Thursday, March 28, 2024

Khám phá xe cảnh sát

Tư Mỏ Lết

Có một loại xe công rất thường thấy trên đường phố Mỹ, nhưng lại ít người muốn được mời lên làm khách ngồi. Xe gì vậy? Xin thưa, xe cảnh sát!

Đối với dân gốc Việt mình, “tình cảm” dành cho xe cảnh sát được cho là… “có thương, có sợ,” chứ không chỉ còn đơn thuần là “sợ và ghét” như khi còn ở Việt Nam. “Sợ” xe cảnh sát thì dễ hiểu rồi, vì mấy ai mà không… phạm luật?

Đi trên xa lộ lỡ chạy quá tốc độ giới hạn, nhìn ra kính chiếu hậu mà thấy xe cảnh sát chớp đèn, dĩ nhiên là phải buồn rồi! Lỡ băng ngang qua một ngã tư có stop side mà thấy xe cảnh sát, sẽ hơi… giật mình, vì không biết mình đã ngừng xe hẳn đúng ba giây chưa?

Nhưng mà cảnh sát ở bên Mỹ vẫn còn dễ thương chán. Nhất là mỗi khi bị tai nạn, cần sự giúp đỡ trên xa lộ, thấy xe cảnh sát là sẽ cảm thấy yên tâm.

Cảnh sát sử dụng xe cảnh sát trong nhiều mục đích: Để tuần tra, để rượt đuổi tội phạm, để nhốt tội phạm, để liên lạc… Vì vậy, cũng dễ đoán rằng xe cảnh sát sẽ được thiết kế, trang bị đặc biệt, khác hơn nhiều so với những chiếc xe mà chúng ta đang đi. Không chỉ có đèn chớp và tiếng còi hụ là thành xe cảnh sát đâu! Trên trang web http://auto.howstuffworks.com có một bài viết khá thú vị, giúp biết rõ hơn về những chiếc xe “đáng thương và đáng sợ” này.

Đầu tiên, hãy tìm hiểu một chút về lịch sử của xe cảnh sát. Xe cảnh sát bắt đầu xuất hiện từ những năm cuối của thế kỷ 19. Ban đầu, cảnh sát dùng xe mô tơ hai bánh, vì xe hơi đắt hơn. Cảnh sát bắt đầu sử dụng xe hơi nhiều hơn sau khi phát hiện ra là… kẻ cướp hay sử dụng xe hơi. Một điều khá bất ngờ, khi biết rằng chiếc xe hơi cảnh sát đầu tiên vào năm 1899 của cảnh sát Akron, Ohio là một chiếc xe điện. Nó chạy được 16 mph nhờ vào lực kéo của hai mô tơ điện bốn mã lực, và nó sử dụng cái chuông đĩa như là còi báo động. Cảnh sát Ohio sử dụng chiếc xe này đầu tiên là để chở những… tay say rượu bất tuân lệnh!

Vào thập niên 1920 và 1930 của thế kỷ 20, sở cảnh sát bắt đầu sử dụng xe hơi nhiều. Với một chiếc xe hơi và radio, cảnh sát có thể tuần tra trên một địa bàn rộng hơn. Vào thời điểm đó, sở cảnh sát mua những chiếc xe hơi bình thường, rồi đem về tự… “độ” lại để thành xe cảnh sát. Mà công việc “độ” xe vào lúc đó rất đơn giản, chủ yếu khác xe thường chỉ là sơn dấu hiệu, lắp đèn. Mãi đến sau Đệ Nhị Thế Chiến, các hãng xe Ford, Chevrolet, Dodge mới bắt đầu giới thiệu những trang bị tùy chọn riêng cho xe cảnh sát, gọi là “police package.”

Tất cả các xe cảnh sát đều dựa trên kiểu dáng của những chiếc xe dân sự đang sản xuất, trừ một số trường hợp rất ít là từ xe quân đội chuyển đổi sang cho cảnh sát. Không có một hãng xe nào chỉ làm xe riêng cho cảnh sát, mà họ chỉ làm những phiên bản đặc biệt như “interceptor,” hay “police” của những kiểu sẵn có. Hầu hết những kiểu dáng này thuộc chủng loại “large sedan.”

Những chiếc xe cảnh sát phổ biến nhất ở khu vực Bắc Mỹ có thể kể là: Ford Crown Victoria, Chevrolet Caprice, Impala, và mới những năm gần đây có thêm Dodge Charger. Những chiếc này có thiết kế phù hợp với yêu cầu cho một chiếc xe cảnh sát: Cốp sau rộng để chứa nhiều trang bị dụng cụ, băng ghế sau rộng để tạm nhốt những kẻ tình nghi bị bắt, động cơ tương đối lớn…

Cảnh sát xứ nào thì thường dùng xe của quốc gia đó làm xe cảnh sát. Thí dụ, xe cảnh sát ở Ý thường là Fiat, ở Đức có thể là BMW… Ngày nay, cảnh sát cũng có dùng một vài loại xe thể thao, chủ yếu để rượt đuổi tội phạm: Camaros, Mustangs, Covettes…

Hãy thử nghiên cứu điều kiện hoạt động thường gặp của một chiếc xe cảnh sát. Trong những trường hợp khẩn cấp, đó là những cuộc rượt đuổi kẻ tình nghi với tốc độ trên 100 mph. Đó là những cuộc tuần tra trên những địa hình hiểm trở, khi bị tội phạm hung dữ húc.

Trong những ngày “bình yên,” xe cảnh sát có thể lặng lẽ tuần hành cả hàng giờ đồng hồ, trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt khác nhau. Thí dụ dưới ánh nắng gay gắt của sa mạc mùa Hè, hay cái lạnh buốt giá của những đêm Đông. Và khi cần, xe cảnh sát phải chuyển từ chế độ “bình yên” này sang “khẩn cấp” chỉ trong một vài giây.

Để có thể làm việc được đúng chức năng, xe cảnh sát phải có đủ điện năng để cung cấp cho hệ thống radio, máy tính, đèn, còi hụ, và nhiều trang thiết bị khác. Thêm nữa, xe cảnh sát thường nặng hơn khoảng 1,000 lbs (454 Kg) so với xe dân sự cùng kiểu dáng. Xin lưu ý rằng, điều quan trọng nhất với một chiếc xe cảnh sát không phải là nhanh, mà chính là sự bền bỉ, vững chắc.

Sau đây là một vài chi tiết kỹ thuật quan trọng của một chiếc xe cảnh sát:

– Động cơ lớn: Sở cảnh sát phải tìm được sự cân bằng giữa sức mạnh và tính kinh tế. Hầu hết các xe cảnh sát sử dụng động cơ V6 (6 xy lanh), chỉ có một số ít sử dụng động cơ V8. Động cơ phải bền bỉ trong những điều kiện hoạt động nặng.

– Máy phát điện được nâng cấp: Máy phát điện chuyển động năng từ động cơ thành điện năng để cung cấp cho đèn, còi và những thiết bị điện, điện tử khác. Vì vậy, xe cảnh sát sử dụng máy phát cho ra 225 amps hoặc hơn, trong khi máy phát trong xe thường chỉ cho ra 100 amps. Bình điện của xe cảnh sát cũng là loại đặc biệt, để tăng cường cho hệ thống cấp điện.

– Bộ phận làm mát: Trong điều kiện máy phải làm việc nặng nhọc như xe cảnh sát, hệ thống làm mát cũng phải trang bị đặc biệt hơn. Những bộ phận làm nguội nhớt máy và nhớt hộp số thì vẫn bình thường, nhưng bộ giải nhiệt và quạt đều được thiết kế công suất lớn hơn.

– Dàn nhún và thắng được thiết kế cho điều kiện làm việc nặng. Má thắng lớn hơn, bền hơn. Dàn nhún, giảm chấn khỏe hơn, giúp cho xe cảnh sát quẹo hay dừng lại khá êm ái, mặc dù tải trọng nặng.

– Những thiết bị đặc biệt khác: Trục máy, dàn khung, bánh xe đều được thiết kế bền chắc hơn là xe thường.

Một điểm đáng lưu ý là xe cảnh sát Hoa Kỳ không có “đồng phục,” tức là không có màu sơn giống nhau cho mọi xe cảnh sát trên toàn quốc. Mặc dù màu trắng đen được sử dụng nhiều nhất từ thập niên 1950, nhưng có nhiều tiểu bang, thành phố sử dụng màu sơn khác. Thân xe cảnh sát có lớp chống đạn bảo vệ.

Thế còn trang thiết bị của một xe cảnh sát? Những nhà chế tạo xe thường không lắp đặt sẵn các trang thiết bị cho xe cảnh sát. Công việc này thường do sở cảnh sát địa phương thực hiện. Lý do là vì mỗi địa phương có những đặc điểm khác nhau, cho nên cảnh sát ở đó được trang bị khác nhau.

Dàn đèn chớp trên nóc xe là một trong những thứ không thể thiếu của xe cảnh sát. Mui xe cảnh sát được gia cố để giữ vững cho dàn đèn sáng trưng này, gồm các màu trắng, đỏ, xanh, được thiết kế để khi chớp, thì khó có ai có thể chối là… không thấy, ngay cả vào lúc ban ngày.

Còn tiếng còi hú của xe cảnh sát được tạo ra từ một cái quạt thổi sóng âm qua một lỗ có hình dạng đặc biệt trong một cái trống nhỏ, nhờ vậy mà tiếng hú của nó rất to. Hệ thống còi hiện đại có thể điều khiển sóng âm, để có thể tạo ra những loại âm thanh khác nhau tùy theo mục đích, thí dụ như “hi-lo,” “the yelp,” “the wail.”

Xe cảnh sát sử dụng những tần số radio đặc biệt. Có thể đưa âm thanh từ micro ra loa có liên kết với hệ thống tạo còi hú, cho phép cảnh sát có thể giao tiếp với công chúng một cách rõ ràng ngoài đường phố ồn ào.

Những xe cảnh sát hiện đại nào cũng được trang bị một máy tính laptop, đặt ở vị trí gác tay của tài xế. Với máy tính này, cảnh sát có thể truy cập một lượng thông tin khổng lồ, bao gồm cả thông tin về chiếc xe đang bị theo dõi, thông tin về những nghi phạm đang bị theo dõi, thông tin về những chiếc xe mới bị mất cắp… Cũng trên chiếc máy tính này, cảnh sát có thể lập biên bản, cũng như ghi lại lời của nhân chứng khi cần thiết.

Một chiếc xe cảnh sát được đại loại là như thế. Cảnh sát Mỹ được trang bị tận răng, và bảo vệ rất cẩn mật trong khi làm nhiệm vụ. Bởi thế cho nên, dân ta có hơi “nể sợ” khi một chiếc xe cảnh sát ở đằng sau xe mình trên đường phố cũng là chuyện… dễ thông cảm!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT