Friday, March 29, 2024

Cấm 5 ca khúc trước 1975: ‘không cấm được người ta hát’

Vũ Ðình Trọng/Người Việt

VIỆT NAM (NV) – Theo tin từ báo Tuổi Trẻ ngày 11 Tháng Ba, 2017, Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn thuộc Bộ Văn Hóa Thể Thao-Du Lịch CSVN (VH-TT&DL) vừa quyết định “tạm thời dừng lưu hành năm ca khúc sáng tác trước năm 1975.”

Các ca khúc bị tạm dừng phổ biến dù đã được cấp phép trước đó bao gồm: Cánh Thiệp Ðầu Xuân (Lê Dinh-Minh Kỳ), Rừng Xưa (Lam Phương), Chuyện Buồn Ngày Xuân (Lam Phương), Ðừng Gọi Anh Bằng Chú (Diên An), Con Ðường Xưa Em Ði (Châu Kỳ-Hồ Ðình Phương).

Theo báo VNExpress, quyết định cấm dựa trên đề nghị của Sở Văn Hóa-Thể Thao thành phố Sài Gòn.

Ngày 16 Tháng Mười Hai 2016, đơn vị này đã gửi công văn lên Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn (NTBD) về việc xem xét lại nội dung một số ca khúc sáng tác trước 1975.

Theo ông Nguyễn Thu Ðông – Trưởng Phòng Quản Lý Băng Ðĩa, Cục NTBD – cho báo VNExpress biết, cục phát hiện năm sáng tác trên có nhiều dị bản, tên tác giả, ca từ chưa chính xác.

Công văn 120 của Sở Văn Hóa Thể Thao & Du Lịch Tiền Giang. (Hình: Facebooker Loi Nguyen)
Công văn 120 của Sở Văn Hóa Thể Thao & Du Lịch Tiền Giang. (Hình: Facebooker Loi Nguyen)

Ông đưa ra ví dụ bài hát “Ðừng Gọi Anh Bằng Chú” thường được chú thích là sáng tác của Diên An. Tuy nhiên, đây thực ra là tác phẩm của nhạc sĩ khác.

Vì thế, “Cục sẽ tiến hành so sánh, đối chiếu phiên bản ca khúc từng được cấp phép sử dụng với những bản nhạc gốc do các đơn vị, cá nhân cung cấp. Ðại diện Cục NTBD cho biết hành động này nhằm đảm bảo chất lượng nội dung các bài hát trong các hoạt động âm nhạc như biểu diễn, ghi âm,” vẫn theo VNExpress.

Ông cũng khẳng định năm ca khúc bị bị tạm dừng lưu hành không gặp vấn đề nghiêm trọng về nội dung (chính trị). Sau khi quá trình thẩm định kết thúc, Cục NTBD sẽ cấp phép trở lại.

Không cấm được người ta hát

Dù được các quan chức kiểm duyệt khẳng định “năm ca khúc bị bị tạm dừng lưu hành không gặp vấn đề nghiêm trọng về nội dung (chính trị),” nhưng một số trang mạng xã hội bắt đầu đi tìm nội dung năm ca khúc trên để tìm hiểu.

Bài nhạc “Con đường xưa em đi” - Châu Kỳ & Hồ Ðình Phương.
Bài nhạc “Con đường xưa em đi” – Châu Kỳ & Hồ Ðình Phương.

Trên trang facebook, nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên (Sài Gòn) viết:

“Cục NTBD đã sai khi viết bài ‘Ðừng Gọi Anh Bằng Chú’ là của Diên An, đúng ra đó là bài hát của Nhạc sĩ Anh Thy! Có gì đằng sau việc ‘nhỏ như con tho’ này để một hội đồng nghệ thuật lao tâm khổ tứ đi soi mói các bài hát mà nhiều người đã biết từ mấy chục năm nay để rồi phải ra quyết định dừng lưu hành?’

“’Tạm dừng’ chỉ là cách nói để mọi người phải hiểu là cấm, không lẽ sau này lại ra quyết định dừng hẳn hoặc là được phép xài tiếp? Trong luật học, người ta gọi việc này là hồi tố. Vậy là Cục NTBD tự cho rằng trước đây mình làm ẩu vì thấy các bài hát này vô hại nên đã cấp phép, bây giờ phải sửa sai? Chuyện tức cười giống như chuyện con nít!

“Tôi thật sự nghi ngờ khả năng thẩm định của những quan chức này; họ có đủ thẩm quyền và hiểu biết để nói về 20 năm âm nhạc của miền Nam trước đây không?”

Facebooker Bổn Ðình Nguyễn, viết:

“Con đường xưa em đi. Cấm càng tốt! Chuyện ca khúc ‘Con Ðường Xưa Em Ði’ của Hồ Ðình Phương, Châu Kỳ bị ‘cấm’ theo tôi cũng chẳng ăn nhằm gì. Ca khúc bolero thuộc hàng tiêu biểu của dòng nhạc VNCH này ai nghe cũng thấy lời rất đẹp, như một bài thơ được gieo vần hoàn chỉnh, và đặc biệt đoạn cuối:

‘Ghi một đêm trăng thanh
Quán bên đường vắng tanh
Chỉ còn em với anh!’

“Lời ca ngay lập tức vẽ lên một khung cảnh nên thơ, êm đềm mà rất hình tượng, như thể ta thấy màu trăng bàng bạc trên một con đường khuya đã vắng, một quán nhỏ bên đường, chỉ còn lại 2 người (ai trong thế hệ chúng ta mà không từng như vậy?). Nó gợi lên trong ký ức về những mối tình đã quá vãng một cách đầy thổn thức!

Cho nên chỉ vài từ như “phiên gác, chiến trường” mà cấm thì thật mắc cười, nhưng cấm mấy đi nữa cũng không làm mất đi vẻ đẹp, tính nhân bản của các ca khúc thời VNCH. Cấm, thì chỉ ảnh hưởng giới biểu diễn hiện nay, nên theo tôi cấm càng tốt!” (ngưng trích)

Và cũng không ít người cười cho cái “quyết định con nít” của Cục NTBD qua việc “trại” lời ca khúc “Con Ðường Xưa Em Ði”:

“Con đường xưa em đi, nhiều năm đã đi rồi, bỗng chiều nay cấm đi.
Biết rằng không cho đi, khách qua đường cứ đi, sợ gì không dám đi?
Nhưng đường không cho đi, người ta vẫn đi hoài, cấm, càng thêm khoái đi.
Có đường không cho đi, cấm đi người vẫn đi, hỏi tại sao cấm đi?”

(Trích từ facebook Trần Lê Duyên)

Tuy nhiên, cũng có ý kiến nhìn từ góc độ khác. Trả lời phóng viên Người Việt trên facebook, nhà báo Trần Tiến Dũng (Sài Gòn) viết:

“Nhìn sâu hơn có thể đoán rằng, nội dung 5 bài hát bị tái cấm, dư luận cho rằng: Bị cấm không phải vì có nội dung chống đối chế độ gì, đơn giản chỉ là do ganh ghét của một nhóm quyền lực trong lĩnh vực âm nhạc nào đó. Bọn nhạc sĩ bồi bút, đảng viên văn nghệ do đố kỵ, ganh ghét vì thấy sức phổ biến của 5 bái hát trên và các bài hát khác của các nhạc sĩ chân chính phổ biến trước biến cố 1975 (yếu tố giành tiền tác quyền cũng được bọn chúng tính đến).”

Ông cũng cho rằng đây là cú thăm dò dư luận của chính quyền, sau đó sẽ cấm dần những ca khúc trước năm 1975 dù đã được cấp phép trước đó, nhằm “giành lại sân khấu biểu diễn cho thứ nhạc đỏ cũ và mới.”

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Hai, ngày 13 tháng 3 năm 2017

Dù sao chăng nữa, người yêu nhạc sáng tác trước 1975, kể cả giới trẻ hiện nay, vẫn không quan tâm nhiều đến chuyện “cấm lưu hành,” vì “dù cho có cấm đi nữa thì nó vẫn tồn tại, vẫn hát và vẫn nghe.” (facebooker Tran Dang Long).

Hiện nay, ngoài chuyện cấm lưu hành 5 ca khúc trên, chính quyền các tỉnh thành cũng đang tiến hành kiểm tra lại các ca khúc được phổ biến trong hệ thống karaoke.

Công văn số 120 của Sở Văn Hóa Thể Thao & Du Lịch Tiền Giang cho biết, trong Tháng Giêng vừa qua, khi kiểm tra các quán karaoke, họ mới phát hiện ra hệ thống karaoke được cài đặt hơn 500 bài hát “chưa được phép phê duyệt nội dung và cho phép lưu hành,” trong đó, có những bài về người lính VNCH như: Giã Từ Vũ Khí, Kẻ Ở Miền Xa, Xin Tròn Tuổi Loạn, Một Mai Giã Từ Vũ Khí, Trên Bốn Vùng Chiến Thuật, Viết Từ KBC, Bạc Màu Áo Trận, Anh Không Chết Ðâu Anh, Anh Tiền Tuyến-Em Hậu Phương,…

Ðược biết, việc cài đặt các bài hát này vào hệ thống karaoke đã có từ mười mấy năm nay, và công ty nào sản xuất hệ thống karaoke cũng cài đặt các bài hát này theo yêu cầu khách hàng. (V.Ð.T)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT