Dân Luật: Luật Tài Sản

Luật Sư LyLy Nguyễn

Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 11, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo di chúc và tín mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Luật Sư LyLy Nguyễn được chứng nhận hành nghề tại Supreme Court of California, United States District Court, United States Court of Appeals for the Ninth Circuit và United States Tax Court. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080. website: www.lylylaw.com

Trong loạt bài mở đầu Tìm Hiểu Luật Pháp Hoa Kỳ đăng trên Người Việt năm ngoái chúng tôi có đề cập đến luật tài sản với thủ tục quản trị và chuyển nhượng tài sản lúc còn sống cũng như sau khi qua đời qua các thể thức lập di chúc và lập tín mục theo luật lệ hiện hành của tiểu bang California. Sau khi loạt báo được phổ biến, chúng tôi đã nhận được nhiều thư của độc giả yêu cầu dẫn giải thêm về căn bản luật tài sản với những áp dụng chung trên toàn thể đất Mỹ.

Hoa Kỳ là một xã hội dân chủ ở đó ai cũng có quyền làm chủ những tài sản mình có và được bảo vệ dưới luật pháp trái hẳn với chủ thuyết vô sản của các nước Cộng Sản. Từ xưa tới nay nguyên tắc căn bản của luật tài sản thật rõ ràng: Ai có vật gì thì là chủ vật đó dĩ nhiên muốn sử dụng cách nào cũng được. Tuy nhiên luật tài sản không giản dị như vậy vì vướng mắc nhiều vấn đề xã hội nhất là thường thay đổi theo đà phát triển văn minh kỹ thuật. Lấy thí dụ chính phủ có quyền hạn chế không cho khai quang các vùng dọc theo duyên hải để tránh xói mòn bờ biển hay không? Còn trường hợp của một bác sĩ thông thái sáng chế ra một loại thuốc trị ung thư hữu hiệu do thử nghiệm bằng máu của một bệnh nhân thì bác sĩ hay bệnh nhân ai có chủ quyền sở hữu thuốc đó? Đề cập đến luật tài sản theo trực giác thì ai cũng hiểu nghĩa của chữ “sở hữu,” từ một trẻ nhỏ như Ashley cũng biết dành đồ chơi của bé cũng như cha mẹ Ashley có chủ quyền trên đất đai, nhà cửa, xe cộ của gia đình này. Sở hữu chủ (ownership) là quyền sử dụng một vật thể thuộc về mình thí dụ như Ashley có quyền chơi với búp bê của bé và giả làm mẹ săn sóc con. Về phía người lớn thì bà mẹ Quỳnh Thu có thể sơn nhà hai mầu hay trồng hoa hồng ở vườn sau theo ý thích. Quan niệm về sở hữu chủ là nòng cốt của luật tài sản đã có từ thời xưa từ khi xuất hiện xã hội loài người. Luật Tài Sản chú trọng đến nhiều thứ khác nhau mà mọi người có thể làm chủ được cũng như ấn định cách làm chủ ra sao. Những hiện vật như con búp bê của bé Ashley hay căn nhà của bà mẹ Quỳnh Thu đều được kể là tài sản và hầu hết tài sản là các hiện vật hữu hình. Sở dĩ chỉ được kể là “hầu hết” thôi bởi vì có những thứ tuy là một thực thể nhưng không thể gọi là tài sản, thí dụ bé Ashley là con nên dĩ nhiên thuộc về Quỳnh Thu và chồng, nhưng không thể kể bé Ashley là “tài sản” của cha mẹ bé được. Định nghĩa tài sản dĩ nhiên thay đổi theo đà tiến hóa của xã hội, thí dụ vài trăm năm trước đây cũng ở đất Mỹ một người nô lệ da đen không được tôn trọng nhân quyền và được kể đồng loại với các tài sản khác của người chủ da trắng như một con bò, con ngựa.

Quyền sở hữu không chỉ tùy thuộc vào những hiện vật. Giả sử ông ngoại của Ashley là một nhạc sĩ, ông có bản quyền trên những tác phẩm do ông sáng tác. Đó là một loại tài sản vô hình gọi là tài sản trí tuệ (intellectual property), mặc dù ông không có chủ quyền trên một quyển sách nhạc người khác đã mua, nhưng ông có chủ quyền phát hành các sách nhạc đó. Cha mẹ của Ashley ngoài nhà cửa, xe cộ còn làm chủ một số cổ phiếu, công khố phiếu, ngân phiếu cùng một số tiền mặt bằng bạc giấy. Những công cụ tài chánh này rất thông dụng trong xã hội hiện đại dù mang giá trị vô hình. Vì nghĩa tài sản không hạn chế bằng những vật thể nên phải hiểu tài sản là tất cả những tài nguyên nào có giá trị do đó lệ thuộc vào Luật Tài Sản. Tuy nhiên quyền sở hữu không tuyệt đối, thí dụ ở Mỹ một người không thể tự tiện biến cải nhà riêng ở khu dân cư thành một quán cà phê như ở Việt Nam, có khách ra vô tấp nập và mở nhạc ồn ào náo động hàng xóm vì như thế là vi phạm luật thành phố. Đó chưa kể đến nhiều hạn chế khác áp đặt trên quyền sử dụng tài sản thí dụ những ai vay tiền mua nhà phải lệ thuộc vào khế ước vay tiền (mortgage) ký kết với ngân hàng theo đó không được tự ý sang nhượng cho tới khi trả nợ xong lúc đó mới kể là hoàn toàn làm chủ ngôi nhà. Như vậy quyền sở hữu thực ra không phải là chủ quyền tuyệt đối trên mọi thứ mà chỉ là mối liên hệ giữa người đối với một tài nguyên có trị giá.

Trên nguyên tắc sở hữu chủ một hiện vật có quyền tự do sử dụng theo ý muốn mà không bị người khác cấm cản, có quyền ngăn cấm người khác không cho đụng chạm đến vật sở hữu của mình, có quyền chuyển nhượng cho bất cứ ai mà mình muốn, và cũng có quyền không cho ai gây thiệt hại đến vật sở hữu của mình. Trong các quyền trên việc ngăn cấm không cho người khác sử dụng tài sản của mình rõ rệt hơn cả. Dĩ nhiên một người hành khất vô gia cư không được ngang nhiên vào nhà người ta mà ngủ nếu không có phép của chủ nhà. Tự tiện dắt chó đi qua vườn nhà khác hay xả rác sẽ bị kết vào tội xâm nhập (trespass). Theo truyền thống chủ một bất động sản dĩ nhiên hoàn toàn có chủ quyền trong ranh giới trên bề mặt đất, không những thế còn sâu xuống lòng đất và thẳng lên trời xanh tính thẳng góc với mặt đất. Lấy thí dụ đào một đường hầm xuyên ngang qua vườn nhà hàng xóm thì kể như vi phạm đất của họ. Tuy nhiên ngày nay chủ quyền trên không phận được giới hạn vì không thể cấm cản máy bay hay vệ tinh bay qua nhà mình được. Ngoài ra còn những ngoại lệ thí dụ như bộ hành có thể đi trên lề đường trước cửa nhà người khác không cần xin phép, hoặc nhân viên cảnh sát, cứu hỏa có quyền vào bất cứ nhà nào trong trường hợp khẩn cấp mà không bị kể là xâm nhập. Xâm nhập không hẳn chỉ kể hành vi cụ thể mà còn kể đến những sự kiện vô hình nhưng có gây ảnh hưởng đến tài sản người khác, thí dụ như một nhà máy bào chế phân bón nhả ra không khí mùi khó ngửi có hại cho sức khỏe mọi người, hoặc phun bụi khói rớt vào nhà cửa phụ cận cũng kể như xâm phạm gọi là phiền nhiễu (nuisances). Tuy nhiên thẩm định những loại vi phạm này thành tội xâm nhập rất phức tạp vì tòa án phải xét thật kỹ sự kiện ra sao, thời gian và chu kỳ xẩy ra cùng mức độ gây phiền nhiễu cho sở hữu chủ nghiêm trọng đến đâu để áp dụng luật tài sản một cách thích đáng.

Mặc dầu tài sản có rất nhiều nghĩa nhưng luật tài sản phân định rõ hai loại chính yếu là bất động sản (real estate) như đất đai, nhà cửa và tài sản cá nhân (personal property) là tất cả những vật sở hữu khác không phải bất động sản. Tài sản có thể dưới dạng vật thể hữu hình như xe cộ, nữ trang, bàn ghế hay dạng vô hình như bản quyền, giấy nợ hay trương mục ngân hàng chẳng hạn và mỗi loại được ấn định theo một loại luật tài sản khác nhau. Đất đai là một loại tài sản hữu hình thông dụng và bản quyền hay nhãn hiệu cầu chứng là thí dụ cho tài sản vô hình gọi chung là tài sản trí tuệ. Bản quyền, cầu chứng được luật pháp bảo vệ vì đó là những công trình sáng tạo bằng trí óc hay tài năng của một cá nhân và có giá trị thương mại. Những ai sử dụng máy điện toán đều biết danh hiệu “Windows” với hình sáu cánh cửa sổ bốn màu bay có giá trị thương mại vì mọi người đều biết nhu liệu này do hãng Microsoft sáng chế làm cho việc sử dụng máy điện toán trở thành giản dị và tất nhiên Microsoft có quyền sở hữu trên giá trị của hệ thống Windows.

Tài sản trí tuệ nói một cách tổng quát đã nêu lên những đặc điểm quan trọng của tài sản. Thứ nhất, tài sản như đất đai vốn hiện hữu trên trái đất từ thuở khai thiên lập địa, vấn đề phân phối chủ quyền tính ngược thời gian từ lúc có người chiếm hữu đầu tiên chuyển qua tay nhiều sở hữu chủ cho đến người chủ hiện tại và sẽ còn tiếp nối vô tận trong tương lai. Trái lại bản quyền và cầu chứng đều là sản phẩm của luật pháp vì nếu không có luật bảo vệ thì đó chỉ là một công trình phát minh hay một tác phẩm nhưng không có quyền sở hữu mà ai cưỡng chiếm cũng được. Dĩ nhiên bản quyền và cầu chứng là tài sản trí tuệ được tạo ra có luật pháp bảo vệ nên dễ được xác định hơn là hiểu theo nghĩa chung của chủ quyền. Thứ hai, quyền sở hữu chủ của tài sản trí tuệ không giản dị đơn thuần. Bằng sáng chế, bản quyền và cầu chứng cùng đều là tài sản trí tuệ nhưng luật tài sản ấn định quyền hạn mỗi loại khác nhau, thí dụ như mỗi cầu chứng chỉ có giá trị trong hai mươi năm nhưng bản quyền thì có thời hạn suốt cuộc đời của tác giả cộng thêm bảy chục năm cho đến khi hết giá trị thương mại. Tuy nhiên bản quyền cũng định qui luật trong việc phổ biến cho phép công chúng sử dụng một cách hợp lý thí dụ như một giáo sư có quyền dẫn chứng một đoạn sách của một tác giả trong việc giảng dạy mà không bị vi phạm bản quyền.

Tuần tới chúng tôi tiếp tục mục tìm hiểu luật tài sản với chi tiết về quyền sở hữu chung. Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) để giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với LyLy Nguyễn, Esq. tại văn phòng chính ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, CA 92708, Điện thoại: (714) 531-7080, website:lylylaw.com.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Ba, ngày 18 tháng 7 năm 2017