Wednesday, April 24, 2024

Đại nhạc hội giúp người cùi Việt Nam tại Little Saigon

Vũ Đình Trọng/Người Việt

FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – Đại nhạc hội “Tạ Ơn Trên Người Vẫn Thương Người” do Hội Bạn Người Cùi tổ chức sẽ diễn ra lúc 1 giờ trưa Chủ Nhật, 4 Tháng Sáu, tại Saigon Performing Arts Center, 16149 Brookhurst St., Fountain Valley, CA 92708.

Đây là đại nhạc hội lần thứ 23, nhằm gây quỹ giúp bệnh nhân phong cùi tại Việt Nam. Chương trình quy tụ hơn 30 ca nghệ sĩ nổi tiếng tại hải ngoại như Tuấn Vũ, Thanh Thúy, Mai Lệ Huyền, Chí Tâm, Ngọc Đan Thanh, Trần Thái Hòa, Hồ Hoàng Yến, Nguyên Khang, Hoàng Anh Khang…  

Bắt đầu từ một video clip

Cuộc hành trình giúp bệnh nhân phong cùi khởi đầu từ một nhóm anh chị em trong cộng đoàn Tustin năm 1995.

Bà Nguyễn Thị Soi, một trong những người sáng lập hội, nhớ lại: “Hồi đó vợ chồng tôi làm việc cho cộng đoàn Tustin. Tuy không khá giả gì nhưng thỉnh thoảng cũng gởi tiền về giúp người nghèo. Một ngày, tôi nhận được một đoạn video clip do cha Nguyễn Văn Nghi từ Việt Nam gởi qua. Cha đi thăm họ, thấy họ khổ quá mà chẳng biết giúp làm sao nên mới quay đoạn phim gởi qua cho tôi, nhờ tôi kêu gọi người quen giúp họ.”

“Đó là đoạn video quay hoàn cảnh những người cùi trong cái lều rách nát ở núi Sạn, xã Cam Tân, huyện Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Khi trời mưa dột khắp nơi, hai vợ chồng cùi, tay chân không còn, cứ ôm nhau tránh mưa. Không cầm được nước mắt. Rồi khi họ cuốc đất thì cột sợi dây vào trong cánh tay. Đất ở Cam Ranh thì toàn sỏi đá, cuốc một ngày chỉ được một chút. Nhìn thấy thương quá. Tôi gọi về cho cha Nghi, và đồng ý sẽ giúp làng cùi này một cái máy cày giá $8,000, để họ có thể cày đất trồng mía, trồng sắn,” bà kể.

Rồi bà đưa đoạn phim đó cho một số người xem nhờ phụ giúp. Ai cũng thấy sợ. Có người còn trách bà: “Trời ơi! Hình như vậy mà bà đưa cho tôi coi à!” Nhưng rồi cũng có người đồng cảm, bàn nhau cách giúp.

“Tôi đưa cho chị Nhiệm coi. Chị nói ‘giờ hai đứa mình làm cái gì đó gây quỹ đi.’ Tôi mừng quá, có ‘đồng minh’ rồi thì việc gì cũng xong. Chồng tôi (ông Nguyễn Hữu Đại) lúc đó là chủ tịch cộng đoàn đề nghị làm bữa cơm mời cộng đoàn, người quen. Bàn với cha Quản Nhiệm Vũ Đình Trác, cha đồng ý cho chúng tôi nấu một nồi phở,” bà nói.

Chỉ một nồi phở, nhóm thu được $6,000. Một con số khiến cả nhóm ngạc nhiên vì tấm lòng của cộng đoàn, của bè bạn. Còn thiếu $2,000, bà Soi bỏ tiền túi vào cho đủ, rồi cùng gia đình và nhóm bạn về Việt Nam.

Bà kể tiếp: “Đến nơi chúng tôi trao tiền cho cha Nguyễn Văn Hòa (giám mục Nha Trang), và cha Nghi. Tôi vào trại phong cùi tuyên bố là bà con hải ngoại gởi tiền về giúp mua máy cày dùng chung. Có mấy người nói ‘Trời ơi giờ chúng tôi đói lắm, quý vị cho máy cày thì chúng tôi cảm ơn, nhưng một năm sau chúng tôi mới có cái ăn, không biết chúng tôi có sống nổi đến ngày đó không?’ Thế là tôi đưa cho cha Nghi $500 nữa nhờ cha mua gạo cho họ.”

Trại cùi núi Sạn hồi đó có khoảng trên 100 người. Đoàn bà Soi nghĩ chắc cả nước có chừng đó người bệnh thôi. Nhưng “tiếng lành đồn xa,” những trại cùi khác biết tin, gởi thư nhờ bà giúp họ. “Tôi đâu biết là có nhiều người bị phong cùi đến vậy. Nhưng phải làm tiếp thôi. Thế là tôi mời thêm ông Nguyễn Văn Công vào giúp sức,” bà nói. 

Những mái đầu bạc chung một tấm lòng với người cùi tại nhà ông bà Nguyễn Hữu Đại-Nguyễn Thị Soi. (Hình: Vũ Đình Trọng/Người Việt)

23 năm cùng cộng đồng làm bạn với người phong cùi

Hội Bạn Người Cùi được thành lập theo tiêu chí đó. Họ xem những người bệnh cùi bị xã hội xa lánh là “Bạn,” là “Gia Đình.” Mà đã gọi nhau là “Bạn,” thì khi “Bạn” gặp khó khăn thì phải giúp.

Ông Nguyễn Văn Công, cựu hội trưởng, chia sẻ: “Chúng tôi cũng là dân nhà quê, mặc quần thủng đít, chả biết văn nghệ gì. Trước đi lính đánh giặc thôi chứ đâu biết làm gì đâu. Nhưng thấy người bệnh cùi khổ quá, làm sao ngồi im được. Tiền hưu của tôi cũng đủ sống rồi, chết cũng chẳng mang theo được. Chỉ có làm những việc giúp người khác thì mang theo được thôi, chứ chuyện ở thế gian này vứt đi hết.”

Chính nhờ kiểu “nhà quê” đó mà hội phát triển. “Ân nhân của hội nhiều lắm, ngoài những người gởi tiền ủng hộ thường xuyên, lúc $5, $10 một tháng, còn có nhiều người dành cho hội cả số tiền lớn với cả $20,000. Rồi những người trước khi mất, dặn con cháu gởi hết tiền phúng điếu cho hội. Chúng tôi mới nhận được $10,000 từ tiền phúng điếu của người đã mất, do gia đình trao lại theo di nguyện. Có người đã làm di chúc để lại cho hội cả căn nhà sau khi họ mất,” bà Bùi Kim Loan, thủ quỹ của hội, cho biết.

Bà Nguyễn Thị Soi chia sẻ: “Với số tiền $8,000 đầu tiên chúng tôi gởi tặng trại cùi ở núi Sạn mua máy cày thì mấy năm sau quay trở lại, chúng tôi thấy vườn mía, vườn sắn xanh tươi, cuộc sống người cùi ở đó đỡ vất vả nên mừng lắm.”

Qua năm thứ hai, hội tổ chức văn nghệ, có nhiều ca nghệ sĩ đóng góp, thu được $25,000. Năm thứ ba được $75,000. “Lúc đó, hội trường cộng đoàn Tustin trở nên chật chội, vì bà con hưởng ứng đại nhạc hội ngày càng đông. Nhạc sĩ Việt Dzũng đề nghị năm sau ra ngoài tổ chức. Chúng tôi cũng làm liều, vừa làm vừa học,” ông Công nhớ lại.

Theo một số báo cáo tài chánh mấy năm gần đây, mỗi năm Hội Bạn Người Cùi nhận được từ $1.1 triệu đến $1.2 triệu. Một con số không tưởng cho những ông bà “chân đất, nhà quê!”

“Chúng tôi cũng nói bà con hải ngoại, nếu có dịp về thăm các trại phong cùi nằm trong danh sách của hội, xin bà con cứ hỏi thẳng bệnh nhân ở đó xem hằng tháng họ có nhận đủ tiền mà bà con đóng góp vào đó hay không. Nếu bà con phát hiện bệnh nhân không nhận được, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Lời nói của chúng tôi đi đôi với việc làm. Những việc khác có thể xảy ra sơ suất, chứ tiền bạc cho người nghèo khó, nhất quyết chúng tôi không bao giờ để xảy ra lỗi lầm,” ông Công khẳng định.

“Làm ra đồng tiền rất khó, thế nên khi nhận được những đồng tiền đó từ ân nhân, chúng tôi rất quý trọng. Gởi tiền về giúp người cùi, chúng tôi phải về Việt Nam thường xuyên kiểm tra xem người được ủy thác trong nước có sử dụng tiền đúng mục đích hay không, có cho đúng người không. Thành viên nào về Việt Nam thì tự bỏ tiền túi mua vé máy bay, và chi phí ăn ở, không bao giờ dùng tiền của hội,” ông cho hay.

Ông Nguyễn Văn Nhuệ, thành viên hội, nói: “Hai mươi ba năm nay chúng tôi không tốn một đồng nào thuê văn phòng, hay trả tiền điện nước. Chúng tôi làm việc tại nhà ông Đại-bà Soi, lại được bà ấy nấu cơm cho ăn. Tuần nào cũng thế. Lần nào chuẩn bị đại nhạc hội thì chúng tôi làm việc hai ngày/tuần, bà Soi cho ăn hai bữa. Còn thì xe ai người ấy chạy, chi phí ai người ấy lo.”

Hiện nay, Hội Bạn Người Cùi đang giúp 38 trại, làng người bệnh phong cùi sinh sống, với 4,200 người và hơn 1,000 con em của họ. Nhờ đó, nhiều cháu được học hành đến nơi đến chốn, có cháu tốt nghiệp bác sĩ, kỹ sư, y tá… giúp thay đổi cuộc sống gia đình, và quay trở lại giúp đỡ cộng đồng.

Giá vé đồng hạng $35. Liên lạc ông Nguyễn Văn Công (714) 785-7950, Nguyễn Thị Soi (714) 732-8162, Nguyễn Phụng (714) 949-7079.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT