Thursday, March 28, 2024

Chỗ ở có thể ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần

(cnbc.com) – Địa điểm có thể là yếu tố quan trọng đối với bất động sản, nhưng nó cũng là một yếu tố liên quan đến sức khỏe tâm thần. Nghiên cứu cho thấy kết luận đó có thể đúng.

Sự phiền muộn (depression) ít có những quan hệ nhân quả trực tiếp. Tuy nhiên, nhiều yếu tố sinh học và môi trường có thể có những quan hệ như vậy, có thể cùng xảy ra hay một cách riêng rẽ, kích thích sự rối loạn tâm tính. Nhưng điều này có thể cũng không đúng.

Nơi bạn sinh sống là một thí dụ cụ thể. Nhiều người thực sự thích sống trong một khí hậu lạnh, ảm đạm, trong khi nhiều người khác ưa một thành phố bờ biển nắng ấm.

Vài người cảm thấy khỏe khoắn vì sự huyên náo của đời sống đô thị, trong khi những người khác thích sự yên tĩnh của vùng quê. Dọn nhà tới một thành phố khác với những đặc điểm trái với sở thích đều đưa tới rủi ro.

Đô thị hay thôn quê?

Một đề tài nghiên cứu thông thường là sức khỏe tâm thần tại những vùng đô thị so với thôn quê. Và đối với mọi cuộc nghiên cứu cho rằng đời sống này tệ hơn đời sống kia, bạn sẽ tìm thấy một cuộc nghiên cứu khác nói ngược lại.

Một cuộc nghiên cứu năm 2006 đăng trong tạp chí Y Khoa Gia Đình, được thực hiện để khảo sát sự phiền muộn nổi bật tại những vùng nông thôn và thành thị. Nhìn vào các dữ kiện từ một mẫu tiêu biểu trên toàn quốc của 30,801 người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên, cuộc nghiên cứu thấy rằng sự phiền muộn cao hơn đáng kể ở những người sống tại nông thôn so với thành thị.

Nhưng sau khi điều chỉnh theo những khác biệt về đặc điểm dân số, người ta không thấy sự vượt trội đáng kể nào. Thay vào đó, nguy cơ phiền muộn cao hơn ở những người có sức khỏe trung bình hay xấu hoặc những người có sức khỏe đã thay đổi trong năm trước đó, những người có áp huyết cao và những người hơi bị hạn chế trong hoạt động hằng ngày.

Một cuộc nghiên cứu khác vào năm 2004 nhìn vào những vùng nông thôn, thành thị ở Canada và sự phiền muộn, thấy rằng những người ở vùng nông thôn ít gặp những trường hợp phiền muộn quan trọng. Tuy nhiên, lý do đưa tới nhận định này có vẻ phức tạp, và các yếu tố về tuổi tác, tình trạng di dân, chủng tộc, tình hình việc làm và tình trạng hôn nhân có thể cũng quan trọng như địa điểm sinh sống.

Một báo cáo về tỉ lệ tự tử trong số những người trẻ tuổi ở Canada thấy rằng tại những vùng nông thôn tỉ lệ đó gần gấp đôi tỉ lệ tại những vùng đô thị trong thời gian từ 1996 đến 2010. Nhưng một lần nữa, các lý do có thể có tính cách văn hóa hơn là địa dư. Tác giả chính của bản báo cáo, bà Cynthia Fontanella của Ohio State University, cho rằng sự kiện súng đạn được cung cấp dễ dàng hơn, các tài nguyên chăm sóc sức khỏe tâm thần ít hơn, sống cô lập hơn và một nền văn hóa tự lo liệu có thể là lý do giải thích tại sao nhiều cư dân nông thôn dễ đi tới những kết cuộc bi thảm.

Vùng ngoại ô thì sao?

Theo nghiên cứu của Penn State University, nơi tốt nhất để sinh sống có lẽ là những vùng ngoại ô.

Những người sống ở ngoại ô thường ở gần nơi làm việc hơn cũng như mọi tiện nghi mà một thành phố lớn có thể cung cấp, nhưng họ cũng cách xa sự căng thẳng ở bên trong thành phố, theo tác giả chính của cuộc nghiên cứu, ông Stephan Goetz, giáo sư kinh tế tại Penn State. Theo ông Goetz, bạn càng được cộng đồng trợ giúp, bạn càng cảm thấy hạnh phúc, và bạn có thể đối phó tốt hơn với những rắc rối.

Sự căng thẳng là một vấn nạn

Khi xem xét vấn đề từ phối cảnh toàn cầu, Hoa Kỳ nói chung nằm trong số những nước ít bị phiền muộn nhất trên thế giới. Một cuộc nghiên cứu năm 2013 thấy rằng vùng Trung Đông và Bắc Phi có tỉ lệ phiền muộn cao nhất thế giới.

Quốc gia bị phiền muộn nhiều nhất, Afghanistan, có tỉ lệ phiền muộn được chẩn đoán hơn 20% dân số, kế đó là Honduras và những vùng lãnh thổ của người Palestine. Hoa Kỳ có tỉ lệ trong khoảng từ 4% đến 4.5%, trong khi Nhật Bản, nước có tỉ lệ thấp nhất, chưa tới 2.5%.

Lý do, theo các tác giả, là sự xung đột quân sự tiếp diễn, bệnh tật và những yếu tố gây căng thẳng khác cho gia đình và cộng đồng. Nói khác đi, không phải là địa điểm tự nó gây ảnh hưởng, mà hoàn cảnh tại những địa điểm đó mới đóng vai trò quyết định. (N.N.)

MỚI CẬP NHẬT