Bệnh đau khớp thường gặp nhất

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng

Hỏi:

  • Dạo này cứ hễ trời trở lạnh, khi thức dậy vào buổi sáng, tôi hay bị đau và cứng bàn tay, phải để tay dưới nước ấm, bóp tới, bóp lui vài ba phút mới thấy đỡ cứng và đau. Xin cho biết là bệnh gì, có nguy hiểm không, và chữa như thế nào?
  • Tôi nghe nói có thuốc uống vô cho thêm chất nhờn để khớp nó bớt mòn. Bạn tôi nói mua mấy cái vòng nam châm đeo vô có thể làm bớt đau, có đúng không? Châm cứu có thể giúp bớt đau không? Tại sao khớp bị mòn?

Ðáp:

Bệnh mòn khớp (degenerative joint disease – “nói chữ” là bệnh thoái hóa khớp) còn được gọi là bệnh viêm xương khớp (osteoarthritis), là bệnh viêm khớp thường gặp nhất, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Có thống kê cho thấy rằng khoảng 16 triệu người ở Mỹ bị bệnh này. Và trong số này có khoảng phân nửa không biết là triệu chứng cứng và đau khớp mà mình đang bị là do bệnh này.

Các bác sĩ thường gọi bệnh này là viêm xương khớp, tuy nhiên vì ở hầu hết các bệnh nhân bị bệnh này, người ta ít thấy dấu hiệu của viêm (phản ứng bảo vệ của cơ thể gây ra sưng, nóng, đỏ, đau ở vùng bị viêm). Do đó sau này một số bác sĩ có khuynh hướng gọi nó là bệnh mòn (hay thoái hóa) khớp (degenerative joint disease), vì cho là bệnh gây ra bởi sự mòn rách (wear and tear) của các khớp do dùng lâu ngày hoặc dùng nhiều quá.

Khớp là nơi các xương tiếp xúc với nhau. Bao bên ngoài các xương là các bắp thịt mà các đầu bắp thịt được gọi là gân (tendon). Chuyển động của các bắp thịt sẽ kéo các gân làm cho các khớp chuyển động. Các xương không tiếp xúc trực tiếp với nhau và qua các phần chêm gọi là sụn (cartilage).

Bệnh mòn khớp xảy ra khi lớp sụn bị xói mòn đi. Khi các xương ma sát, đụng chạm trực tiếp với nhau, nó sẽ gây ra đau và khó khăn trong việc chuyển động ở khớp. Việc ma sát trực tiếp này có thể làm thay đổi sự phát triển bình thường của các xương trong vùng tạo ra các gai xương (osteophytes).

Gần đây người ta thấy rằng cơ chế gây ra bệnh tương đối phức tạp bao gồm nhiều yếu tố tương tác với nhau như sự toàn vẹn của khớp, các yếu tố di truyền, viêm tại chỗ, các áp lực từ ngoài, các quá trình phản ứng sinh hóa và tế bào, chứ không phải chỉ đơn giảm do xài nhiều rồi bị mòn.

Yếu tố di truyền khiến một số ít người có thể bị bệnh lúc còn rất trẻ là điều hiếm gặp ở bệnh này. Ðối với đa số, bệnh viêm xương khớp có thể liên quan đến một hay nhiều yếu tố, như là tuổi tác, nghề nghiệp, các chấn thương hoặc các chấn động lên khớp tuy nhỏ nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần. Các yếu tố này ảnh hưởng nhiều hơn lên các khớp gối và bàn tay, và ít ảnh hưởng hơn lên khớp hông. Tuy nhiên, sự tương tác giữa các yếu tố này với yếu tố di truyền và các yếu tố khác như thế nào vẫn còn chưa được hiểu rõ.

Cũng như nhiều bệnh khác, bệnh mòn khớp tiến triển ở nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ tới nặng. Nó có thể (và thường) bắt đầu từ một khớp, thường là khớp gối, hông (hip), bàn tay, chân hay cột sống. Nó cũng có thể ảnh hưởng nhiều khớp.

Các yếu tố nguy cơ và các nguyên nhân của bệnh viêm thoái hóa khớp

– Tuổi tác: Là một trong các yếu tố nguy cơ quan trọng nhất. Một số nghiên cứu cấp quốc gia cho thấy rằng tỉ lệ bị bệnh này ở người trên 55 tuổi là hơn 80%, trong khi ở người từ 25 đến 34 tuổi, tỉ lệ này chỉ dưới 0.1%.

– Mập phì: Có lẽ là yếu tố nguy cơ cao nhất (và dễ hiểu nhất). Nói chung, các khớp nào phải chịu đựng sức nặng nhiều hơn thì sẽ có nguy cơ cao hơn. Các khớp bị ảnh hưởng nhiều nhất của cân nặng là khớp gối, và bàn tay (có lẽ vì người mập thường phải dùng tay phụ để nâng cả cơ thể đứng hay ngồi dậy hơn, khớp bàn tay tương đối mỏng manh mà trọng lượng cơ thể ở người mập có khi lên đến hơn 200 pound là thường. Một nghiên cứu cho thấy người bị mập phì có nguy cơ bị viêm khớp bàn tay cao hơn ba lần so với người không bị mập phì). Các nghiên cứu cũng cho thấy rõ rằng giảm cân liên quan chặt chẽ với việc giảm nguy cơ của bệnh viêm các khớp này.

– Một số nghề nghiệp: Ví dụ những người làm nghề khiêng vác, thường xuyên chịu sức nặng dễ bị viêm khớp gối, những vũ công múa ba lê dễ bị viêm khớp cổ chân và các ngón chân.

– Phái nữ: Rất nhiều nghiên cứu cho thấy rằng đàn bà hay bị bệnh này hơn. Một số thống kê cho thấy rằng phụ nữ có nguy cơ bị bệnh này cao gấp 2.6 lần so với nam giới. Khi bị, đàn bà cũng thường dễ bị nặng hơn và thường hay cần phải thay xương hông nhân tạo hơn. Và người ta vẫn chưa thể giải thích một rõ ràng với các bằng chứng khoa học về chuyện này.

– Các yếu tố khác:

+ Một số hoạt động thể thao khiến cho một số khớp nào đó bị sử dụng quá mức.

+ Các chấn thương vào khớp, có thể là một chấn thương lớn hay nhiều chấn thương nhỏ lặp đi lặp lại.

+ Yếu bắp thịt có thể làm cho áp lực bị dồn vào khớp nhiều hơn bình thường gây ra tổn thương khớp.

+ Yếu tố di truyền.

+ Bệnh to đầu xương (acromegaly).

+ Bệnh đóng vôi (calcium crystal deposition disease) sẽ làm cho khớp không còn hoạt động bình thường và dần dần gây ra tổn thương khớp.

Như đã nói trên, một người có thể mang nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau, do đó không phải cứ lớn tuổi mới bị bệnh này. Khi đã phân tích được xem mình có yếu tố nguy cơ nào để tránh hoặc chữa nếu có thể được, nó có thể góp phần rất nhiều trong việc làm chậm lại hay ngăn chặn sự phát triển của bệnh.

Thân mến

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng
www.nguyentranhoang.com
(714) 531-7930