Thursday, April 25, 2024

Hiểm họa Formosa Hà Tĩnh cần được giải quyết bằng cách nào?

Lê Anh Hùng
(Nguồn: VOA)

Sáu tháng kể từ thời điểm xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt dọc theo bờ biển từ Hà Tĩnh cho đến Ðà Nẵng, Formosa Hà Tĩnh vẫn tiếp tục là chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của hàng chục triệu người Việt trong và ngoài nước. Ðơn giản, dự án này không chỉ được nhận diện như là một hiểm họa về kinh tế và môi trường, điều mà hầu như ai cũng có thể nhận ra, mà bên cạnh ý kiến của rất nhiều nhân sĩ, trí thức, chuyên gia quân sự độc lập, ngay cả Phó Chủ Tịch Quốc Hội Ðỗ Bá Tỵ, nguyên tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, cũng phải thẳng thắn thừa nhận: “Vụ Formosa tiềm ẩn lâu dài vấn đề quốc phòng-an ninh.”

Sự kiện mới nhất liên quan đến Formosa Hà Tĩnh là cuộc biểu tình rầm rộ của khoảng 10,000 người dân tại Kỳ Anh ngày 2 tháng 10 vừa qua, yêu cầu thủ phạm của đại thảm họa môi trường này phải chấm dứt hoạt động. Hình ảnh hàng trăm người dân cầm biểu ngữ trèo lên trên bức tường rào của Formosa khiến không ít người liên tưởng đến hình ảnh của 27 năm trước, khi hàng ngàn người dân Ðông Ðức trèo lên trên bức tường Berlin, biểu tượng của cuộc chiến tranh lạnh, mở đầu cho sự sụp đổ của chế độ cộng sản phi nhân ở Ðông Ðức và sự thống nhất nước Ðức.

Ðiều này, một mặt, khiến nhiều người tỏ ra lạc quan khi nhìn về tương lai của đất nước, trước sự thức tỉnh của người dân và sự thị uy sức mạnh của quần chúng; mặt khác, lại khiến người ta không khỏi phải đặt ra câu hỏi: Một đại hiểm họa về quân sự-kinh tế-môi trường như Formosa nếu không được giải quyết rốt ráo thì vẫn cứ lơ lửng trên đầu dân tộc, đe dọa sự tồn vong của giống nòi, thế mà nhà cầm quyền Việt Nam vẫn hành xử cứ như gà mắc tóc là cớ làm sao?

Lời giải đáp cho câu hỏi này nằm trong bài “Thảm họa Formosa Hà Tĩnh: tội ác mang tên Nguyễn Phú Trọng” mà VOA đăng tải ngày 18 tháng 8, 2016. Trong bài viết, chúng tôi đã khẳng định: “cha đẻ” của Formosa Hà Tĩnh không phải là ai khác mà chính là ông Hoàng Trung Hải, nguyên phó thủ tướng phụ trách kinh tế và hiện là ủy viên Bộ Chính Trị, bí thư Thành Ủy Hà Nội.

Formosa Hà Tĩnh là dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của thủ tướng chính phủ và ông Hoàng Trung Hải là người đã thay mặt thủ tướng ký hai văn bản quyết định đưa đến sự ra đời của dự án đầy mờ ám này: công văn số 323/TTg-QHQT ngày 4 tháng 3, 2008 “đồng ý chủ trương cho tập đoàn công nghiệp nặng Formosa-Ðài Loan lập dự án đầu tư nhà máy liên hợp luyện thép và cảng nước sâu Sơn Dương tại khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh,” và công văn số 869/TTg-QHQT ngày 6 tháng 6, 2008 “đồng ý việc tập đoàn công nghiệp nặng Formosa thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương tại khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh.”

Tuy nhiên, nếu xét lai lịch Tàu của ông Hoàng Trung Hải (bố ông ta tên là Sì Sói, sinh ra và lớn lên tại Long Khê, Chương Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc) cũng như mức độ nguy hiểm của Formosa Hà Tĩnh đối với tương lai dân tộc Việt Nam thì đây lại không phải là trách nhiệm của ngài cựu phó thủ tướng. Ðúng hơn, đó là một chiến tích ngoạn mục mà ông ta dành cho quê hương Trung Quốc của mình. Vì thế, trách nhiệm đối với hiểm họa Formosa Hà Tĩnh cần được quy cho những người đã bao che, dung túng cho “con ngựa thành Troy” Hoàng Trung Hải, một người Hán khai man lý lịch đã chui sâu, leo cao trong bộ máy.

Xét thời điểm ra đời của dự án Formosa Hà Tĩnh, bắt nguồn từ hai quyết định nói trên của ông Hoàng Trung Hải, trách nhiệm cao nhất phải thuộc về ông Nguyễn Phú Trọng.

Ngày 2 tháng 8, 2007, Quốc Hội do ông Nguyễn Phú Trọng làm chủ tịch đã phê chuẩn ông Hoàng Trung Hải làm phó thủ tướng theo đề nghị của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bối cảnh trước đó gần 3 tháng, ngày 7 tháng 5, 2007, một số đảng viên cao cấp trong bộ máy đã gửi Tâm Huyết Thư tố cáo ông Hoàng Trung Hải là người Hán khai man lý lịch đến Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư cùng các vị ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng.

Ngày 2 tháng 12, 2012, nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh chính thức được khởi công xây dựng trong bối cảnh ông Hoàng Trung Hải đang bị tố cáo những tội ác khủng khiếp (giết người, buôn bán ma túy, trùm băng đảng, bán tài liệu liên quan đến an ninh quốc gia cho nước ngoài…) kể từ ngày 21 tháng 4, 2008 nhưng không được giải quyết đúng pháp luật. Ðơn thư tố cáo bằng văn bản đã được đại biểu Quốc Hội Dương Trung Quốc chuyển cho Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng vào ngày 19 tháng 6, 2012. Những nhân vật bị tố cáo (Hoàng Trung Hải-Nguyễn Tấn Dũng-Nông Ðức Mạnh) đều thuộc diện Bộ Chính Trị quản lý nên dĩ nhiên vụ việc phải được đưa ra Bộ Chính Trị và Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng là người có tiếng nói cuối cùng trong việc giải quyết vụ việc.

Với tư cách tổng bí thư Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng khóa XI, trưởng Tiểu Ban Nhân Sự Ðại Hội XII, ông Nguyễn Phú Trọng phải chịu trách nhiệm cao nhất khi ông Hoàng Trung Hải không những không bị xử lý những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng nói trên mà còn trở thành ủy viên Bộ Chính Trị, bí thư Thành Ủy Hà Nội sau Ðại Hội XII. Ðó chính là lý do khiến ông Nguyễn Phú Trọng đã “ngậm hột thị” khi đến “kiểm tra tiến độ” dự án Formosa Hà Tĩnh vào ngày 22 tháng 4, 2016, trong bối cảnh dư luận trong và ngoài nước đang sục sôi về vụ thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Ðó cũng là lý do khiến ông ta cùng bộ sậu tìm mọi cách hướng sự chú ý của công chúng khỏi thảm họa Formosa Hà Tĩnh, đồng thời ra sức đàn áp những tiếng nói phản đối dự án này.

Tóm lại, muốn xử lý Formosa Hà Tĩnh, trước hết phải xử lý ngài bí thư Thành Ủy gốc Tàu Hoàng Trung Hải, “cha đẻ” của đại hiểm họa quân sự-kinh tế-môi trường mang tên Formosa Hà Tĩnh, và Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, người đã và đang ra sức bao che, dung túng cho ông ta. Và muốn xử lý cặp bài trùng Hoàng Trung Hải-Nguyễn Phú Trọng thì phải vạch trần tội ác của bộ đôi này trong Formosa Hà Tĩnh, “tử huyệt” chung của họ.

MỚI CẬP NHẬT