Thursday, April 18, 2024

Minh Ðức Hoài Trinh đã ra đi, vĩnh viễn ra đi!

Ðinh Bá Ái

Tôi bàng hoàng khi nghe tin này từ một người bạn gửi qua e mail.

Lần này thì ra đi vĩnh viễn.

Tôi được biết cuộc đời của bà là một chuỗi nối tiếp những chuyến đi.

Nhưng sau khi bước chân nhỏ bé thoăn thoắt trên vạn nẻo đường khắp thế giới, mà thường là những vùng rực lửa đạn… rồi lại quay về để chuẩn bị cho một chuyến hành trình mới.

Lần này thì không. Không trở về nữa rồi!

Tôi được mẹ tôi kể về Minh Ðức Hoài Trinh từ khi bà chưa là một nhà văn, nhà thơ, phóng viên chiến trường, thường có chuyến đi vào những nơi gió cát, lửa đạn hiểm nguy.

Năm 1936, lúc mẹ tôi vừa ra trường Ðồng Khánh-Huế, đi dạy học.

Kinh tế khủng hoảng, may mắn mới được bổ nhiệm dạy học trên Kontum. Thân gái bơ vơ được chuyển đến một trường mới mở trên cao nguyên.

Cũng thật may mắn, mẹ tôi được nhận vào ở trọ nhà một người quen và dạy kèm cho hai cô con gái của ông Tổng Ðốc Võ Chuẩn, là Diệu Viên và Hoài Trinh. Sau nầy họ là hai chị em Linh Bảo và Minh Ðức Hoài Trinh.

Suốt thời thơ ấu, mẹ tôi xem Minh Ðức Hoài Trinh và Linh Bảo vừa là học trò, vừa như con của mình và chúng tôi sau này rất ngưỡng mộ đời sống và tài năng của hai chị em. Chúng tôi vẫn xem hai chị em nhà văn, nhà thơ này như tượng đài của giới văn nghệ văn chương miền Nam: rất trí thức và rất dấn thân. Thật thán phục! Cuộc đời của Minh Ðức Hoài Trinh vẫn tiếp tục dấn thân bôn ba khắp thế giới từ Ðông sang Tây, từ Âu sang Á, để vận động cho Pen Club. Sự kiên trì đáng ca ngợi đã được đền bù thật xứng đáng cho Minh Ðức Hoài Trinh!

Từ khi nhận được tác phẩm văn nghiệp và cuộc đời Minh Ðức Hoài Trinh của Nguyễn Quang, phu quân của bà, gửi tặng, mẹ tôi vẫn lấy ra đọc những lúc rảnh rỗi, hoặc những đêm thao thức của tuổi già lúc mẹ tôi đã hơn 100 tuổi.

Cuốn sách dày và rất nặng đối một cụ già ngoài 101 tuổi hình hạc xương mai như mẹ tôi. Tôi rất thương cảm và ái ngại khi đêm khuya, thấy mẹ tôi khệ nệ “vác” cuốn sách đầy ắp những hình ảnh về cuộc đời năng động bôn ba khắp bốn phương trời của Minh Đức Hoài Trinh ra xem.

“…để thấy người phụ nữ nhỏ nhắn và mảnh mai như Minh Đức Hoài Trinh có thể làm những điều mà mình nghĩ không thể. Và mẹ cảm thấy được tiếp thêm nghị lực để sống với đời, và sống với các con cháu!”

Mẹ tôi, cô giáo Ngọc Diêu đã ra đi cách đây hai năm, ở tuổi 102, khi bà đang đọc dang dở phần cuối cuốn văn nghiệp và cuộc đời Minh Ðức Hoài Trinh.

Tôi mơ thấy cô học trò Minh Ðức Hoài Trinh theo mây về trời, sẽ gặp lại cô giáo Ngọc Diêu để kể nốt phần cuối cuộc đời mình cho cô giáo nghe.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Tư, ngày 21 tháng 6 năm 2017

MỚI CẬP NHẬT