Tuesday, April 23, 2024

Tìm hiểu Luật Thuế Vụ: Ông Ác IRS

LS Lyly Nguyễn

Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 11, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Ðịnh Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo di chúc và tín mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang.  Luật Sư LyLy Nguyễn được chứng nhận hành nghề tại Supreme Court of California, United States District Court, United States Court of Appeals for the Ninth Circuit và United States Tax Court. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Ðiện thoại: (714) 531-7080. website: www.lylylaw.com

Tương phản với ông Thiện TAS chuyên giúp những người thiếu thuế bị tịch biên tài sản gặp hoạn nạn trong bước đường cùng, ông Ác ở IRS là Đoàn Điều Tra Hình Sự (Criminal Investigation Division gọi tắt là CID) có nhiệm vụ ra tay búa những kẻ gian lận thuế. Theo luật thuế vụ, nợ thuế không sao, chỉ việc đóng tiền thêm, nhưng khai gian bị kết vào tội phạm. Theo IRS 75% cá nhân khai thuế có gian lận trong khi các công ty khai không thành thật chiếm 25%. Phần lớn những người này cố ý khai lợi tức thấp đi, hoặc bịa ra những khoản miễn giảm không có thật hay khai phóng đại. Nếu ai bị thanh tra kiểm thuế nghi ngờ, người ấy có thể bị phạt tiền vạ hay chuyển nội vụ sang CID. Tất cả các thanh tra IRS đã được huấn luyện kỹ càng phương cách truy tầm hành động gian lận có mục đích lường gạt IRS để tránh thuế. Một người dùng số an sinh xã hội giả, hay một cửa hang lập ra hai quyển sổ kế toán khác nhau chẳng hạn, cũng như một anh độc thân nhưng khai bạn gái là thân nhân phải nuôi, đều là những thí dụ gian lận. Nếu một thanh tra IRS nghi ngờ có gian trá thì ông ta có thể chuyển sang CID điều tra, nhưng phần lớn những vụ bắt người lậu thuế thường nằm trong những chiến dịch kiểm tra nhằm vào một nghề hay một nhóm như dân thầu xây cất hay các bác sĩ ở một địa phương nào đó chẳng hạn.

Trong khi kiểm thuế nếu thanh tra phát giác ra những bằng chứng gian lận thì chưa chắc họ đưa sang CID, vì họ có quyền phạt vạ (civil penalties) những mục khai lợi tức thấp đi, hoặc những mục miễn giảm khai quá đáng như trường hợp khai gia đình phải nuôi nhiều người trong lúc số người này không còn ở đó hay đã qua đời hoặc hoàn toàn bịa đặt không có thật. Những mục miễn giảm gia tăng quá đáng như $200 thêm vào một số 0 cho thành $2000 hay khai những thiệt hại do một tai nạn tưởng tượng cũng có thể bị phạt vạ. IRS ít khi trực tiếp tìm những bằng chứng như khai miễn trừ không có thật, nhưng họ thường gián tiếp truy ra bằng phương cách truy xét những sổ sách chi thu, tiền ký thác ngân hàng, hay ước tính ngân khoản chi dụng để tìm ra những con số bất thường. Thông thường IRS ít khi đem một vụ gian lận có bằng cớ ra điều tra hình sự vì họ muốn áp dụng tối đa quyền phạt vạ (civil penalties) theo đó IRS sẽ phạt một khoản tiền bằng 75% số tiền khai gian, thí dụ họ khám phá số thuế gian là $10,000, số tiền phải nộp sẽ thành $17,500 gồm cả phần thuế bị điều chỉnh lại cộng thêm tiền phạt. Chưa hết, đừng quên IRS còn cộng thêm tiền lãi nữa tính từ ngày bắt đầu nộp thuế.

Tuy nhiên có những vụ IRS tình nghi một người có thành tích từng khai gian thuế nhiều lần thì họ sẽ đưa thẳng nội vụ sang CID. Nơi đây thường thụ lý những vụ do thanh tra chuyển đến qua các vụ kiểm thuế, hoặc do tin mật báo từ các cơ quan công lực khác, thí dụ trường hợp của một người bị bắt vì bị tình nghi buôn bán ma túy, cảnh sát khám trong xe thấy có $150,000 tiền mặt. Sau khi bắt, IRS được cảnh sát thông báo ngay nên cho xét bản khai thuế sau cùng của người này thì thấy chỉ báo cáo có lợi tức $35,000, do đó CID chính thức mở ngay cuộc điều tra sau đó. Ngoài ra CID còn lấy tin từ thường dân, thông thường từ những cá nhân thù oán tố cáo lẫn nhau. Đôi khi CID còn gài người giả làm khách hàng vào những cơ sở kinh doanh bị tình nghi buôn bán lậu thuế. Thí dụ một chủ tiệm cầm đồ nọ được một tờ báo địa phương phỏng vấn đưa lên báo ca ngợi là một trong những thương gia xuất sắc tại địa phương. Người này hãnh diện đứng chụp hình bên cạnh một chiếc xe Mercedes đậu trước một căn nhà tráng lệ. Vài tháng sau người này nhận được giấy báo của IRS đòi kiểm thuế vì IRS muốn tìm hiểu tại sao ông ta sống có vẻ đế vương như vậy mà khai lợi tức chỉ có $20,000. Cuộc kiểm thuế sau đó được chuyển sang CID. Hai điều tra viên CID truy lục tất cả hồ sơ tài chánh, tài liệu buôn bán lẫn giấy tờ cá nhân của người này trong suốt sáu năm. Cuối cùng họ thâu thập được đầy đủ chứng cớ đủ để truy tố tội khai gian thuế.

Đoàn Điều Tra Hình Sự là lực lượng cảnh sát của IRS, các nhân viên CID đôi khi còn được gọi là Nhân Viên Đặc Biệt, tùng sự tại các sở IRS quận hạt. Họ không mặc đồng phục nhưng có được trang bị vũ khí và thẻ bài (badge). Nhớ đừng bao giờ coi thường những nhân viên này. Họ là các thám tử cao cấp được huấn luyện thuần thục. Nếu ai gặp người tự xưng là nhân viên đặc biệt của IRS có nghĩa là đang bị điều tra tội phạm. Phần đông nhân viên đặc biệt đi công tác từng cặp hai người để bảo vệ cho nhau và để cùng thu lượm chứng tích trong cuộc điều tra. Đoàn CID chia làm hai ngành, ngành Công Lực Đặc Biệt (Special Enforcement) chuyên điều tra các tội phạm có tổ chức như buôn bán ma túy hay băng đảng bất hợp pháp và ngành Công Lực Tổng Quát (General Enforcement) điều tra các vụ trốn hay gian lận thuế thông thường.

Bình thường rất ít người bị điều tra hình sự bất quá là bị phạt vạ là cùng, trừ phi có bằng cớ rõ ràng khai gian hay trốn thuế với món tiền lớn. Trước hết nhân viên đặc biệt tìm đến phỏng vấn bạn bè, người cộng tác, hay cố vấn của nghi can mà IRS nghĩ rằng có thể tìm ra manh mối được. Sau cùng nhân viên đặc biệt mới tìm đến tiếp xúc với đương sự. Nhân viên CID rất nhẫn nại, nhiều khi họ kéo dài cuộc điều tra suốt cả năm lâu hơn cả cảnh sát điều tra án mạng vì họ muốn tiến hành chậm mà chắc nên có rất ít người bị truy tố, trừ phi CID nắm nhiều bằng cớ rõ ràng. CID không ngại tốn kém cả công lẫn của trong việc điều tra dù số tiền thuế lớn hay nhỏ. CID có thể hỏi han bất cứ ai liên hệ đến nghi can kể cả vợ hay chồng, bạn bè, hàng xóm, người làm công, bạn đồng sự, nhân viên ngân hàng, bảo hiểm, du lịch… Ngoài ra CID có quyền kiểm soát bưu tín, chận nghe điện thoại với phép của tòa án. CID thường dọa các thương gia, nhân viên ngân hàng, nhân viên kế toán để lấy tin tức về nghi can nên chính các nhân viên kế toán vì sợ liên lụy đã khai những điều bất lợi cho thân chủ họ. Riêng chỉ có giới luật sư không sợ bị áp lực của CID. Giữa luật sư và thân chủ có một ràng buộc được luật pháp bảo vệ gọi là liên hệ luật sư với thân chủ (attorney-client relationship) theo đó bất cứ những gì người thân chủ tiết lộ cho luật sư đều được giữ tuyệt đối bí mật không thể tiết lộ cho bất cứ ai dù rằng có thể đó là lời thú nhận tội đã phạm và đang bị điều tra. Khác với phương pháp của các thám tử cảnh sát, CID thường bắt đầu điều tra từ lời tố cáo của thanh tra rồi họ sẽ mở rộng để tìm chứng cớ buộc tội.

Nếu ai bị CID điều tra thường thì người ấy sẽ là nhân vật chót bị nhân viên đặc biệt tìm đến gặp. Vào lúc đó chắc chắn đã có ít nhất cả ngàn hồ sơ đã được xét qua cũng như vài chục nhân chứng đã được hỏi tới, kể cả vợ hay chồng cũ, kế toán viên, nhân viên ngân hàng, chủ cũ hay những người từng biết đến hay có dính dáng về tài chánh với nghi can. Nếu sau khi đã đi quá xa như vậy mà họ còn muốn hỏi chuyện nữa thì người ấy chắc chắn sắp bị truy tố vì CID đã nắm vững chứng cớ và chỉ cần khai thác thêm lời tự thú mà thôi. Khi đến gặp để điều tra, nhân viên đặc biệt sẽ cho biết lý do ngay và còn đọc luật cho nghi can hiểu quyền giữ im lặng, quyền có luật sư thay mặt và cũng bảo rằng tất cả khẩu cung lấy được sẽ dùng để định tội. Trong tình trạng này tốt hơn hết là giữ im lặng, chỉ nên nói rằng muốn được một luật sư thay mặt, đừng nói gì nhiều và tuyệt đối không nói dối vì trước tòa án thuế nói dối là một trọng tội.

Vấn đề chính IRS quan tâm là có nên đề nghị truy tố nghi can hay không tùy theo tầm quan trọng của nội vụ. Điều đáng nhớ là tất cả các vụ truy tố hình sự kể cả tội phạm thuế, chính phủ bắt buộc phải trưng ra bằng chứng để buộc tội. Nếu một người giữ được im lặng không hớ ra lời nào thì chắc chắn sẽ giúp cho luật sư thuế dễ dàng biện hộ để xin miễn tố và chịu phạt vạ thay vào đó. Phần đông các vụ truy tố vì gian lận thuế cũng tùy thuộc vào tăm tiếng của nghi can. Những khuôn mặt lớn trong cộng đồng, các tài tử hay nhân vật có tiếng tăm khác thường dễ trở thành mục tiêu cho CID vì họ muốn đem ra xử làm gương để dằn mặt những người có tâm ý muốn khai gian thuế. Cuối cùng CID thường nhắm vào những vụ có liên hệ đến số tiền lớn. Trung bình những vụ án thuế bị đem ra xử đều ít nhất đáng từ $70,000 trở lên. Điều nên để ý là mỗi khi CID đề nghị truy tố và được Bộ Tư Pháp chấp nhận thì có đến 80% bị kết án, trong số đó ít nhất 50% bị can bị vào tù dù rằng họ chưa bao giờ bị tiền án.

Tội thường bị kết án ở tòa án nhiều nhất là tội phá luật thuế (tax evasion) được định nghĩa là có hành vi chủ đích phá hoại luật thuế lợi tức. Do đó tất cả các hành vi tìm cách lừa bịp để qua mặt chính quyền đều thuộc vào loại này. Đây là tội đại hình có thể bị giam cầm năm năm tù và phạt vạ đến $100,000 tối đa (IRS Code No. 7201). Thứ đến tội nộp bản khai gian thuế (filing a false tax return) có nghĩa là khai nghề khác với nghề thật trong đó chứa nội dung không đúng sự thật. Phần đông thường bị kết vào tội danh này thay vì bị tội phá luật thuế vì chính quyền không phải chứng minh bằng cớ cố tình phá hoại luật lệ, các đương can chỉ muốn khai gian mà thôi. Đây cũng là tội đại hình nhưng chỉ bị tối đa ba năm tù ở và $100,000 phạt vạ (IRS Code No. 7206). Sau hết là một tội nhẹ hơn gọi là tội không khai thuế (failure to file a tax return) theo đó một người cố tình không thi hành nghĩa vụ khai thuế khi kiếm được một số lợi tức tối thiểu ấn định hàng năm. Đây là tội tiểu hình chỉ bị ngồi tù tối đa một năm và $25,000 phạt vạ cho mỗi năm không khai. Thời hạn phạt tiểu hình tối đa là sáu năm vì không khai thuế nhưng phần đông chẳng có mấy ai bị tù vì không khai mà thường bị phạt tiền nhiều hơn.

Thực ra không hẳn nhiều người khi ra tòa đều bị kết tội trốn thuế. Thí dụ trường hợp của một bác sĩ có phòng mạch ở quận Cam. Lợi tức của ông với 80% là Medicare và phần còn lại thâu bằng tiền mặt. Ông bị kết tội tax evasion khi IRS tố cáo số lợi tức ông báo cáo là $240,000 trong khi chính phủ đã trả riêng phần Medicare không cũng đã trên $280,000. Bác sĩ này được đề nghị cho dàn xếp nếu ông tự nguyện nhận tội (plea bargain) thì sẽ được giảm án miễn ngồi tù chỉ bị giám sát (probation) mà thôi. Nhưng kẹt một điều là nếu ông nhận tội thì chắc chắn bị treo bằng và tiêu tan sự nghiệp hết còn làm ăn được nữa. Ông bác sĩ quyết định không nhận tội và bằng lòng ra tòa. Ngoài tòa án ông tuyên bố mình là một y sĩ giỏi nhưng lại là một kế toán viên dở nên đã ký bất cứ giấy tờ gì đem đến trước mặt mà không chịu xem lại. Mặc dù công tố viên gay gắt buộc tội là ai cũng phải chịu trách nhiệm về bản khai thuế cho chính xác nhưng bồi thẩm đoàn đã thương cảm cho ông bác sĩ giỏi nên tuyên bố vô tội. Thoát được vụ án tòa chưa kịp vui thì ngay sau khi về nhà ông liền bị IRS mời lên kiểm thuế. Cuối cùng ông bị mất thêm hàng ngàn tiền thuế đóng thêm cùng với tiền lãi và tiền phạt, nhưng ít nhất ông còn giữ được bằng cấp hành nghề và tránh khỏi nếm mùi nhà giam. Như vậy nếu có bị ra tòa tốt hơn hết hãy tìm một luật sư thuế để cố vấn tùy từng trường hợp xem có vững lý hay không để nhận dàn xếp tự nguyện nhận tội hay chịu ra tòa tranh cãi.

Tuần tới chúng tôi sẽ trình bày về các rắc rối của những nghề tiểu thương về vấn đề thuế má với IRS. Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) để giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi, và không thể coi như sự liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên hệ đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với LyLy Nguyễn, Esq. tại văn phòng chính ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, CA 92708, Điện thoại: (714) 531-7080, website:lylylaw.com.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT