Tuesday, April 23, 2024

Luật Hiến Pháp: Diễn giải và áp dụng Hiến Pháp (tiếp theo)

Luật Sư LyLy Nguyễn

Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 11, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Ðịnh Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo di chúc và tín mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang.  Luật Sư LyLy Nguyễn được chứng nhận hành nghề tại Supreme Court of California, United States District Court, United States Court of Appeals for the Ninth Circuit và United States Tax Court. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Ðiện thoại: (714) 531-7080. website: www.lylylaw.com

Dân chúng Hoa Kỳ nghĩ rằng tự do tín ngưỡng là một trong những dân quyền quan trọng nhất. Đúng vậy, vào năm 1996 có một thay đổi đáng chú ý tại Tối Cao Pháp Viện vô tình thành một thí dụ về sức mạnh của tự do tín ngưỡng. Tại Tối Cao Pháp Viện từ xưa đến nay đạo Tin Lành vẫn chiếm đa số, bỗng nhiên thẩm phán tối cao Clarence Thomas tuyên bố bỏ Tin Lành trở lại theo Công Giáo là đạo ông đã tin từ lúc còn thơ ấu khiến cho lần đầu tiên trong lịch sử của tòa án tối cao này đạo Tin Lành trở thành thiểu số vì chỉ còn bốn trong chín vị thẩm phán theo Tin Lành mà thôi.

Điều khoản IV Hiến Pháp định rằng “tiêu chuẩn lựa chọn người vào bất cứ chức vụ nào hay bổ nhiệm vào cơ quan nào tại Hoa Kỳ không được dựa vào tôn giáo.” Đây thật là một cuộc cải cách vĩ đại bởi vì trước lúc soạn thảo điều khoản này tại Anh Quốc và các thuộc địa các công bộc khi nhậm chức bắt buộc phải đem tôn giáo (Tin Lành) ra tuyên thệ. Trong Tu Chính Thứ Nhất quyền tự do tín ngưỡng được xác định trong hai câu: “Quốc Hội không được làm ra bất cứ đạo luật nào liên quan tới việc thành lập một tôn giáo, hoặc ngăn cấm sự tự do hành đạo…” Theo đó hai câu về tự do tín ngưỡng là việc thành lập một tôn giáo và tự do hành đạo. Trên nền tảng căn bản câu “thành lập” có ý ngăn cấm chính phủ không được thiết lập một tôn giáo bằng cách dùng quyền uy quốc gia để hỗ trợ cho một tôn giáo đặc biệt nào đó. Còn câu “tự do hành đạo” có ý ngăn cấm chính phủ không được xâm phạm vào quyền lựa chọn tôn giáo của một cá nhân. Khi cấm chính phủ không được hỗ trợ một tôn giáo, câu thành lập tôn giáo đã cho cá nhân quyền hạn rộng rãi hơn trong việc chọn tôn giáo theo đức tin của mình; và câu tự do hành đạo ngăn ngừa tình trạng biến tôn giáo làm thành phần lệ thuộc vào quyền lực chính phủ.

Để giải quyết các mâu thuẫn giữa chính phủ và tôn giáo về tự do tín ngưỡng có ba nguyên tắc căn bản hướng dẫn. Nguyên tắc thứ nhất là bất cứ ai cũng có quyền tự ý chọn lựa tôn giáo mình muốn, như thế ai cũng có quyền theo bất cứ đạo nào tùy ý hay không theo đạo nào cũng được. Chính phủ không có quyền ép buộc hay ngăn cản quyền lựa chọn này, ngay kể cả việc đóng góp công của cho một cơ sở tôn giáo cũng phải đặt trên nguyên tắc tự nguyện. Nguyên tắc thứ hai là tách tín ngưỡng và chính quyền ra hai phạm vi khác nhau. Chính phủ phải tránh hoàn toàn không được liên hệ hay vướng mắc vào bất cứ giao dịch tôn giáo nào, thí dụ như không được dùng tiền thuế của dân để giúp cho các cơ sở hay các hoạt động tôn giáo. Nguyên tắc thứ ba là chính phủ phải giữ trung lập và đối xử bình đẳng với mọi tôn giáo, có nghĩa là không ưu đãi hay bạc đãi bất cứ một tôn giáo nào, cũng như không thiên vị một hoạt động tôn giáo hơn một hoạt động không tôn giáo.

Theo những nguyên tắc trên thì tiểu bang không được dùng ngân sách chính phủ để trợ giúp cơ sở tôn giáo, thí dụ như một ngôi chùa bị hỏa hoạn thì tiểu bang không thể giúp tiền hay vật liệu để xây lại ngôi chùa ấy được. Tuy nhiên lúc ngôi chùa đó đang bị cháy thì bắt buộc Sở Cứu Hoả thành phố phải tới dập tắt ngọn lửa dù rằng phải dùng dụng cụ, xe cứu hỏa cùng nhân viên cứu hỏa mà chính phủ phải đài thọ bằng tiền thuế dân đóng. Sở dĩ Sở Cứu Hoả phải thi hành công tác cứu cấp bất kể nơi bị cháy là cơ sở tôn giáo hay không tôn giáo vì rằng khi còi báo động lửa cháy ở đâu thì sở cứu hỏa tự động phải đến tiếp cứu ngay bất kể đó là cơ sở gì. Trường hợp trên dù giúp chữa cháy ngôi chùa nhưng chính phủ không bị buộc lỗi trợ giúp tôn giáo.

Có rất nhiều trường hợp rắc rối khó chia ranh giới giữa định nghĩa trợ giúp hay không trợ giúp cho một cơ sở tôn giáo. Dĩ nhiên chính phủ không được xây nhà thờ, chùa chiền, hay đền đài, nhưng lấy thí dụ chính quyền thành phố trong dịp giáng sinh dựng cây Chrismas Tree ngay giữa trung tâm thành phố một với máng cỏ diễn sự tích Chúa Hài Đồng ra đời, hay trong ngày Phật Đản cho phép tư nhân trưng bầy một Phật Đài kỷ niệm đản sinh Đức Phật Thích Ca ngoài phố ra khỏi phạm vi chùa chiền có được hay không? Tối Cao Pháp Viện định nghĩa điều kiện và ranh giới sinh hoạt của chính phủ tránh vi phạm điều luật cấm thiết lập tôn giáo như sau: “Trước nhất các luật lệ phải rõ ràng không vì mục đích tôn giáo, thứ đến sinh hoạt đó phải không có ảnh hưởng thiên vị hay cấm cản tôn giáo, sau hết luật lệ đó không gây vướng mắc hệ lụy với tôn giáo.” Dĩ nhiên những điều này rất khó áp dụng thí dụ như trong vụ án Allegheny County v. ACLU (1989) ngay trên bậc thềm của tòa án quận Allegheny vào dịp giáng sinh có trưng bày cảnh Chúa Hài Đồng ra đời kèm theo một tấm bảng đề tặng của Hội Thánh Tin Lành và trước cửa cao ốc cơ sở quận và thành phố có một cây Giáng Sinh dựng cùng với một cây đèn nến tám ngọn mừng lễ Chanukah kèm theo tấm bảng viết chữ “Chào Mừng Tự Do.” Khi đưa ra Tối Cao Pháp Viện bốn trong chín vị thẩm phán tối cao ủng hộ cả hai màn đó vì cho rằng các trưng bày này không gây lợi trực tiếp cho tôn giáo mà cũng không phạm đến tín ngưỡng của ai. Ba vị khác cho rằng đó là những trợ dụng cụ cho tôn giáo cần phải dẹp bỏ. Hai vị còn lại bỏ phiếu chấp thuận cho trưng bày thứ hai nhưng dẹp bỏ trưng bày thứ nhất vì cho rằng dựng cảnh Chúa Hài Đồng ra đời  ở chốn công cộng là vi phạm điều khoản thiết lập tôn giáo nhưng màn trưng bày sau với cây đèn nến tám ngọn Chanukah thì chấp nhận được vì không phải là biểu hiệu của đạo.

Nguyên tắc căn bản về “tự do hành đạo” cũng rõ ràng như nguyên tắc cấm “thiết lập tôn giáo.” Trong vụ án West Virginia State Board of Education v. Barnette (1943) liên quan đến một sắc luật của West Virginia bắt buộc tất cả học sinh phải đọc thuộc lòng Bản Tuyên Thệ Dưới Cờ. Gia đình nhà Barnette theo đạo Jehovah Witnesses có đức tin là không được thờ phụng tượng khắc, nên trẻ con nhà này không chịu đọc Bản Tuyên Thệ vì thế bị đuổi ra khỏi trường. Gia đình Barnette kháng án lên Tối Cao Pháp Viện. Ngay trong ngày lễ Quốc Kỳ 14 Tháng Sáu năm 1943, tòa đã ra phán quyết rằng điều luật của tiểu bang vi phạm quyền tự do hành đạo và xử tiểu bang không được trừng phạt trẻ em nhà Barnette vì hành động theo đức tin của họ.

Tuần tới chúng tôi tiếp tục phần tìm hiểu về các dân quyền khác dưới sự bảo vệ hiến định như quyền tự do cá nhân trong quyết định phá thai chẳng hạn. Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được xử dụng với tính cách thông tin (information) để giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi, và không thể coi như sự liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên hệ đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với LyLy Nguyễn, Esq. tại văn phòng chính ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, CA 92708, Điện thoại: (714) 531-7080, website:lylylaw.com.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT