Tuesday, April 23, 2024

Bệnh tức ngực và hai bên sườn (kỳ 1)

Bác Sĩ Ðặng Trần Hào

Ngực liên quan tới phổi và tim, trong khi hai bên sườn liên quan tới gan và mật. Tức ngực thường xảy ra khi môi trường bên ngoài ảnh hưởng vào kinh lạc và ngũ tạng, làm khí của phổi bị bế tắc, không thông.

Hay khí và huyết của tim không phối hợp điều hòa nhịp nhàng, gây khó lưu hoạt, hay khi dương khí không đủ cung cấp cho tim để hoạt động bình thường, và đôi khi đờm, nhớt cũng cản trở sự lưu thông và di chuyển của khí huyết.

Còn đau giang sườn thường là liên quan tới gan và mật bị mất quân bình.

Tóm lại, tức ngực thường liên quan tới phổi, tim, gan và mật. Chúng ta sẽ lần lượt đi tìm hiểu sự khác biệt của sự đau tức để định bệnh do tạng phủ nào gây ra và bệnh từ ngoài ảnh hưởng vào trong hay bệnh do tạng phủ suy yếu lâu ngày mà sinh ra.

Tức ngực do phong nhiệt xâm nhập phổi

Phổi là chức năng quan trọng của hệ thống hô hấp, cung cấp dưỡng khí cho cơ thể, đồng thời thải bỏ thán khí. Phổi phải làm việc nhịp nhàng, nhờ đó hơi trong các phế nang mới tiếp tục thay đổi, từ cũ sang mới, từ dơ sang sạch, máu trong phổi và phế nang được hoán chuyển cho nhau không ngừng.

Oxygen và carbon dioxide phải được chuyển vận tới phổi và các tế bào của cơ thể, hoặc từ phổi ra đều diễn tiến bên trong dòng máu, tuy âm thầm nhưng không bao giờ sai chạy.

Ðiều quan trọng là hệ thống hô hấp dễ bị tổn thương, vì hàng ngày nó tiếp nhận vô số vi khuẩn hay vi trùng từ ngoài xâm nhập vào làm tổn thương phổi như ngoại nhiệt xâm nhập phổi làm sưng phổi, tắc nghẽn phổi thường thấy trong lâm sàng.

Thường là bệnh cấp tính, ngạt mũi, chảy nước mũi đặc, sốt, đau đầu, cảm thấy nhức phía trước trán nhiều hơn, ho ra đờm đặc, lúc nóng, lúc lạnh. Ngực tức và đau hai bên giang sườn. Rêu lưỡi vàng và đầu lưỡi vàng và đầu lưỡi đỏ. Mạch phù và sác.
Pháp tri: Khử phong nhiệt, tuyên phế, thông khiếu.

Toa thuốc
1. Hạnh nhân 9 grs
2. Thương nhĩ tử 9 grs
3. Tân di 9 grs
4. Dạ cúc hoa 9 grs
5. Kim ngân hoa 9 grs
6. Bạch chỉ 9 grs
7. Ma hoàng 6 grs
8. Bạc hà diệp 9 grs
9. Mạch môn đông 9 grs
10. Thiên môn đông 9 grs
11. Tử tô tử 9 grs
12. Cam thảo 6 grs

– Hạnh nhân, tân di, mạch môn đông, thiên môn đông, ma hoàng: Bổ phế, tuyên phế, giảm đau, tức ngực và hai bên giang sườn.
– Thương nhĩ tử, dạ cúc hao, kim ngân hoa: Thanh nhiệt, thông phế khí và thông mũi.
– Tử tô tử, bạc hà diệp: Giáng khí, thông phế quản và giảm tức.
– Bạch chỉ: Giảm nhức đầu.
– Cam thảo: Phối hợp các vị thuốc.

Ðau tức do đờm ngăn chặn tại ngực

Ðau và tức hai bên giang sườn, ho có nhiều đờm nhớt, càng ho càng làm gia tăng đau. Ðôi khi nóng sốt, nhưng không khát nước. Rêu trơn và rêu lưỡi trắng. Mạch hoạt.

Toa thuốc
1. Bán hạ 9 grs
2. Hậu phát 9 grs
3. Chỉ xác 9 grs
4. Hương phụ 9 grs
5. Tử tô tử 9 grs
6. Bạc hà diệp 9 grs
7. Cát cánh 9 grs
8. Hoàng kỳ 9 grs
9. Tì bà diệp 9 grs
10. Bạch giới tử: 9 grs
11. Cam thảo 6 grs

– Bán hạ, cát cánh, tì bà diệp, bạch giới tử: Tiêu đờm và thông phế khí.
– Hương phụ, chỉ xác, bạc hà diệp, tử tô tử: Tản khí, giáng khí và thông phế khí, giảm đau và tức ngực và hai bên giang sườn.
– Hoàng kỳ, hâu phát: Bổ phế khí và bao tử khí phối hợp với bán hạ để tiêu đờm.
– Cam thảo: Phối hợp các vị thuốc.

Ðau ngực và hai bên giang sườn do thận và gan âm suy

Như chúng ta đã biết vạn vật đồng nhất thể, vũ trụ vần xoay từ ngày (dương) sang đêm (âm). Cơ thể con người cũng phải biến đổi nhịp nhàng với vũ trụ, cho nên khi vũ trụ vần xoay từ dương sang âm, nghĩa là từ sáng qua chiều và đêm. Nếu cơ thể yếu không thể điều chỉnh theo sự biến đổi của âm dương vũ trụ được, thì phần âm và dương trong cơ thể lại cách biệt nhiều hơn, sẽ gây ra phần giả nhiệt nhiều hơn.

Nên người bị thận âm suy về chiều sẽ mệt mỏi hơn buổi sáng, càng về đêm hư hỏa (giả nhiệt) càng gia tăng, đi tiểu nhiều lần, nhất là về đêm, phừng mặt để lâu gây nám mặt, dưới mắt quầng đen, miệng, lưỡi khô, khát nước, nhưng không uống nhiều.

Nếu giả nhiệt nhiều thì bị lở miệng, lở lưỡi làm ăn uống trở ngại, đau miệng, thắt lưng đau và yếu, chân yếu bất lực, chóng mặt, váng đầu, ù tai, mắt khô và mờ nhất vào buổi chiều, ăn lúc ngon lúc không, mệt mỏi, đau nhức mình và chân tay, đàn ông xuất tinh sớm, đàn bà lạnh cảm và ra mồ hôi đêm.

Theo ngũ hành, thận thuộc hành thủy và gan thuộc hành mộc. Thủy sinh mộc, một khi thận thủy suy có nghĩa là mẹ suy, ảnh hưởng tới con là can mộc suy theo, gây ra hư hỏa và làm gan mất quân bình, bứt rứt khó chịu, dễ giận, chóng mặt quay cuồng nhà cửa, đau lưng dưới và đau tức hai bên giang sườn. Lưỡi khô đỏ, ít rêu lưỡi. Mạch huyền, vi và sác.

Toa thuốc
1. Sơn thù du 9 grs
2. Mẫu đơn bì 9 grs
3. Phục linh 9 grs
4. Trạch tả 9 grs
5. Hoài sơn 9 grs
6. Thục địa 12 grs
7. Cúc hoa 9 grs
8. Cát căn 9 grs
9. Câu đằng 9 grs
10. Chỉ xác 9 grs
11. Hương phu: 9 grs
12. Ðại phúc bì 9 grs
13. La bạc tư: 9 grs
14. Ðại táo 3 trái

– Thục địa: Bổ thận và gia tăng lượng huyết, giảm đau.
– Sơn thù du: Làm ấm gan và giúp tăng cường sức mạnh cho thận.
– Mẫu đơn bì: Giúp thanh nhiệt và giảm huyết nóng.
– Hoài sơn: Nuôi tì và tăng cường thận.
– Phục linh: Gia tăng tiểu tiện, giảm sưng, giảm thấp nhiệt trong tì.
– Trạch tả: Vừa giúp lợi tiểu, bồi bổ tai, giảm ù tai, mắt bớt khô và mờ.
– Cúc hoa, cát căn, câu đằng: Thanh giả nhiệt, ngưng chóng mặt, ù tai, khô mắt.
– Chỉ xác, hương phụ, la bạc tử, đại phúc bì: Tản khí, giáng khí tại trung tiêu, trị đau ngực và tức hai bên giang sườn.
– Ðại táo: Bổ huyết và phối hợp các vị thuốc.

(còn tiếp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT