Thursday, March 28, 2024

Bài vọng cổ ‘Dưới Cổng Trường Làng’ của Quy Sắc

Ngành Mai/Người Việt

Bài vọng cổ “Dưới Cổng Trường Làng” của soạn giả Quy Sắc ra đời vào khoảng năm 1961-1962, là bài ca có lời văn tả cảnh trường làng, đề cập đến hàng cây điệp trổ bông đỏ, mà trong văn học gọi là hoa phượng, có cả tiếng ê a của học trò, tiếng gõ thước trên bàn của thầy giáo.

Ðây là bài vọng cổ trữ tình, vừa tả cảnh vừa nói lên tình tự dân tộc, đồng thời cũng gợi lại trong tiềm thức của người nghe một câu chuyện tình đẹp ở làng quê miền Nam xưa kia, khiến cho người ta cảm xúc nhớ lại các hình ảnh cũ mà ở mỗi làng, mỗi thôn xóm tuy có khác nhau về tình tiết câu chuyện, nhưng lại tương tợ với nhau về cảnh sắc thiên nhiên, cùng với sự vật và tâm sự của con người.

Những người từng sinh sống ở miền Nam từ thời thập niên 1960 trở về trước, chắc ai cũng hình dung được cái hình ảnh thân thương quen thuộc của thời còn trẻ, mỗi khi đi qua một mái trường làng nào đó, mà bài ca “Dưới Cổng Trường Làng” đã vô tình khơi lại. Ðặc biệt là những người đã từng làm nghề dạy học ở vùng quê mà người ta thường gọi là “Thầy Giáo Làng,” thì khi nghe bài ca này lại càng thấm thía, càng gợi nhớ nhiều hơn.

Soạn giả Quy Sắc nguyên là thầy giáo làng, nhưng có lẽ có căn nợ với cổ nhạc cải lương nên ông nghỉ nghề dạy học, bước vào lãnh vực cải lương chuyên viết tuồng và sáng tác bài ca vọng cổ. Người ta không biết bài vọng cổ “Dưới Cổng Trường Làng” có gởi gắm tâm sự của soạn giả Quy Sắc hay không, nhưng có một số các vị làm nghề gõ đầu trẻ nghe ca bài này rồi tự khóc thầm, do bởi kỷ niệm xa xưa nào đó hiện về trong tâm não.

Hãng dĩa hát Hồng Hoa thu thanh phát hành bài vọng cổ “Dưới Cổng Trường Làng” với giọng ca cà giựt, cà giựt của Hữu Phước đã làm say mê hàng vạn người nghe dĩa hát vào thời điểm đó. Dĩa hát ra đời, các ca sĩ tài tử đã học từ trong dĩa rồi đi ca ở các buổi đình đám địa phương, và ở đâu ca bài này cũng được hoan nghinh, có đôi khi dĩa vừa hát xong, hoặc ca sĩ tài tử vừa ca dứt bản thì có người lên tiếng: “Sao mà giống tâm sự của tôi quá!”

Có điều nghệ sĩ Hữu Phước sau khi ca thu thanh dĩa hát “Dưới Cổng Trường Làng” nổi tiếng quá, thì một số người cũng gọi anh ta là thầy giáo, do đó mà đã không ít khán giả tưởng đâu khi xưa Hữu Phước làm thầy giáo.

Anh cũng không cải chính nên thiên hạ mới lầm tưởng như vậy, chứ thật ra Hữu Phước có đi dạy học bao giờ, mà xuất thân từ một anh chạy bàn trong quán nhậu “Họa Mi” của cô Năm Cần Thơ trong khuôn viên Ðại Thế Giới.

Lúc bấy giờ Tướng Bảy Viễn nắm quyền ở sòng bạc Ðại Thế Giới, ông nghe Hữu Phước có giọng ca hay nên viết giấy giới thiệu với ông Ba Bản chủ hãng dĩa hát Hoành Sơn, và tại đây Hữu Phước có cơ hội ca thu dĩa và nổi danh luôn.

Dưới đây là bài vọng cổ “Dưới Cổng Trường Làng.”

Thơ:
Bên cổng trường làng quê,
Cô nàng đứng chờ ai,
Nơi cuối đường xa xa,
Ong bướm đang đùa hoa,
Hai tâm hồn một ngả,
cùng chơi vơi vào miền tiên cảnh giao hòa.

1) Thực trạng ấy kéo đến mấy mùa điệp tàn rồi điệp nở, cũng vẫn kẻ trong lớp ngó ra, người ngoài cổng liếc mắt trông vào… nhưng không ai nói lên được tiếng nói nào. Có những đêm hiu quạnh chàng trai sắp đặt muôn ngàn câu tha thiết, gặp nàng thố lộ tâm can, nhưng khi gặp mặt, tim đập mạnh như trống liên hồi tan học, những câu sắp đặt theo hơi thở ngập ngừng bay theo làn mây gió.

2) Có một buổi sáng mai nhà giáo đang nhìn đôi bồ câu rỉa lông ân ái, bỗng cô gái hiện ra, tay cắp rổ, miệng nở nụ cười tình.

Thơ:
Sáng nay em đến chợ kinh,
Gởi chi thầy nói em xin mua giùm.

Thầy mới buông lời ý nhị:
Chợ kinh có bán tơ vàng,
Quả hồng đỏ ối xin nàng giùm mua.

3) Thế rồi hôm sau dưới lũy tre làng, đôi tim rộn rã ngập tràn yêu đương. Dù thuyền tình đã đến bến mơ nhưng chưa cặp được là vì lễ giáo tôn nghiêm của những bậc sanh thành… Cha mẹ chàng từ khước cô dâu không đợi ly rượu mâm trầu. Song thân nàng tự ái quyết chẳng gả con cho một gia đình tự đại tự cao. Hai trẻ vì hiếu phải chịu xa nhau, nàng gạt nước mắt vâng lời mẹ dày duyên cùng kẻ khác. Còn chàng mượn gót chân lãng tử, rày đây mai đó, mượn cỏ cây mây nước để xóa bỏ vết thương lòng.

4) Từ đây mái trường vắng bóng chàng giáo viên tận tụy, cổng trường vắng chiếc nón lá đợi trống tan trường. Hàng điệp chẳng trổ hoa đứng lặng lẽ bơ phờ. Bướm chẳng nhởn nhơ, chim không buồn ca hót, tiếng ê a của học trò như chìm lặng trong không gian, tiếng gõ thước trên bàn như lui về dĩ vãng. Chỉ dưới lũy tre làng những chiếc lá vàng thi nhau rơi lả tả, như khóc như than cho một kiếp duyên tình.

5) Hai mươi năm sau sương gió phủ trắng mái đầu người phiêu bạt, bỗng tình quê rào rạt, nhà giáo trở về làng tiếp tục lại nghề xưa. Sáng nay có một thiếu phụ dẫn con vào học, nhà giáo gỡ kiếng ra nhìn thì rõ ràng là người đẹp thuở trước. Thiếu phụ bỡ ngỡ thưa rằng: Dạ thưa thầy! Ðây là đứa trẻ mất cha, xin thầy dạy dỗ và ban cho nó chút tình phụ tử. Như suy nghĩ, rồi thủng thỉnh thầy lại gật đầu.

Ngoài cổng trường ánh nắng vàng nhảy múa trên hàng điệp đơm hoa, như mừng cho đôi quả tim già, cùng hòa điệu lại như thời hoa niên.

Mời độc giả xem phóng sự: “Salton Sea: đất khô hồ chết”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT