Thursday, March 28, 2024

Bài ca ‘Lâm Sanh Xuân Nương’

Ngành Mai/Người Việt

Câu chuyện cổ tích “Lâm Sanh Xuân Nương” đã đi vào lòng người của các thế hệ đi trước, và những ai từng sống ở thôn quê thì được rõ biết một cách rành rẽ hơn.

Có lẽ ở vùng quê mọi sự giải trí hầu như không có, nên mỗi chiều tối sau khi đỏ đèn thì lớp trẻ thường hay được người lớn kể lại các câu chuyện cổ tích, mà “Lâm Sanh Xuân Nương” là một câu chuyện như vậy. Ông bà kể lại cho con cháu nghe nhiều lần, nên khi nghe dĩa hát thì người ta đã am tường từ lớp lang.

Tình tiết chính yếu câu chuyện “Lâm Sanh Xuân Nương” là mẹ chồng độc ác với nàng dâu mà ai nghe qua cũng nguyền rủa.

Người ta nhớ lại có lần tuồng “Lâm Sanh Xuân Nương” được chiếu trên truyền hình, khán giả theo dõi thấy cảnh bà mẹ chồng cầm cây đánh nàng Xuân Nương, tức thì có một cô khán giả tức quá lên tiếng rằng: Cái bà già này nếu gặp tôi, thì chắc rằng sẽ bị tôi giựt cây đánh lại một chục cây cho biết tay! Khán giả cười rần lên nói rằng, nếu như đánh trả lại bả thì câu chuyện nó khác đi sao? Và cũng có người nói, nếu bà già này gặp nàng dâu cỡ như Tào Thị, thì đi xuống âm phủ sớm!

Không phải khán giả phản ứng chỉ một nơi có máy truyền hình, mà nhiều địa điểm truyền hình công cộng khác, khán giả cũng lên tiếng tương tợ đối với bà mẹ chồng hung dữ độc ác.

Nhằm đem đến cho người mộ điệu, cũng như giới đờn ca tài tử một bài ca xưa đủ sáu câu vọng cổ “Lâm Sanh Xuân Nương,” cuốn bài ca phát hành năm 1954. Đặc biệt bài vọng cổ này có hai bản vắn Thủ Phong Nguyệt và Kiều Nương thay thế cho nói lối vô vọng cổ. Đây là hai bản vắn rất hay, dễ ca, nhưng không hiểu sao từ thập niên 1960 trở về sau hai bản này không thấy xuất hiện trong tuồng cải lương, hoặc trong dĩa hát.

Dưới đây là bài ca “Lâm Sanh Xuân Nương.”

Ca: Thủ Phong Nguyệt

Xuân Nương:

Tuyết băng trong, còn treo giá lầu hồng
Ngày kim chỉ, tối bình văn
Gia thế, sơn lâm
Sống sớm hôm, cha già mẹ hiền
Đáp đền, sanh thành
Tuy gia cư, không dư dả dồi dào
Đều hài ý, chẳng bận lo
Nét liễu đẹp xinh
Nức tiếng tâm, khuynh thành hơn người
Vẹn phần, thơ đào.

Vọng cổ:

1-Mẹ hiền chỉ dạy đường kim mối chỉ, cha già cắt nghĩa sách sử kinh luân để sau này không thẹn phận thơ đào… Công dung ngôn hạnh tứ đức am tường, săn sóc gia đình đáp ơn đức trọng cù lao… Khi rảnh đón gió thưởng trăng dạo vườn xem huê nở, an phận chốn lâm tòng lánh xa điều vật chất.

2-Song thân chung sức, khai mở rừng hoang lo bề rẫy bái, tơ tằm canh cửi phụng sự gia đình… Nhờ thế mà sự sống phong phú dồi dào, thường giúp kẻ láng giềng khi thắc ngặt đến cậy mượn vay xin… Nhơn từ đại độ được kẻ kính người yêu, gia cư vững chải êm ấm mọi điều, hưởng thú tươi vui.

3-Hai tám xuân xanh tuổi cập kê gần ghé bến, song thân thường thắc mắc lo việc hậu tự mai sau… Bao lần mối lái đến xin, bề trên khước từ không hài ý, sợ lầm bến đục cho phận nữ lưu… Đến khi họ Lâm dưng cầu lục lễ, cha mẹ vui lòng đổi trao hồng thiếp chỉ chờ ngày hưởng chén rượu đầy.

Ca: Kiều Nương

Lòng tươi vui, duyên giai ngẫu
Cùng Lâm Sanh, trang nho sĩ
Nổi tiếng chăm học bao ngày
Duyên hài, cầm sắt vui niềm phụng loan cùng người yêu.
Lòng van vái, gặp nhằm bến nước
Bề mối chỉ đừng cho lộn mối
Phỉ tâm vô cùng (đường tơ)
Thân khuê môn…
Nguyện phục tùng…
Bực nhơn tài…
Ngày ghé bến…

Vọng cổ:

4-Duyên hài trên mẹ cha chọn lọc, dưới hài tâm phận thục nữ lầu hồng… Nhìn thân quyến họ hàng bắt tay vào việc, lo về cuộc lễ nhi nữ vu qui… Lòng tươi tắn vui mừng nhưng giấu kỹ trong tâm, tìm nơi vắng vẻ ôn lại cuộc đời mười mấy năm qua… sống cùng cha mẹ chẳng chút bận lo, nay dấn thân lòn cúi nhà người chẳng biết ra sao thành ái ngại vô cùng.

5-Thân bến nước mười hai trong nhờ đục chịu, phú thác tơ ông tùy người sắp đặt mọi đàng. Làm con vẹn hiếu, chỉ biết cúi đầu vâng lịnh sự lựa chọn của kẻ bề trên định việc thành thân… Sự lìa cửa xa nhà bề phụng dưỡng sớm hôm biết cậy nhờ ai thay thế, giúp mẹ cha khi bóng xế đầu cành.

6-Bước lên kiệu loan, lòng bùi ngùi xúc cảm, nhớ lại cảnh nhà rồi đây vắng dạng bóng thuyền quyên… Biết trên cha mẹ có lấp thân được chăng, hay sầu mong trẻ cất bước vu quy chẳng hẹn ngày về… Bổn phận ly gia khó lòng dừng chơn lại được, chỉ canh cánh bên lòng nỗi thảm sầu riêng.

“Giải cứu”…Việt Nam (½)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT