Dân Luật: Luật Tài Sản (tiếp theo)

Luật Sư LyLy Nguyễn

Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 11, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo di chúc và tín mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Luật Sư LyLy Nguyễn được chứng nhận hành nghề tại Supreme Court of California, United States District Court, United States Court of Appeals for the Ninth Circuit và United States Tax Court. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080. website: www.lylylaw.com

Tại Hoa Kỳ khi đề cập đến quyền sở hữu một tài sản, chúng ta thường nghĩ ngay đến chủ nhân là một người. Trên thực tế rất nhiều tài sản chung thí dụ như một ngôi nhà của hai vợ chồng cùng đứng tên khi mua. Công ty (Corporation hay Incorporated) là một hình thức tài sản chung điển hình với nhiều người cùng đứng làm chủ tập thể căn cứ vào số cổ phần (shares of stock) mua nhiều hay ít. Trên phương diện pháp luật nếu có người mua một cổ phần của Microsoft thì người ấy cũng có quyền lợi ngang với Bill Gates là vị chủ tịch cầm đầu công ty này đang nắm giữ 20% cổ phần của Microsoft. Dĩ nhiên trong thực tế những người mua cổ phần không tham dự vào việc điều hành công ty mà chỉ có ảnh hưởng gián tiếp bằng cách bầu người vào ban quản trị. Cổ phần viên có quyền bán, mua hay trao đổi số cổ phiếu mình có. Dưới pháp lý các người có cổ phần đều độc lập nên quyền sở hữu của mỗi người không mạnh bằng làm chủ một mình.

Tổ hợp hùn hạp (partnership) khác với công ty ở điểm sở hữu chủ đi đôi với quyền điều hành. Như vậy có nghĩa là những người hùn hạp lập một cơ sở thương mại đều có quyền trực tiếp điều hành cơ sở đó và quyền lợi của người hùn hạp không bị giới hạn theo trị giá số phần hùn như theo công ty. Giả sử một công ty bị phá sản, giá trị cổ phiếu trở thành số không thì các người nắm cổ phiếu chỉ bị mất vốn nhưng không bị liên đới phải góp phần trả nợ. Ngược lại cá nhân những người hùn hạp chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu cơ sở bị lỗ lã nợ nần thì phải nai lưng ra mà gánh lấy. Vì điểm bất lợi này nên có vài hình thức hùn hạp biến cải thành tổ hợp hạn chế (limited partnerships) hay công ty hữu hạn (limited companies) theo đó cơ sở được điều hành như một tổ hợp hùn hạp nhưng có đặc tính của công ty. Mặc dầu tổ chức công ty và hùn hạp cùng các cơ sở thương mại khác đều có hình thức chủ quyền chung nhưng do luật thương mại chi phối và luật tài sản chỉ áp dụng cho các hình thức sở hữu chung đối với tài sản cá nhân.

Trong luật tài sản Hoa Kỳ danh từ để gọi sở hữu chủ hay chủ quyền là ownership hay tenancy (xin đừng nhầm với nghĩa thuê mướn nhà cửa). Có ba loại quyền sở hữu tài sản chung (concurrent estates) là liên chủ quyền (joint tenancy), đồng chủ quyền (tenancy in common), và song chủ quyền (tenancy by the entirety). Trong cả ba loại quyền sở hữu chung nói trên mỗi người chủ chung (cotenant) đều có thẩm quyền chiếm hữu và sử dụng trọn vẹn tài sản đó. Song chủ quyền được đồng nhất dành riêng cho hai người hôn phối, có nghĩa là chỉ có hai vợ chồng đứng làm chủ của cải cùng có. Trái lại liên chủ quyền và đồng chủ quyền có thể gồm nhiều nhân vật khác nhau cùng đứng làm chủ không giới hạn số người. Liên chủ quyền và song chủ quyền có đặc điểm giống nhau là quyền chuyển lại cho người sống sót (right of survivorship) khi một người qua đời thì tài sản đó tự động trao cho người chủ chung còn sống, trái lại theo đồng chủ quyền khi một người chết thì tài sản sẽ được chuyển cho con cháu thừa tự (heir) chứ không cho người sống sót. Sau hết, theo liên chủ quyền và song chủ quyền bao giờ tài sản chung cũng chia đồng đều cho mỗi người hưởng phần bằng nhau, còn theo đồng chủ quyền thì có thể chia không đều như người được phần ba còn người kia được hai phần ba chẳng hạn.

Thời nay quyền sở hữu chung rất thông dụng thí dụ như vợ chồng cùng đứng một chương mục ngân hàng hoặc cùng đứng tên mua nhà. Hai anh em ruột có thể cùng làm chủ một nông trại, một cửa hàng hay một nhạc sĩ viết nhạc có sở hữu bản quyền chung với người đặt lời ca. Để hiểu rõ khác biệt giữa các hình thức sở hữu chung hãy lấy thí dụ bà quả phụ Năm trước khi qua đời để di chúc lại ngôi nhà cho hai người con còn sống là cậu Nam và cô Hoa. Theo luật lệ hiện hành thì hai anh em cậu Nam và cô Hoa được coi như có đồng chủ quyền trên ngôi nhà của mẹ để lại trừ phi bà Năm muốn cho các con theo kiểu liên chủ quyền thì luật sư của bà phải viết rõ như vậy trong di chúc. Một thí dụ khác khi mở chương mục tại ngân hàng trong hồ sơ chương mục bao giờ cũng có một ô vuông nhỏ bên cạnh có câu ‘Liên chủ quyền với quyền cho người sống sót’ để ai muốn như vậy thì đánh dấu chữ x vào ô đó, nếu không thì đương nhiên coi như đồng chủ quyền.

Liên chủ quyền và đồng chủ quyền đều có quyền chiếm hữu và sử dụng tài sản bất khả phân, có nghĩa là cậu Nam và cô Hoa đều có quyền ở chung trong ngôi nhà của mẹ để lại chứ không phải xé lẻ thí dụ như cậu Nam ở dưới bếp còn cô Hoa ở phòng trên. Nếu ngôi nhà có liên chủ quyền đem cho thuê thì cả hai anh em đều được chia đều số tiền thâu hàng tháng. Theo đồng chủ quyền khi cậu Nam chết nửa phần ngôi nhà sẽ về tay con cái thừa tự của cậu Nam, ngược lại theo liên chủ quyền thì trọn ngôi nhà sẽ về tay cô Hoa. Như vậy nếu cậu Nam trước khi qua đời muốn chuyển phần mình cho con thì có thể xin đổi liên chủ quyền thành đồng chủ quyền để hủy đi quyền cho người sống sót là cô Hoa. Riêng song chủ quyền chỉ dành cho một cặp vợ chồng nên dĩ nhiên quyền chuyển cho người vợ hoặc chồng sống sót được luật bảo vệ và không thay đổi được.

Xưa kia theo luật cũ cả hai vợ chồng được kể làm một nhưng chỉ có người chồng được quyền bán tài sản chung không cần đến sự đồng ý của vợ, người vợ chỉ có chủ quyền khi chồng chết mà thôi. Ngày nay tài sản của vợ chồng được chi phối theo một trong hai luật là tài sản tách riêng (separate property) áp dụng tại hầu hết các tiểu bang, hay là tài sản cộng đồng (community property) áp dụng ở một vài tiểu bang khác như California, Texas, và Louisiana.

Theo luật thứ nhất tài sản của cả vợ lẫn chồng được tách riêng cho dù có sống chung. Nếu người vợ có một số đất đai, nhà cửa hay cổ phiếu thì bà ta có quyền sử dụng hay chuyển nhượng cho bất cứ ai theo ý muốn mà không cần chồng đồng ý. Trong suốt thời gian ăn ở vợ chồng chỉ có một ràng buộc là bổn phận chia sẻ và nâng đỡ nhau, thí dụ một bà vợ giầu sang không được để cho chồng bị nghèo túng cơ cực hay ngược lại. Dĩ nhiên vợ chồng vẫn có quyền chọn chủ quyền chung với nhau theo tài sản cộng đồng. Nếu ly dị cả hai được phân chia đồng đều (equitable distribution) theo tự nguyện thỏa thuận với nhau trong việc chia tài sản chung tùy ai là người đóng góp nhiều hơn và ai có nhu cầu cần hơn.

Theo luật thứ hai tài sản của vợ chồng có sẵn trước khi thành hôn kể cả những tặng phẩm hay những gì đạt được sau khi đã thành hôn do quà tặng riêng hoặc do di sản thừa hưởng riêng đều được kể là tài sản cá nhân của mỗi người và áp dụng theo luật tài sản tách riêng. Ngược lại những tài sản tạo được trong cuộc sống vợ chồng kể cả những gì do lợi tức của hai người kiếm ra phải kể là tài sản chung. Mỗi người hôn phối đều có quyền cùng sử dụng tài sản chung mà không cần xin phép người kia. Ngoài ra cả vợ lẫn chồng đều có quyền chuyển nhượng ngoại trừ đất đai và một vài loại tài sản thương mại cần phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng. Khi ly dị tài sản chung sẽ được chia đôi còn các tài sản khác sẽ được phân ra một cách công bằng và hợp tình hợp lý.

Chiếu theo luật thừa kế (elective share) trong việc vợ chồng phân chia tài sản có một giới hạn quan trọng là cấm không cho giải tán tài sản chia cho thừa kế khác khi chồng hay vợ qua đời. Bất kể đến di chúc viết ra sao người hôn phối sống sót còn lại vẫn được hưởng một nửa hoặc một phần ba tài sản chung. Điều luật này bảo vệ cho vợ hoặc chồng còn sống không bị lâm vào tình trạng quẫn bách và thiệt thòi vì mất hết tài sản do hôn nhân tạo chung mà người quá cố lại muốn để cho người khác.

Tuần tới chúng tôi tiếp tục mục tìm hiểu luật tài sản với chi tiết về các thủ tục chuyển nhượng tài sản theo thời gian. Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) để giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với LyLy Nguyễn, Esq. tại văn phòng chính ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, CA 92708, Điện thoại: (714) 531-7080, website:lylylaw.com.