Wednesday, April 24, 2024

Hiện tượng Mộng Vân trong nghệ thuật cải lương

Ngành Mai/Người Việt  

Thầy tuồng Mộng Vân vừa viết tuồng, vừa làm bầu gánh hát “Mộng Vân,” oanh liệt vào những năm của thập niên 1930-1940. Ông là bậc thầy của những danh ca cổ nhạc lừng danh như Năm Nghĩa, Bảy Cao, Út Trà Ôn, Ba Khuê… Những tài danh này từng cộng tác học hỏi dưới bảng hiệu Mộng Vân.

Mộng Vân sinh năm 1910 và mất 1950. Trong 16 năm hoạt động nghệ thuật, ông đã sáng tác gần 70 kịch bản. Phải nói là cường độ trong sáng tạo nghệ thuật của Mộng Vân ít ai dám bì.

Do hoạt động thời Pháp thuộc, vấn đề kiểm duyệt tuồng tích khó khăn. Phần lớn tác phẩm của Mộng Vân đều màu sắc, hương xa, kiếm hiệp, nhưng đồng thời lồng vào đó nội dung tình tự, tự hào dân tộc, hoặc ca ngợi cái đẹp của đạo lý Việt Nam, ca ngợi lòng yêu nước…

Phong cách nghệ thuật của Mộng Vân được thể hiện một cách xuyên suốt từ kịch bản cho đến vở diễn, do chính ông dựng. Những cái cần được khép kín để giữ gìn bản sắc dân tộc, vốn có của sân khấu cải lương thì ông giữ đúng. Những gì được phép mở ra để không ngừng tiếp thu cái mới Mộng Vân rất bạo tay.

Mộng Vân là người đầu tiên mở bung nhịp bản “Dạ Cổ Hoài Lang” của nhạc sĩ Sáu Lầu từ nhịp hai mở ra nhịp bốn, với bài “Bá Lý Hề,” được phổ biến trong phong trào đờn ca tài tử. Và sau đó “Dạ Cổ Hoài Lang” được mở ra đến nhịp 8, từ nhịp 8 lơi, mở dần ra đến nhịp 16 và từ đó mang tên vọng cổ cho đến nay.

Nhạc của Mộng Vân gồm có hai loại: Nhạc trữ tình và nhạc gây tình huống. Riêng loại nhạc gây tình huống phải nói là đặc sản của Mộng Vân.

Sân khấu Mộng Vân là sân khấu chuyên về phong cách nghệ thuật hương xa, kiếm hiệp… khác hẳn phong cách đẹp và thật của Năm Châu. Những tác giả theo trường phái Mộng Vân được biết là khá đông như, Vân Sinh (bầu Sinh), Năm Nghĩa, Bảy Cao…

Những nghệ sĩ thuộc trường phái Mộng Vân về vai diễn các loại. Chẳng hạn, nghệ sĩ hài, có những nghệ sĩ đã nổi tiếng như Tư Rọm, Hề Lập… hoặc kép độc có Tư Phúc, Trường Xuân…

Mộng Vân có lối viết tuồng riêng biệt mà nhiều gánh rất thích sử dụng tuồng của ông. Ông viết theo lối “đo ni đóng giày.”

Trước tiên ông quan sát lực lượng diễn viên, coi thanh sắc đào kép chánh, khả năng biểu diễn rồi mới hạ bút viết. Do đó, mỗi vai tuồng phát ra đều phù hợp với diện mạo và tính tình sẵn có của diễn viên.

Đào chánh Kim Anh của gánh hát Mộng Vân. (Hình: Ngành Mai sưu tập)

Mộng Vân lại là người có tính “địa phương.” Phải là tài tử hoặc người ở xứ sở Bạc Liêu mới được ông nâng đỡ, điều này thấy rõ trong nhiều trường hợp.

Lúc ông viết tuồng cho đoàn Hề Lập, kép chánh đang nổi danh là Thanh Tao, anh này đã từng đóng cặp với cô đào Năm Phỉ lúc kép Tư Út đã ra đi. Mộng Vân viết vở tuồng “Lửa Lòng Thiếu Phụ,” để cho Thanh Tao đóng chung với đào Mai Búp.

Ông đã biết tài nghệ của Thanh Tao nhưng hiềm vì anh kép này chưa chịu cúi mình làm đệ tử nên khi Năm Nghĩa gia nhập đoàn thì Thanh Tao liền bị xuống cấp trong một loạt tuồng của Mộng Vân, từ đoàn Hề Lập sang qua đoàn Chấn Hưng. Có một lẽ rất dễ hiểu vì Năm Nghĩa là người của tỉnh Bạc Liêu.

Liên tiếp trong ba vở tuồng “Hồng Long Quái Khách,” mọi người đều thấy rõ ý đồ của Mộng Vân. Năm Nghĩa đóng vai Hồng Long thiệt tên là Liên Trọng Hòa đều có mặt cả ba đêm biểu diễn. Thanh Tao được phân vai Hồng Long 3 tức là Hồng Long giả chỉ có việc ca mấy câu vọng cổ hối hận vì hành động bất chánh của mình! Riêng về vai Hồng Long 2 do Năm Giao đóng thì lại có chỗ diễn xuất.

Đến vở “Trái Tim Không Máu” ở sân khấu Chấn Hưng, Thanh Tao được thủ vai chánh đàng hoàng nhưng vì là người mang trái tim không máu chẳng có tình cảm gì cả, dựng lên để làm nên cho hai vai khác là Năm Nghĩa và Bảy Cao ca diễn.

Đến như Ba Khuê, một kép hát chỉ có hơi ca ở mức trung bình, sắc vóc kém cỏi vừa to con lại vừa mặt thịt… Vậy mà khi được Mộng Vân “đo ni đóng giày,” ông viết riêng cho Ba Khuê vở tuồng “Thái Tử Lưng Gù.”

Ba Khuê đã lùn, sắc vóc cục mịch lại càng phải hóa trang cho xấu xí hơn, độn một cục bứu trên lưng, hóa trang cho mặt nổi u nần, để rồi ca vọng cổ thật mùi, nói lên nỗi lòng bi thiết, ai ai cũng mến thương. Nhờ vậy mà Ba Khuê được khán giả mến mộ và nổi danh luôn sau vở hát đó. Soạn giả như thế, tài năng thủ thuật cao đẳng như thế làm sao không ăn khách và nổi danh cả một thời.

Cuộc đời ngắn ngủi của Mộng Vân đã để lại cho đời khoảng 70 vở cải lương, 30 bài bản cổ nhạc canh tân. Đáng trân trọng là ông đã khởi xướng một “trường phái” sân khấu, là người đầu tiên sáng tác một loạt những bài bản “canh tân” làm giàn cho âm nhạc cải lương… mà xưa nay công chúng ít biết đến.

Một “trường phái” sân khấu nói riêng, hay một trào lưu nghệ thuật nói chung muốn được thừa nhận, phải hội đủ bốn tiêu chuẩn: Tác phẩm, phong cách nghệ thuật, lực lương và tổ chức bảo đảm phong cách.

Về “hiện tượng Mộng Vân,” tác giả Bảy Cao, Thanh Cao học trò của Mộng Vân từng kể những kỷ niệm, những việc làm của người thầy mình.

Cuộc đời, tác phẩm và những cống hiến của tác giả, nhạc sĩ Mộng Vân vẫn cần tiếp tục nghiên cứu để có được một chân dung hoàn chỉnh về Mộng Vân. Hơn thế, qua đó mọi người sẽ rút ra được những kinh nghiệm về quản trị và tổ chức sân khấu…

Mộng Vân mất năm 1950, con của ông là bầu Ba Tẹt cùng vợ là đào chánh Kim Anh tiếp tục điều khiển gánh hát Mộng Vân cho đến 1952 thì rã gánh. Kim Anh về hát cho đoàn Thanh Minh của Năm Nghĩa.

Niềm mơ ước rất thú vị của nhạc sĩ Lam Phương ở tuổi 80

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT