Thursday, April 18, 2024

‘Lao động cưỡng bức,’ một kiểu nô lệ trong các nhà tù CSVN

Điếu Cày/Người Việt

Hôm 14 tháng 8 vừa qua, gia đình tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức vào thăm anh tại trại giam số 6 tỉnh Nghệ An. Trong buổi gặp, anh Thức cho biết vào ngày 8 tháng 8, quản giáo của trại giam đã ép buộc anh phải lao động, công việc là xếp giấy vàng mã mỗi ngày 8 tiếng.

Anh Thức yêu cầu trại giam phải ký kết hợp đồng lao động hợp pháp với anh, vì theo luật lao động hiện hành mọi hình thức lao động đều phải dựa trên tinh thần tự nguyện. Tuy nhiên, do trại giam từ chối ký hợp đồng lao động, nên anh Thức đã không chấp nhận bị cưỡng bức lao động.

Để trả đũa sự bất tuân của anh Thức, trại giam đã cúp điện trong buồng giam anh liên tục 8 tiếng đồng hồ, trùng với thời gian lao động.

Em trai Trần Huỳnh Duy Thức là anh Trần Huỳnh Duy Tân kể lại sự việc: “Anh Thức nói anh không đồng ý lao động ép buộc như vậy, do trại giam không chịu ký hợp đồng lao động thì anh ấy không đi lao động.”

“Trong những ngày đó, tám tiếng đồng hồ như vậy trại giam họ cúp điện. Ở Nghệ An thời gian này rất nóng, nhiệt độ có khi lên đến 41 độ hoặc hơn nữa, mà không có điện làm sao chịu nổi.”

Trạm giam số 6

Tôi đã từng ở trại giam số 6 Nghệ An, phòng giam ở đấy xây bằng đá, gạch, tường dày khoảng 30cm, nhưng lại xây theo lối bát úp, lẽ ra trên trần phải có những cái khe thông gió. Nhưng những phòng giam này không xây những khe thông gió, cho nên khí nóng không thoát ra ngoài được. Những phòng giam này vào những ngày nắng nóng ở miền Tây Nghệ An kèm với gió Lào nữa thì có lúc chúng tôi phải hắt nước lên tường hoặc đổ nước lên sàn nằm của mình, để cho cái nóng dịu bớt đi. Phải đợi đến 11-12 giờ đêm khi các bức tường nguội bớt đi thì mới có thể ngủ được. Thế mà lại cắt điện ở trong buồng giam.

Việc bắt buộc tù nhân lao động cưỡng bức phổ biến trong các trại giam của nhà cầm quyền Việt Nam.

Tôi đã đi qua nhiều trại giam khác nhau và có thời gian hai năm rưỡi ở chung với tù hình sự nên chứng kiến những sự tàn ác của các quản giáo và giám thị trại giam trong việc cưỡng bức lao động với tù nhân. Họ bị buộc phải thực hiện những định mức lao động rất cao và phải làm việc trong môi trường độc hại và nguy hiểm, bị đánh đập dã man khi không hoàn thành định mức, làm chậm, làm hư lỗi sản phẩm. Vì bị ép buộc làm việc và đánh đập như vậy, nhiều người đã tàn phế, thậm chí có người còn tự hủy hoại bản thân để không thể lao động được nữa. Nhiều quản giáo và giám thị cũng trục lợi khi lạm dụng lao động tù nhân để phục vụ cho lợi ích của họ.

Trại giam Cái Tàu, Cà Mau

Khổ nhất ở trại giam Cái Tàu là bị xếp vào đội làm hạt điều. Công việc ở đây là cạo vỏ hạt điều đã tách ra khỏi quả. Tù nhân phải nhận nhiều định mức khoán khác nhau, từ 3-5kg hạt điều một ngày (điều loại D rất nhỏ). Mức khoán cao hay thấp tùy thuộc vào cán bộ quản giáo phân công cho từng người, tất nhiên những tù nhân được ưu ái nhận mức khoán thấp do đã chung chi tiền cho quản giáo.

Do mức khoán cao nên tù nhân phải ngồi làm việc liên tục nhiều giờ dưới sự giám sát của quản giáo. Khi nào mắc tiểu lắm mới xin đi tiểu, nhưng rời thau điều ra thì có thể bị bạn tù lấy bớt. Nhiều tù nhân ở đội làm hạt điều nói với tôi: “Lãnh thau điều là đã lãnh những nguyên nhân bị đánh. Chiều đến cân lại thau điều, bị hao, đánh. Làm chậm, đánh. Làm bể nhiều, đánh. Tôi nhớ có lần vào sáng thứ hai cán bộ Dương Quang Thắng công bố kỷ luật giam riêng một tù nhân nữ chỉ vì cô này làm hao mất 1.5kg điều trong hai tuần.”

Nhiều tù mới vào đội điều làm không kịp và bị đánh nhiều nên phải kêu gia đình chạy tiền để được chuyển sang đội khác. Những tù nghèo không có tiền chạy thì phải cố làm, vì ngồi nhiều quá có người bị phù chân chỉ sau một tháng làm việc, những người nghèo không có tiền chạy phải cố làm. Có những tù nhân chỉ sau một tháng làm ở đội điều do ngồi lâu không hoạt động hai chân bị sưng phù lên rồi teo dần, có người liệt hẳn như Dũng kiểm lâm, Lợi què. Cả hai người phải di chuyển trong sân trại trên những khúc gỗ.

Ngoài đội làm điều còn có những đội làm các công việc khác như đập đá, đào đất, chặt tràm, có cả những đội đi ra ngoài làm thuê cho các chủ vuông tôm theo yêu cầu.

Công việc mà tù nhân phải làm nặng hay nhẹ tùy thuộc vào việc gia đình tù nhân chung chi cho quản giáo nhiều hay ít mà tù nhân trại Cái Tàu vẫn gọi là “Mua khâu.”

Trại giam Xuân Lộc

Theo các tù nhân ở trại giam Xuân Lộc thì đội đập đá vất vả nhất. Ngoài ra còn có các đội khác như làm điều, cá…

Những tội phạm kinh tế khi nhập trại nhận ra ngay một lực lượng lao động trẻ, không cần bảo hiểm, phúc lợi xã hội, không nghỉ bệnh, thai sản… Các doanh nghiệp làm điều, cá thường gây ô nhiễm môi trường, khi đưa vào trại làm không bị kiểm tra. Tránh được thuế má. Đã có những tù nhân phạm tội kinh tế sau khi nhập trại một thời gian đã lập dự án, móc nối với giám thị trại rồi đưa doanh nghiệp của gia đình vào sản xuất trong trại, trục lợi trên sự đau khổ của tù nhân.

Chỉ có người tù là khổ nhất, họ bị biến thành những nô lệ phục vụ cho lợi ích quản giáo, giám thị và doanh nghiệp.

Luật một đàng, làm một nẻo

Nhà cầm quyền Việt Nam tham gia vào WTO đã cam kết loại bỏ hoàn toàn lao động cưỡng bức. Luật Thi Hành Án Hình sự điều 28; 29; 30 quy định lao động học nghề chứ không được cưỡng bức tù nhân lao động.

Theo Luật Sư Lê Công Định: “Hành động cưỡng bức lao động của trại giam số 6 tỉnh Nghệ An rõ ràng vi phạm Hiến Pháp 2013. Khoản 3 Điều 35 của Hiến Pháp 2013 quy định như sau: “Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động […].”

Trong Chương 19 về lao động của Hiệp Định TPP mà Chính Phủ Việt Nam đã ký kết, Điều 19.1 (phần định nghĩa các thuật ngữ) và Điều 19.3 (quy định về quyền lao động) đều buộc các quốc gia thành viên phải tuân thủ yêu cầu như sau: “Chấm dứt mọi hình thức lao động cưỡng bức hoặc ép buộc.”

Dường như do hiểu rõ về lối hành xử bất lương của một chính quyền cộng sản như Việt Nam trong việc tìm cách tránh né thực thi trách nhiệm đối với công dân mình, nên Điều 19.4 của Hiệp Định TPP còn yêu cầu các quốc gia thành viên không được miễn trừ hoặc giảm nhẹ hiệu lực pháp lý của Điều 19.3 về quyền lao động nêu trên.

Tù nhân chỉ bị tước đoạt tự do và một số quyền chính trị, chứ không bị tước đoạt quyền lao động tự nguyện. Các trại tù ở Việt Nam, đặc biệt là trại giam số 6 tỉnh Nghệ An, không được viện đến bất kỳ lý do gì để thi hành chính sách lao động cưỡng bức và ép buộc đối với tù nhân.

Dù đang bị giam cầm, tù nhân vẫn phải được đối xử như những con người với đầy đủ quyền làm người, trong đó có quyền được sống và quyền lao động.

MỚI CẬP NHẬT