Thursday, April 25, 2024

Bài ‘Tử Lộ Ðội Gạo’ của soạn giả Kiên Giang

Ngành Mai

Soạn giả Kiên Giang dựa vào chuyện xưa tích cũ “Nhị Thập Tứ Hiếu” để viết lên bài ca vọng cổ “Ðội Gạo Ðường Xa,” hay còn gọi là “Tử Lộ Ðội Gạo.” Ðây là một tác phẩm hay trong kho tàng cổ nhạc, nhưng hiện nay gần như mai một.

Các bài vọng cổ từng được giới mộ điệu nhiệt tình khen tặng, hễ ca lên thì người nghe đều im lặng thưởng thức như “Tình Anh Bán Chiếu,” “Trái Khổ Qua,” “Gánh Nước Ðêm Trăng,” “Mồ Em Phượng,” “Bóng Người Kỵ Sĩ,” “Sầu Vương Biên Ải,” “Xâu Gùi Bến Cát”… Còn rất nhiều bài ca ăn sâu vào lòng người mộ điệu, nhưng chỉ một số ít người nhớ tới mà thôi.

Ðể giúp tài tử giai nhân khi quên lời ca, Hội Cổ Nhạc Miền Nam Việt Nam Hải Ngoại sẽ lần lượt giới thiệu từng bài vọng cổ mà khi xưa giới đờn ca tài tử và khán giả ưa thích, trong buổi họp mặt đờn ca tài tử kỳ 2 được tổ chức lúc 4 giờ chiều Thứ Năm, 27 Tháng Mười, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt 14771 Moran St., Westminster, CA 92683.

Trong khuôn khổ bài báo này, xin đăng bài vọng cổ sáu câu “Ðội Gạo Ðường Xa” của thi sĩ Kiên Giang-Hà Huy Hà.

Nói lối:

Thầy Tử Lộ vào chầu Khổng Tử,
Gục đầu nức nở khóc như mưa,
Nhớ những ngày rau cháo muối dưa,
Con đội gạo đường xa nuôi mẹ.

1) Nhưng hỡi ơi, khi chiếm bảng Khôi Nguyên thì cha mẹ đã vội bước qua… đời. Trên đường vinh quy bái tổ lòng con đau xót vô hồi. Tiếng trống rập rềnh, tiếng chào mừng rộn rã, lời chúc tụng hoan hô, không vơi bớt được nỗi niềm riêng của một vị tân quan, khi liên tưởng đến ngày về gặp lại mẹ cha trong làn hương khói.

2) Thầy ơi, nhớ thuở nào con cùng song thân náu nương dưới mái thảo đường. Bên án thư con vùi mài kinh sử suốt đêm trường. Ngày ngày mang giày cỏ, mặc áo rơm đội gạo đường xa qua tiếng hát thiết tha.

Còn cha còn mẹ như tiên,
Mất cha mất mẹ như chim lạc đàn,
Ai bỏ cha mẹ cơ hàn,
Ngày sau trời phạt ra đàng ăn xin.

3) Trên đường gió bụi sỏi đá chông gai, dù rách chiếc áo rơm, đôi giày cỏ hay rướm máu gót chân, những không có làm con sờn lòng người đội gạo, khi nhớ đến cha mẹ thường nhắc câu “ngọc bất trác bất thành khí, nhơn bất học bất tri lý.” Và thường khuyên con nên dùi mài kinh sử để chờ dịp khoa thi, thì chân con vội vàng giẫm trên gai góc, mà con tưởng rằng đang bước chân vào cổng trường thi hầu chiếm giải mây rồng.

Nói lối:

Ông Châu Trí đốt lá đa làm lửa, học trước chùa cũng đỗ giải Nguyên. Còn thầy Tử Lộ dùi mài kinh sử ban đêm, ngày đội gạo lấy tiền mua giấy mực.

4) Nhờ chí công ăn học nên người được bảng hổ đề tên, nên vinh quý bái tổ cho rực rỡ tông… đường. Nhưng khi về đến quê xưa thì cha mẹ không còn.

Ngày nay con được làm quan,
Có xe song mã có vàng đầy kho,
Ði đâu có trống có cờ,
Cổng chào kết tuội, bến đò rắc hoa,
Nhưng con không còn mẹ còn cha,
Lòng con nào khác đám ma ban chiều.

5) Hỡi ngựa xe hỡi cờ quạt hỡi quân hầu, hãy cùng ta dừng lại trước nấm mộ hoang tàn. Vì ngày vinh quy bái tổ là ngày giỗ của tông đường. Ta tạm cởi chiếc áo nhà quan, mặc lại áo rơm, chân đi giày cỏ, đầu đội chiếc thúng rách. Ta muốn đi trên con đường cũ tưởng niệm song thân, vì con đường đầy gai góc từ nhà cũ đến làng xa, chính là con đường đã đưa ta đến cổng quan trường.

6) Nghe chuyện thầy Tử Lộ đội gạo cúng tế mẹ cha, cho nên vua nước Sở liền cho quân sĩ kiệu chiếc thúng rách, chiếc áo rơm và đôi giày cỏ tả tơi về tận triều ca. Rồi nhờ các văn gia thi sĩ chép lại gương trung hiếu của một vị tân quan, đã đội gạo đường xa nuôi cha nuôi mẹ từ thuở cơ hàn.

Hỡi ai bất hiếu bất nhân,
Xem gương Tử Lộ ăn năn sửa mình,
Lo cho cha mẹ tận tình,
Tròn câu hiếu thảo vẹn gìn đạo con.

Ðể tham dự buổi họp mặt đờn ca tài tử kỳ 2 vào chiều Thứ Năm, 27 Tháng Mười, sắp tới, ban tổ chức hân hoan chào đón các nhạc sĩ tham gia với tính cách tài tử, cũng như khán giả mộ điệu và tài tử giai nhân về họp mặt. Liên lạc trưởng ban tổ chức, ông Lê Quang Thế qua số điện thoại (714) 454-7851.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT