Thursday, March 28, 2024

Tâm tình với Diệu Quyên, xướng ngôn viên SBTN

Những lần sau đó khi Trung Tâm Asia tham gia tổ chức chương trình Ðại Nhạc Hội Cám Ơn Anh để gây quỹ giúp các thương binh VNCH tại quê nhà Diệu Quyên cũng xuất hiện trên sân khấu bên cạnh anh Việt Dzũng, để cùng anh giới thiệu chương trình. Mới đầu thì run lắm, nhưng riết rồi cũng quen và lấy lại được bình tĩnh khi nhận ra trách nhiệm của mình để hoàn thành công việc. Từ ý nghĩ đó, Diệu Quyên không còn cảm thấy run nhiều như trước nữa. Tiếc là anh Việt Dzũng, một trong những MC gạo cội của Asia, đã bỏ tụi này đi xa rồi. Diệu Quyên cảm thấy mình rất may mắn được học hỏi và làm việc với các anh Việt Dzũng, Nam Lộc cùng các MC đồng nghiệp khác như Thùy Dương, chị Ngọc Ðan Thanh… và cả những người đã từng cộng tác với trung tâm Asia trong vai trò điều hợp chương trình. Tụi này làm việc và gắn bó với nhau như những thành viên trong một gia đình vậy đó!

NV: Nếu đặt chị trong hoàn cảnh phải lựa chọn giữa ba nghề: dạy học, xướng ngôn viên đài truyền hình, và MC giới thiệu chương trình, chị sẽ chọn nghề gì?

Nguyễn Khoa Diệu Quyên: (Cười) Không chọn nghề nào hết! Ðùa một tí cho vui thôi! Ðôi khi cái duyên nó đến bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng và ngoài mơ ước! Nếu nói về mơ ước thì mình quả là có ôm mộng làm cô giáo từ hồi còn nhỏ, thời thơ ấu còn lẽo đẽo theo chân các bà sơ. Sau này vì nhu cầu của công việc, và nghe lời ông xã Trúc Hồ khuyến khích, mình tập tễnh vào nghề xướng ngôn viên để phụ giúp chồng trong thời gian SBTN vừa mới hình thành. Công việc MC như đã nói ở trên, cũng chỉ là một sự tình cờ không đến từ ý muốn. Diệu Quyên luôn nghĩ rằng khi đã chấp nhận ở một vị trí nào thì phải cố gắng làm tốt vai trò của mình. Ðó là một cách biểu lộ lòng tôn trọng và biết ơn tới quý khán thính giả của mình.

NV: Xin phép được hỏi chị một câu khá riêng tư. Ðức Tuấn có nghe qua về mối tình đầu của chị, nhưng vẫn thường tự hỏi những gì mình nghe qua có đúng như sự thật hay không vì nếu đúng như vậy thì chị quả là người rất may mắn.

Nguyễn Khoa Diệu Quyên: (Mỉm cười) Mình cũng còn thắc mắc nữa đây, huống hồ là Ðức Tuấn. Từ trước tới giờ mình chỉ có một mối tình nên chắc gọi là mối tình đầu thì cũng đúng! Diệu Quyên quen Hồ từ những năm học trung học, khi ấy tụi này cùng tham gia sinh hoạt trong ca đoàn nhà thờ. Ấn tượng đầu tiên về Hồ là ngón đàn organ rất tuyệt vời của anh. Mình cảm thấy dần dần bị chinh phục bởi tài năng và tấm lòng giản dị chân thật cùng với sự khiêm tốn ở anh. Tình cảm bắt đầu nẩy nở như một định mệnh. Chúng tôi yêu nhau. Dĩ nhiên là cũng trải qua những khó khăn thử thách từ phía gia đình. Nhưng Chúa thương cho tụi này vượt qua được tất cả và còn giữ được nhau cho đến nay đã hơn 26 năm chung sống trong hôn nhân. Ðối với Diệu Quyên thì đây chính là hồng phúc của Ơn Trên đã ban cho mình.

NV: Cám ơn chị đã chia sẻ mối tình đầu rất đẹp. Mong rằng đó cũng là tình cuối dành cho những người suốt đời chỉ mang một mối tình như chị. Thưa chị Diệu Quyên, bí quyết nào đã giúp chị gìn giữ được hạnh phúc nhất là khi “nửa kia” của mình lại là một nghệ sĩ như nhạc sĩ Trúc Hồ?

Nguyễn Khoa Diệu Quyên: Thật sự thì có được hạnh phúc là một chuyện, nhưng giữ được hạnh phúc lại là một chuyện khác. Ðiều quan trọng trong đời sống hôn nhân là phải dành cho nhau sự tin tưởng và kính trọng. Ðiều này đòi hỏi ở tất cả những ai sống trong tình trạng đôi lứa, bất kể họ có là nghệ sĩ hay không. Vợ chồng mình đã thỏa thuận với nhau là sẽ không bao giờ giận nhau qua đêm. Nếu có xảy ra những phiền muộn hay giận hờn thì nhất định phải nói chuyện và làm lành với nhau rồi mới đi ngủ. Ðừng nên giữ kín những điều gì khiến mình phải ấm ức, trái lại vợ chồng nên chia sẻ với nhau càng nhiều càng tốt, và nên học thói quen chấp nhận lẫn nhau về tính tình khác biệt. Có như thế thì quan hệ vợ chồng mới trở nên khắng khít, bền vững. Mỗi khi gặp chuyện khó khăn cần phải giải quyết, bất kể là chuyện trong gia đình hay ngoài xã hội, Diệu Quyên thường tâm sự với ông xã. Những lần như thế Hồ luôn lắng nghe và thường cho mình những lời khuyên chân thành và thiết thực.

NV: Ở trường chị là cô giáo, là sếp chỉ huy học trò, và các em học sinh thì tuân theo sự chỉ dạy của cô Diệu Quyên. Vậy xin hỏi chị có khi nào chị quen với công việc “chỉ huy” này mà áp dụng với ông xã của mình không? Nếu có thì phản ứng của anh ấy ra sao?

Nguyễn Khoa Diệu Quyên: Có một lần Diệu Quyên có hơi quá, khi muốn chồng mình phải làm thế này, thế kia. Ðến khi anh ấy nhắc mình rằng: “Madame nên nhớ ta là chồng của nhà ngươi chứ không phải học trò nhà ngươi đâu!” Lúc đó mình mới cảm thấy lỡ lời và sorry ông xã! Mình cũng quên rằng anh cũng là “sếp” vì Hồ nắm giữ vai trò điều hành SBTN và trung tâm Asia.

NV: Với một thời khóa biểu quá bận rộn của một giáo sư trung học ban ngày, buổi chiều phải đọc tin tức cho SBTN, những chương trình ca nhạc của trung tâm Asia mà chị phải phụ giúp lên chương trình cho những buổi tập dợt, trình chiếu, chưa kể những hoạt động thiện nguyện giúp cộng đồng Việt Nam, làm thế nào để chị có giờ cho gia đình nhỏ của mình, nhất là vấn đề giáo dục con cái?

Nguyễn Khoa Diệu Quyên: Cám ơn Ðức Tuấn đã hỏi. Thật ra, khó mà chu toàn được mọi việc một cách hoàn hảo như mình muốn, vì không phải lúc nào mình cũng cân bằng được mọi việc. Ðược cái này thì mất cái kia. Cũng có lúc mình đam mê công việc mà quên dành thời giờ trò chuyện với con. Thế rồi, nhân một chuyến đi không dự tính cách đây gần hai năm (khoảng cuối Tháng Chín, 2014) khi xảy ra cuộc cách mạng ô dù của giới sinh viên học sinh ở Hồng Kông nhằm phản đối chính quyền Trung Cộng vi phạm quyền tự trị và tự do chính trị của người dân Hồng Kông, anh Trúc Hồ sắp xếp công việc để bay sang tận nơi ba ngày nhằm quan sát những cuộc biểu tình. Thấy bố Hồ đi, cháu Lý Bạch năm ấy đang học lớp 11, cũng muốn đi theo. Thế là hai cha con cùng lên đường. Khi trở về Mỹ, Lý Bạch thổ lộ đã học được bài học quý giá từ chuyến đi ngắn ngủi này. Lý Bạch có chia sẻ với mình rằng cháu cảm thấy quá may mắn và hạnh phúc khi được sống ở một đất nước có tự do dân chủ và nhân quyền như đất nước Hoa Kỳ, điều mà trước đây cháu chưa hề quan tâm nên đã không biết trân trọng. Lý Bạch rất cảm kích sự can trường của những người bạn trẻ tham gia cuộc biểu tình, đặc biệt là cậu học sinh Joshua Wong, tuy mới 17 tuổi, nhưng đã can đảm đứng ra lãnh đạo nhóm sinh viên, bất chấp sự đàn áp của cảnh sát dưới sự giật dây của chính quyền Trung Cộng.

Từ chuyến đi này cháu đã thấy được bối cảnh của một xã hội không có tự do dân chủ mà chính quê hương Việt Nam của chúng ta đang phải hứng chịu. Như một sự mở mắt, Lý Bạch đã tỏ ra rất hãnh diện cũng như ủng hộ những công việc thiện nguyện mà bố Hồ đã và đang làm cho đất nước Việt Nam, tất cả không ngoài mục đích tranh đấu cho tương lai của một nước Việt Nam có tự do, nhân quyền và dân chủ. Tưởng cũng nên nhắc lại, là trong khoảng thời gian mấy năm vừa qua anh Trúc Hồ và đài SBTN có khởi xướng phong trào tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam. Ðây là một việc làm thiện nguyện và vô vị lợi nhằm gây dư luận quốc tế về sự đàn áp nhân quyền của chính quyền Cộng Sản Việt Nam trên nhiều lãnh vực chính trị, tôn giáo, quyền tư hữu, v.v… Diệu Quyên thấy rằng mình phải dành thời giờ để tâm sự với con cái nhiều hơn, về lý do tại sao ông bà cha mẹ chúng đang có mặt trên đất nước Hoa Kỳ này.

Những bữa cơm tối là thời giờ mà gia đình có thể chia sẻ với nhau những sinh hoạt trong ngày. Ðó là những lúc mình hiểu thêm về con cái qua những câu chuyện nho nhỏ, qua đó mình biết được những nhu cầu của con cái để mà tìm cách đáp ứng những nguyện vọng của chúng. Những năm gần đây các cháu đã trưởng thành hơn, đã biết thông cảm với những việc làm thiện nguyện của cha mẹ. Cháu Lala đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với bố Hồ bằng tiếng Việt, về cuộc đời tị nạn của bố Hồ, về lý tưởng cũng như những tâm tư nguyện vọng của một người Việt tị nạn Cộng Sản sống trên đất nước Hoa Kỳ hôm nay. Qua những câu hỏi mà cháu đặt ra, mình thấy được rằng con cháu mình giờ đây cũng đã bắt đầu quan tâm đến cội nguồn của mình, và đó là bước đầu thành công trong việc giáo dục tư tưởng cho con em mình – những thế hệ thứ hai, thứ ba của người dân Việt hải ngoại, những người tị nạn Cộng Sản bất đắc dĩ phải sống bên ngoài tổ quốc.

NV: Ðức Tuấn rất cảm phục sự hy sinh của những con người đã không ngại dấn thân vào những công việc thiện nguyện. Chị có tâm tình nào gởi đến đồng hương, đặc biệt là các em học sinh?

Nguyễn Khoa Diệu Quyên: Diệu Quyên luôn trân trọng những ý kiến đóng góp và xây dựng của quý vị, ước mong quý vị luôn đồng hành với chúng tôi trong công cuộc phát huy tinh thần chính nghĩa quốc gia, nối tiếp truyền thống văn hóa dân tộc Việt của một Việt Nam Cộng Hòa để con cháu chúng ta, những người dân Việt lưu vong hiểu rằng chúng ta có một tổ quốc là nước Việt Nam cần được bảo vệ và gìn giữ.

Các em học sinh Việt Ngữ thân mến, cô cám ơn sự hiện diện của các em trong những buổi học Việt Ngữ cuối tuần. Các em đã hy sinh thời giờ quý báu của mình, đến với thầy cô và các bạn để cùng trau giồi tiếng Việt mến yêu. Sự cố gắng của các em là một khích lệ lớn lao cho các thầy cô, cho ban giảng huấn của các trung tâm Việt Ngữ.

NV: Cám ơn cô giáo Diệu Quyên với buổi tâm tình hôm nay.

MỚI CẬP NHẬT