Tìm hiểu thêm về tai biến mạch máu não

Bác Sĩ Ðặng Trần Hào

Kỳ trước chúng ta đã tìm hiểu thế nào là trúng phong kinh lạc liệt bán thân, không hôn mê. Kỳ này chúng ta tìm hiểu trúng phong tạng phủ, tai biến mạch máu não kèm theo hôn mê.

Cơ bắp cơ cứng thì gọi là chứng “bế thuộc thực,” cơ bắp liệt mềm thì gọi là chứng “thoát thuộc hư.”

Tai biến mạch máu não do trúng phong tạng phủ là gì?

Người học Ðông Y không thể cố chấp và cực đoan nhận thức là phủ có sáu mà tạng chỉ có năm. Sự thật thì đây chỉ là cách nói cho phù hợp vớ lục khí thuộc trời, mà ngũ hành thuộc đất.

Thân người có 12 kinh, tương ứng với 12 tạng phủ, tức là hễ có sáu phủ, thì có sáu tạng. Nói theo chức năng (trời) thì phủ có sáu, tạng cũng có sáu (có cặp tạng phủ là con đường giao thông toàn thân của khí huyết, thủy hỏa là tam tiêu và tâm bào lạc) tương ứng với lục khí. Còn nói theo hình thể thì phủ tạng cũng chỉ có năm, tương ứng với ngũ hành.

Vị trí của lục phủ, ngũ tạng được tự nhiên phân phối không ra ngoài ba nguyên lý âm dương là tam tài, giao thái, tương đối: Bô vị tại lý có ba là Thượng-Trung-Hạ. Thượng có ba tạng, trên cùng là phế, giữa là tâm, dưới là tâm bào lạc. Ðối với Thượng là Hạ, có ba phủ, dưới cùng là đại trường, giữa là bàng quang, trên là tam tiêu. Giữa Thượng-Hạ là Trung, có ba cặp tạng phủ, trên là cặp tì vị, giữa là cặp gan đởm, và dưới là cặp thận, tiểu trường.

Nói chung, muốn tìm hiểu một cách tường tận tại sao lại có lục phủ, ngũ tạng chúng ta phải đi tìm hiểu về kinh dịch như Âm-Dương, Tứ Tượng, Bát Quái,… rồi luận giải ra.

Y khoa Ðông phương dưa vào kinh dịch, Tạng Tượng và Trung Ðồ mà có tạng phủ. Thiết tưởng chúng ta cũng nên biết qua trước khi đi vào tìm hiểu về bệnh tật liên quan với lục phủ và ngũ tạng trong cơ thể của chúng ta.

Tai biến mạch máu não kèm theo hôn mê do trúng phong tạng phủ

Trúng phong do chứng bế (thực chứng): Là thể liệt cứng, cơ thể co quắp, răng nghiến chặt, thở khò khè như vướng đờm, mắt khô và đỏ. Mạch phù, hoạt, sác, hữu lực. Lưỡi khô và đỏ.

Chủ trị: Thanh nhiệt, khu phong, tiêu đờm.

Bài thuốc
1. Cát căn 9 grs
2. Câu đằng 9 grs
3. Bán hạ 9 grs
4. Hậu phát 9 grs
5. Hoàng kỳ 9 grs
6. Mạch môn đông 9 grs
7. Long đởm thảo 6 grs
8. Hoàng liên 6 grs
9. Trúc lịch 9 grs
10. Xuyên bối mẫu 9 grs
11. Hoạt thạch phấn 9 grs
12. Thảo quyết minh 9 grs
13. Bạch thược 9 grs
14. Thạch quyết minh 9 grs
15. Uất kim 9 grs
16. Sừng tê giác mài cho uống
17. Ðại táo 3 trái

– Cát căn, trúc lịch, hoàng liên, long đởm thảo, thạch quyết minh: Thanh can và tâm nhiệt.
– Câu đằng, bạch thược: Trị cơ thể co quắp, cơ bắp cứng.
– Xuyên bối mấu, bán hạ, hậu phát, hoàng kỳ, mạch môn đông: Tiêu đờm, bổ phế khí và kiện toàn tiêu hóa.
– Uất kim, thảo quyết minh: Thông huyết và bổ gan.
– Ðại táo: Bổ huyết và phối hợp các vị thuốc.
– Sừng tê giác: Thanh tâm và gan nhiệt, thư giãn cơ bắp.

Trúng phong do chứng thoát (hư chứng)

Hư chứng thường là do khí huyết suy nhược lâu ngày như mất ngủ, ăn không ngon, chân tay hay bị lạnh, đi đứng yếu, không có lực, tai ù, mắt mờ, miệng đắng và khô… Bệnh để lâu ngày không có cơ hội chữa trị mà hậu quả gây ra tai biến mạch máu não do chứng thoát (hư chứng).

Bệnh nhân hôn mê, mắt nhắm nghiền, miệng há, chân tay mềm nhũn, tiểu tiện không kiểm soát được, tứ chi lạnh, mặt trắng bệch. Mạch trì và vô lực. Lưỡi trắng và mập.

Chủ trị: Hồi âm và cứu dương.

Bài thuốc
1. Nhân sâm 16 grs
2. Phục linh 9 grs
3. Bạch truật 9 grs
4. Cam thảo 6 grs
5. Quế bì 9 grs
6. Phụ tử 12 grs
7. Nhục thung dung 9 grs
8. Ðương quy 12 grs
9. Xích thược 9 grs
10. Hoàng kỳ 9 grs
11. Hồng hoa 9 grs
12. Ðào nhân 9 grs
13. Ðịa long 6 grs
14. Bán hạ 9 grs
15. Bạch giới tử 9 grs
16. Can khương 9 grs
17. Ngũ vị tử 9 grs
18. Ðại táo 3 trái

– Nhân sâm, phục linh, bạch truật, cam thảo, hoàng kỳ: Bổ tì khí, phế khí và thận khí.
– Quế bì, nhục thung dung, phụ tử: Bổ thận dương và ấm áp toàn thân.
– Ðương quy, xích thược: Bổ huyết và thông huyết.
– Hồng hoa, đào nhân: Loãng huyết và thông huyết.
– Bán hạ, bạch giới tử: Tiêu đờm.
– Ngũ vị tử: Bổ tì, kiện toàn tiêu hóa.
– Ðịa long: Chữa liệt người, miệng méo, không nói được.

Với tuổi đời trên 60, không nên ăn uống, thịt rượu vui bạn vui bè quá chén, nhất là tiệc cưới, sinh nhật về chiều và đêm thường hay đưa tới những trường hợp tai biến mạch máu não, mặc dù người đó không bị áp huyết cao, cholesterol hay mỡ cao.

Câu hỏi đặt ra là tại sao? Ðối với y khoa Ðông phương một khi ăn uống thịt rượu quá độ, ảnh hưởng tới tì khí và nhất là gan mất quân bình, gây ra gan phong nổi động, đưa khí nghịch lên thương tiêu và đầu, nhất là thịt rượu chưa kiện toàn tiêu hóa, gây cản trở mạch máu não, thường là nguyên nhân gây ra tai biến mạch máu não đối với những người tuổi đời hơi cao là như vậy.

Ðể đề phòng tai biến mạch máu não, chúng ta nên ăn uống nhẹ vào bữa cơm chiều và nhất là có tiệc rượu, cũng chỉ ăn uống nhẹ nhàng để tránh trường hợp can phong thượng nghịch kể trên mà chúng ta không ai muốn xảy ra cho mình.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Năm, ngày 20 tháng 4 năm 2017