Thursday, April 18, 2024

Nhiễm Trùng Huyết – Sepsis

 

Bác sĩ Hồ Ngọc Minh

LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com

 

Trước hết, cụm từ “nhiễm trùng huyết” mà tôi tra cứu trên mạng để dịch nghĩa cho chữ “sepsis” thật ra không hoàn toàn đúng, và không thể diễn dịch đầy đủ tình trạng nguy cập, “thập tử nhất sanh” của bệnh nhân khi bị sepsis. Vì thế trong bài này, bạn đọc nên làm quen với chữ sepsis, cũng như đã làm quen với các danh từ: iPhone, ti vi… thay vì dịch nghĩa bệnh với cụm từ “nhiễm trùng huyết.”

Xin đọc thêm để hiểu tại sao tôi không thích dịch nghĩa chữ sepsis là “nhiễm trùng huyết

Thật thế, dịch nghĩa một danh từ y khoa thật khó chuẩn xác. Ngay cả các bác sĩ qua nhiều thế hệ, nhiều nơi trên thế giới cũng còn đang tranh cãi về định nghĩa đúng đắn của tình trạng gọi là sepsis.

Theo nguồn gốc chữ Hy Lạp, sepsis có nghĩa là “phân hủy.” Sepsis có thể hiểu là, sự hiện diện của vi khuẩn hoặc chất độc của chúng, tràn ngập trong mạch máu và các mô tế bào có mạch máu tiếp xúc. Như thế, sepsis là tình trạng chống đỡ khẩn cấp của cơ thể để đối phó với tình huống nguy cập khi bị nhiễm trùng nặng ở thời kỳ hư hại những cơ phận quan trọng của cơ thể mà hệ quả có thể là cái chết cận kề.

Để đơn giản hoá vấn đề, khi ta bị nhiễm trùng, bị vi khuẩn xâm nhập, cơ thể sẽ điều động hệ thống đối kháng để khoanh vùng, tiêu diệt địch. Trong trường hợp quân ta yếu thế, sức đề kháng yếu, địch (vi khuẩn) sẽ lan tràn ra những huyết lộ (mạch máu) và tiến đánh toàn bộ cơ thể. Từ một trận đánh du kích cấp xã, khi bị sepsis, chiến tranh sẽ lan rộng trên toàn quốc, toàn cơ thể, và các cơ quan trọng yếu bị lâm nguy: “sơn hà nguy biến”!

Sepsis còn có thể hiểu là tình trạng nhiễm trùng cấp độ nặng do một số nhiễm trùng dù nhẹ nhưng bất trị đưa đến. Một khi vi khuẩn tràn vào các mạch máu thì lằn ranh giữa phe ta và phe địch không còn phân biệt được nữa. Những giao tranh một chọi một (hand to hand combat) giữa bạch huyết cầu và vi khuẩn xảy ra, với những chất độc của vi khuẩn lẫn các chất đối kháng sẽ tràn ngập mạch máu. Sự tương tác của các “hoá chất” làm cho máu bị đông đặc, mạch máu bị nghẽn, và máu rỉ qua thành mạch máu. Hệ quả là máu không luân lưu, các cơ phận quan trọng thiếu dưỡng khí, thiếu chất bổ, sẽ dần dà bị kiệt quệ và ngừng hoạt động. Có khi, vì máu không luân lưu, thuốc trụ sinh cũng không thể hiệu nghiệm. Tình trạng nặng nhất là tim sẽ đập thoi thóp, yếu đi, và áp suất máu tuột dần, lá gan không giải độc, trái thận không lọc nước tiểu, hai lá phổi không thải được thán khí C02, não bộ bị hôn mê, gọi là “septic shock.”

Ở Mỹ mỗi năm có khoảng 258,000 người chết vì sepsis. Sepsis có thể xảy ra cho người già lớn tuổi bị sưng phổi, hay cho một em bé bị nhiễm trùng ruột thừa. Sepsis có khi bắt đầu bằng những nhiễm trùng rất nhẹ như bị té trầy da, bị kéo cắt móng tay vô tình cắt da ở tiệm làm nail, hay đi chữa răng, nhiễm trùng đường tiểu…

Ai cũng có thể bị sepsis, nhưng những người sau đây dễ bị sepsis hơn:

1. Những người bị liệt kháng, yếu kháng thể.

2. Trẻ sơ sinh và trẻ em

3. Người già

4. Những người có bệnh kinh niên như tiểu đường, AIDS, ung thư, suy thận, suy gan

5. Bệnh nhân bị phỏng nặng hoặc bị thương nặng.

Những triệu chứng ban đầu của sepsis có thể tóm gọn cho dễ nhớ như sau:

S: Shivering, fever: Sốt, nóng lạnh.

E: Extreme pain: Đau nhức toàn cơ thể.

P: Pale or discolored skin: Da tái, tím, nhợt nhạt, mất màu

S: Sleepy, confused: hôn mê

I: “I feel I may die”: Cảm giác tử thần cận kề bên

S: Shortness of breath: khó thở.

Nếu bạn là người thuộc diện yếu kháng thể và có những triệu chứng trên đây, dù khi bị nhiễm trùng nhẹ như bị cảm cúm chẳng hạn, thì nên báo cho bác sĩ ngay.

Hầu như mọi trường hợp sepsis đều phải được nhập viện để chẩn bệnh và điều trị. Một khi nhập viện, bác sĩ sẽ truy tìm nguồn gốc của chỗ bị nhiễm trùng. Một số thử máu để biết máu có bị nhiễm khuẩn nặng hay chưa, hoặc để biết tình trạng của các cơ phận chính như gan, phổi, và thận. Bên cạnh đó, những loại hình chụp quang tuyến như X-quang. CT, ultrasound, MRI có thể được trưng dụng để truy tầm tình trạng nặng nhẹ.

Ngoài thuốc trụ sinh cho trong nước biển, bác sĩ còn cho bệnh nhân thuốc để giữ huyết áp được cân bằng. Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể phải được gây mê và đặt ống trợ thở (intubation) cũng như máy thay thận lọc nước tiểu (renal dialysis).

Thêm vào đó, có khi bệnh nhân cần được giải phẫu để cắt bỏ những chỗ bị nhiễm trùng hay rửa sạch những nơi bị ứ đọng mủ.

Trên lý thuyết, ai cũng có thể bị sepsis, nhưng hiện nay người già trên 65 tuổi dễ bị sepsis nhiều nhất. Ở Mỹ, con số người trên 65 chiếm 12% dân số, nhưng lại chiếm 65% tổng số những ca bị sepsis. Trên toàn thế giới, tỉ lệ bị tử vong vì sepsis là 1/3. Những ca phát hiện sớm sẽ dễ chữa trị hơn. Những ca, người bệnh có sức khoẻ cơ bản tốt, dễ sống còn hơn.

Vì thế, thêm một lần nhắc nhở cuối cùng cho mọi người lớn tuổi, không nên bỏ qua, lơ là với những triệu chứng mhiễm trùng kéo dài. Hơn thế nữa, mọi người, mọi lứa tuổi, nên giữ cho sức khoẻ cơ bản được tốt, sẽ tránh bị nhiễm trùng nặng, và dẫu có bị sepsis sẽ có cơ may sống còn nhiều hơn.

*****

HỒ NGỌC MINH, M.D. & HỒ VŨ MỸ LIÊN, M.D.

Chữa trị hiếm muộn và thụ thai nhân tạo IVF, ICSI

Lựa chọn trai hay gái tùy theo ý muốn.

Thử nghiệm, lọc tinh trùng (do anh Kevin Trần phụ trách)

Chữa trị các chứng yếu sinh lý, nam và nữ

Giải phẫu thẩm mỹ, chỉnh sửa âm đạo (do nữ BS Mỹ Liên thực hiện)

(714) 429-5848

11180 Warner Avenue, Suite 465, Fountain Valley, CA 92120

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT