Thursday, March 28, 2024

Nhà báo Tô Yến Châu viết bài vọng cổ ‘Cô Gái Bán Vàm’

Ngành Mai/Người Việt

Tô Yến Châu là nhà báo tên tuổi ở Sài Gòn, từng cộng tác với các tờ báo lớn như Tiếng Chuông, Sài Gòn Mới… và cũng từng là chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ Thời Sự Miền Nam.

Năm 1965, nghệ sĩ Phùng Há và kỳ nữ Kim Cương đang ở Pháp, Tô Yến Châu sang Ba Lê gặp gỡ, tiếp xúc phóng vấn rồi về viết phóng sự. Tóm lại thiên hạ nhìn ông qua một nhà báo, một ký giả rành nghề, chớ không ai nói rằng ông là soạn giả cải lương hoặc là người viết bài ca vọng cổ.

Thế nhưng, nếu là dân đờn ca tài tử thì còn biết thêm Tô Yến Châu là người soạn bài ca vọng cổ, với bài “Cô Gái Bán Vàm” được thu thanh dĩa hát và phát hành cuốn bài ca.

Bài vọng cổ “Cô Gái Bán Vàm” là câu chuyện kể lại cuộc sống nghèo nàn thống khổ thời chinh chiến, đồng thời cũng tả cảnh sông nước miền Tây. Chữ “vàm” có nghĩa là vàm sông, chỗ sông nhỏ chảy ra sông lớn, đây là bến đậu của ghe thương hồ xuôi ngược trước khi rời đi. Và nơi đây thường có những chiếc xuồng con bán thức ăn, nước uống.

Riêng cô gái được Tô Yến Châu đề cập trong bài ca thì bán hủ tiếu thịt bò kho (có thể ông về miền Tây thấy được hình ảnh này). Và cuối cùng trong lời ca thì cô gái ngã gục dưới lằn đạn và cô vĩnh biệt trần gian, bỏ lại mẹ già.

“Cô Gái Bán Vàm” xuất hiện từ năm 1960, có lẽ đây là bài vọng cổ duy nhất do Tô Yến Châu biên soạn, bởi vì suốt thời gian nhiều năm sau người ta không thấy bài ca nào nữa của ông.

Bài ca nghe qua cũng khá cảm động, do bởi tình tiết đau thương của câu chuyện, nhưng không hiểu sao tài tử giai nhân lại rất ít người học, mà chỉ đổ dồn học bài của Viễn Châu, Quy Sắc, Kiên Giang. Phải chăng do nghề nghiệp chính của Tô Yến Châu là làm báo, nên tổ cải lương không đãi ngộ?

Dưới đây là bài vọng cổ “Cô Gái Bán Vàm.”

Kép: (ngâm Tao Đàn)

Thuở ấy thanh bình trên bến vắng,
Một túp lều tranh dưới bóng cây.
Ngoài kia sông nước trời mây,
Tiếng hò mái đẩy lan bay theo dòng…

Đào: (rao) Ai ăn hủ tiếu thịt bò kho hôn?…

Kép: Cô ôi! Xin dừng chèo trở vào bến nước,
Cho tôi nhờ một chuyến sang ngang.

Đào: Ông! Ông đi đâu trông có vẻ vội vàng?

Kép: Trời! Giặc đã đến cô không hay biết?…

(Có tiếng súng nổ).

Vọng cổ:

Đào:

1) Hỡi ôi! Xa xa kìa là lửa đỏ đang cháy rực cả chân trời… Tiếng súng thi nhau nổ rộp tơi bời… Chẳng mấy chốc chiến họa lan tràn ra khắp mọi nơi, sóng nước sẽ nổi cơn ba đào giông tố.

Thân em còn chút mẹ già,
Nhà em dưới gốc cây da trên bờ…
Em phải dìu dắt mẹ về nơi đâu để trải qua những hồi binh cơ tai biến…

Kép: (ngâm)

Chiến tranh là họa của đời,
Chiến tranh là vạ của người dân quê!

2) Anh ôi! Suốt bao năm qua sự nghiệp của em là chiếc xuồng ba lá bán vàm… Tổ ẩm của em là mái tranh rách nát tồi tàn… Nơi đã đùm bọc mẹ con em sống qua ngày với nghề đạm bạc, đêm đêm đón chờ đoàn tàu Lục Tỉnh lên, em tất tả lạo mái chèo, vừa cất tiếng rao: Ai ăn hủ tiếu thịt bò kho.

3) Xin mời bà con cô bác ai muốn sang sông, em xin tiễn một chuyến sang ngang, có lẽ đây là chuyến vĩnh biệt cuối cùng, chúc bà con lên đường mạnh giỏi bình an, tôi, tôi phải ở lại nhà nuôi dưỡng từ thân, cho đến khi gió lặng trời êm:

(Thơ) Mẹ già ở túp lều tranh,
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con.
Ra đi lòng dạ héo von,
Ra đi nhớ mẹ chết trong cõi lòng…

Kép: (ngâm thơ)

Chúc cô ở lại nhiều may mắn,
Thuở thanh bình tươi sáng gặp nhau.
Bóng chiều lấm tấm điểm sao,
Cô về bên vắng cặm sào nghỉ ngơi…

Vọng cổ:

Đào:

4) Anh ôi! Đời của em chỉ sống trong bóng tối của đêm tàn… Khi đoàn tàu ghé lại rước khách ở đầu vàm… Dầu mưa to gió lớn lòng em vẫn một mình chèo chiếc xuống nan lướt sóng ra khơi…

Nhà nghèo em phải lất lây,
Bán buôn nuôi mẹ quản gì gian lao.
Số em là số ba đào,
Tảo tần vì nghĩa cù lao sanh thành…

Kép:

Ngậm ngùi giây phút chia tay,
Người đi kẻ ở rủi may sao lường.

5) Bò kho vừa ngon lại vừa dòn… Đây là món ăn của kẻ lỡ đường. Để giúp em tháng ngày nuôi dưỡng mẫu thân, đời em dù trải gió sương, dù cay dù đắng xem thường kể chi.

Đói lòng ăn bát cháo môn.
Nhịn cơm nuôi mẹ, cho tròn hiếu trung.
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…

Bây giờ em đã mồ côi cha, thì còn nghĩa mẹ phải lo báo đền…

6) Hò hơ… Con cá lý ngư sầu tư biếng lội. Con chim trên nhành sầu cội biếng bay. Ai bày chi lắm cảnh lá lay. Kẻ rời quê mẹ người rày tha phương. Mình em chẳng ngại gió sương. Bán vàm nuôi mẹ lênh đênh theo dòng.

(Có tiếng súng nổ ác liệt).

Trời ơi! Mẹ ôi! Con đã bị thương máu đổ tuôn tràn, đây là giây phút vĩnh biệt đôi đàng, trần gian mẹ ở, suối vàng con đi.

Kép:

Ôi! Dòng nước bạc chôn người bạc mạng,
Vẳng đâu đây còn văng vẳng dư âm…

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT