Wednesday, April 24, 2024

Sanh mổ C-section

BS. Hồ Ngọc Minh & BS. Hồ Vũ Mỹ Liên

LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com.

 

Hồi nhỏ, mỗi dịp Tết đến, mẹ tôi thường hay mổ gà để cúng ông bà. Và lần nào cũng thế, nhìn những đoạn ruột hãy còn co thắt trong bụng con gà, tôi thường hay khiếp sợ bỏ chạy trốn. Lớn lên, khi đi học y khoa tôi nhất định không đi chuyên khoa về mổ… bụng! Thật ra, tôi mong muốn được làm bác sĩ mổ xương (orthopedic surgeon), nhưng không biết trời xui đất khiến thế nào, tôi lại lọt vào ngành Sản Phụ Khoa. Lần đầu tiên cầm dao mổ, tôi sững người khi thấy máu đổ dâng trào trong bụng của sản phụ! Riết, rồi cũng quen.

Sanh mổ, C-section, hay Cesarian Section là một phẫu thuật dùng để đưa em bé ra ngoài qua bụng mẹ khi mà sanh tự nhiên không thể thực hiện được, thí dụ như sanh ngược, đa thai, em bé bị stress trong khi sanh, hay em bé quá lớn so với xương chậu của người mẹ…

Truyền thuyết cho rằng phương pháp sanh mổ được đặt tên như thế vì Hoàng Đế La Mã, Gaius Julius Caesar, là người đầu tiên được sanh mổ. Thật ra, chuyện này không biết có đúng hay không, vì phương pháp sanh mổ đã được thực hiện từ rất nhiều thế kỷ trước, từ Đông sang Tây. Thời xa xưa đó, mổ bụng mẹ đa phần được thực hiện sau khi sản phụ đã chết, và thai nhi được lấy ra ngoài để chôn cất riêng. Cho dù sanh mổ được thực hiện khi sản phụ còn sống, tỉ lệ tử vong cho mẹ và con rất cao, cái chết cầm trong tay. Vì thế, nếu Caesar thật sự được sanh mổ, ông ta thật là một người rất may mắn, đáng làm hoàng đế!

Hiện nay theo thống kê trong năm 2015, gần 1/3 sản phụ được sanh mổ, so với dưới 20% trong thập niên 1990’s, và thấp hơn nữa trong những thập niên trước đó khi mà các thủ thuật sanh với sự hổ trợ của kèm forceps còn thông dụng, với các bác sĩ gan lì cho phép sản phụ sanh ngược, sanh đôi tự nhiên.

Lý do tỉ lệ sanh mổ càng tăng cao vì nạn béo phì và tăng cân trong sản phụ, cộng với bệnh tiểu đường và cao huyết áp, hay mang thai nhiều em bé, và tuổi của người mẹ cao hơn so với những thập niên trước. Việc sử dụng gây tê ngoài màng cứng (epidural anesthesia) để giảm đau trong khi lâm bồn, cũng như những phương pháp kích thích dục sanh cũng làm tăng nguy cơ bị sanh mổ.

Hiện nay, hầu hết những sản phụ đã từng sanh mổ lần đầu tiên, thường sẽ lập lại sanh mổ cho những lần sau. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu sản phụ đã từng sanh mổ lần đầu, nếu cố gắng sanh thường lần sau, gọi là VBAC ( đọc là Vi-Bác, vaginal birth after Caesarean), sẽ giảm bớt nguy cơ về sau như cần truyền máu, hay bị cắt bỏ tử cung.

Sanh mổ được thực hiện như thế nào?

Thường thường sản phụ được cho gây tê vùng (regional anesthesia), hoặc bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng (epidural block) hoặc bằng cách tiêm thuốc tê vào thẳng vào trong cột sống (spinal block). Cả hai phương pháp nầy đều làm cho sản phụ bị tê nửa thân người trở xuống mà vẫn còn tỉnh táo trong suốt cuộc mổ. Hiện nay, một số bác sĩ và nhà thương cho phép sản phụ được nhìn em bé chào đời qua video trực tuyến, nếu sản phụ yêu cầu. Phần còn lại, chỉ trong trường hợp khẩn cấp thì gây mê toàn phần (general anesthesia) mới được áp dụng.

Phẫu thuật C-section được thực hiện qua hai vết mổ, một trên thành bụng, và một trên thành tử cung.

Ngày xưa, các vết cắt được cắt dọc từ trên xuống dưới, cả trên thành bụng lẫn trên thành tử cung. Vì thế phường pháp nầy còn gọi là phương pháp sanh mổ cổ điển, classical C-section. Hiện nay phương pháp nầy chỉ được sử dụng cho những trường hợp khẩn cấp, cần phải lấy em bé ra tức thì, hay những trường hợp đặc biệt như phải mổ thêm u bướu, hoặc sản phụ đã từng sanh mổ theo phương pháp cổ điển trước đó.

Trước hết, bác sĩ sẽ dùng dao mổ, cắt một đường ngang ở phía dưới thành bụng, dọc theo đường của đồ tắm “bikini”, vì thế vết mổ này còn gọi là “bikini cut”. Vết mổ bikini dễ lành, và ít để sẹo lớn trên thành bụng, và dễ che dấu dưới đồ lót.

Kế đến, bắp thịt của thành bụng được tách ra chính giữa. Sau khi thành bụng được mở rộng ra như một lổ hình thoi, một đường cắt ngang ở phần dưới của thành tử cung được thực hiện. Kế đến màng nước ối được mở rộng, và em bé được đưa ra qua vết mổ. Em bé thường được trao cho mẹ ẳm một vài phút sau khi dây cuống rốn được kẹp và cắt. Sau khi lá nhau cũng được lấy ra, các vết mổ tuần tự được khâu lại từ trong ra ngoài.

Phương pháp sanh mổ nầy còn được gọi là phương pháp mổ ngang, low transverse C-section. Khi mổ theo kiểu nầy, tử cung sẽ mau lành, và khả năng có thể sanh tự nhiên cho lần sau cao hơn là phương pháp sanh mổ cổ điển vì nguy cơ bị vỡ tử cung trong khi lâm bồn ít khi xảy ra hơn. Tuy nhiên, nếu sản phụ bị sanh mổ quá nhiều lần, nguy cơ bị vỡ tử cung cũng sẽ tăng cao rất nhiều. Vì thế, trung bình sau 3 lần sanh mổ, bác sĩ thường khuyên sản phụ nên đoạn sanh bằng cách thắt, cột ống dẫn trứng.

Sau khi sanh mổ, sản phụ thường ở trong bệnh viện từ 2 đến 4 ngày, nhưng thời gian bình phục có thể kéo dài đến 6 tuần. Sản phụ có thể bị ra máu, kéo dài từ 4 đến 6 tuần sau khi sanh, và nên tránh làm việc nặng nhọc.

Phương pháp sanh mổ hiện nay rất an toàn, nguy cơ tử vong kể như không có so với thời xa xưa. Bác sĩ đa phần chỉ thực hiện sanh mổ khi cần thiết, để bảo đảm sự an toàn cho cả mẹ lẫn con. Tuy nhiên, Hội Hàn Lâm Sản Phụ Khoa, American College of Obstetricians and Gynecologists, vẫn khuyên cả bác sĩ lẫn bệnh nhân nên tìm cách giảm mức độ sanh mổ xuống càng thấp càng tốt. Cụ thể, bác sĩ nên kiên nhẫn cho sản phụ thêm nhiều thì giờ nếu không có dấu chứng gì nguy hiểm trong khi lâm bồn. Riêng sản phụ, nên tránh tăng cân trong khi mang thai, ăn uống cẩn thận để em bé cũng bớt tăng cân. Trong những trường hợp nguy cơ thấp, cả bác sĩ lẫn sản phụ nên cố gắng thử sanh tự nhiên sau khi đã từng sanh mổ.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Ba, ngày 20 tháng 6 năm 2017

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT