Thursday, April 25, 2024

Bánh bông lan trứng muối Vũng Tàu

Văn Lang/Người Việt

Sài Gòn là nơi hội tụ của nhiều nền văn hóa ẩm thực khác nhau. Do vậy, món ngon của thế giới, cũng như món ngon trên khắp vùng miền Việt Nam lần lượt xuất hiện ở Sài Gòn là một lẽ dĩ nhiên, phải vậy!

Tuy nhiên, chúng tôi ngạc nhiên khi lần đầu tiên thấy một xe bán bánh bông lan trứng muối Vũng Tàu tại khu vực chợ Nancy (cũ).

Ngạc nhiên là vì, lâu nay chúng tôi có nhiều dịp đi về Vũng Tàu, hơn nữa còn thân quen với một vài anh em dân Vũng Tàu cố cựu. Mà hồi nào tới giờ, đâu có nghe ai nhắc tới cái món bánh bông lan trứng muối Vũng Tàu.

Tìm hiểu mới “té ngửa,” thì ra món bánh bông lan trứng muối của Vũng Tàu cũng là một món ngon đặc sản của Vũng Tàu và ngay trên con đường Ðồ Chiểu, con đường được mệnh danh là – con đường ẩm thực của thành phố Vũng Tàu, cũng có tới hai lò bánh bông lan trứng muối.

Cũng xin nói thêm, là tại con đường Ðồ Chiểu này, có xe bán bánh tiêu nhân đậu xanh nổi danh ở Vũng Tàu, được nhiều khách du lịch xếp hàng chờ thưởng thức.

Mà cũng chính người em trai của chị Hà (chủ xe bánh tiêu), giới thiệu chúng tôi qua lò bánh bông lan trứng muối A Tỷ, nằm xéo bên kia đường, cách xe bánh tiêu chừng… mươi bước chân.

Theo tìm hiểu, thì bánh bông lan được cho là do người Pháp truyền vào Việt Nam từ hơn 100 năm, về trước. Ðó là một lý do, mà tại sao hầu như tại miền Nam bánh bông lan rất phổ biến.

Bánh bông lan trứng muối Vũng Tàu được bán tại khu chợ Nancy, Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Bánh bông lan trứng muối Vũng Tàu được bán tại khu chợ Nancy, Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Về tên gọi bánh bông lan, thì có người giải thích là do trong thành phần của bánh, ngày xưa hay bỏ thêm hương vani, mà hương này vốn chiết xuất từ hoa lan (orchids), nên người ta gọi bánh là bánh… bông lan.

Nhưng theo một số vị bô lão miền Nam, thì sở dĩ gọi là bánh bông lan vì đơn giản là nhìn cái bánh này trông giống như bông lang (hoa của rau lang).

Kỳ thực, một số loại bánh bông lan (như bông lan trứng muối) nhìn có giống bông rau lang thực. Nhưng nhiều loại bánh bông lan khác (như bánh bông lan cuộn) không có hình dạng như bông… rau lang.

Hơn nữa, không lẽ có loại bánh ở miền Nam gọi là da lợn, chỉ vì loại bánh này nhìn giống… da heo?

Trở lại với bánh bông lan trứng muối Vũng Tàu. Theo thông tin truyền thông, thì thương hiệu “bánh bông lan trứng muối” của Vũng Tàu ra đời vào khoảng năm 1986. Xuất phát “điểm” từ một tiệm bánh trên đường N.T.T (Vũng Tàu), dưới chân một cây cột đèn đường, nên tiệm này chết danh là tiệm bánh… “cột đèn.”

Nhưng khi chúng tôi trao đổi với một anh bạn là cư dân cố cựu của Vũng Tàu. Thì anh bạn này cho biết, thông tin trên là chưa.. .chuẩn xác. Là vì, theo anh những năm 80 tới 86, còn nghèo lắm, cơm còn bữa đói bữa no, có đâu mà được ăn… trứng muối.

Theo anh bạn cố cựu của Vũng Tàu thì phải từ đầu thập niên 90 trở đi, thì thương hiệu bánh bông lan trứng muối Vũng Tàu mới phát triển.

Có lẽ cũng cần nhắc lại giai đoạn khó khăn, khoảng từ 1977 tới 1990, mỗi mùa Trung Thu, người ta thường quảng cáo cho loại bánh trung thu nhân một trứng (muối) và cao cấp nhất là bánh… hai nhân trứng (muối).

Nay thì chuyện trứng muối đã thành chuyện… “không vấn đề gì,” nên mỗi cái bánh bông lan có gần một cái trứng muối. Ðặc biệt tiệm bánh A Tỷ trình bày rất khéo, mỗi cái nhân trứng muối hầu như còn… nguyên vẹn, rất bắt mắt. Mà một hộp bánh bông lan gồm 10 cái, giá cũng chỉ 25 ngàn đồng/1 hộp. Tính ra mỗi cái bánh, có giá chỉ 2 ngàn 500 đồng (hơn 10 cent Mỹ).

Tiệm bánh bông lan trứng muối A Tỷ, đường Ðồ Chiểu, Vũng Tàu. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Tiệm bánh bông lan trứng muối A Tỷ, đường Ðồ Chiểu, Vũng Tàu. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Có thể nói bánh bông lan trứng muối Vũng Tàu là cuộc “hợp hôn” cách làm bánh của người Pháp và người Trung Hoa (trứng muối) qua bàn tay khéo léo của người Việt.

Vị bánh mềm, xốp làm từ bột mì, bơ và hột gà; nhưng điều đặc biệt là phải giữ được vị tươi nguyên (bắt mắt) của trứng muối mà không có mùi tanh. Muốn vậy, theo các nghệ nhân làm bánh, trứng muối (tròng đỏ) phải được ngâm trong rượu trắng nồng độ cao với hương hoa hồi.

Với bánh trứng muối, phô-mai thì phải căn độ nóng vừa tới, đặt miếng phô-mai lên để nó tự tan chảy, hòa quyện vào bánh rồi mới đưa trở lại lò cho trứng chín… Quả là một kỳ công!

Ngoài ra, còn có bánh bông lan trứng muối, phô-mai, chà bông. Thường các lò bánh tự làm lấy chà bông để đảm bảo uy tín cho thương hiệu bánh của mình.

Bánh ngon, nhưng “nhân tâm tùy hỉ.” Là vì, cũng có người chưa quen với cái vị mặn mặn, béo béo, ngầy ngậy của trứng muối. Họ quen ăn bánh bông lan “trơn” thanh cảnh, dễ ăn được nhiều. Vì bánh bông lan trứng muối mà ăn cả… hai hộp, dĩ nhiên ngán là thường, chưa kể còn bị đầy hơi nữa.

Nhưng khi chúng tôi đi về miền Tây, mua làm quà mấy hộp bánh bông lan trứng muối Vũng Tàu cho mấy vị cao niên. Buổi sáng, bên ly cà-phê đen, hay bình trà (quạu), nhâm nhi vài ba cái bánh bông lan Vũng Tàu, trong buổi mai lành gió đồng quê miên man thổi, thấy cuộc đời xem chừng cũng cảm khái.

Thưởng thức món ngon cũng phải đúng cách.

Người nào cho rằng ẩm thực không giống như nghệ thuật, nên không cần phải tri âm tri kỷ, thì người đó đáng liệt vào hàng “bất tri kỳ vị.”

MỚI CẬP NHẬT