Friday, March 29, 2024

Luật Di Trú: I-601 Waiver

Darren Nguyen Ngoc Chuong, Esq.

Luật Di Trú Hoa Kỳ là loại luật rất phức tạp, do đó, theo yêu cầu của đa số bạn đọc cần am tường và thấu hiểu về luật này, tòa soạn nhật báo Người Việt mời Luật Sư Darren Nguyen Ngoc Chuong của Tổ Hợp Luật Sư Nguyễn & Lưu, www.NguyenLuu.com, phụ trách mục “Tìm Hiểu Luật Di Trú,” đăng hàng tuần trên Người Việt. Luật Sư Darren Nguyen Ngoc Chuong là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất tại Orange County, California được luật sư Đoàn Tiểu Bang California công nhận chuyên môn về ngành Luật Di Trú Hoa Kỳ. Hiện nay California có trên 254,000 luật sư nhưng chỉ có 209 luật sư có bằng chuyên môn về Luật Di Trú, trong số đó có Luật Sư Darren Nguyen Ngoc Chuong. Luật Sư Darren Nguyen Ngoc Chuong đã từng làm việc cho Sở Di Trú Hoa Kỳ (INS). Luật Sư Darren Nguyen Ngoc Chuong có nhiều kinh nghiệm trong việc thiết lập hồ sơ và bổ túc các tài liệu cần thiết để được Sở Di Trú chấp thuận.

Tất cả những người làm đơn xin thị thực dù là thị thực để xin đi du lịch, du học, xin chiếu khán di dân, hoặc làm adjustment of status (tức là làm đơn xin thay đổi tình trạng di trú thành thường trú nhân) điều bị lệ thuộc vào điều luật 212 Inadmissibility Grounds (tức là điều luật cấm nhập cảnh). Đương đơn sẽ bị cấm nhập cảnh nếu có tiền án, khai gian, hoặc ở Hoa Kỳ bất hợp pháp trên 6 tháng.

Khi đương đơn bị lọt vào một trong những điều luật cấm nhập cảnh, thì Sở Di Trú hoặc Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ sẽ yêu cầu đương đơn nộp mẫu đơn I-601 để xin miễn điều luật cấm nhập cảnh nếu đương đơn hội đủ điều kiện để xin miễn. Đương đơn hội đủ điều kiện để nộp đơn xin miễn điều luật cấm nhập cảnh không có nghĩa Sở Di Trú sẻ chấp thuận đơn I-601 mà chỉ là Sở Di Trú nhận hồ sơ để xét duyệt đơn I-601 có đáng được chấp thuận hay không.

Hồ sơ xin chiếu khán bị từ chối vì lý do khai gian hoặc gian lận để hưởng quyền lợi di trú chiếu theo điều luật 212(a)(6)(C) của Bộ Luật Di Trú xảy ra cũng khá thường xuyên. Những trường hợp đó thường xảy ra khi đương đơn đã làm đơn trước đây xin chiếu khán di dân hoặc xin chiếu khán có giới hạn nhưng đã bị từ chối. Điển hình là đương đơn đã được người vị hôn phu vị hôn thê hoặc người phối ngẩu bảo lãnh nhưng hồ sơ bị Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ từ chối không cấp chiếu khán vì Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ không tin hoặc đương sự không chứng minh được sự liên hệ gia đình với người bảo lãnh. Vì hồ sơ kéo dài nhiều năm, một trong hai người nản chí không tiếp tục với hồ sơ thứ nhất đó nữa và hủy bỏ hồ sơ. Vài năm sau hồ sơ bảo lãnh anh chị em hoặc cha mẹ của đương đơn được đáo hạn hoặc đương đơn có người phối ngẩu mới bảo lãnh. Khi hồ sơ bảo lãnh thứ nhì được chuyển về Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ để phỏng vấn, hồ sơ thứ nhì đó sẽ bị từ chối vì hồ sơ thứ nhất đã bị từ chối vì không chứng minh được sự liên hệ gia đình. Khi đương đơn không chứng minh được sự liên hệ gia đình với người bảo lãnh, Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ sẽ cho là sự liên hệ gia đình đó là giả. Theo Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ, khi đương đơn có cơ hội để khiếu nại hồ sơ bị từ chối mà đương đơn không khiếu nại thì Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ cho rằng sự quyến định của họ là đúng và kết luận rằng đương đơn đã khai gian với Lãnh Sự.

Trong trường hợp du học có nhiều người không đủ tài chánh và được dịch vụ giúp làm giấy tờ giả để chứng minh có tài chánh và bị Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ phát giác giấy tờ giả đó. Trong trường hợp du lịch có nhiều đương đơn còn độc thân thì dịch vụ khai là đương đơn có gia đình để có nhiều cơ hội được cấp chiếu khán. Khi Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ phát giác là khai gian, hồ sơ xin thị thực sẽ bị từ chối. Sau này khi có hồ sơ bảo lãnh thân nhân, hồ sơ xin chiếu khán di dân sẽ bị từ chối. Nếu đương đơn được cấp chiếu khán nhập cảnh Hoa Kỳ theo diện du lịch và sau khi nhập cảnh Hoa Kỳ kết hôn với người công dân Hoa Kỳ và làm hồ sơ thay đổi tình trạng di trú sang thành thường trú nhân, Sở Di Trú sẽ từ chối nếu họ phát giác là đương đơn đã khai gian là có gia đình khi sự thật là đương đơn không có. Những trường hợp chúng tôi vừa trình bày là một vài thí dụ điển hình mà thôi.

Điểm chính đây là khi đương đơn có tiền án hoặc đã khai gian với chính quyền Hoa Kỳ thì chiếu khán sẽ bị từ chối vì đã bị lọt vào 1 trong những điều luật cấm nhập cảnh Hoa Kỳ.

Mời quí bạn đọc theo dõi tiếp theo kỳ tới, cũng trong mục di trú do Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương phụ trách, trên số báo Người Việt Thứ Bảy tuần tới, với đề tài “I-601 – Phần 2.”

Bản tin chiếu khán

Theo sự yêu cầu của quí bạn đọc, sau đây là bản thông tin chiếu khán cho tháng 9 năm 2016.

Ưu tiên 1 – priority date là ngày 15 tháng 9 năm 2009, tức là Ưu Tiên được dành cho những người con trên 21 tuổi chưa có gia đình của công dân Hoa Kỳ.

Ưu tiên 2A – priority date là ngày 15 tháng 11 năm 2014, tức là Ưu Tiên được dành cho Vợ, Chồng, hoặc Con độc thân dưới 21 tuổi của thường trú nhân.

Ưu tiên 2B – priority date là ngày 2 tháng 2 năm 2010, tức là Ưu Tiên được dành cho Con độc thân trên 21 tuổi của thường trú nhân.

Ưu tiên 3 – priority date là ngày 1 tháng 12 năm 2004, tức là Ưu Tiên được dành cho Con đã có gia đình của công dân Hoa Kỳ.

Ưu tiên 4 – priority date là ngày 8 tháng 10 năm 2003, tức là Ưu Tiên được dành cho Anh, Chị hoặc Em của công dân Hoa Kỳ.

Quí vị có thể tự theo dõi bản thông tin chiếu khán cho hàng tháng tại website của Tổ Hợp Luật Sư Nguyen & Luu, LLP tại: http://www.nguyenluu.com/vn/vnbulletin/2016-03%20luatditru_banchieukhan_dienthannhan.html

Mọi thắc mắc xin liên lạc: Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương hoặc Luật Sư Lưu Trọng Cẩm Thương của Tổ Hợp Luật Sư Nguyễn & Lưu, LLP địa chỉ số 1120 Roosevelt, Irvine, CA 92620. Website www.NguyenLuu.com. Điện thoại (949) 878-9888.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT