Monday, April 15, 2024

Genoa, huy hoàng hải cảng cổ xưa

Trịnh Hảo Tâm

Genoa là thủ đô của vùng Liguria và là thành phố lớn thứ sáu của nước Ý Đại Lợi (Italia) với dân số khoảng 600 ngàn người. Thành phố này có biệt danh là “La Superba,” tiếng Ý có nghĩa là “The Superb One” vì lịch sử huy hoàng và những kỳ quan kiến trúc lộng lẫy khó quên cho khách du mỗi lần ghé thăm.

Genoa là một hải cảng nằm bên bờ Địa Trung Hải được thành lập từ thời cổ đại xa xưa nhiều ngàn năm trước.

Thành phố chi chít hàng vạn dinh thự, nhà lầu mái ngói đỏ kéo dài đến rặng núi xanh bao quanh thành phố ở hướng Bắc. Vài giáo đường cổ tháp chuông cao vượt lên trên nền trời xanh mây trắng. Từ thời cổ xưa người ta đã chọn thành phố được bao bọc bằng những dãy núi là những tường thành thiên nhiên ngăn giặc Bắc phương đến cướp phá. Nhờ đó thành phố còn giữ được những kỳ quan kiến trúc là những di tích lịch sử tuổi đời cả nhiều trăm năm.

Dọc theo bờ biển về hướng phải (Đông) phía trên cao là xa lộ, dưới là đường bộ hành với các hàng quán như chợ trời bán quần áo, giày dép, nón dù, ví bóp đa số là hàng Trung Quốc với giá năm mười đồng một món. Có những anh chàng da đen bán tranh ảnh, tượng gỗ thổ sản các xứ Phi Châu và bóp xách phụ nữ hàng giả.

Dưới bến tàu ngoài những du thuyền ca nô, tàu kéo, còn có một chiếc tàu lặn và đặc biệt bắt mắt hơn hết là một thuyền hải tặc màu đen cũ kỹ, du khách thường đứng lại chụp hình. Chiếc tàu hải tặc này được đóng để nhà làm phim Roman Polanski thực hiện cuốn phim “Pirates” vào những năm 1980. Bên cạnh đó là hồ nuôi cá Aquarium Genoa rất nổi tiếng tập trung những sinh động vật đặc trưng của Địa Trung Hải, là Aquarium lớn thứ nhì ở Âu Châu.

Bên kia đường là ngôi nhà Palace of St. George được xây bằng đá trắng vào năm 1260 với bức tranh hiệp sĩ cỡi ngựa vung lao đâm con quái vật. Từ đây đi về phía quảng trường để lên hướng Bắc vào trung tâm thành phố là những quán cà phê ngồi dưới hiên trên vỉa hè, những kios sách báo bán cho những vị cao niên hàng ngày vẫn còn thói quen đọc báo giấy.

Vương cung thánh đường St. Lawrence. (Hình: Trịnh Hảo Tâm)
Vương cung thánh đường St. Lawrence. (Hình: Trịnh Hảo Tâm)

Vương cung thánh đường St. Lawrence

Thánh đường St. Lawrence (tiếng Ý gọi là San Lorenzo) là nhà thờ chính tòa giáo phận Genoa hiện nay được xây xong vào thế kỷ 17 theo kiểu kiến trúc Romanesque-Renaissance với hai tháp chuông hai bên khác nhau.

Phần mái vòm bên trong là những tác phẩm nghệ thuật của những họa sĩ nổi tiếng vẽ những truyện tích tôn giáo từ thời Trung Cổ bị hư hại phai mờ được tôn tạo lại trong khoảng năm 1894 đến 1900. Đây là những họa phẩm quý báu, rất may trong trận pháo kích từ tàu chiến Anh tên HMS Malaya vào ngày 9 Tháng Hai, 1941, nhà thờ không hư hại bao nhiêu vì các thủ pháo trên tàu định vị không chính xác hoặc giả không muốn phá hủy những tác phẩm lịch sử.

Xin nhắc lại trong Đệ Nhị Thế Chiến Ý Đại Lợi nằm trong liên minh trục gồm ba nước Nhật, Đức, Ý nên bị quân Đồng Minh Anh, Mỹ, Nga oanh tạc và bắn phá. Một trong những bức tranh tường nổi tiếng trong nhà thờ là bức tranh “Cuộc Tử Đạo Của Thánh Lawrence’ của họa sĩ Lazzaro Tavarone (1556-1641) ông là người Genoa thuộc trường phái Phục Hưng. Ông cũng có vẽ cuộc đời của nhà thám hiểm Columbus cũng người quê Genoa.

Quảng trường Piazza De Ferrari

Tiếp tục đi về hướng Đông là đến quảng trường Ferrari là quảng trường chính của thành phố. Giữa quảng trường là bồn phông tên nước hình tròn có từ thời xa xưa nay được phục hồi trở lại. Phía Tây quảng trường là nhà hát thành phố Genoa tiếng Ý gọi là “Teatro Carlo Felice” dùng để trình diễn những buổi hòa nhạc, hát thính phòng (recitals), nhạc kịch (opera) và vũ ballet.

Hí viện này được xây từ năm 1826 và chứa được 2,500 khán giả. Hí viện lấy tên Carlo Felice (tên Pháp là Charles Felix) (1765-1831) có thời làm vua đảo quốc Sardinia từ 1821 đến lúc băng hà, trước đó cha ông cũng là vua Sardinia.

Trong Đệ Nhị Thế Chiến, hí viện bị tàu hải quân Anh quốc pháo kích ngày 9 Tháng Hai, 1941, làm nóc bị thủng một lỗ lớn, sau đó năm 1943 bị dội bom làm cháy sân khấu và dân hôi của lẻn vào cạy những vật trang hoàng bằng kim loại mang đi bán sắt vụn khiến hí viện huy hoàng ngày nào trở thành ngôi nhà trơ xương ngay cả nóc cũng không còn.

Quảng trường Ferreri ở trung tâm thành phố. (Hình: Trịnh Hảo Tâm)
Quảng trường Ferreri ở trung tâm thành phố. (Hình: Trịnh Hảo Tâm)

Sau Đệ Nhị Thế Chiến việc tu sửa được nhanh chóng tiến hành nhưng nhiều dự án bị bác. Mãi đến Tháng Sáu, 1991, hí viện mới chính thức hoạt động với rạp chính có 2,000 ghế và phòng họp có 200 ghế.

Phía Đông quanh quảng trường Ferrari là những dãy nhà lầu ba, bốn tầng kiểu cổ xưa thế kỷ 19 hiện là những cửa hàng bán đồ hiệu nổi tiếng, tầng trên là văn phòng các ngân hàng, các hãng bảo hiểm và những công ty lớn.

Quảng trường Ferrari là trung tâm tài chính lớn của Ý ngang hàng với thành phố Milan là thành phố lớn thứ nhì của nước Ý. Ở quảng trường còn có nhà ga xe điện ngầm Genoa Metro gồm vài tuyến đường nối trung tâm thành phố với vùng ngoại ô Rivarolo Ligure và tuyến ngắn lên hướng Tây Bắc, tất cả chỉ dài 5 km với đường rây khổ tiêu chuẩn 1.435 mét.

Thành phố hải cảng Genoa là một địa điểm du lịch rất đáng ghé thăm với nhiều kiến trúc thuộc hàng di tích lịch sử, trong đó phải kể đến ngọn hải đăng Lanterna được xây cả ngàn năm trước. Hải đăng cao 117 mét vẫn còn hoạt động, tàu thuyền cách 30 km vẫn nhìn thấy được ánh đèn và là hình ảnh biểu trưng cho Genoa. Ngoài ra thành phố còn sở hữu nhiều kho tàng nghệ thuật, âm nhạc và ẩm thực, món đặc trưng là Pesto Sauce để ăn với các loại mì Pesta mà dân Ý dùng hằng ngày.

Tác giả Trịnh Hảo Tâm đã xuất bản tám quyển ký sự du lịch gồm: Trên Những Nẻo Đường Việt Nam; Miền Tây Hoa Kỳ; Ký Sự Du Lịch Trung Quốc; Mùa Thu Đông Âu; Tây Âu Cổ Kính; Miền Đông Nước Mỹ và Canada; Hành Hương Thánh Địa Do Thái; Nhật Bản, Hồng Kông-Macau, Thái Lan.

Sách dày trên 300 trang, trình bày đẹp, mỗi quyển giá $15 (bao cước phí trong nước Mỹ), xin liên lạc Trịnh Hảo Tâm qua số điện thoại (909) 489-2451, email: [email protected].

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT