Friday, April 19, 2024

Luật Hiến Pháp: Diễn giải và áp dụng Hiến Pháp (tiếp theo)

Luật Sư LyLy Nguyễn

Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 11, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo di chúc và tín mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Luật Sư LyLy Nguyễn được chứng nhận hành nghề tại Supreme Court of California, United States District Court, United States Court of Appeals for the Ninth Circuit và United States Tax Court. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080. website: www.lylylaw.com

Trong lịch sử của Luật Hiến Pháp Hoa Kỳ có hai án lệ với phán quyết của Tối Cao Pháp Viện đưa ra cách nhau gần hai mươi năm đã thay đổi hẳn bối cảnh chính trị cận đại. Năm 1954 trong vụ án Brown v. Board of Education tòa đã phán rằng kỳ thị màu da tại học đường là vi hiến, phạm đến quyền mọi người được bảo vệ công bằng. Sau đó vào năm 1973 trong vụ Roe v. Wade, tòa ra phán quyết hạn chế tiểu bang quyền kiểm soát hoặc ngăn cấm phá thai, cho là vi hiến vì vi phạm dân quyền. Kết quả của hai vụ án này đã khơi mào gây nhiều kiện tụng cùng biểu tình phản kháng tạo bao sóng gió cho đời sau. Bài này trình bày đường lối Tối Cao Pháp Viện diễn giải hiến pháp trước những vấn đề có ảnh hưởng lớn đến công chúng như hai thí dụ trên.

Tại sao cần đến Luật Hiến Pháp? Câu trả lời rất giản dị là để tổ chức chính quyền và bảo vệ dân quyền. Cho dù chúng ta có cần luật hiến pháp hay không thì luật này cũng đã hiện hữu và là văn kiện diễn giải nền tảng hệ thống chính trị Hoa Kỳ vì dựa vào hiến pháp. Có những điều người dân muốn làm nhưng không thực hiện được một mình mà phải nhờ đến chính quyền vì chỉ chính phủ mới có khả năng tập trung tất cả các nguồn tài nguyên để tạo công ích chung cho toàn dân hưởng, thí dụ như mở trường, mướn thầy dạy cho con trẻ, bảo vệ cho dân chúng sống yên lành trong một xã hội trật tự công bằng. Vì vậy chính phủ phải mạnh, có quyền thâu thuế toàn dân để lập công quĩ chi phí cho mọi công ích. Nhưng chính vì chính phủ được quá nhiều quyền hạn nên tự đó đã là vấn đề, làm thế nào để dân tin chắc rằng chính phủ không lạm quyền như ở các nước cộng sản hay các nước thiếu dân chủ thường đánh thuế quá mức hay đặt ra nhiều luật lệ rắc rối làm khổ dân, hoặc bắt bớ tù đầy những kẻ vô tội và dùng quân đội để đàn áp đối lập? Vì vậy ở Hoa Kỳ dân chúng có quyền kiểm soát quyền hạn của chính phủ bằng cách lập ra một chính quyền dân chủ không phạm những điều dân không muốn hay đi ngược lại nguyện vọng của dân; nên luật hiến pháp được đặt ra để điều hòa quyền hành chính phủ, hạn chế không cho phép đi quá quyền hạn ấn định. Luật hiến pháp được coi như phương tiện để tạo tiếng dân và là môi trường thảo luận những vấn đề thiết yếu bắt nguồn từ bản hiến pháp rồi lập thành các án lệ tham chiếu cho các trường hợp về sau. Những vấn đề xã hội và chính trị căn bản thường được lồng khung với các từ ngữ quen thuộc như chế độ phân quyền, chế độ liên bang, tự do ngôn luận…, nên nhiều luật gia tưởng đó là những danh từ chỉ dùng cho chuyên môn, thực ra đây chính là những từ ngữ thông dụng dùng rất nhiều không những ở tòa án hay các văn phòng luật sư, mà còn ở các cơ quan công quyền, hay nhiều nhóm tư nhân trong dân gian.

Mặc dù Luật Hiến Pháp được hiểu theo nhiều lối khác nhau nhưng Hiến Pháp đã ấn định cho Tối Cao Pháp Viện là cơ quan chính thức có quyền diễn giải và phân xử các tranh luận về vấn đề hợp hiến. Tuy Tối Cao Pháp Viện khó tránh khỏi bị ảnh hưởng chính trị, nhưng dù sao tòa này cũng khá cách biệt khỏi ảnh hưởng của hành pháp cấp giữa. Các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện được chỉ định nhiệm kỳ trọn đời nên nhiệm vụ của họ rất hạn hẹp không phải lúc nào cũng xử thỏa đáng mọi vụ kiện. Những vấn đề đã đem ra tranh cãi ở tòa cùng phán quyết các vụ án liên hệ đến hiến pháp đều được dùng dẫn chiếu làm căn bản cho các phân tích và quyết định trong nhiều vụ án quan trọng sau này.

Chúng ta hãy thử xét vài án lệ ở Tối Cao Pháp Viện về vấn đề kỳ thị chủng tộc ở Hoa Kỳ như vụ Scott v. Sanford sau đây: Trước cuộc nội chiến (Civil War) có một người nô lệ da đen tên là Dred Scott đi kiện ở một tòa án liên bang xin được phóng thích vì lý do anh đã ở với chủ ở Illinois trước khi theo chủ về Missouri. Chiếu theo Hòa ước Missouri ký năm 1820 thì Illinois là đất tự do thuộc lãnh địa Lousiana, chế độ nô lệ bị cấm chỉ kể từ phía bắc vĩ tuyến 36o30. Scott lập luận rằng một khi anh đã đặt chân lên đất tự do nơi đã phóng thích anh hợp pháp, thì khi về đến Missouri là một đất nô lệ anh cũng được hưởng quyền tự do. Lúc đó vấn đề nô lệ tối quan trọng trước ảnh hưởng chính trị, đạo đức, và kinh tế ở Hoa Kỳ nên nội vụ được đem ra xử chiếu theo hiến pháp. Vào năm 1857 thẩm phán Roger Taney phán rằng những dân da đen như Scott không có quyền công dân như đã ấn định trong điều III Hiến Pháp Hoa Kỳ, do đó không có quyền đi thưa ở tòa án liên bang, và Hòa ước Missouri bị coi như bất hợp hiến và không có hiệu lực. Theo quan điểm của Taney tất cả dân da đen là sắc dân hạ đẳng, sinh ra chỉ để làm nô lệ mà thôi nên không được áp dụng bản Tuyên Ngôn Độc Lập (Declaration of Independence) theo đó định rằng tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng. Vì lẽ đó dân da đen không được kể là công dân để có quyền kiện thưa tại tòa án liên bang. Hơn thế nữa quốc hội lúc đó còn liệt Hòa ước Missouri vào loạt văn kiện chính trị lập ra cốt để giảng hòa phe Nam và Bắc Mỹ, coi như vượt quyền hiến pháp ấn định nên không có hiệu lực.

Vụ án Scott đã cho thấy bản chất giới hạn của Luật Hiến Pháp. Cuộc tranh cãi về ý nghĩa của hiến pháp đã bung ra khỏi tòa án. Thời đó có hai nhân vật đối nghịch nhau nổi tiếng là Abraham Lincoln và Stephen Douglas đã tranh biện nẩy lửa về vụ Scott. Douglas khăng khăng biện luận rằng phán quyết của Taney ở tòa án liên bang là đúng, phải được tôn trọng coi như chung kết không được cãi vã gì nữa. Đối lại Lincoln cho rằng ngoài tòa án ra các ngành khác của chính quyền là hành pháp và lập pháp đều có quyền diễn giải hiến pháp theo lập luận riêng. Ông nói: “Nếu tôi là dân biểu quốc hội bỏ phiếu để bãi bỏ nô lệ bất kể vụ Scott bị xử thua, tôi sẽ bỏ phiếu tán thành ngay.” Cuộc tranh luận này được đề nghị đưa lên Tối Cao Pháp Viện phân xử vì là thẩm quyền chung cuộc để diễn giải hiến pháp. Nửa thế kỷ trước vụ Scott, Tối Cao Pháp Viện tuy đã giải nghĩa từng chữ của bản hiến pháp nhưng vẫn mặc nhiên công nhận lối phán đoán thiên vị của Taney và vụ Scott cho thấy rõ vai trò rất hạn chế của tòa án trước ảnh hưởng chính trị. Chánh Án Taney hy vọng rằng với phán quyết vụ Scott sẽ vĩnh viễn giải quyết êm được toàn bộ vấn đề nô lệ trong toàn quốc. Nhưng dù rằng phe cấp tiến không đạt được hiệu lực của Hòa Ước Missouri và Hòa Ước 1850, thì trái lại phe bảo thủ cũng không đạt được ý muốn duy trì chế độ nô lệ theo kết quả vụ Scott, ngược lại còn châm dầu thêm vào các bất đồng ý kiến để sau này dẫn đến bùng nổ cuộc nội chiến tương tàn, giải quyết mâu thuẫn bằng chiến tranh máu đổ thịt rơi thê thảm.

Mặc dù sau thất bại của Tối Cao Pháp Viện trong việc giải quyết chuyện nô lệ bằng cách dùng hiến pháp để lập luận, vấn đề bãi bỏ nô lệ vẫn được coi như hợp hiến sau cuộc nội chiến. Những điều khoản tu chính mới, Tu Chính thứ Mười Ba, Mười Bốn, và Mười Lăm (Thirteen, Fourteen, Fifteen Amendments) được coi như những động cơ chấm dứt chế độ nô lệ, ngăn cấm kỳ thị chủng tộc và chấp nhận cho dân da đen tham gia chính trị. Điều Tu Chính thứ Mười Bốn đặc biệt rất quan trọng đã theo quan niệm của hiến pháp nguyên thủy và bản Dân Quyền bảo đảm quyền hạn cho dân nô lệ mới được giải phóng.

Việc diễn giảng các tu chính Hiến Pháp trong những thế kỷ sau không được đồng nhất từ nguyên tắc tới kết quả. Thí dụ như trong hai án lệ nổi tiếng Plessy v. Ferguson năm 1896 tòa án thoạt tiên cho phân chia hành khách khu trắng đen riêng biệt trên xe lửa, nhưng về sau trong vụ Brown v. Board of Education năm 1954 tòa đã xử ngược lại cấm không được phân chia lớp riêng cho học trò trắng và đen tại học đường. Vì vậy vấn đề kỳ thị chủng tộc như vụ Scott qua bao thế kỷ vẫn gây tranh luận không những ở tòa án mà còn trong công chúng, họ thường lấy hiến pháp ra để trợ lực. Luật hiến pháp từ đó đã được dùng để cung cấp những từ ngữ và phương thức giải quyết những vấn đề hệ trọng, nhưng không những chỉ vì từ ngữ hay phương thức, luật hiến pháp đã trở thành mẫu mực cần thiết và quen thuộc trong suốt hơn hai trăm năm qua trong việc giải quyết vấn đề vi hiến hay hợp hiến.

Tuần tới chúng tôi tiếp tục phần tìm hiểu luật hiến pháp để biết Tối Cao Pháp Viện quyết định ý nghĩa hiến pháp ra sao. Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được xử dụng với tính cách thông tin (information) để giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi, và không thể coi như sự liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên hệ đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với LyLy Nguyễn, Esq. tại văn phòng chính ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, CA 92708, Điện thoại: (714) 531-7080, website:lylylaw.com.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT