Saturday, April 20, 2024

Hùng Cường và Thanh Tuyền, danh ca tân cổ nhạc

CN-Hung-Cuong

Ngành Mai

Danh ca tân nhạc trên lãnh vực cổ nhạc, theo dòng dĩ vãng của tân nhạc khoảng năm 1963, khi Hùng Cường, đệ nhất danh ca đương thời với giọng ténor độc đáo đã gia nhập làng cải lương (đoàn Ngọc Kiều), và tiếp tục gặt hái nhiều thành công tốt đẹp, cho đến năm, sáu năm sau thì nhiều danh ca tân nhạc khác liền nương theo.

Ở thời điểm này nhiều lò cổ nhạc đã tiếp nhận ca sĩ tân nhạc đến học nhịp, học ca vọng cổ, mà nhiều nhất là lò Út Trong.

Ðà ấy học hỏi nhịp trường canh, sử dụng tiết điệu lời ca cổ nhạc, mong thu đạt thành quả như Hùng Cường. Cũng có người muốn học ca cổ nhạc, để thí nghiệm chơi. Những danh tài ấy, người còn nhớ như Việt Ấn, Vân Hùng, Túy Phượng, Túy Hoa (trước do xuất thân từ làng cải lương) Trần Văn Trạch, Thẩm Thúy Hằng, Thanh Việt, rồi Phương Dung, Thanh Tuyền…

Ngược tại thỉnh thoảng cũng có một vài nghệ sĩ cổ nhạc vì hoàn cảnh, hoặc vì “chán nghề” nên cũng nhảy sang làng tân nhạc, hoạt động cho các ban thoại kịch. Ðó là những Ba Vân, Bảy Xê, Ngọc Trai, Kim Cương…

Trở lại với nhóm danh ca tân nhạc leo sang giới cổ nhạc, chúng ta cùng đặt vấn đề: Ai đã thành công và ai đã bỏ cuộc bên vệ đường… nghệ thuật?

Chúng tôi phải đành nói mau là ít danh ca được gặt hái kết quả như ý, ngoài một Hùng Cường.

Cũng cần phân biệt hai phương thức trình bày giọng ca tân nhạc và cổ nhạc khác nhau. Ca sĩ tân nhạc thường vấp nhược điểm khi ca cổ nhạc là giọng ca còn lúng túng, bị gò bó không được thanh thoát linh động.

Còn nghề cổ nhạc thì vốn đã có đặc chất uyển chuyển, thướt tha ẻo lã trong khi trình bày các bản ca cổ nhạc, nên cũng ít có ai thành công khả quan, khi phải trình bày một bản tân nhạc.

Bởi lý do trên, nên nhiều danh ca tân nhạc đều “bỏ cuộc” nửa chừng trên đường theo đuổi cổ nhạc. Nhưng cũng có người thành công đáng khen. Ðó là: Hùng Cường và Thanh Tuyền.

Vốn bẩm tính thông minh và có thiên khiếu về nghệ thuật nên Hùng Cường dễ dàng thành công. Ngoài một giọng tân nhạc ténor độc đáo, Hùng Cường đã sớm khắc phục nhược điểm của một danh ca tân nhạc, khi ca cổ nhạc như đã nêu ở đoạn trên, để đi từ kết quả nầy đến thành công rực rỡ khác.

Cho đến khoảng 1966 Hùng Cường là một nam diễn viên nòng cốt, “ăn khách” nhất của đoàn Kim Chung. Do đó, người ta gọi Hùng Cường là đệ nhất nghệ sĩ tân cổ nhạc của làng nghệ thuật nước nhà. Gọi Hùng Cường như thế, vì không có nam nữ nghệ sĩ nào thành công về tân cổ nhạc như Hùng Cường.

Riêng về trường hợp nữ danh ca Thanh Tuyền cũng đáng gọi là một hiện tượng quý giá hiếm có vậy.

Thanh Tuyền tên thật là Phạm Thị Vui, sinh trưởng tại Ðà Lạt và khi vừa học xong đệ tứ ban trung học, Thanh Tuyền đã đoạt giải nhất không đối thủ, trong cuộc tuyển lựa danh ca tại Ðô Thành, với danh hiệu Như Mai. Dịp lưu diễn tại Ðà Lạt, Mạnh Phát khám phá tài danh tiềm ẩn ấy ở xứ lạnh, nên mời đề nghị đưa Như Mai cùng mẹ cô về Sài Gòn, và đổi tên nàng là Thanh Tuyền từ đó.

Vừa tròn 19 mùa Xuân mộng, Thanh Tuyền đã có một sắc vóc có nét khả ái, một giọng ca trữ tình truyền cảm đậm đà, nên vừa gia nhập làng tân nhạc thủ đô hoa lệ, Thanh Tuyền đã gây kinh ngạc thích thú không ít cho giới mộ điệu. Rồi, Thanh Tuyền lại được nhạc sĩ, kiêm soạn giả Viễn Châu dìu dắt tập ca vọng cổ, và Thanh Tuyền đã thành công ngay từ bước đầu, với giọng ca vọng cổ uyển chuyển, truyền cảm ngọt ngào.

Do đó, hãng dĩa Hồng Hoa đã hân hoan mời cô thu liên tiếp nhiều dĩa hát và được giới tiêu thụ hoan nghênh nhiệt liệt.

Tóm lại, danh ca tân nhạc nhảy sang cổ nhạc chỉ có hai trường hợp Hùng Cường và Thanh Tuyền là thành công mỹ mãn, còn hầu hết nếu không “rơi đài” ngay, thì thời gian sau cũng phải bỏ cuộc!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT