhưng suy nghĩ giây lát rồi lẩm bẩm – chúng tôi không nhớ rõ nguyên văn nhưng đại khái ông nói: “Tôi còn định đi thêm bước nữa,” rồi nhìn tôi và lắc đầu. Tôi muốn hỏi thêm “đi bước nữa là thế nào,” nhưng thấy ông tỏ vẻ lơ đãng, ưu phiền nên nói lảng sang chuyện khác (xem Khi Ðồng Minh Nhảy Vào, Chương 25).

Ngày nay, với những tiết lộ mới đây về mật điện của Bộ Ngoại Giao Mỹ vào chính ngày có hải chiến Hoàng Sa (19/1/1974) và tìm hiểu thêm qua nhân chứng thì chúng tôi đã có thể giải mã về biến cố này. Phân tích cho kỹ thì thấy ý nghĩa của trận Hoàng Sa thật là sâu xa: về thực tế, là để bảo tồn lãnh thổ, nhưng về mặt nguyên tắc, nó phản ảnh một cố gắng – hoàn toàn ngoài sức mạnh của VNCH – để ngăn chận Trung Quốc khỏi tràn xuống Biển Ðông. 

Bối cảnh

Ngày 22 Tháng Sáu 1972 trong một buổi mật đàm với Thủ Tướng Trung Quốc Chu Ân Lai ở Bắc Kinh, cố vấn Mỹ Henry Kissinger đã cho ông Chu biết rằng: “Nếu có một thời gian vừa đủ giữa lúc chúng tôi rút quân và những gì xẩy ra sau đó thì vấn đề gần như chắc chắn rằng có thể khoanh gọn, như chuyện nội bộ của Ðông Dương” và “sau khi chúng tôi đã không còn can dự nữa thì… rất ít khả năng chúng tôi sẽ quay trở lại, rất ít khả năng.”

Cuối Tháng Ba 1975, toàn bộ quân lực Mỹ đã rút khỏi miền Nam. Sau đó Quốc Hội Mỹ lấy cớ “Miền Nam đã có cả hòa bình lẫn danh dự” để cắt giảm viện trợ thật nhanh. Như vậy là ván bài Việt Nam đã được khoanh gọn, và tới đầu năm 1974 thì chắc TQ cho rằng “khoảng thời gian vừa đủ” đã chấm dứt: Bắc Kinh muốn trắc nghiệm xem Mỹ có quay trở lại hay không.

Cho nên, ngay đầu năm, TQ đã lấn chiếm Hoàng Sa. Dù trong hoàn cảnh nghiệt ngã, Hải Quân VNCH vẫn chống trả. Ngày 18 Tháng Giêng, TT Thiệu bay ra tận Ðà Nẵng, lấy giấy ra viết tay thẳng cho Phó Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại (tư lệnh Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải). Trên đầu trang ông viết: “Chỉ thị cho tư lệnh Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải”: “Thứ nhất là tìm đủ mọi cách ôn hòa mời các chiến hạm Trung Cộng ra khỏi lãnh thổ VNCH. Thứ hai, nếu họ không thi hành thì được nổ súng cảnh cáo trước mũi các chiến hạm này và nếu họ ngoan cố thì toàn quyền sử dụng vũ khí để bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ VNCH.” Viết lệnh xong, ông Thiệu cất giọng: “Anh Thoại, đến đây và đọc trước mặt tôi đây, có gì không rõ ràng thì cho tôi biết ngay từ bây giờ.”

Dù bị mất Hoàng Sa và chịu nhiều tổn thất và thương vong, Hải Quân VNCH đã gây tổn thất lớn cho đối phương như nhiều nguồn đã đề cập. Theo ông Thoại thì hộ tống hạm Kronstat 274 của Trung Quốc bị bắn chìm. Vì tầu này là soái hạm nên hầu hết bộ tham mưu đều tử trận gồm cả Ðô Ðốc Phương Quang Kinh, tư lệnh phó của Hạm Ðội Nam Hải, 4 đại tá, 6 trung tá, 2 thiếu tá, 7 sĩ quan cấp úy và một số đoàn viên. Ngoài ra, trục lôi hạm số 389 và số 396 bị hư hại nặng.

Dĩ nhiên phải “cẩn tắc” để “vô ưu” nên TQ đã chuẩn bị cho những bất trắc có thể xảy ra. Những tiết lộ mới đây cho biết Chủ Tịch Mao đã sắp xếp để đưa một lực lượng quân sự lớn lao gồm hơn 40 chiến hạm để làm lá chắn cho Hoàng Sa, phòng hờ Ðệ Thất Hạm Ðội can thiệp.

Sau hải chiến, TT Thiệu ra lệnh cho Không Quân oanh kích để phản công

Bây giờ thì chúng tôi lại cũng hiểu rõ về câu TT Thiệu nói, “Tôi còn định đi bước nữa.” Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết rằng sau trận hải chiến, TT Thiệu đã ra lệnh cho Không Quân VNCH bay ra Hoàng Sa oanh kích để phản công, nhưng rồi lệnh được rút lại. Tại sao như vậy? Ngày nay thì ta đã có chứng cớ và văn bản để trả lời.

Trước hết về lệnh cho Không Quân ra khơi để phản công, chúng tôi phối kiểm với Ðại Tá Nguyễn Quốc Hưng, (phụ tá tham mưu phó hành quân, Bộ Tư Lệnh Không Quân, phụ trách toàn bộ 19 phi đoàn khu trục của VNCH) thì ông đã xác nhận là đúng. Ông kể lại nhiều chi tiết, tóm tắt như sau: vào 8 giờ tối ngày 19 Tháng Giêng 1974, tư lệnh Không Quân nhận được mật lệnh của tổng thống phải dùng phản lực cơ chiến đấu siêu thanh F5-E để oanh kích phản công địch trên đảo Hoàng Sa. Ngày hôm sau đoàn phi công đã cất cánh hai lần để ra khơi, một lần vào buổi trưa và một lần buổi chiều, mỗi lần gồm hai phi tuần. Nhưng vừa bay được khoảng trên một trăm dặm thì nhận được đặc lệnh phải quay trở về đáp và hủy bỏ ngay các phi vụ không kích này. Lý do là Ðệ Thất Hạm Ðội yêu cầu ngừng kế hoạch oanh tạc và nhấn mạnh rằng sẽ không có “top cover” (yểm trợ trong trường hợp bị phi cơ của Trung Quốc từ Hải Nam lên không chiến) và cũng không có “rescue” (cứu vớt nếu bị bắn rơi). Trong số những quân nhân tham gia phi vụ không kích này, số nhân chứng còn sống hiện nay thì ngoài ông Quốc Hưng (hiện ở Salem, Oregon) còn có các Thiếu Tá Phạm Ðình Anh (California), Ðàm Tường Vũ (Arizona), Vũ Viết Quý (California), và Hồ Văn Giầu (Las Vegas).

Mật điện Bộ Ngoại Giao Mỹ ngày 19 Tháng Giêng 1974: can ngăn TT Thiệu.

Một chuyện thật lạ lùng: vào ngày 17 Tháng Giêng 1974 (ngày 18 Tháng Giêng – giờ Sài Gòn) Bộ Ngoại Giao Mỹ do Ngoại Trưởng Kissinger lãnh đạo đã gọi điện thoại cho Ðại Sứ Martin ở Sài Gòn và nhấn mạnh ý muốn của bộ là “tình hình phải được hạ nhiệt” (cooling the situation). Tài liệu này được giải mật ngày 30 Tháng Sáu 2005. Dĩ nhiên là ông Martin phải thi hành ngay và đã cố vấn ông Thiệu. Ngày hôm ấy chính là ngày TT Thiệu bay ra Ðà Nẵng để ra lệnh chống cự Hải Quân Trung Quốc. Cùng ngày, Ðề Ðốc Lâm Ngươn Tánh, tư lệnh phó Hải Quân VNCH bay ra Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải tại Ðà Nẵng để chỉ huy lực lượng tham chiến tại Hoàng Sa. Ngày 19 Tháng Giêng là ngày có trận hải chiến, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lại gửi mật điện can ngăn TT Thiệu đừng đi thêm bước nữa.

Bức điện đó tóm tắt như sau:

Ngày 19 tháng 1, 1974

Người gửi: Ngoại Trưởng – Washington DC

Nơi nhận: Tòa Ðại Sứ Sài Gòn

Mật điện Bộ Ngoại Giao 012641

1-Xung đột quân sự tại Hoàng Sa đã đưa đến thương vong cho VNCH với hai chiến hạm bị tên lửa STYX của Trung Quốc bắn chìm…

2-Bộ Ngoại Giao đã yêu cầu Bộ Quốc Phòng ra lệnh cho Hải Quân Hoa Kỳ tránh khỏi khu vực này.

Hai ngày trước đây (17 tháng 1) chúng tôi có bàn luận với Ðại Sứ Martin qua điện thoại và bày tỏ ý muốn của chúng tôi là tình hình phải được hạ nhiệt…

3-Thông cáo của Bộ Ngoại Giao gửi cho báo chí về vụ này sẽ nói theo những điểm như sau:

– Chính phủ Hoa Kỳ không đứng về phe nào trong việc tranh chấp Hoàng Sa nhưng hết sức mong muốn là sự tranh chấp được giải quyết trong hòa bình.

…….

– Lực lượng quân sự Mỹ không dính líu gì vào xung đột này.

4-Chúng tôi đang yêu cầu Tòa Ðại Sứ ở Sài Gòn cố vấn chính phủ VNCH chỉ nên có những hành động tối thiểu để tự vệ và để cứu vớt nạn nhân (và người nhân viên Mỹ ở trên đảo) nhưng làm tất cả những gì có thể để tránh đụng độ trực tiếp thêm nữa với lực lượng Trung Quốc. Việc mà VNCH hay chúng ta không cần chút nào trong lúc này là đụng độ giữa Trung Quốc và Chính phủ Việt Nam về mấy hòn đảo, dẫn tới vai trò bất chấp của Trung Quốc trong cuộc chiến Việt Nam.

Khẩn – Mật

Về phản ứng của Mỹ và mật điện ngày 19 Tháng Giêng 1974, ta có thể nhận xét như sau:

-Vừa biết tin rục rịch là TT Thiệu đang sửa soạn ra lệnh chống trả chiến hạm, Trung Quốc là Bộ Ngoại Giao đã can ngăn ngay.

-Ðã không yểm trợ chiến đấu, đã ra lệnh cho Hải Quân Hoa Kỳ tránh né khỏi khu vực giao tranh, lại còn tuyên bố cho rõ ràng là “Chính phủ Mỹ không đứng về phe nào trong việc tranh chấp Hoàng Sa” và xác định thật rõ (cho Bắc Kinh biết) là “Lực lượng quân sự Mỹ không dính líu gì vào vụ xung đột này.”

-Không đứng về phe nào thì tại sao lại khuyên can chính phủ VNCH hãy hạ nhiệt, đừng đụng độ thêm nữa với Trung Quốc về mấy hòn đảo? Ông Kissinger đã quên rằng chính ông đã từng soạn thảo lá thư để TT Nixon gửi TT Thiệu nói đến lập trường vẹn toàn lãnh thổ của VNCH: “Nền tự do và độc lập của VNCH vẫn còn là mục tiêu tối cao của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ” (thư ngày 17 Tháng Giêng 1973).

Như vậy là một cửa vào Biển Ðông đã bắt đầu được mở rộng. Trước đó, từ 1960 tới 1973, Trung Quốc chỉ cho tầu đi tuần tiễu vùng biển giữa quần đảo Hải Nam và Hoàng Sa trung bình khoảng 5 lần một năm. 

Qua eo biển Ðài Loan

Trước Hoàng Sa, Mỹ đã mở một cửa nữa vào Biển Ðông, đó là qua eo biển Ðài Loan ở phía trên. Từ khi ông Mao Trạch Ðông chiếm được Trung Hoa Lục Ðịa (ThángMười 1949), mỗi lần Bắc Kinh đe dọa eo biển Ðài Loan như vào những năm 1954-1955 và 1958 thì Mỹ phản ứng rất mạnh (xem Khi Dồng Minh Nhảy Vào, Chương 28). Nhưng từ 1971 thì khác. Ngày 29 Tháng Bảy 1971: Kissinger bí mật đi Bắc Kinh và trong dịp này đã cho Trung Quốc biết là Mỹ không còn ủng hộ một Ðài Loan độc lập nữa, có nghĩa là Ðài Loan sẽ chỉ là một khu vực của Trung Quốc, và như vậy Mỹ sẽ rút hạm đội và phi đội ra khỏi nơi đây.

Tháng Mười 1971: Mỹ rút khu trục hạm của Ðệ Thất Hạm Ðội ra khỏi eo biển Ðài Loan.

Tháng Hai 1972: TT Nixon thăm viếng Bắc Kinh. Sau cuộc họp Nixon-Mao ra một thông cáo chung gọi là “Thông Cáo Thượng Hải” (Shanghai Communique), gián tiếp quy định “Việc Mỹ rút toàn bộ khỏi Ðài Loan là mục tiêu cuối cùng,” và sẽ “từng bước giảm cả quân đội, cả những căn cứ Mỹ tại Ðài Loan khi sự căng thẳng trong vùng bớt đi.” 

Trấn an Trung Quốc sau khi miền Nam sụp đổ

Ngày 1 Tháng Mười Hai 1975: ông Kissinger đã sắp xếp để người kế vị TT Nixon là TT Gerald Ford đi Bắc Kinh năm ngày và gặp Chủ Tịch Mao. Trước chuyến đi, ông Kissinger đã cố vấn TT Ford thật kỹ: “Ngài sẽ cố gắng hết sức để tăng cường giây liên lạc với Trung Quốc. Ngài (nên cho họ biết rằng) Ngài tin việc phát triển mối bang giao Mỹ-Trung là quyền lợi căn bản của chúng ta và Ngài sẽ theo đuổi việc này một cách mạnh mẽ trong những năm tới.”

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Sáu, ngày 17 tháng 3 năm 2017

Ngày 7 Tháng Mười Hai 1975: vừa từ Bắc Kinh về, TT Ford tuyên bố “Học thuyết Thái Bình Dương” (Pacific Doctrine) kêu gọi bình thường hóa toàn diện quan hệ với TQ và cộng tác kinh tế trong toàn thể Á Châu. Dĩ nhiên, điều kiện để bình thường hóa toàn diện với TQ là việc Mỹ rút khỏi eo biển Ðài Loan.

Cuối Tháng Năm 1975: chỉ một tháng sau khi miền Nam sụp đổ, Hoa Kỳ đã rút đội phi cơ chiến đấu cuối cùng ra khỏi Ðài Loan. Có nghĩa là từ đó những hạm đội Ðông Hải của TQ từ phía bắc có thể theo con đường nhanh nhất tràn xuống phía Nam.

Và từ phía Nam những hạm đội Nam Hải có thể tiến thẳng vào Biển Ðông qua ngả Hoàng Sa. Tương lai của vùng này trở nên đen tối. Trung Quốc chỉ cần mua thời gian để chuẩn bị, chờ cho tới khi có đủ ba yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để ra tay: ba yếu tố này đã hội đủ vào năm 2008 (xem Khi Ðồng Minh Nhảy Vào, Chương 26).

Như vậy lịch sử sẽ phải ghi nhận rằng chính hai ông Nixon và Kissinger đã đơn phương và trong vòng bí mật, mở cả hai cửa vào Biển Ðông cho Trung Quốc từ trên 40 năm trước đây.

Hậu quả của mật điện Hoàng Sa ngày 19 Tháng Giêng 1974 thật là lớn lao, nó dẫn đến tình trạng hỗn loạn tại Biển Ðông ngày nay. Ðể mất Hoàng Sa và còn nhắn nhủ Trung Quốc rằng Mỹ không có dính líu gì vào tranh chấp hải đảo, rằng quân lực Mỹ đã được lệnh rút ra khỏi vùng này. Như vậy là Trung Quốc được tự do tung hoành. Từ tung hoành tới lộng hành. Cái kẹt là sau khi lộng hành với các quốc gia sở tại, TQ lộng hành với chính Mỹ. Cho nên Mỹ phải xoay trục để trở về với Biển Ðông, nơi đó có tới bảy quyền lợi của Mỹ như đã được xác định bằng văn bản (Khi Ðồng Minh Nhảy Vào, Chương 26).

Bây giờ, muốn trở về với Biển Ðông Mỹ đi hàng đôi: một mặt thì tỏ ra mềm dẻo với Trung Quốc nhưng mặt khác lại luôn luôn chuẩn bị để đối phó bằng quân sự với Trung Quốc, dù dưới thời TT Clinton, Bush hay Trump – quyền lực về quân sự nằm ở Ngũ Giác Ðài (xem KÐMNV, Chương 27). Ðể đối phó, Mỹ đang cố gắng tăng cường liên minh quân sự với một số quốc gia trong vùng, kể cả tiến tới đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Tại sao như vậy? Ðó là một chủ đề chúng tôi sẽ đề cập trong một bài khác.

MỚI CẬP NHẬT